Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Theo dõi Báo Thanh tra trên

Ai cố tình vi phạm luật phải xử lý, nhưng không hình sự hóa quan hệ dân sự, kinh tế

Hương Giang

Thứ sáu, 22/04/2022 - 20:26

(Thanh tra) - Thủ tướng Phạm Minh Chính nêu rõ, Chính phủ đặt ra quyết tâm thực hiện các giải pháp lành mạnh hóa thị trường vốn, ai vi phạm phải cương quyết xử lý nhưng không hình sự hóa quan hệ dân sự, kinh tế.

Thủ tướng Phạm Minh Chính. Ảnh: Nhật Bắc

Chiều ngày 22/4, Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì hội nghị phát triển thị trường vốn an toàn, minh bạch, hiệu quả, bền vững nhằm ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế.

Không làm quyết liệt thì “con sâu làm rầu nồi canh”

Kết luận hội nghị, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh, Chính phủ thể hiện rất rõ quan điểm xử lý nghiêm và quyết liệt những hành vi sai trái để minh bạch hóa thị trường tài chính.

Những vụ việc xảy ra liên quan đến thị trường vốn thời gian gần đây có nguyên nhân khách quan và chủ quan. Nhưng nguyên nhân chủ quan vẫn là chủ yếu.

“Nhiều người đều đặt câu hỏi tại sao lại có vụ việc phát hành trái phiếu như Tân Hoàng Minh, tại sao lại có vụ việc thao túng chứng khoán của Chủ tịch Công ty FLC, hay Công ty Chứng khoán Trí Việt... Và sẽ có nhiều câu hỏi liên quan đến việc phát hành trái phiếu, đến thị trường chứng khoán...”, Thủ tướng nêu.

Từ đó, ông cho rằng, nếu không làm quyết liệt, “con sâu làm rầu nồi canh” sẽ ảnh hưởng đến phát triển thị trường vốn, niềm tin nhà đầu tư.

“Ai vi phạm phải xử lý nhưng quan trọng nhất là bảo vệ các nhà đầu tư chân chính chiếm đại đa số trên thị trường, xử một người để cứu nhiều người, bảo vệ đa số các nhà đầu tư”, Thủ tướng nói.

Người đứng đầu Chính phủ lưu ý, tồn tại lớn nhất là thị trường tiền tệ chủ yếu huy động vốn ngắn hạn nhưng cho vay trung và dài hạn.

Trong khi thị trường vốn chủ yếu cung ứng vốn trung và dài hạn nhưng chưa phát triển hài hòa, bền vững vì vốn đang dựa chủ yếu vào hệ thống ngân hàng. Điều này tạo sức ép và rủi ro với tổ chức tín dụng.

“Như một người muốn gánh được hàng hóa cần phải để cân xứng hai đầu, nếu lệch sẽ đi chậm, hoặc không đi được, ngân hàng làm sao gánh được phần lớn vốn trung hạn và dài hạn”, Thủ tướng so sánh.

Nói đến thị trường trái phiếu, người đứng đầu Chính phủ cho rằng, qua những vụ việc vừa qua, đặc biệt là Tập đoàn Tân Hoàng Minh bị hủy 9 đợt phát hành trái phiếu do che giấu thông tin đã bộc lộ bất cập, đặc biệt về cơ chế chính sách để bị lợi dụng.

Thủ tướng Phạm Minh Chính trao đổi với các đại biểu. Ảnh: Nhật Bắc

Còn thị trường chứng khoán dù có bước phát triển mạnh mẽ, nhưng chưa đáp ứng nhu cầu của nền kinh tế và cũng bộc lộ những hạn chế, gây bức xúc cho nhà đầu tư giai đoạn gần đây.

“Tôi nghe rất nhiều phàn nàn về hiện tượng nghẽn lệnh, ứng dụng công nghệ, quản lý thị trường chưa tốt, tình trạng làm giá thao túng chứng khoán gây thiệt hại cho nhà đầu tư và niềm tin thị trường; chuẩn mực, đạo đức của một bộ phận cán bộ thực thi công vụ có vấn đề, chuẩn mực kế toán, chế tài xử lý, xử phạt còn bất cập...”, Thủ tướng phát biểu.

Ngoài ra, vẫn còn tình trạng sở hữu chéo, nợ xấu tiềm ẩn sau đại dịch COVID-19 có thể gia tăng, khó khăn trong thực hiện việc tái cơ cấu và xử lý tổ chức tín dụng yếu kém….

Tăng cường hơn nữa công tác thanh tra, giám sát

Nhấn mạnh, thời gian qua Việt Nam đã tạo lập được niềm tin với nhà đầu tư, đặc biệt nhà đầu tư nước ngoài, Thủ tướng yêu cầu tiếp tục kiên định thực hiện mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, thực hiện hiệu quả Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội.

