Theo dõi Báo Thanh tra trên
Thứ ba, 11/02/2020 - 22:03
Chủ tịch EP nhấn mạnh EU coi Việt Nam là đối tác quan trọng tại châu Á-TBD, mong muốn Việt Nam tiếp tục ủng hộ, đóng góp tích cực vào việc tăng cường quan hệ hợp tác giữa EU và các nước ASEAN.
Thứ trưởng Thường trực Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn gặp Chủ tịch Nghị viện châu Âu (EP) David Sassoli. (Nguồn: TTXVN)
Theo phóng viên TTXVN tại Paris, trong khuôn khổ chuyến thăm và làm việc tại Brussels, Bỉ và Strasbourg, Pháp với tư cách là Đặc phái viên Thủ tướng Chính phủ, chiều 11/2, Ủy viên Trung ương Đảng, Thứ trưởng thường trực Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn đã có cuộc gặp quan trọng với Chủ tịch Nghị viện châu Âu (EP) David Sassoli.
Chủ tịch EP David Sassoli bày tỏ ấn tượng trước những thành tựu phát triển kinh tế-xã hội và hội nhập quốc tế của Việt Nam; chúc mừng Việt Nam đảm nhiệm cương vị Chủ tịch Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) năm 2020 và Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc nhiệm kỳ 2020-2021.
Chủ tịch EP khẳng định ủng hộ thúc đẩy quan hệ hợp tác toàn diện giữa EU và Việt Nam, nhấn mạnh EU coi Việt Nam là đối tác quan trọng tại châu Á-Thái Bình Dương, mong muốn Việt Nam tiếp tục ủng hộ, đóng góp tích cực vào việc tăng cường quan hệ hợp tác giữa EU và các nước ASEAN.
Chủ tịch Nghị viện châu Âu khẳng định cá nhân ông và nhiều nghị sỹ ủng hộ việc EP phê chuẩn hiệp định Hiệp định thương mại tự do (EVFTA) và Hiệp định Bảo hộ đầu tư (EVIPA) giữa Liên minh châu Âu (EU) và Việt Nam, đánh giá cao sự phối hợp chặt chẽ, hiệu quả của Quốc hội, Chính phủ và các cơ quan của Việt Nam trong quá trình phối hợp với EP và các cơ quan EU chuẩn bị cho bỏ phiếu phê chuẩn hai hiệp định tại EP.
Chủ tịch Sassoli đề nghị hai bên tiếp tục phối hợp chặt chẽ để bảo đảm thực thi hiệu quả các hiệp định, đem lại lợi ích thiết thực cho doanh nghiệp và người dân hai bên.
Thứ trưởng thường trực Bùi Thanh Sơn khẳng định Lãnh đạo Đảng và Nhà nước Việt Nam coi trọng và mong muốn tiếp tục thúc đẩy mối quan hệ đối tác hợp tác toàn diện với EU; đánh giá cao những bước phát triển tích cực trong quan hệ giữa hai bên trên nhiều lĩnh vực trong thời gian qua, đặc biệt sau khi Hiệp định Đối tác hợp tác toàn diện (PCA) có hiệu lực.
Thứ trưởng thường trực Bùi Thanh Sơn mong muốn lãnh đạo và các nghị sỹ EP tiếp tục ủng hộ, thúc đẩy hơn nữa hợp tác toàn diện giữa Việt Nam và EU trong giai đoạn hợp tác mới sau 30 năm hai bên thiết lập quan hệ ngoại giao (1990-2020).
Thứ trưởng thường trực Bùi Thanh Sơn cũng đánh giá cao vai trò lãnh đạo, sự ủng hộ của Chủ tịch Sassoli cũng như sự hợp tác chặt chẽ của các cơ quan EP trong tiến trình phê chuẩn các hiệp định EVFTA và EVIPA, hoan nghênh việc EP khóa mới sớm ấn định lịch trình phê chuẩn hai hiệp định ngay đầu nhiệm kỳ hoạt động.
Thứ trưởng thường trực Bùi Thanh Sơn cũng thông báo Quốc hội Việt Nam sẽ sớm xem xét phê chuẩn hai hiệp định, khẳng định các cơ quan liên quan của Việt Nam đã và đang đẩy mạnh các công tác chuẩn bị để thực thi hiệu quả các cam kết, nhất là các cam kết về phát triển bền vững, lao động, môi trường…; đề nghị EP và các cơ quan EU tiếp tục hợp tác chặt chẽ với Việt Nam trong quá trình thực thi hiệp định thời gian tới.
