Theo dõi Báo Thanh tra trên
Thứ sáu, 30/06/2017 - 05:47
(Thanh tra)- Nhóm phóng viên giật mình khi chứng kiến cảnh người người, nhà nhà ở Suối Giàng, huyện Văn Chấn và vùng lân cận đua nhau khai thác đá, bất chấp lệnh cấm. Việc kinh doanh, tàng trữ, khai thác đá thổ phỉ diễn ra công khai trước sự bất lực của chính quyền địa phương…
Các thợ đá nhỏ cho biết, hiện tượng dựng lều lán và dùng máy xúc khai thác đá đã diễn ra khoảng vài tháng nay. Ảnh: Đan Anh
Theo lời kể của nhiều người dân địa phương, mỏ đá Suối Giàng tình cờ được phát hiện vào khoảng năm 2005. Một số người dân đã phát hiện những khối đá hoa văn dạng vân mây với nhiều mầu sắc xanh, vàng, đen có hình thù đẹp, độc đáo và kỳ lạ nên khai thác về nhà trưng bày. Nhà thì tìm được bức tranh đá độc đáo. Người thì đào được những khối đá hình tứ lân. Người may mắn lại sở hữu những tảng đá mồ côi nhiều hình dạng. Trong quá trình xẻ núi tìm đá, nhà lại xẻ núi kiếm được nguyên gốc gỗ gù hương quý giá nhiều tỷ đồng… Khu vực Suối Giàng ngay lập tức được biết đến như một mỏ đá bán quý tự nhiên khổng lồ, thu hút hàng ngàn người đổ về và hút thương lái tận TP HCM, Đà Nẵng, Hà Nội, Hải Phòng tìm đến.
Phong trào khai thác đá rộ lên từ những năm đó đến nay. Đặc biệt những năm 2010, 2011, việc khai thác, vận chuyển đá cảnh ở khu vực này trở nên nóng bỏng.
Theo lời kể của anh Thanh, người sinh sống ở Suối Giàng trên 20 năm, từ khi các mỏ đá được phát hiện và khai thác cho đến nay, nhiều người đã bị gãy chân, tay, thương tật suốt đời, thậm chí mất mạng vì đào đá. Có thanh niên mới đi khai thác buổi đầu tiên, trong khi đục đá, mảnh đá bắn vào mắt, bị mù suốt đời. Chuyện chở đá bằng xe máy ầm ầm trên tuyến đường dốc từ Suối Giàng, Suối Lóp xuống trung tâm thị trấn diễn ra cả ngày lẫn đêm. Có những tảng đá nặng 7 - 8 tạ cũng được người dân chuyển bằng xe máy. Nhiều vụ tai nạn thương tâm đã xảy ra. Cách đây khoảng 4 năm, đã có thanh niên ở huyện Văn Chấn bị cả một tảng đá sập vào người, không còn nhận ra hình dạng. Vụ đình đám nhất trong làng đá chính là vụ hai bên vác súng kíp bắn nhau tranh giành mỏ đá…
Các gian hàng bày bán đá thủ công mỹ nghệ khá sầm uất với tất cả chủng loại sản phẩm. Ảnh: Đan Anh
Một thợ đá ăn lộc giời nhiều năm cho biết, khi phong trào chơi đá cảnh ở thời "hoàng kim", ông cùng bạn bè rủ nhau vào rừng đào đá ngọc, vân xanh, vân đỏ… Mỗi ngày, nhóm của ông khoan được gần 15 phiến đá màu, đem ra khu vực Cây 5 bán. Tuy nhiên, trong số 10 người cùng tham gia đào đá với ông thì có đến 4 người bị thương tật gãy chân, tay; 1 người chết vì bị đá đè trong quá trình vận chuyển. Số còn lại không chết nhưng cũng dặt dẹo, nhức lưng, mỏi gối không làm được việc nặng. Theo phép tính của ông này, một phu đá làm quần quật công việc nguy hiểm như vậy nhưng tính ra thu nhập cũng không cao. Thông thường, họ bán ngay tại gốc cho người thu gom chuyên chở xuống các xưởng đá chế tác bám sát trung tâm… Thu nhập bình quân của thợ đá trực tiếp chỉ vài trăm ngàn/ngày. Trong khi đó, đá thương phẩm được bán tại địa bàn giá rất đắt. Đặc biệt, “phí” vận chuyển những sản phẩm lớn thì càng… khủng. Một bộ sập đá ra khỏi bãi phải trả “phí vận chuyển” (làm luật - PV) 20 triệu đồng. Cũng bộ này, nếu được đưa ra tỉnh khác phải “trả phí” 65 triệu đồng. Một bộ bàn ghế đá kích cỡ nhỏ “cõng phí” ra khỏi bãi là 15 triệu đồng. Có điều, không phải ai cũng có thể đảm nhận khâu đưa hàng ra khỏi bãi chứ chưa nói là vận chuyển liên tỉnh. Tất cả phu đá và khách “ăn” hàng thổ phỉ đều phải liên hệ qua một nhân vật “có số có má” tên U.
