Theo dõi Báo Thanh tra trên
Thứ hai, 14/07/2014 - 10:28
Các nước đã nhận thấy rõ âm mưu bá quyền của Trung Quốc với “đường lưỡi bò” và không thể đứng yên nhìn nước này muốn làm gì thì làm.
Luật sư ĐBQH Trương Trọng Nghĩa
Ngày 10/7, Thượng viện Mỹ đã thông qua nghị quyết về biển Đông (Nghị quyết S.Res.412, gọi tắt là Nghị quyết 412). Đây được xem là động thái mạnh mẽ của Thượng viện Mỹ trước những hành động ngang ngược, vi phạm luật pháp quốc tế mà Trung Quốc (TQ) đơn phương hành xử trên biển Đông suốt thời gian qua. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam (VN) Lê Hải Bình ngày 11/7 cho hay VN hoan nghênh Nghị quyết 412 của Thượng viện Mỹ.
Trao đổi với Pháp Luật TP.HCM, Luật sư Đại biểu Quốc hội (ĐBQH) Trương Trọng Nghĩa nói: “Tôi đặc biệt cảm kích trước việc Thượng viện Mỹ “kêu gọi chính phủ Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa rút giàn khoan Hải Dương 981 và các lực lượng hải quân ra khỏi vị trí hiện tại, ngừng những hoạt động hàng hải trái với Công ước về phòng chống va chạm trên biển (COLREGs) và trả lại hiện trạng trên biển Đông như đã tồn tại trước 1-5-2014”. Chính nghĩa của Việt Nam đã được ủng hộ
. Phóng viên: Ông có thể nói rõ hơn về những mục tiêu mà Thượng viện Mỹ hướng tới khi ra nghị quyết này?
+ ĐBQH Trương Trọng Nghĩa: Đây là nghị quyết về việc Thượng viện Mỹ ủng hộ tự do hàng hải và việc sử dụng vùng biển và vùng trời của khu vực châu Á-Thái Bình Dương phù hợp với luật pháp quốc tế, giải quyết các tranh chấp lãnh thổ và hàng hải bằng phương cách ngoại giao hòa bình. Nghị quyết đặc biệt quan tâm chỉ trích việc thiết lập vùng nhận diện phòng không ở biển Hoa Đông và “lên án những hành vi cưỡng ép, đe dọa hoặc sử dụng bạo lực để cản trở tự do hoạt động trên vùng trời quốc tế bằng các máy bay quân sự và dân sự, thay đổi hiện trạng hoặc gây mất ổn định cho khu vực châu Á-Thái Bình Dương” của TQ.
Nghị quyết có những đoạn lên án mạnh mẽ về hành vi trái phép của TQ trên biển Hoa Đông và biển Đông đối với nhiều nước trong vùng, kể cả VN. Trong phần liệt kê các lý do ban hành nghị quyết, đã có bốn đoạn nêu rõ và chỉ trích việc TQ đặt giàn khoan Hải Dương 981 cách bờ biển VN 120 hải lý, dùng tàu biển, kể cả tàu quân sự uy hiếp tàu thực thi pháp luật của VN. Nghị quyết nêu rõ: “Các yêu sách lãnh thổ và các hoạt động hàng hải liên quan của TQ nhằm hỗ trợ hoạt động của giàn khoan Hải Dương 981 bắt đầu từ 1-5-2014 đã không được giải thích bằng luật pháp quốc tế, kể cả Công ước về Luật Biển 1982, là một hành động đơn phương nhằm thay đổi hiện trạng bằng bạo lực (change the status quo by force) và có dấu hiệu vi phạm Tuyên bố về ứng xử của các bên ở biển Đông năm 2002 (DOC)”.
Nghị quyết cho rằng việc sử dụng hơn 80 tàu biển, kể cả tàu quân sự hỗ trợ giàn khoan Hải Dương 981 và uy hiếp các tàu thực thi pháp luật của VN, cố ý đâm và phun vòi rồng vào tàu VN, sử dụng máy bay lên thẳng cản trở tàu VN là vi phạm Công ước COLREGs mà cả TQ và Mỹ là thành viên. Nghị quyết cũng cho rằng việc TQ thiết lập vùng đặc quyền bán kính ba hải lý chung quanh giàn khoan là vi phạm Công ước Luật Biển 1982.
. Theo quan sát của ông, Nghị quyết 412 có ý nghĩa như thế nào trong bối cảnh hiện nay, khi suốt hơn hai tháng qua TQ vẫn tiếp tục duy trì sự sai trái của mình ở khu vực giàn khoan trái phép Hải Dương 981, bất chấp thiện chí của VN?
+ Nghị quyết này có ý nghĩa quan trọng. Thượng viện Mỹ là một trong hai viện hợp thành Quốc hội Mỹ, với những quyền hạn rất lớn, trong đó có những quyền hạn riêng có. Nghị quyết này được thông qua với sự nhất trí của toàn bộ thành viên Thượng viện (unanimous consent), phản ánh sự đánh giá tiêu cực và không đồng tình của chính giới Mỹ về những hành động của nhà nước TQ ở biển Đông và biển Hoa Đông.
