Báo Thanh tra nhận được đơn kêu cứu của ông Trịnh Ngọc Lâm (trú phường Thắng Lợi, TP Buôn Ma Thuột, Đắk Lắk) về việc mảnh đất của gia đình đã được pháp luật công nhận quyền sử dụng, nhưng bị kéo vào vụ kiện hơn 7 năm qua.

Ông Lâm kể, ngày 11/7/2017, ông và bà Trịnh Thị Oanh (trú phường Tân Lập, TP Buôn Ma Thuột), lập hợp đồng (HĐ) chuyển nhượng quyền sử dụng đất số CI 601969 (có công chứng), do Sở Tài nguyên và Môi trường (TNMT) Đắk Lắk cấp ngày 8/6/2017. Theo đó, bà Oanh chuyển nhượng cho ông Lâm thửa đất số 392, tờ bản đồ 47, diện tích 899,6m2, đất trồng cây lâu năm (trong đó có 306,5 m2 đất được quy hoạch đất ở đô thị và 593,1 m2 đất bị quy hoạch giao thông), tại phường Tân Lợi. Đây là 1 trong 3 thửa đất bà Oanh tách ra từ thửa đất số BE 010012, được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (GCNQSDĐ) ngày 19/4/2011, diện tích 2.096,2 m2.

Trước khi lập hợp đồng chuyển nhượng trên, ngày 27/5/2017, ông Lâm và bà Oanh có làm giấy nhận tiền đặt cọc làm tin mua thửa đất trên. Thời điểm này, bà Oanh đang tách thửa đất nên chưa có thông tin chính xác thửa đất chuyển nhượng, do đó 2 bên thoả thuận chuyển nhượng khoảng 900m2 đất trống còn lại (2 bên đã xây nhà). Sau khi hợp đồng mua bán có hiệu lực, ông Lâm được Sở TN&MT tỉnh Đắk Lắk đăng ký biến động sang tên quyền sử dụng đất tại GNQSDĐ số CI 627812 ngày 01/8/2017, thửa đất số 392 nêu trên.

leftcenterrightdel
 Ông Lâm đã mất hàng chục triệu đồng để in ấn tài liệu gửi các cơ quan chức năng để "kêu cứu" về việc mảnh đất của gia đình đã được pháp luật công nhận quyền sử dụng nhưng vẫn chưa thể sử dụng. Ảnh: AM

Sau đó, ông Lâm làm đơn xin chuyển mục đích sử dụng 306,5m2 sang đất ở đô thị và được Sở TN&MT cấp đổi GCNQSDĐ số CL 069395 ngày 09/10/2017. Đến ngày 25/7/2019, ông Lâm làm thủ tục tách 124,15m2 chuyển nhượng cho ông Mỹ (cũng chính là diện tích đang bị tranh chấp) thì bị Văn phòng đăng ký đất đai TP Buôn Ma Thuột đình chỉ, lý do đất đang tranh chấp.

Người kiện ông Lâm ra toà là bà Trịnh Thị Hà và ông Nguyễn Duy Trường (trú phường Tân Lợi). Những người này đưa ra hợp đồng nhận chuyển nhượng “viết tay” 125m2 đất của bà Oanh vào ngày 17/01/2013. Diện tích đất này nằm trong thửa đất ông Lâm sở hữu hợp pháp. Điều đáng nói, hợp đồng chuyển nhượng này không có chứng nhận của cơ quan có thẩm quyền, đất nông nghiệp nhưng vẫn xây nhà ở trái phép từ năm 2013.

