Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Thành tựu vượt trội của EVN trong xây dựng nông thôn mới

Thứ năm, 19/12/2019 - 09:39

(Thanh tra) - Là một doanh nghiệp nhà nước, kể từ khi thành lập đến nay, đặc biệt từ khi thực hiện chương trình điện khí hoá nông thôn (1998) Tập đoàn Điện lực Việt Nam luôn giành một nguồn lực lớn để xây dựng hạ tầng lưới điện nông thôn, góp phần phát triển toàn diện kinh tế nông thôn theo hướng hiện đại và bền vững.

Nỗ lực đầu tư

Trước khi hoàn thành cuộc kháng chiến chống pháp (1954), hệ thống lưới điện nông thôn ở Việt Nam hầu như bằng không, đồng nghĩa với việc tỷ lệ hộ dân nông thôn không được sử dụng điện lưới để sinh hoạt mà chủ yếu dùng dầu hoả thắp sáng. Đời sống của người nông dân không chỉ khó khăn về vật chất mà ngay đến cả văn hoá, tinh thần cũng vậy.

Sau năm 1954 đến khi đất nước hoàn toàn giải phóng, ở miền Bắc, nguồn và lưới điện đến 110kV liên tục được phát triển không chỉ đưa điện đến các khu công nghiệp mà còn hướng tới mục tiêu phục vụ sản xuất nông nghiệp, đảm bảo cho tiêu dùng trong nước và chi viện cho miền Nam. Đến năm 1965, điện dành cho nông nghiệp đã đạt 7,1%, điện thắp sáng đạt 16,2%. Tuy nhiên số hộ dân nông thôn có điện không đáng kể.

Sau năm 1976, Bắc-Nam thu về một mối, cả nước đi lên chủ nghĩa xã hội. Ngành điện đã tập trung nhiều nguồn lực để xây dựng hệ thống điện cho phát triển kinh tế xã hội, trong đó có việc mở rộng lưới điện nông thôn, miền núi. Điển hình là chương trình “Nhà nước, địa phương và nhân dân cùng làm”. Đến năm 1990, ngành điện miền Bắc đã đưa điện đến 8 thành phố, 19 tỉnh lỵ (có 10 tỉnh miền núi), 14 thị xã, 469 thị trấn (chiếm 93,69% số thị trấn huyện lỵ), 72% số xã với khoảng 74% số hộ nông thôn đã có điện lưới quốc gia.

Còn tại miền Nam, sau khi đất nước thống nhất, nhiều vùng nông thôn cũng bắt đầu có điện song tình trạng này diễn ra tự phát, dẫn đến tình trạng lưới điện phi kỹ thuật, không an toàn cho người sử dụng, chất lượng điện rất thấp, giá điện cao… Đến năm 1996, ở khu vực miền Nam mới chỉ có khoảng 34,8% - 40% hộ dân nông thôn có điện.

Ở khu vực miền Trung – Tây Nguyên, khu vực nông thôn miền núi hoàn toàn trắng điện. Hệ thống điện chỉ được xây dựng vào những năm 1995-1996 những cũng chỉ kéo điện đến cho hơn 120 xã.

Nêu lên những con số như vậy để thấy rằng, dù đã được quan tâm và có nhiều nỗ lực song do nguồn lực hạn chế, số hộ dân nông thôn được sử dụng điện lưới quốc gia chưa đạt được như mong muốn.

Tuy nhiên, chỉ sau hơn 20 năm (tính từ thời điểm 1998 thực hiện chương trình điện khí hoá nông thôn) đến nay đã có 100% số xã, số hộ dân có điện đạt 99,47% tương ứng 27,41 triệu hộ (6/2019). Trong đó, số hộ dân nông thôn có điện đạt 99,18% tương ứng 16,98 triệu hộ (6/2019). Mức độ phủ điện ở Việt Nam cao hơn một số nước trong khu vực Philippine 93%, Indonexia 98,1%, Ấn Độ 92,6%, Lào 93,6%. Đặc biệt, EVN đã đảm bảo tiêu chí điện số 4 trong chương trình Nông thôn mới. Theo đó có 8.072/8.902 xã, khoảng 90,7% số xã trên cả nước đạt tiêu chí số 4.

