Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Theo dõi Báo Thanh tra trên

Việt Nam đóng góp tích cực thúc đẩy phát triển, liên kết kinh tế trong APEC

Thứ sáu, 15/11/2013 - 15:58

(Thanh tra) - Sáng nay (15/11), Hội nghị “APEC trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương của thế kỷ XXI”, do Bộ Ngoại giao phối hợp với Cơ quan Phát triển Liên hợp quốc tại Việt Nam (UNDP) tổ chức, đã diễn ra tại Hà Nội. Tham dự hội nghị có Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh.

Toàn cảnh hội nghị. Ảnh: Thảo Nguyên

Đây là hội nghị quan trọng nhất về Diễn đàn APEC do Việt Nam tổ chức trong năm nay, đúng vào dịp kỷ niệm 15 năm Việt Nam tham gia APEC (15/11/1998 - 15/11/2013). 

Chia sẻ nhiều lợi ích và trách nhiệm chung to lớn

Phát biểu khai mạc hội nghị, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh cho rằng, hội nghị diễn ra vào thời điểm có ý nghĩa quan trọng đối với khu vực cũng như APEC, nhất là trong bối cảnh kinh tế - chính trị ở châu Á - Thái Bình Dương và trên thế giới đang có nhiều thay đổi sâu sắc, mang mính bước ngoặt. Khu vực đang đứng trước những vận hội mới đan xen với các thách thức to lớn.

Trên toàn cầu, hòa bình, hợp tác, liên kết và phát triển là xu thế nổi trội, vận động theo xu hướng đa trung tâm, đa tầng nấc. Châu Á - Thái Bình Dương trở thành động lực của tăng trưởng và liên kết kinh tế thế giới, là khu vực phát triển năng động nhất với phạm vi và mức độ liên kết ngày càng sâu rộng. 

“APEC đang có những cơ hội để gia tăng tiềm lực và vị thế, song cũng đứng trước không ít thách thức, nhất là những hạn chế trong việc triển khai các mục tiêu Bô-go, tốc độ cải cách, nội hàm hợp tác và tầm đóng góp trong các vấn đề khu vực và quốc tế”, Phó Thủ tướng nhấn mạnh.Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh chụp ảnh lưu niệm với các đại biểu tham dự hội nghị. Ảnh: Thảo Nguyên

Theo Phó Thủ tướng, các thành viên APEC đang cùng chia sẻ nhiều lợi ích và trách nhiệm chung to lớn. Đó là việc hỗ trợ các nền kinh tế thành viên phục hồi và phát triển, duy trì vai trò đầu tầu của khu vực trong nền kinh tế toàn cầu, duy trì hòa bình, ổn định, hợp tác và thịnh vượng ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương. 

Về quyết định tham gia Diễn đàn APEC cách đây 15 năm, Phó Thủ tướng khẳng định, đây là bước triển khai quan trọng chính sách đối ngoại rộng mở, đa phương hóa, đa dạng hóa và hội nhập kinh tế quốc tế của Việt Nam. Trong thời kỳ chiến lược mới hiện nay, châu Á - Thái Bình Dương nói chung và Diễn đàn APEC nói riêng càng có ý nghĩa đặc biệt quan trọng đối với Viêt Nam. 

Định hướng chính sách lớn của Viêt Nam là góp phần củng cố các cơ chế hợp tác, liên kết kinh tế đa tầng nấc ở châu Á - Thái Bình Dương, từ tiểu vùng đến xây dựng cộng đồng ASEAN, Diễn đàn APEC và khu vực. 

Tăng cường liên kết kinh tế, phát triển bền vững

Tại hội nghị, các đại biểu tập trung thảo luận, đánh giá thực chất vai trò, triển vọng của APEC cũng như xu thế liên kết kinh tế khu vực. Các đại biểu khẳng định, bước sang thập niên thứ hai của thế kỷ XXI, APEC tiếp tục là cơ chế hợp tác kinh tế quan trọng, song cần tiếp tục cải cách nội dung hợp tác, cách thức hoạt động để phù hợp với tình hình mới.