Thủ tướng cũng nhấn mạnh là ổn định môi trường đầu tư, trong đó đặc biệt là sự nhất quán, ổn định chính sách để nhà đầu tư yên tâm

Chính phủ chỉ đạo Bộ Tài chính và các bộ, ngành liên quan xây dựng, hoàn thiện hành lang pháp lý, trình các cấp có thẩm quyền để bảo vệ nhà đầu tư tham gia thị trường chứng khoán, đặc biệt là thị trường trái phiếu. Đồng thời có giải pháp để phát triển cân bằng thị trường vốn và thị trường tiền tệ là phát triển lành mạnh, bền vững thị trường chứng khoán để mở rộng quy mô huy động vốn trung và dài hạn.

Với thị trường trái phiếu, người đứng đầu Chính phủ lưu ý, tăng cường hơn nữa công tác thanh tra, giám sát quá trình phát hành, phân phối, lưu ký, đầu tư, mua bán trái phiếu doanh nghiệp. Đặc biệt, chấn chỉnh việc sử dụng vốn sau phát hành trái phiếu doanh nghiệp phải đảm bảo minh bạch, đúng mục đích, tuân thủ đúng các quy định pháp luật qua đó bảo vệ được quyền và lợi ích hợp pháp của nhà đầu tư, thúc đẩy huy động vốn trung và dài hạn.

Khẩn trương hoàn thiện và phát triển nền tảng cơ sở hạ tầng hiện đại để thúc đẩy thị trường trái phiếu lành mạnh, bền vững thông qua việc khẩn trương ban hành các quy định pháp lý để thúc đẩy sự ra đời của công ty xếp hạng tín nhiệm.

Với thị trường chứng khoán, bên cạnh rà soát, sửa đổi các quy định bất cập hiện hành, Bộ Tài chính được giao tăng cường các giải pháp chế tài để xử phạt nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật trên thị trường chứng khoán, đặc biệt xử lý nghiêm tình trạng thao túng, làm giá, đảm bảo sự phát triển lành mạnh, minh bạch và bền vững cho thị trường.

Cùng với đó, chỉ đạo khắc phục ngay tình trạng nghẽn lệnh và đầu tư đổi mới công nghệ, ứng dụng công nghệ số; khẩn trương triển khai các biện pháp cần thiết để nâng hạng thị trường chứng khoán Việt Nam từ thị trường cận biên lên thị trường mới nổi để thu hút vốn đầu tư.

"Không hình sự hóa các quan hệ dân sự, quan hệ kinh tế”, Thủ tướng nhấn mạnh. Ảnh: N.Bắc

Với thị trường tiền tệ, Ngân hàng Nhà nước tiếp tục rà soát, củng cố, hoàn thiện khuôn khổ pháp lý để xử lý tình trạng tồn tại bất cập thời gian qua, nhất là liên quan đến vấn đề sở hữu chéo; tiếp tục kiểm soát chặt chẽ tín dụng vào các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro…

Những sai phạm vừa qua không đại diện cho đa số và đã xử lý

Về xử lý sai phạm. Thủ tướng giao Bộ Công an, Thanh tra Chính phủ phối hợp với các bộ, ngành liên quan kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm đối với thị trường trái phiếu, thị trường chứng khoán và tiền tệ với quyết tâm cao lành mạnh hóa thị trường, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của nhà đầu tư, nhất là các nhà đầu tư có hiệu quả.

“Ai cố tình vi phạm pháp luật thì phải cương quyết xử lý nhưng không hình sự hóa các quan hệ dân sự, quan hệ kinh tế”, Thủ tướng nhấn mạnh.

Ngoài ra, Thủ tướng cũng lưu ý, công tác truyền thông có lúc xảy ra khủng hoảng. Vì vậy, Bộ Thông tin và Truyền thông chỉ đạo các cơ quan báo chí truyền thông chính xác, đầy đủ, kịp thời những thông tin liên quan đến thị trường vốn.

Bộ Thông tin và Truyền phát hiện, đề nghị và phối hợp với Bộ Công an xử lý nghiêm các hành vi đưa thông tin xuyên tạc, thiếu kiểm chứng, không chính xác ảnh hưởng đến thị trường.

“Những sai phạm vừa qua không đại diện cho đa số và chúng ta đã xử lý”, một lần nữa Thủ tướng nêu rõ.

Ông cũng nhấn mạnh thêm, “Đảng và Nhà nước ta nhất quán chủ trương không hình sự hóa các quan hệ kinh tế và luôn có chính sách hỗ trợ, khuyến khích những doanh nghiệp tuân thủ Hiến pháp, pháp luật, làm ăn hiệu quả, chính đáng, minh bạch, làm giàu chính đáng cho mình, đóng góp cho xã hội, góp phần xây dựng đất nước hùng cường, thịnh vượng, mang lại hạnh phúc, ấm no cho nhân dân”.

