Theo dõi Báo Thanh tra trên
Thứ ba, 26/02/2019 - 09:15
Nhận lời mời của Tổng Bí thư, Chủ tịch Nguyễn Phú Trọng, Chủ tịch Triều Tiên Kim Jong-un thăm hữu nghị chính thức Việt Nam, là chuyến thăm đầu tiên kể từ khi ông lên lãnh đạo đất nước vào năm 2011.
Chủ tịch Triều Tiên Kim Jong-un vẫy tay chào nhân dân Việt Nam. (Ảnh: Nhan Sáng/TTXVN)
Nhận lời mời của Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam, Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam Nguyễn Phú Trọng, Chủ tịch Đảng Lao động Triều Tiên, Chủ tịch Ủy ban Quốc vụ nước Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Triều Tiên Kim Jong-un thăm hữu nghị chính thức Việt Nam.
Đây là chuyến thăm hữu nghị chính thức đầu tiên của Chủ tịch Kim Jong-un tới Việt Nam kể từ khi ông lên lãnh đạo đất nước vào năm 2011. Chuyến thăm cũng ghi dấu mốc quan trọng khi ông là nhà lãnh đạo Triều Tiên đầu tiên thăm chính thức Việt Nam trong hơn nửa thế kỷ qua.
Truyền thống tốt đẹp
Ngày 31/1/1950, Việt Nam Dân chủ Cộng hòa và Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Triều Tiên chính thức thiết lập quan hệ ngoại giao, mở ra trang sử mới cho quan hệ giữa hai Chính phủ và nhân dân hai nước. Triều Tiên là một trong những nước đầu tiên thiết lập quan hệ ngoại giao với Việt Nam, sau Trung Quốc và Liên Xô.
Dưới sự lãnh đạo của Ðảng Cộng sản Việt Nam và Ðảng Lao động Triều Tiên, quan hệ hữu nghị và hợp tác truyền thống Việt Nam-Triều Tiên do Chủ tịch Hồ Chí Minh và Chủ tịch Kim Nhật Thành đặt nền móng, đã được các thế hệ lãnh đạo và nhân dân hai nước xây dựng, vượt qua nhiều thử thách, luôn được củng cố và phát triển.
Trải qua hơn nửa thế kỷ với những giai đoạn lịch sử đầy biến động của thế giới nhưng tình hữu nghị, đoàn kết giữa hai quốc gia Việt Nam-Triều Tiên luôn được xây dựng, bồi đắp, trở thành một truyền thống tốt đẹp của hai dân tộc.
Quan hệ chính trị-ngoại giao được tăng cường
Kể từ sau khi Việt Nam và Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Triều Tiên chính thức thiết lập quan hệ ngoại giao đến nay, hai nước thường xuyên duy trì quan hệ tốt đẹp thông qua các chuyến thăm hữu nghị giữa lãnh đạo hai bên như chuyến thăm Triều Tiên của Chủ tịch Hồ Chí Minh (tháng 7/1957); Thủ tướng Phạm Văn Đồng (tháng 6/1961); Chủ tịch Hội đồng Nhà nước Võ Chí Công (tháng 9/1988); Chủ tịch nước Trần Ðức Lương (tháng 5/2002); Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh (10/2007); Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Dân vận Trung ương Hà Thị Khiết (tháng 10/2015); Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh (tháng 2/2019)…; hay các chuyến thăm tới Việt Nam của Chủ tịch Kim Nhật Thành (tháng 11/1958); Chủ tịch Ủy ban Thường vụ Hội nghị nhân dân tối cao Kim Yong-nam (tháng 7/2001, tháng 8/2012); Bộ trưởng Ngoại giao Ri Su-yong (tháng 8/2014); Phó Chủ tịch Ban chấp hành Trung ương Đảng Lao động Triều Tiên Choe Thae-bok thăm Việt Nam (tháng 6/2016); Bộ trưởng Ngoại giao Triều Tiên Ri Yong-ho thăm Việt Nam (tháng 11/2018)...
Đáng chú ý, trong chuyến thăm chính thức Việt Nam của Ngoại trưởng Triều Tiên Ri Yong-ho (tháng 11/2018), Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh đã khẳng định Việt Nam sẵn sàng chia sẻ với Triều Tiên kinh nghiệm xây dựng đất nước, phát triển kinh tế-xã hội và hội nhập quốc tế.
Mới đây, trong chuyến thăm chính thức Triều Tiên (ngày 12 đến 14/2 vừa qua) của Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh, Ngoại trưởng Triều Tiên Ri Yong-ho đã cảm ơn lập trường và những nỗ lực của Việt Nam trong việc thúc đẩy tiến trình đối thoại vì hòa bình, an ninh, hợp tác và phát triển trên bán đảo Triều Tiên.
Trong các chuyến thăm ngoại giao, lãnh đạo hai nước đều khẳng định tiếp tục củng cố và phát triển quan hệ hữu nghị truyền thống giữa hai nước và không ngừng xây dựng tình đoàn kết giữa hai dân tộc.
Hai nước đã trao đổi chính sách luân phiên cấp Thứ trưởng Ngoại giao Việt Nam-Triều Tiên; Ủy ban liên Chính phủ về hợp tác kinh tế và khoa học kỹ thuật Việt Nam-Triều Tiên.
