Chiều 25/8, qua trao đổi với chúng tôi, ông Trần Đức Lợi, Phó Chủ tịch UBND huyện Quỳ Hợp cho biết, huyện đã hoàn thiện báo cáo gửi UBND tỉnh và Báo Thanh tra trả lời về những nội dung được đề cập ở bài viết “Quỳ Hợp, Nghệ An có nhiều vi phạm tại các xưởng chế biến khoáng sản”, "Xứ lý nghiêm vi phạm gắn sự đồng hành tháo gỡ cho doanh nghiệp" phản ánh hàng trăm xưởng chế biến “mọc tự phát” đã và đang hoạt động sản xuất nhưng thiếu sự kiểm tra và giám sát của chính quyền địa phương. Nhiều xưởng chế biến khoáng sản chưa có thủ tục thuê đất…

Tại Công văn số 1484/UBND-TNMT ngày 24/8/2023 về việc giải trình nội dung Báo Thanh tra, UBND huyện Quỳ Hợp báo cáo giải trình các nội dung:

Thực trạng các xưởng chế biến đá chưa hoàn thành thủ tục thuê đất. Qua rà soát tổng số xưởng chế biến đá chưa có thủ tục thuê đất theo quy định trên địa bàn huyện Quỳ Hợp là 43 xưởng, trên địa bàn 11 xã, thị trấn, trong đó có 23 tổ chức, 20 hộ cá thể. Trong đó có 28 xưởng sử dụng đất từ năm 2004 và 15 xưởng sử dụng đất sau ngày 1/7/2014.

Hiện trạng sử dụng đất hiện nay là các xưởng đã xây dựng nhà xưởng, nhà công nhân, bãi tập kết đá các loại, hố lắng chất thải và các công trình phục vụ sản xuất khác.

Theo UBND huyện Quỳ Hợp, nguyên nhân các xưởng chế biến đá chưa hoàn thành thủ tục thuê đất xuất phát từ những lý đo đó là. Giai đoạn từ năm 2004 đến năm 2010, nhiều hộ gia đình thành lập doanh nghiệp, khảo sát, tìm núi đá và làm hồ sơ xin cấp phép khai thác, theo quy định tại thời điểm đó thì các doanh nghiệp để được cấp phép khai thác khoáng sản, yêu cầu phải có xưởng chế biến sâu. Vì vậy các tổ chức, hộ cá thể đã đồng loạt xây dựng xưởng chế biến khoáng sản để được làm hồ sơ cấp phép khai thác khoáng sản nhưng chưa hoàn thiện thủ tục thuê đất.

Đến năm 2010, Thanh tra Chính phủ đình chỉ 53 điểm mỏ đã cấp phép khai thác khoáng sản, do đó không có nguyên liệu đầu vào cho các xưởng chế biến, vì vậy nhiều xưởng chế biến đã dừng hoạt động.

Ngoài ra do ảnh hưởng suy thoái kinh tế toàn cầu và đại dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, kéo dài, hạn chế trong việc đi lại, ảnh hưởng rất lớn đến nền kinh tế và mọi mặt của đời sống xã hội nên các doanh nghiệp khai thác và chế biến khoáng sản hoạt động cầm chừng, có nhiều doanh nghiệp dừng hoạt động.

Trước những nguyên nhân nêu trên, các tổ chức, hộ cá thể xưởng chế biến khoáng gặp nhiều khó khăn trong sản xuất kinh doanh nên chưa hoàn thành thủ tục thuê đất theo quy định.

leftcenterrightdel
Việc vận chuyển khoáng sản chưa đảm bảo quy định về vận tải đã "cày nát" tuyến Tỉnh lộ 532 nối 5 xã trên địa bàn huyện Quỳ Hợp. Ảnh: CSCC 

Liên quan công tác kiểm tra đối với hoạt động chế biến khoáng sản trên địa bàn, UBND huyện Quỳ Hợp giải trình: Từ năm 2014, UBND huyện đã chỉ đạo UBND các xã, thị trấn tăng cường công tác kiểm tra, rà soát và yêu cầu, hướng dẫn các xưởng chế biến hoàn thành thành thủ tục thuê đất. Đến năm 2016 đã có 93 xưởng chế biến đá hoàn thành thủ tục thuê đất, các xưởng còn lại chưa thuê đất là do gặp tình trạng kinh tế khó khăn nên các xưởng đã dừng hoạt động.

UBND huyện đã thường xuyên ban hành các văn bản yêu cầu UBND các xã, thị trấn tăng cường công tác quản lý nhà nước về đất đai, yêu cầu các tổ chức, hộ cá thể nghiêm túc dừng hoạt động khi chưa hoàn thiện thủ tục thuê đất và nghiêm cấm hình thành xưởng chế biến khoáng sản khi chưa được cơ quan có thẩm quyền cho phép.

Đến năm 2022 đại dịch Covid-19 kết thúc, kinh tế toàn cầu có bước phát triển thì các doanh nghiệp, hộ cá thể chế biến khoáng sản tiếp tục hoạt động lại. Trước tình hình đó, UBND huyện Quỳ Hợp đã tăng cường công tác quản lý, kiểm tra, rà soát, chỉ đạo UBND các xã, thị trấn, yêu cầu các tổ chức, hộ cá thể hoàn thành hồ sơ thuê đất theo quy định.

