Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Theo dõi Báo Thanh tra trên

Bài học từ đàm phán, ký kết và thực thi Hiệp định Geneve sau 70 năm vẫn còn nguyên giá trị

Thanh Thanh

Thứ sáu, 26/04/2024 - 08:36

(Thanh tra) - Theo Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn: “Trải qua 70 năm, những bài học từ đàm phán, ký kết và thực thi Hiệp định Geneve vẫn còn nguyên giá trị đối với công cuộc xây dựng, phát triển đất nước và bảo vệ Tổ quốc ngày nay. Hiệp định Geneve năm 1954 cũng trở thành một mốc son lịch sử của nền Ngoại giao Việt Nam”.

Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Tạ Quang Bửu thay mặt Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ký Hiệp định Geneve 1954. Nguồn: Gettyimages

Cách đây 70 năm, Hiệp định Geneve về đình chỉ chiến sự ở Việt Nam đã được ký kết, mở ra một trang mới trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước của Nhân dân ta.

Theo Bộ trưởng Bùi Thanh Sơn, cùng với Chiến thắng Điện Biên Phủ, việc ký kết Hiệp định Geneve đã kết thúc thắng lợi cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp của Nhân dân ta cũng như chấm dứt hoàn toàn sự đô hộ của chủ nghĩa thực dân cũ kéo dài gần 100 năm tại Việt Nam.

Với ý nghĩa đó, hiệp định đã mở ra thời kỳ chiến lược mới của cách mạng Việt Nam là xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc, đồng thời tiến hành cách mạng dân tộc dân chủ Nhân dân ở miền Nam để đi tới thực hiện trọn vẹn mục tiêu độc lập dân tộc và thống nhất đất nước.

Bộ trưởng Bùi Thanh Sơn nhận định, quá trình đàm phán, ký kết và thực thi Hiệp định Geveve là cuốn cẩm nang quý báu về trường phái đối ngoại và ngoại giao Việt Nam với nhiều bài học còn nguyên giá trị về nguyên tắc, phương pháp và nghệ thuật ngoại giao, mang đậm bản sắc ngoại giao Việt Nam trong thời đại Hồ Chí Minh.

Với nền ngoại giao Việt Nam mang đậm bản sắc “cây tre Việt Nam”, Bộ trưởng đã chỉ ra 6 bài học đó là, bài học về kiên định độc lập, tự chủ trên cơ sở lợi ích quốc gia - dân tộc.

“Quá trình đàm phán, ký kết Hiệp định Geveve cho chúng ta hiểu sâu sắc hơn giá trị của nguyên tắc độc lập, tự chủ trong các vấn đề quốc tế. Bởi các quốc gia đều vì lợi ích của mình, nên chỉ có kiên định độc lập, tự chủ mới giúp chúng ta giữ vững thế chủ động và bảo đảm cao nhất lợi ích quốc gia - dân tộc” Bộ trưởng nhấn mạnh.

Bài học về kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại, gắn kết đoàn kết dân tộc với đoàn kết quốc tế để tạo nên “một sức mạnh vô địch”, Bộ trưởng cho rằng, bên cạnh phát huy tối đa sức mạnh ngọn cờ chính nghĩa và khối đại đoàn kết dân tộc, Đảng ta đã có chủ trương đúng đắn về không ngừng mở rộng đoàn kết quốc tế, trước hết là đoàn kết với Lào, Campuchia, các nước xã hội chủ nghĩa, bạn bè quốc tế và nhân dân yêu chuộng hòa bình trên thế giới.

Bài học về kiên định mục tiêu, nguyên tắc, song cơ động, linh hoạt sách lược theo phương châm “dĩ bất biến, ứng vạn biến”, Bộ trưởng dẫn lời Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khẳng định “mục đích bất di bất dịch của ta vẫn là hòa bình, thống nhất, độc lập, dân chủ. Nguyên tắc của ta thì phải vững chắc, sách lược của ta thì linh hoạt”, trong đàm phán và thực thi Hiệp định Geveve, cái gốc “bất biến” là Việt Nam độc lập, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ.

Đó là sợi chỉ đỏ xuyên suốt đến Hiệp định Paris 1973 sau này. Còn “vạn biến” là trong lúc chưa thể thực hiện được trọn vẹn mục tiêu cuối cùng, có thể linh hoạt và biến hóa trong sách lược để rồi từng bước tiến tới đạt được mục tiêu bất biến.

Đó là một phương pháp và nghệ thuật ngoại giao Hồ Chí Minh được kế thừa, vận dụng sáng tạo và phát triển trong công cuộc đổi mới và hội nhập quốc tế của nước ta; đồng thời, thể hiện bản sắc “cây tre Việt Nam” của nền ngoại giao cách mạng Việt Nam, “gốc vững”, “thân chắc”, “cành uyển chuyển”.

