Lạ lùng thư giới thiệu trưởng khoa

Khoa Triết học của Trường Đại học Sư phạm Hà Nội xảy ra bất bình thường trong công tác cán bộ. Từ đầu tháng 11/2019, khi PGS.TS. Hoàng Thúc Lân, Trưởng khoa kết thúc nhiệm kỳ 5 năm đến hạn làm thủ tục bổ nhiệm lại thì kết quả lấy phiếu tín nhiệm chỉ đạt 4/14 = 28%.

Không đủ điều kiện bổ nhiệm lại ông này, Thường vụ Đảng ủy nhà trường lại ra chủ trương không giống ở đâu là cho Khoa Triết học lấy “thư giới thiệu Trưởng Khoa Triết học”.

Cũng trong buổi lấy thư giới thiệu hôm ấy, còn đề nghị cán bộ, giảng viên cho ý kiến về việc cân nhắc có nên duy trì Khoa Triết học hay sáp nhập về Khoa Lý luận Chính trị - Giáo dục công dân.

Việc này chưa phù hợp với Kết luận số 94-KL/TW ngày 28/3/2014 của Ban Bí thư về việc tiếp tục đổi mới học tập lý luận chính trị trong hệ thống giáo dục quốc dân, thực hiện chủ trương thay đổi căn bản, toàn diện giáo dục. Ban Tuyên giáo Trung ương, Bộ Giáo dục và Đào tạo thực hiện quyết định thay môn: “Các Nguyên lý của Chủ nghĩa Mác – Lênin” đang giảng dạy ở các trường đại học và cao đẳng bằng các môn: Triết học Mác – Lênin, Kinh tế  Chính trị Mác – Lênin, Chủ nghĩa xã hội khoa học và đưa vào thực hiện giảng dạy trong cả nước từ năm học 2019 – 2020.

Trước phản ứng của dư luận, chủ trương sáp nhập để xóa sổ Khoa Triết học đã không được thực hiện.

Lạ lùng là sau đó, dù theo kết quả thư giới thiệu Trưởng khoa Triết học của tập thể cán bộ, giảng viên khoa, có tới 6 đồng chí được đề xuất nhưng lãnh đạo nhà trường vẫn không tiến hành quy trình bổ nhiệm.

Thay vào đó, ngày 4/12/2019, ông Nguyễn Văn Minh, Hiệu trưởng ký quyết định, miễn nhiệm Trưởng Khoa Triết  học với PGS.TS Hoàng Thúc Lân không bổ nhiệm lại vì tín nhiệm quần chúng thấp (chỉ được 4/14). Nhưng đồng thời, ông Minh cũng ký quyết định kéo dài thời gian đảm nhiệm chức vụ Phó trưởng khoa của PGS.TS Nguyễn Thị Thọ tới khi Khoa Triết học hoàn thiện tổ chức.

Điều này khiến dư luận bất bình vì nó chẳng những trái với các quy định, hướng dẫn của Trung ương về công tác tổ chức cán bộ, công tác kiện toàn nhân sự cấp ủy các cấp để tổ chức Đại hội Đảng các cấp mà còn trái với chính Điều 15 Điều lệ Trường Đại học ban hành năm 2015 qui định: Nhiệm kỳ của Phó trưởng khoa theo nhiệm kỳ của Trưởng khoa”. Lẽ ra, bà Thọ (sinh năm 1974) phải được bổ nhiệm lại Phó trưởng khoa.

Không chỉ trái các quy định, theo phản ánh, bà Nguyễn Thị Thọ còn có dấu hiệu vi phạm, đạo văn trong một hội thảo khoa học. Bà Thọ chính là người “thân thiết” của ông Hiệu trưởng nên việc kéo dài này chính là nhằm duy trì vị trí “cánh hẩu”, người quen của ông Minh lãnh đạo Khoa Triết học, thay vì nên bổ nhiệm những cán bộ mới đủ đức, đủ tài.

Liệu có vi phạm quy định về tổ chức Đại hội Chi bộ?

Thực hiện các hướng dẫn của Trung ương và cấp ủy các cấp, thời gian qua, Chi bộ Khoa Triết học đã chuẩn bị đề án nhân sự cho nhiệm kỳ Đại hội 2020-2022. Trong 4 ứng cử viên được Chi ủy giới thiệu thì có 3 người đủ điều kiện (tín nhiệm trên 50%), bà Nguyễn Thị Thọ chỉ được 1/3 người tín nhiệm, không đủ điều kiện giới thiệu vào Chi ủy nhiệm kỳ mới.

Chiều ngày 23/12/2019, Thường vụ Đảng ủy Trường Đại học Sư phạm mời Chi ủy Khoa Triết học lên chứng kiến cuộc họp của thường vụ về công tác Đại hội Chi bộ Triết học. Tại cuộc họp, Thường vụ Đảng ủy Trường Đại học Sư phạm quyết định với số phiếu 4/4 (một đồng chí vắng) để Chi bộ Triết học tiến hành Đại hội Chi bộ nhưng không bầu chi ủy mới vì chưa có Trưởng khoa mới. Chi ủy Khoa phát biểu đề nghị được đại hội bầu chi ủy mới nhưng không được chấp thuận.