Ông Nagesh Kumar, Kinh tế trưởng Ủy ban Kinh tế - Xã hội châu Á - Thái Bình Dương cho rằng cần thiết phải thay đổi bản chất của tăng trưởng theo hướng đồng đều hơn, bền vững hơn, bảo đảm chất lượng cuộc sống của người dân, hướng tới thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững sau 2015. 

Đại diện các nền kinh tế thành viên APEC tham dự hội nghị. Ảnh: Thảo Nguyên

Nhiều doanh nghiệp nhấn mạnh hợp tác APEC nên tập trung cao đồng bộ chính sách, kết nối chuỗi cung ứng, tăng cường hợp tác dịch vụ, thúc đẩy công nghệ, sáng tạo, phát triển doanh nghiệp vừa và nhỏ, sự tham gia của phụ nữ trong phát triển kinh tế, giải quyết các thách thức toàn cầu về an ninh lương thực, an ninh năng lượng…

Hội nghị cũng dành nhiều thời gian thảo luận, đánh giá và đề xuất các chính sách nâng cao hiệu quả tham gia, đóng góp, phát huy vai trò của Việt Nam trong APEC; đồng thời bước đầu trao đổi về việc chuẩn bị cho Việt Nam đăng cai Hội nghị Cấp cao APEC lần thứ 25 năm 2017.

Các thành viên APEC đánh giá cao vai trò, sự tham gia, đóng góp chủ động, tích cực và hiệu quả của Việt Nam. Với việc tổ chức thành công Hội nghị Cấp cao APEC 14 năm 2006, xác định triển vọng dài hạn của liên kết khu vực, hướng tới hình thành khu vực thương mại tự do châu Á - Thái Bình Dương, cũng như đảm nhiệm nhiều vị trí Chủ tịch và Phó Chủ tịch các Nhóm công tác chủ chốt của APEC, Việt Nam đã đóng góp tích cực thúc đẩy sự phát triển, hợp tác của APEC.

Nhiều đại biểu cũng đề xuất, trong giai đoạn đẩy mạnh hội nhập quốc tế sâu rộng và toàn diện, Việt Nam cần đổi mới chính sách và cách thức triển khai các ưu tiên trong APEC, tăng cường trách nhiệm đóng góp vào những quan tâm chung, nhất là ứng phó với các thách thức toàn cầu như an ninh nguồn nước, an ninh lương thực, ứng phó với thiên tai. Cùng với đó, cần đẩy mạnh quảng bá hình ảnh, vai trò và lợi ích của APEC tới cộng đồng doanh nghiệp và các địa phương.

Bộ Ngoại giao Việt Nam cho biết, Diễn đàn APEC hội tụ hầu hết các đối tác kinh tế, thương mại và chiến lược hàng đầu của Việt Nam, là khu vực đầu tư trực tiếp lớn nhất với 65% tổng số vốn đầu tư nước ngoài, chiếm 60% giá trị xuất khẩu, 80% giá trị nhập khẩu và 75% lượng khách du lịch quốc tế của Việt Nam.  

Việt Nam đã quyết định và được các thành viên APEC hoàn toàn ủng hộ việc lần thứ hai đăng cai Hội nghị Cấp cao APEC vào năm 2017. Quyết định nhằm tiếp tục triển khai mạnh mẽ chủ trương chủ động và tích cực hội nhập quốc tế, thể hiện tầm nhìn dài hạn của Việt Nam về châu Á - Thái Bình Dương. Đây cũng sẽ là đóng góp thiết thực nữa của Việt Nam góp phần duy trì vai trò và vị thế của APEC, xây dựng một châu Á - Thái Bình Dương của thế kỷ XXI tự cường, năng động và thịnh vượng - động lực của tăng trưởng toàn cầu.


Thảo Nguyên

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Việt Nam công bố tái ứng cử Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc nhiệm kỳ 2026-2028

Việt Nam công bố tái ứng cử Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc nhiệm kỳ 2026-2028

(Thanh tra) - “Nếu trúng cử vào Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc nhiệm kỳ 2026-2028, Việt Nam sẽ thúc đẩy thực hiện các mục tiêu chung của Hội đồng Nhân quyền là bảo đảm ngày càng tốt hơn việc thụ hưởng quyền con người của mọi người dân trên toàn thế giới”, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Đỗ Hùng Việt khẳng định.

T.Thanh

12:17 13/12/2024

Tin mới nhất

Xem thêm