Bài học về coi trọng nghiên cứu, đánh giá và dự báo tình hình, “biết mình”, “biết người”, “biết thời”, “biết thế” để từ đó “biết tiến”, “biết thoái”, “biết cương”, “biết nhu”, Bộ trưởng Bùi Thanh Sơn nhận định đây là bài học sâu sắc, nhất là trong bối cảnh thể giới hiện nay đang trải qua những biến động lớn, phức tạp và khó lường, càng phải đẩy mạnh công tác nghiên cứu, dự báo tình hình thế giới, nhất là chuyển động của các xu hướng lớn, điều chỉnh chiến lược, chính sách của các đối tác, trên cơ sở đó chủ động có đối sách phù hợp với từng đối tác, từng vấn đề.

Phân tích bài học về sử dụng đối thoại và đàm phán hoà bình để giải quyết bất đồng, xung đột trong quan hệ quốc tế, Bộ trưởng cho rằng: “Cùng với quyết định mở cuộc tiến công chiến lược Đông - Xuân 1953 - 1954, Đảng ta đã chủ trương dùng biện pháp đàm phán hoà bình để chấm dứt chiến tranh, từ đó đã mở hướng đi tới một cuộc đàm phán để kết thúc chiến tranh ở Đông Dương”.

Phân tích ở góc nhìn khác nhau, song không thể phủ nhận Hội nghị Geneve đã để lại một bài học mang tính thời đại về giải quyết bất đồng và xung đột quốc tế bằng biện pháp hòa bình, nhất là trong bối cảnh thế giới hiện nay đang diễn ra nhiều xung đột phức tạp, Bộ trưởng nhận định.

Bài học thứ 6 về bao trùm, Bộ trưởng khẳng định đó là sự lãnh đạo thống nhất, tuyệt đối của Đảng đối với sự nghiệp cách mạng của Nhân dân ta nói chung và mặt trận ngoại giao nói riêng.

“Đảng đã đề ra chủ trương, đường lối và sách lược cách mạng đúng đắn, mở ra mặt trận ngoại giao chủ động tiến công, phối hợp chặt chẽ và thống nhất với các mặt trận chính trị, quân sự để tạo nên sức mạnh tổng hợp, bảo đảm cao nhất lợi ích dân tộc”, Bộ trưởng nhấn mạnh thêm.

Theo Bộ trưởng Ngoại giao thì những bài học nổi bật nói trên cùng nhiều bài học quý báu khác từ Hiệp định Geneve đã được Đảng ta kế thừa, vận dụng sáng tạo và phát triển trong suốt quá trình đàm phán, ký kết và thực thi Hiệp định Paris 1973 cũng như trong triển khai công tác đối ngoại hiện nay.

Phát huy các bài học của Hiệp định Geveve và truyền thống vẻ vang của ngoại giao cách mạng Việt Nam, toàn ngành ngoại giao dưới sự lãnh đạo của Đảng quyết tâm xây dựng nền ngoại giao Việt Nam vững mạnh, toàn diện, hiện đại, đóng góp xứng đáng vào thực hiện thắng lợi đường lối đối ngoại Đại hội XIII của Đảng vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh, Người đứng đầu ngành Ngoại giao Việt Nam  kì vọng.

Trong gần 40 năm tiến hành đổi mới, Việt Nam luôn nhất quán thực hiện đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, đa dạng hóa, đa phương hóa; chủ động, tích cực hội nhập quốc tế toàn diện, sâu rộng; là bạn, là đối tác tin cậy và là thành viên tích cực, có trách nhiệm của cộng đồng quốc tế.

Thực hiện đường lối đối ngoại đúng đắn này, đến nay, Việt Nam đã thiết lập quan hệ ngoại giao với 193 quốc gia thành viên Liên hợp quốc, có quan hệ đối tác chiến lược và đối tác chiến lược toàn diện với 5 nước Ủy viên Thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc, có mạng lưới quan hệ đối tác chiến lược và đối tác toàn diện với 30 nước.

Việt Nam là thành viên tích cực, có trách nhiệm của hơn 70 tổ chức, diễn đàn khu vực và quốc tế lớn như Liên hợp quốc, ASEAN, WTO, APEC, ASEM...

Đã tham gia và đang đàm phán 19 hiệp định thương mại tự do, tạo nên một mạng lưới liên kết kinh tế rộng mở với khoảng 60 nền kinh tế trên thế giới.

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Khẳng định quyết tâm hợp tác tốt đẹp giữa Việt Nam - Dominica trong tương lai

Khẳng định quyết tâm hợp tác tốt đẹp giữa Việt Nam - Dominica trong tương lai

(Thanh tra) - Chuyến thăm chính thức nước Cộng hòa Dominica của Thủ tướng Chính phủ và Đoàn đại biểu cấp cao Chính phủ Việt Nam cùng đại diện cộng đồng doanh nghiệp nhằm thắt chặt quan hệ ngoại giao, củng cố quan hệ hữu nghị và hợp tác trên các lĩnh vực, thúc đẩy các cơ hội tăng cường hoạt động thương mại và đầu tư giữa hai nước.

Thanh Lương

08:49 22/11/2024

Tin mới nhất

Xem thêm