Nghị quyết dành nhiều nội dung để ủng hộ các đồng minh của Mỹ trong khu vực như Nhật, Hàn Quốc, Philippines, Indonesia, Úc, Thái Lan là chuyện dễ hiểu nhưng việc dành một số lượng chữ không ít, với những lời lẽ rõ ràng, dứt khoát phản đối các hành vi của TQ, ủng hộ lập trường của VN về tình hình giàn khoan Hải Dương 981 sẽ có tác động mạnh đối với chính phủ và nhân dân các nước trong khu vực và trên thế giới. Nó cho thấy chính nghĩa của nhân dân VN đã được sự ủng hộ của Thượng viện Mỹ, đồng thời là một lời cảnh báo đối với các thế lực bành trướng và hiếu chiến của TQ.
Nhận diện và ngăn chặn mưu đồ bá quyền
. Dù không phải là đồng minh nhưng Thượng viện Mỹ vẫn ủng hộ VN. Có ý kiến cho rằng VN khó thắng nếu thiếu sự liên minh với bạn bè trong cuộc đấu tranh bảo vệ chủ quyền trước một thế lực bành trướng hiếu chiến hùng mạnh như TQ. Theo ông, ý kiến này đúng hay sai?
+ VN không liên minh với nước này để chống nước kia. Đó là đường lối đúng đắn, thể hiện chính sách hòa bình, hữu nghị của VN, cũng là nghĩa vụ của một thành viên Liên Hiệp Quốc (LHQ). Nhưng không “liên minh để chống” không có nghĩa là không được “liên minh để tự vệ” khi bị xâm lược. Bảo vệ chủ quyền là quyền thiêng liêng của mọi quốc gia, bao gồm cả “quyền tự vệ riêng lẻ hay tập thể chính đáng” được quy định tại Điều 51 Hiến chương LHQ. Nếu có một quốc gia muốn độc chiếm vùng trời, vùng biển của nước khác và của nhân loại bằng vũ lực thì các nước bị xâm hại có quyền liên minh để tự vệ.
. Diễn biến trên thực địa lẫn mặt trận đối ngoại cho thấy TQ không chỉ phớt lờ các phản ứng của VN, dư luận quốc tế mà còn có những vu cáo trơ trẽn để che đậy sự thật. Thái độ mạnh mẽ này từ Thượng viện Mỹ liệu có tác động đối với mưu đồ “bá quyền ở biển Đông”, điều mà TQ đã âm thầm “nuôi mộng” và đang có những bước đi phiêu lưu để hóa “mộng” thành thực?
+ Theo tôi hiểu, nghị quyết này được đệ trình trước khi xảy ra việc TQ đặt giàn khoan Hải Dương 981 để đối phó với những hành động sai trái của TQ trên vùng biển, vùng trời Hoa Đông và ở vùng biển gần Philippnes. Sau vụ giàn khoan, các thượng nghị sĩ Mỹ đã bổ sung một số nội dung nhằm phản đối việc đặt giàn khoan và lên án các hành vi cưỡng ép và hiếu chiến của TQ, bày tỏ sự ủng hộ nhân dân VN. Điều này cho thấy các nước khác, trong đó có Mỹ đã nhận rõ “đường lưỡi bò” thực chất là âm mưu của TQ độc quyền kiểm soát vùng biển và vùng trời Đông Nam và Đông Bắc Á, bất chấp chủ quyền của các nước nhỏ yếu hơn. Những hành vi của TQ đối với VN, Philippines, Nhật… là những bước đi thực hiện âm mưu đó. TQ đang và sẽ trở thành nguy cơ đối với hòa bình, an ninh và ổn định của khu vực. Nếu thế giới không có biện pháp ngăn chặn có hiệu lực thì tham vọng bành trướng của TQ sẽ đe dọa cả loài người trong tương lai.
Việc Thượng viện Mỹ thông qua nghị quyết vào thời điểm khi vừa diễn ra những hoạt động của ngoại trưởng Mỹ tại TQ cho thấy quan điểm và thái độ kiên quyết của Quốc hội Mỹ đối phó với mưu đồ bá quyền của TQ, không bị lệ thuộc vào các lợi ích kinh tế không nhỏ trong quan hệ với TQ. Chắc chắn TQ không hài lòng và sẽ phản đối nghị quyết này, trừ phi họ coi thường tác động của nó.
Mạnh Lê thực hiện
Theo PLO
Ý kiến bình luận:
Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!
(Thanh tra) - “Nếu trúng cử vào Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc nhiệm kỳ 2026-2028, Việt Nam sẽ thúc đẩy thực hiện các mục tiêu chung của Hội đồng Nhân quyền là bảo đảm ngày càng tốt hơn việc thụ hưởng quyền con người của mọi người dân trên toàn thế giới”, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Đỗ Hùng Việt khẳng định.
T.Thanh
12:17 13/12/2024(Thanh tra) - Hôm nay (11/12), tại Hà Nội, Cục Đường sắt Việt Nam (ĐSVN) - Bộ Giao thông vận tải (GTVT) đã tổ chức Hội nghị Đường sắt biên giới Việt - Trung lần thứ 44.
Trần Quý
17:45 11/12/2024T.Thanh
15:02 10/12/2024Hoàng Nam
21:46 05/12/2024T.Lương
21:25 05/12/2024Trần Quý
Trần Quý
Trần Kiên
Bùi Bình
Văn Thanh
Bùi Bình
Văn Thanh
Trần Kiên
Trung Hà
Thái Hải
Bùi Bình