UBND huyện đã ban hành các văn bản: Công văn số 371/UBND-TNMT ngày 7/4/2022 về việc rà soát các xưởng chế biến khoáng sản chưa thực hiện thủ tục thuê đất trên địa bàn; Công văn số 525/UBND ngày 5/5/2022 của UBND huyện Quỳ Hợp về việc yêu cầu các tổ chức, cá nhân khẩn trương hoàn thành các thủ tục thuê đất đối với các xưởng chế biến khoáng sản; Thông báo số 199/TB-KL ngày 9/6/2022; Thông báo số 192/TB-UBND ngày 15/5/2023 chỉ đạo UBND các xã, thị trấn rà soát, lập biên bản tạm đình chỉ hoạt động, lập hồ sơ xử lý vi phạm theo thẩm quyền hoặc chuyển hồ sơ xử lý lên cấp trên nếu vượt thẩm quyền và yêu cầu các tổ chức, hộ cá thể hoàn thiện hồ sơ thuê đất theo đúng quy định của pháp luật.

Đến nay, số tổ chức đang thực hiện hoàn thiện hồ sơ thuê đất đã có 4 tổ chức đã được UBND tỉnh cho chủ trương đầu tư và đang hoàn thiện hồ sơ giao đất, cho thuê đất; có 15 tổ chức nộp hồ sơ xin chủ trương đầu tư thực hiện dự án tại Trung tâm dịch vụ công của tỉnh; 4 tổ chức đang lập hồ sơ thuê đất.

Còn số hộ cá thể đang hoàn thiện hồ sơ có 16 trường hợp đã nộp hồ sơ xin thẩm định nhu cầu sử dụng đất tại UBND huyện; 1 hộ cá thể đang lập hồ sơ thuê đất và 3 hộ cá thể cam kết tháo dỡ do không đủ điều kiện thuê đất.

UBND huyện đã và đang đôn đốc các tổ chức, hộ cá thể sử dụng đất hoàn thiện hồ sơ thuê đất để trình các cấp có thẩm quyền thẩm định, phê duyệt và phối hợp với các sở, ban ngành cấp tỉnh tháo gỡ khó khăn vướng mắc trong quá trình hoàn thiện hồ sơ thuê đất theo quy định. Đối với các xưởng không chấp hành hoặc không đủ các điều kiện thuê đất thì kiên quyết chỉ đạo UBND các xã, thị trấn tổ chức tháo dỡ trả lại nguyên hiện trạng ban đầu.

"Sau khi bài báo phản ánh, lãnh đạo UBND huyện Quỳ Hợp đã chỉ đạo kịp thời các phòng, ban liên quan tổng hợp các nội dung và trả lời báo chí, đồng thời theo chỉ đạo của UBND tỉnh theo Công văn số 6580/UBND-TD về việc xử lý thông tin báo đăng. Thời gian tới, mong báo chí nói chung, Báo Thanh tra nói riêng tiếp tục đồng hành với chính quyền địa phương để tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc cho địa phương, tạo điều kiện cho doanh nghiệp trong sản xuất kinh doanh, góp phần phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn", Phó Chủ tịch UBND huyện Qùy Hợp Trần Đức Lợi thông tin với Báo Thanh tra.

leftcenterrightdel
Chủ tịch UBND tỉnh (thứ 3 trái sang) trực tiếp thị sát và nghe Sở GTVT báo cáo về thực trạng Tỉnh lộ 532 đi qua địa bàn 5 xã của huyện Qùy Hợp. Ảnh: K.O

Sau các phản ánh liên quan công tác quản lý Nhà nước về khoáng sản và những bất cập, hệ lụy từ hoạt động khai thác khoáng sản qua bài "Nghịch lý nơi thủ phủ vàng trắng", ghi nhận của chúng tôi, tại cuộc làm việc với UBND huyện Quỳ Hợp và thực tế thị sát tại tuyến Tỉnh lộ 532 trên địa bàn bị xuống cấp, hư hỏng nghiêm trọng, tiềm ẩn mất an toàn giao thông và tác động đến sự phát triển kinh tế - xã hội địa phương của Chủ tịch UBND tỉnh vào ngày 22/8, sau khi nghe báo cáo của Giám đốc Sở Giao thông Vận tải (GTVT), ông Nguyễn Đức Trung - Chủ tịch UBND tỉnh nhấn mạnh, việc đầu tư nâng cấp tuyến đường là cần thiết, đáp ứng nguyện vọng của nhân dân, tạo điều kiện cho hoạt động vận tải, giao thương, đi lại của người dân. Trên cơ sở phương án của Sở GTVT, tỉnh sẽ nghiên cứu và quyết định phù hợp với tình hình thực tế và khả năng cân đối nguồn vốn.

Theo báo cáo của Sở GTVT Nghệ An, tuyến đường có chiều dài 28km. Mỗi năm được bố trí khoảng 3 - 4 tỷ đồng từ ngân sách nhà nước để duy tu, bảo dưỡng nhưng không đáp ứng được nhu cầu. Vì vậy, nhiều năm nay tuyến đường xuống cấp trầm trọng, ảnh hưởng đến giao thông đi lại, không đáp ứng được yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Để đầu tư nâng cấp cần đầu tư nguồn vốn lớn nên việc đầu tư nâng cấp cần phải tính toán một cách kỹ lưỡng và phù hợp. Nhiều năm qua, tại nhiều hội nghị, nhân dân và cử tri đã phản ánh, kiến nghị Nhà nước sớm đầu tư sửa chữa, nâng cấp tuyến đường để người dân đi lại được thuận lợi.

"Sắp tới, Sở GTVT sẽ tiếp tục khảo sát, xem xét, đánh giá kỹ lưỡng hơn nữa sau đó sẽ tham mưu, trình Hội đồng nhân dân tỉnh xem xét, quyết định thông qua chủ trương đầu tư và xác định nguồn vốn đầu tư nâng cấp, cải tạo Tỉnh lộ 532 trên địa bàn huyện Quỳ Hợp", Giám đốc Sở GTVT Nghệ An Hoàng Phú Hiền cho biết.


X. Thống - V. Thanh