Việc áp đặt tổ chức đại hội một cách vội vàng khi chưa chuẩn bị được đề án nhân sự cấp ủy khiến dư luận bức xúc, cho rằng đây là một sự việc bất thường. Dư luận đặt câu hỏi, phải chăng vì chưa đưa được người thuộc “vây cánh” của mình lên vị trí Trưởng khoa nên lãnh đạo nhà trường mới tổ chức đại hội kiểu lạ lùng như vậy? Và phải chăng cũng vì thế mà tập thể giới thiệu tới 3 vị trí nhân sự đủ điều kiện bổ nhiệm Trưởng khoa nhưng Đảng ủy nhà trường đều không thông qua theo đề nghị của cơ sở.

Dư luận cũng đặt câu hỏi phải chăng việc kéo dài chức vụ Phó trưởng Khoa đối với bà Thọ và việc chưa bổ nhiệm Trưởng khoa mới, tổ chức đại hội mà chưa bầu chi ủy chính là nhằm từng bước hợp thức hóa, để bà Thọ phụ trách vị trí trưởng khoa, sau đó sẽ bổ nhiệm với lý do “không còn phương án khác”?

Nhiều tùy tiện, lộn xộn trong bổ nhiệm

Vẫn theo đơn thư, còn hàng loạt lộn xộn trong bổ nhiệm tại nhà trường như bổ nhiệm ông Nguyễn Xuân Tuyển từ lái xe lên làm Phó phòng Quản trị Trường Đại học Sư phạm Hà Nội mà không qua cuộc thi chuyển lên ngạch chuyên viên song vẫn được bổ nhiệm làm viên chức quản lý (cấp phó phòng, hưởng phụ cấp chức vụ 0,4). Năm 2015, ông Nguyễn Văn Minh tiếp tục ký bổ nhiệm lại chức Phó trưởng phòng Quản trị nhiệm kỳ 2015-2020.

Trường hợp chị Hoàng Thu Huyền, Phó Trưởng phòng Tổ chức Cán bộ, vợ của anh Trần Đức Dũng là lái xe cho Hiệu trưởng Nguyễn Văn Minh. Trước năm 2014, chị Hoàng Thu Huyền chỉ là nhân viên hợp đồng của Trung tâm nghiên cứu và sản xuất học liệu trường Đại học Sư phạm Hà Nội, không phải viên chức, không đủ điều kiện bổ nhiệm. Dư luận hết sức bức xúc vì chị Huyền vẫn chưa là viên chức của trường vì chưa thi viên chức mà lại là cán bộ quản lý!

Ông Nguyễn Văn Minh

 

Bức xúc dư luận nhất phải kể đến việc ngày 15/8/2019, thừa lệnh Hiệu trưởng - GS.TS Nguyễn Văn Minh, Phòng Tổ chức Cán bộ đã ký hợp đồng cho con gái ông Minh là Nguyễn Đỗ Mạn Uyên làm giảng viên thử việc tại Khoa Tiếng Anh, với thời gian thử việc kéo dài 2 năm, không đúng quy định của pháp luật (6 tháng đến 1 năm). Sau đó, con gái ông Minh còn được quyết định vào Hội đồng xét tuyển giáo viên Trường Tiểu học thực hành Nguyễn Tất Thành khi mới đang chỉ là giảng viên thử việc.

Trả lời phóng viên về sự việc này, ông Nguyễn Văn Minh thừa nhận có sai sót nhưng sau đó đã khắc phục, con gái ông hiện nay không làm việc tại trường nữa mà đã đi du học ở Mỹ.

Vẫn theo đơn thư, trong năm 2018, cả Trường Đại học Sư phạm Hà Nội có 11 người trúng tuyển viên chức thì có 2 người là người nhà ông Minh gồm: Nguyễn Tương Phùng (cháu con con anh trai) vào phòng Kế hoạch tài chính và Đỗ Như Quỳnh (con của anh trai vợ) làm kế toán trường THCS & THPT Nguyễn Tất Thành thuộc Trường Đại học sư phạm Hà Nội. Đó là chưa kể đến 2 trường hợp họ hàng bên vợ ông Minh cũng được ký hợp đồng vào làm việc là Đỗ Bá Hoài Giao và Đinh Thị Trang…

Trao đổi với phóng viên về những vấn đề nêu trên, ông Nguyễn Văn Minh cho biết chủ trương sáp nhập, xóa bỏ khoa Triết học là chưa phù hợp nên mặc dù Thường vụ Đảng ủy nhà trường đã có nghị quyết nhưng Đảng ủy không thông qua nên đến nay không thực hiện. Còn việc lấy “thư giới thiệu” là do chưa hiểu sâu các quy định về công tác tổ chức cán bộ. Ông Minh cũng thừa nhận một số bất cập về công tác bổ nhiệm… nhưng lại cho rằng do khách quan, do trước đây.

Với hàng loạt những điểm bất thường như trên, đề nghị cấp ủy, Ủy ban Kiểm tra các cấp của Đảng bộ Bộ Giáo dục và Đào tạo cần sớm vào cuộc kiểm tra, xử lý, giải quyết tình hình, không để những dấu hiệu tiêu cực, lợi ích nhóm ảnh hưởng đến môi trường lành mạnh ở một trung tâm đào tạo cán bộ sư phạm lớn của đất nước.

Minh Anh