Trong khuôn khổ chuyến làm việc từ ngày 4-12/2, Đặc phái viên của Thủ tướng Chính phủ, Thứ trưởng thường trực Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn cũng đã có nhiều cuộc làm việc quan trọng với Phó Chủ tịch EP Pedro Silva Pereira, Chủ tịch Ủy ban Thương mại Quốc tế EP (INTA) Bernd Lange, Ủy viên Thương mại Châu Âu Phil Hogan, lãnh đạo nhiều đảng chủ chốt như đảng Nhân dân châu Âu (EPP), Xã hội và Dân chủ (S&D), Châu Âu Đổi mới (RE)…, trưởng đoàn nghị sỹ EP của nhiều nước thành viên EU như Pháp, Phần Lan, Bulgari, Thụy Điển, Bồ Đào Nha, Tây Ban Nha, Italy… và nhiều nghị sỹ nhằm trao đổi những vấn đề hai bên cùng quan tâm, chuẩn bị cuộc cho bỏ phiếu về thông qua hai hiệp định tại EP.
Chủ tịch INTA Bernd Lange và nhiều nghị sỹ cho rằng kết quả bỏ phiếu tích cực về EVFTA và EVIPA tại INTA ngày 21/1 vừa qua phản ánh sự ủng hộ của nhiều nghị sỹ EP đối với hai hiệp định, nhấn mạnh sự chủ động của các cơ quan Việt Nam trong việc chuẩn bị thực thi các cam kết trong các hiệp định và trao đổi thường xuyên với các cơ quan của EP đã tạo cơ sở quan trọng để EP xem xét và chuẩn bị cho cuộc bỏ phiếu.
Lãnh đạo EP, INTA và nhiều nghị sỹ chủ chốt thuộc các nhóm đảng trong EP cho biết họ ủng hộ phê chuẩn EVFTA và EVIPA và sẽ tích cực vận động các nghị sỹ EP bỏ phiếu ủng hộ.
Quang cảnh một buổi làm việc. (Nguồn: TTXVN)
Về lịch trình phê chuẩn, EP đã ấn định lịch bỏ phiếu phê chuẩn hiệp định EVFTA và EVIPA vào ngày 12/2, theo đó EVFTA sẽ là hiệp định thương mại tự do thế hệ mới đầu tiên được EP khóa mới xem xét phê chuẩn.
Các Hiệp định EVFTA và EVIPA được ký ngày 30/6/2019 tại Hà Nội, là các hiệp định thương mại tự do và bảo hộ đầu tư có mức độ cam kết sâu rộng, toàn diện, bao quát các lĩnh vực kinh tế, thương mại, đầu tư và các vấn đề phát triển bền vững.
Theo nghiên cứu của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, các Hiệp định EVFTA và EVIPA dự kiến sẽ giúp Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Việt Nam tăng thêm 4,6% và xuất khẩu sang EU tăng thêm 42,7% vào năm 2025.
Ủy ban châu Âu ước tính GDP của EU sẽ tăng thêm 29,5 tỷ USD và xuất khẩu sang Việt Nam tăng 29% vào năm 2035./.
Theo Linh Hương (TTXVN/Vietnam+)
Ý kiến bình luận:
Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!
(Thanh tra) - Hôm nay (11/12), tại Hà Nội, Cục Đường sắt Việt Nam (ĐSVN) - Bộ Giao thông vận tải (GTVT) đã tổ chức Hội nghị Đường sắt biên giới Việt - Trung lần thứ 44.
Trần Quý
17:45 11/12/2024(Thanh tra) - Hôm nay (10/12), trong khuôn khổ chuyến thăm Trung Quốc, đồng chủ trì Phiên họp lần thứ 16 Ủy ban chỉ đạo hợp tác song phương Việt Nam - Trung Quốc, Phó Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn đã hội kiến Phó Chủ tịch nước Trung Quốc Hàn Chính.
T.Thanh
15:02 10/12/2024Hoàng Nam
21:46 05/12/2024T.Lương
21:25 05/12/2024T.Thanh
18:49 05/12/2024Hương Giang
Hương Giang
Theo VietinBank
Liên Hương
Thu Nga
Trung Hà
Bùi Bình
Bùi Bình
Trung Hà