Bà Hà, ông Trường yêu cầu tòa án tuyên vô hiệu hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất giữa ông Lâm và bà Oanh; Huỷ GCNQSDĐ do Sở TN&MT Đắk Lắk cấp cho ông Lâm; chấp nhận hợp đồng chuyển nhượng “viết tay” giữa mình và bà Oanh; tuyên vô hiệu hợp đồng thế chấp thửa đất mà ông Lâm vay vốn tại ngân hàng…

Ngày 14/12/2021, TAND tỉnh Đắk Lắk đưa vụ việc ra xét xử sơ thẩm. Tòa bất ngờ công nhận hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất “viết tay” giữa nhà bà Hà và bà Oanh với diện tích thực tế 139,1m2. Tòa tuyên vô hiệu hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất giữa ông Lâm và bà Oanh đối với diện tích đã chuyển nhượng cho ông Trường, bà Hà…

Không chấp nhận bản án của TAND tỉnh Đắk Lắk, ông Lâm và Sở TN&MT cùng kháng cáo. Ngày 1/7/2022, TAND Cấp cao tại Đà Nẵng mở phiên phúc thẩm, chấp nhận kháng cáo của ông Lâm và Sở TN&MT, không chấp nhận đơn khởi kiện của bà Hà, ông Trường.

Theo TAND Cấp cao tại Đà Nẵng có viện dẫn đầy đủ căn cứ pháp luật, phân tích lỗi của các bên khi tham gia giao dịch dân sự. Bà Oanh và bà Hà chuyển nhượng quyền sử dụng đất nông nghiệp nhưng không đăng ký, không làm thủ tục theo quy định, không thực hiện nghĩa vụ tài chính là vi phạm Luật Đất đai, Bộ luật Dân sự 2003. Chưa kể, ông Trường, bà Hà còn xây nhà trái phép trên đất nông nghiệp… Do đó, việc TAND tỉnh Đắk Lắk công nhận hợp đồng chuyển nhượng “viết tay” giữa bà Hà và bà Oanh là không có căn cứ, vô hình chung hợp thức hóa việc mua bán giấy tay đất nông nghiệp không đủ điều kiện để tách thửa dẫn đến tranh chấp và gây khó khăn cho cơ quan quản lý đất đai địa phương…

Sau khi bản án của TAND Cấp cao có hiệu lực, ngày 18/8/2022, ông Lâm có đơn yêu cầu thi hành án nhưng đến ngày 26/4/2023 (gần 10 tháng), Cục thi hành án dân sự Đắk Lắk mới ra quyết định cưỡng chế thi hành án. Tuy nhiên, bản án không thể thi hành do ngày 22/5/2023, TAND Tối cao quyết định kháng nghị giám đốc thẩm đối với bản án phúc thẩm; đề nghị Hội đồng thẩm phán TAND Tối cao xét xử giám đốc thẩm, theo hướng hủy cả bản án sơ thẩm và phúc thẩm, giao hồ sơ cho TAND tỉnh Đắk Lắk xét xử lại theo thủ tục sơ thẩm. Ngày 20/7/2023, Hội đồng thẩm phán TAND Tối cao xét xử giám đốc thẩm, chấp nhận kháng nghị của Chánh án TAND Tối cao.

Ông Lâm cho rằng, vụ việc dân sự đã được Tòa án phúc thẩm giải quyết là thấu tình đạt lý. Bởi Bản án đã giải quyết triệt để tranh chấp và đảm bảo quyền, lợi ích cho các bên liên quan kể cho bên nguyên đơn. Ông cũng cho rằng mình là người thứ ba ngay tình, nhận chuyển nhượng đất hợp pháp. Ông Lâm dẫn chứng, tại Vi bằng số 28/2024/VB-TPLDL ngày 19/2/2024 có thể hiện nội dung chính bà Oanh chủ đất đã thừa nhận 4 lần là “do nhầm lẫn”, vì bà Oanh nghĩ: “cô nghĩ là cô Hà giao thiệp rất là rộng, cho nên cô nghĩ rằng cô Hà đã tách thửa rồi, tách sổ rồi”, và “bà Oanh không biết” (2 lần), nên việc chuyển nhượng thửa đất số 392 cho ông Lâm, bà Oanh “không biết” trong thửa đất số 392 bao gồm 125m2 đất đã bán bằng giấy viết tay cho bà Hà, ông Trường.

Anh Minh