Đặc biệt, EVN không chỉ phủ kín lưới điện, giúp gần 100% số hộ dân nông thôn được sử dụng điện lưới quốc gia, kể cả những vùng sâu, vùng xa, miền núi, hải đảo mà còn giúp khách hàng nông thôn được hưởng giá điện, sử dụng các dịch vụ điện nganh bằng với khách hàng cả nước.

Để đạt được thành tựu như trên, chỉ tính riêng trong giai đoạn 2011-2019, EVN đã huy động nguồn lực đạt 131.800 tỉ đồng để đầu tư xây dựng mới, cải tạo, nâng cấp lưới điện nông thôn, miền núi và hải đảo.

Đây là một trong những thành tựu vượt bậc của EVN trong việc thực hiện chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước về an sinh xã hội, xoá đói giảm nghèo; quan trọng hơn EVN đã góp phần xây dựng niềm tin của nhân dân vào đường lối của Đảng, Nhà nước với tinh thần không ai bị bỏ lại phía sau.

Góp phần thúc đẩy kinh tế địa phương

Theo đánh giá của nhiều tổ chức, sau nhiều năm, với sự đầu tư của ngành điện, diện mạo hạ tầng và kinh tế nông thôn mới được đổi thay hoàn toàn. Nhờ có điện, cơ cấu kinh tế nông thôn đã có chuyển biến tích cực thông qua việc áp dụng khoa học công nghệ mới vào sản xuất hàng hoá theo nhu cầu của thị trường, điển hình là mô hình mỗi xã phường một sản phẩm. Bên cạnh đó, đời sống vật chất, văn hoá, tinh thần của người dân, nhất là vùng xa, vùng sâu, miền núi hải đảo được nâng lên rõ rệt, an ninh chính trị và xã hội được đảm bảo, chủ quyền quốc gia được giữ vững…

Thống kê của các cơ quan chức năng cho thấy, thu nhập bình quân đầu người/năm ở nông thôn đã tăng trên 3,5 lần từ dưới 10 triệu đồng/năm trước 2010 đến nay đã đạt trên 32 triệu đồng/năm; tỷ lệ hộ nghèo giảm trên 1,5% vượt mục tiêu Quốc hội đặt ra; công nghiệp và dịch vụ ở nông thôn phát triển nhanh...Đặc biệt xuất khẩu nhóm ngành nông sản tăng bình quân trên 9%/năm. So với năm 2010, tổng kim ngạch đã tăng từ 19,5 tỷ USD lên 30,14 tỷ USD năm 2015 (tăng 54,6%). Năm 2018, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản đạt mức tăng trưởng cao nhất trong giai đoạn 2012 - 2018 (3,76%), đóng góp 8,7% vào mức tăng trưởng chung của nền kinh tế; xuất khẩu đạt kỷ lục là 40 tỷ USD.

Tuy nhiên theo ông Võ Quang Lâm, Phó Tổng giám đốc Tập đoàn EVN, để tiếp tục đầu tư cho lưới điện nông thôn giai đoạn tới, EVN kiến nghị Chính phủ và UBND các tỉnh ưu tiên nguồn vốn ngân sách; nguồn vốn ưu đãi từ các tổ chức quốc tế; có chính sách hỗ trợ lãi suất cho EVN để thực hiện đầu tư lưới điện cho khu vực nông thôn theo các mục tiêu trong Quyết định số 2081/QĐ-TTg ngày 08/11/2013 của Chính phủ và Quyết định 1740/QĐ-TTg ngày 13/12/2018.

EVN đề nghị UBND các tỉnh chỉ đạo Ban chỉ đạo xây dựng nông thôn mới địa phương có kế hoạch sử dụng đồng bộ và có hiệu quả các nguồn lực trong điều kiện nguồn vốn gặp khó khăn. Đồng thời, hỗ trợ về giải phóng mặt bằng các dự án điện; hỗ trợ tuyên truyền, vận động người dân trong việc bảo vệ hành lang an toàn lưới điện để đảm bảo cấp điện an toàn liên tục.

PV

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Tin mới nhất

Xem thêm