PGS.TS, đại biểu Quốc hội (ĐBQH) Trần Hoàng Ngân cho rằng để phát triển thị trường vốn an toàn, minh bạch, hiệu quả, bền vững thị trường chứng khoán thì phải kịp thời phát hiện và xử lý mạnh tay, dứt khoát vi phạm ở tất cả các mặt, kể cả khâu công bố thông tin chưa kịp thời, chưa đúng quy định. Xây dựng các tiêu chí, kiểm tra ngay các biến động bất thường của các cổ phiếu có dấu hiệu thao túng trong thời gian sớm nhất…

Về thị trường trái phiếu, theo ông Ngân, cần bổ sung và điều chỉnh kịp thời các quy định pháp lý trên cơ sở tạo điều kiện tốt nhất cho doanh nghiệp huy động vốn nhưng phải hạn chế các rủi ro không đáng có cho nhà đầu tư. Ngoài ra, phải quy định rõ mục đích, lộ trình huy động vốn, định kỳ 3 tháng hoặc 6 tháng, công ty phát hành phải công bố công khai tình hình giải ngân vốn và mục đích sử dụng những loại vốn đã giải ngân.

GS.TS, ĐBQH Hoàng Văn Cường nhận định hội nghị hôm nay hết sức quan trọng, tạo tâm lý mới cho những nhà đầu tư cá nhân, tránh tình trạng bị dẫn dắt do tâm lý “bầy đàn”.

Ông Cường rất đồng tình với việc Thủ tướng nói “chúng ta không hình sự hóa các quan hệ dân sự, kinh tế” nhưng những ai cố tình làm hại thị trường thì phải được xử lý. Theo ông, ngăn chặn việc lũng đoạn thị trường là cần thiết. Do đó cần tăng cường trách nhiệm quản lý của các cơ quan giao trách nhiệm kiểm soát thị trường.

Ông Zafer Mustafaeglu, đại diện Ngân hàng Thế giới (WB) nhấn mạnh, Chính phủ Việt Nam đã nỗ lực nâng cấp thành Thị trường Mới nổi. Điều đó không chỉ đem lại cải thiện về chất lượng mà còn thu hút sự quan tâm của các nhà đầu tư quốc tế thứ hạng lớn đến Việt Nam.

Ví dụ trên thị trường cổ phiếu, nâng cấp thành Thị trường Mới nổi có thể đem lại thêm 10 tỷ USD đầu tư gián tiếp mới cho Việt Nam, trong đó riêng năm đầu tiên có thể tiếp nhận thêm từ 2-5 tỷ.

Theo đại diện WB, để đạt được kết quả đầy hứa hẹn đó, Việt Nam cần phải có nền tảng vững chắc để thị trường hoạt động hiệu quả.

Ông Andrew Jeffries, Giám đốc Quốc gia Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) nhấn mạnh tầm quan trọng của việc có hạ tầng định mức đánh giá mức độ tín nhiệm với thị trường vốn của Việt Nam, đặc biệt là thị trường trái phiếu doanh nghiệp.

Ngân hàng này đã hỗ trợ phát triển hệ thống định mức tín nhiệm. Theo lãnh đạo ADB, việc đánh giá tín nhiệm bắt buộc là cách tiếp cận rất phổ biến ở nhiều quốc gia phát triển cũng như quốc gia láng giềng của Việt Nam như Thái Lan, Indonesia, Ấn Độ, Trung Quốc… Hệ thống này giúp đẩy mạnh minh bạch và rất tốt cho nhà đầu tư.

Hiện nay, Việt Nam mới có 2 đơn vị đánh giá xếp hạng tín nhiệm. ADB khuyến nghị có thêm các cơ quan mới để đánh giá định mức tín nhiệm.

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Ninh Thuận: Phấn đấu vùng đồng bào dân tộc thiểu số giảm hộ nghèo xuống dưới 10%

Ninh Thuận: Phấn đấu vùng đồng bào dân tộc thiểu số giảm hộ nghèo xuống dưới 10%

(Thanh tra) - Ngày 22/11, Đại hội Đại biểu các dân tộc thiểu số lần thứ IV năm 2024 lấy chủ đề “Các dân tộc tỉnh Ninh Thuận đoàn kết, đổi mới sáng tạo, phát huy lợi thế, tiềm năng, hội nhập và phát triển bền vững” đã diễn ra thành công tốt đẹp, với sự tham gia của 250 đại biểu đại diện cho gần 170.000 đồng bào các dân tộc thiểu số (DTTS) trên địa bàn tỉnh Ninh Thuận.

Hoàng Nam

22:10 22/11/2024
Giao Quyền Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị đối với ông Hà Sỹ Đồng

Giao Quyền Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị đối với ông Hà Sỹ Đồng

(Thanh tra) - Theo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ, ông Hà Sỹ Đồng, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Quảng Trị được giao Quyền Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị từ ngày 22/11 cho đến khi kiện toàn chức danh Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị nhiệm kỳ 2021 – 2026.

Minh Tân

17:29 22/11/2024

Tin mới nhất

Xem thêm