Hai bên cũng nhất trí tiếp tục phối hợp chặt chẽ tại các diễn đàn quốc tế và khu vực như Liên hợp quốc, Hội nghị phong trào không liên kết, Diễn đàn khu vực ARF..., tăng cường trao đổi về những vấn đề hai bên cùng quan tâm như vấn đề duy trì hòa bình, ổn định ở khu vực và bán đảo Triều Tiên.
Về tình hình bán đảo Triều Tiên, Việt Nam luôn đánh giá cao những tiến triển tích cực trên Bán đảo Triều Tiên và những kết quả đạt được tại các cuộc gặp thượng đỉnh của Triều Tiên với Hoa Kỳ, Trung Quốc và Hàn Quốc thời gian qua.
Việt Nam luôn mong muốn và sẵn sàng đóng góp vào việc đối thoại, thiết lập nền hòa bình lâu dài và giải quyết hòa bình vấn đề hạt nhân trên bán đảo Triều Tiên, góp phần vào việc duy trì hòa bình, ổn định, hợp tác và phát triển trong khu vực và trên thế giới.
Các lĩnh vực hợp tác khác
Hợp tác kinh tế giữa Việt Nam và Triều Tiên đã có những bước tiến. Năm 2000, hai nước thiết lập cơ chế Ủy ban liên chính phủ về hợp tác kinh tế và khoa học-kỹ thuật Việt Nam-Triều Tiên để thúc đẩy hợp tác kinh tế giữa hai nước.
Hai nước đã ký nhiều hiệp định quan trọng, tạo cơ sở pháp lý cho quan hệ hợp tác song phương như Hiệp định miễn thị thực cho hộ chiếu ngoại giao và công vụ (tháng 10/1956), Hiệp định hợp tác văn hóa (tháng 11/1957), Hiệp định hợp tác khoa học kỹ thuật (tháng 10/1958), Hiệp ước hữu nghị và hợp tác giữa nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa và Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Triều Tiên (năm 1961), Hiệp định thương mại và hàng hải (tháng 12/1962), Hiệp định hỗ tương y tế (tháng 12/1966), Hiệp định hợp tác vận tải hàng không dân dụng (tháng 1/1977), Hiệp định vận tải biển, Hiệp định thương mại, Hiệp định khuyến khích và bảo hộ đầu tư, Hiệp định tránh đánh thuế hai lần (tháng 5/2002)...
Các lĩnh vực văn hóa, giáo dục, giao lưu hữu nghị luôn được hai nước duy trì hợp tác. Hội Hữu nghị Việt Nam-Triều Tiên và Hội Hữu nghị Triều Tiên-Việt Nam đã trở thành cầu nối quan trọng, góp phần thúc đẩy và phát triển quan hệ hữu nghị giữa nhân dân hai nước. Từ những năm 1960-1970, Triều Tiên đã giúp Việt Nam đào tạo hàng trăm sinh viên.
Đặc biệt, tại Hà Nội, có Trường Mẫu giáo hữu nghị Việt-Triều, được thành lập vào năm 1978 với sự giúp đỡ của Chính phủ và nhân dân Triều Tiên, có lớp học mang tên Chủ tịch Kim Nhật Thành.
Ở Bình Nhưỡng, Trường Mầm non Gyong Sang, đơn vị kết nghĩa với Trường Mẫu giáo hữu nghị Việt-Triều cũng có một lớp học mang tên Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Có thể thấy rõ, trải qua bao thăng trầm của lịch sử, mối quan hệ hữu nghị Việt Nam-Triều Tiên do Chủ tịch Hồ Chí Minh và Chủ tịch Kim Nhật Thành gây dựng và vun đắp, đến ngày nay vẫn tiếp tục phát triển.
Năm 2020, Việt Nam và Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Triều Tiên sẽ kỷ niệm 70 năm ngày thiết lập quan hệ ngoại giao.
Và chuyến thăm hữu nghị chính thức của Chủ tịch Kim Jong-un đến Việt Nam lần này tiếp tục là một dấu mốc lịch sử mới trong quan hệ giữa hai Đảng, hai nước, góp phần quan trọng vào việc củng cố và tăng cường hơn nữa quan hệ hữu nghị truyền thống Việt Nam-Triều Tiên, phù hợp xu thế thời đại, đáp ứng lợi ích của nhân dân hai nước, góp phần vào hòa bình, ổn định, hợp tác và phát triển ở khu vực và trên thế giới./.
Theo Diệp Ninh (TTXVN/Vietnam+)
Ý kiến bình luận:
Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!
(Thanh tra) - Hôm nay (11/12), tại Hà Nội, Cục Đường sắt Việt Nam (ĐSVN) - Bộ Giao thông vận tải (GTVT) đã tổ chức Hội nghị Đường sắt biên giới Việt - Trung lần thứ 44.
Trần Quý
17:45 11/12/2024(Thanh tra) - Hôm nay (10/12), trong khuôn khổ chuyến thăm Trung Quốc, đồng chủ trì Phiên họp lần thứ 16 Ủy ban chỉ đạo hợp tác song phương Việt Nam - Trung Quốc, Phó Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn đã hội kiến Phó Chủ tịch nước Trung Quốc Hàn Chính.
T.Thanh
15:02 10/12/2024Hoàng Nam
21:46 05/12/2024T.Lương
21:25 05/12/2024T.Thanh
18:49 05/12/2024Trần Quý
Văn Thanh
Trung Hà
Hương Giang
Hương Trà
Trần Kiên
Cảnh Nhật
Trần Quý
Văn Thanh
N. Phó - L. Bằng
Hương Giang