Cũng theo anh Thanh, khoảng 2 tháng gần đây, phong trào khai thác đá thổ phỉ tái xuất rầm rộ trở lại. Hàng chục xe tải, container, xe cẩu vận chuyển rầm rộ, công khai. Hàng chục máy múc không kể ngày đêm xé núi tìm đá. Thậm chí, có những lúc, cả chục xe tải, xe cẩu bốc hàng ngay sát gần trụ sở Công an huyện. Các đầu nậu nhỏ của địa bàn đều phỏng đoán rằng, việc khai thác đá rầm rộ này thuộc về “đại gia” của Hà Nội chứ chủ đá nhỏ lẻ của Văn Chấn không đủ tài để khai thác lớn thế…
Chia sẻ với chúng tôi (trong vai người đi mua đồ đá mỹ nghệ), ông T - chủ đá kinh doanh đá lớn nhất Văn Chấn cho biết, cả 2 cửa hàng của ông tài sản khoảng vài chục tỷ đồng. Đây là sản phẩm ông thu gom trong nhiều năm, kể từ khi ông còn là công chức Nhà nước (ông T nguyên là cán bộ công an). Tất cả các dòng sản phẩm mỹ nghệ từ đá, ông T đều đáp ứng được hết, thậm chí nhiều sản phẩm là quà biếu “độc” cũng đều từ cửa hàng của ông xuất đi. “Nói thật là việc khai thác đá ở đây bị cấm, chưa được cấp phép vì đá ở khu vực Suối Giàng là đá bán quý, cần phải được cấp phép. Bao nhiêu năm nay dân vẫn làm và nhiều người giàu lên nhờ khai thác đá thổ phỉ”…
Day dứt trước chia sẻ của đại gia T, chúng tôi đem câu hỏi về cấp phép hỏi rất nhiều người dân. Ai cũng bảo, Nhà nước chưa cho phép khai thác đâu nhưng bao năm nay chẳng ai phải khai thác trộm cả. Người người, nhà nhà, ai có khả năng làm gì cứ làm. Người đào núi tìm đá cứ đào. Người chở đá kiếm tiền cứ chở. Người bán cứ bán. Người gia công, chế tác đá thô thành các sản phẩm mỹ nghệ cứ chế tác, gia công. Rồi người “thu phế” cứ thu… Cái cỗ máy khổng lồ ấy không có ai bảo dừng lại. Người vi phạm cũng chẳng sao. Bởi vậy, người người nhìn nhau xem ai giàu lên từ đá để so sánh và lấy động lực lao vào như con thiêu thân.
Đi bất kỳ đâu từ thị trấn đến xã Suối Giàng, người ta có thể gặp cảnh đá được tập kết tràn lan. Ảnh: Đan Anh
Điều đáng lo ngại nhất, theo anh Thanh, cơn lốc khai thác đá đã cuốn phần lớn các hộ dân bản địa vào cuộc mua bán, dần trở thành người làm thuê trên chính mảnh đất của mình. Đơn cử như mỏ đá Suối Lóp nằm ngay bên cạnh khu vực sinh sống, canh tác của người dân. Cả thôn có khoảng 60 hộ người Mông sinh sống chủ yếu dựa vào hơn 40 ha đất sản xuất. Thế nhưng, từ khi “phong trào” khai thác đá nổi lên, người dân ở đây đang bán dần đất sản xuất của mình cho những chủ thầu khai thác đá. Gần như toàn bộ các mảnh nương ở ven đường có đá cảnh đều đã được các chủ khai thác đá mua lại hết cả. Mảnh nhỏ thì vài chục triệu. Mảnh lớn có đến vài trăm triệu đồng. Chủ đá vào tận nhà dân bản địa thỏa thuận mua công khai rồi khai thác tận thu. Đối với các hộ dân bản địa, nguồn tiền bán được đa phần dùng để mua sắm phương tiện như xe máy, ti vi. Khi cạn tiền, đất sản xuất không còn, để mưu sinh, bất chấp nguy hiểm đến tính mạng, họ lại lên núi đào đá hoặc làm thuê trên mảnh nương của mình trước đây. Ngay đầu thôn Suối Lóp cũng đang trở thành một công trường khai thác đá nhỏ với đầy đủ các loại phương tiện máy xúc, máy mài, máy xẻ, máy khoan… đủ cả.
Anh Thanh cũng day dứt, nhiều năm nay, tất cả người dân lên Suối Giàng đều nhìn thấy tấm biển cấm rất lớn ghi rõ nghiêm cấm các hành vi “tàng trữ, vận chuyển, mua bán đá”. Tuy nhiên, gần đây, tấm biển này bị phá lúc nào cũng chẳng hay… “Nguyện vọng của tất cả các hộ dân chúng tôi, cả người khai thác và làm nghề đá, chỉ muốn làm sao để Nhà nước và nhân dân cùng được lợi chứ không thể thả nổi để “nuôi béo” đầu nậu còn Nhà nước thì chảy máu tài nguyên, người dân thì chịu đủ mọi hiểm nguy rình rập…” - anh Thanh nói.
Rõ ràng, việc khai thác đá ở Suối Giàng đã diễn ra nhiều năm nay, công khai thách thức chính quyền địa phương. Việc trục lợi hàng chục, thậm chí hàng trăm tỷ đồng của nhiều đầu nậu diễn ra hàng ngày, hàng đêm, quyết liệt trước sự bất lực của Đảng bộ và chính quyền huyện Văn Chấn. Có hay không sự móc ngoặc của chính quyền địa phương này? Chúng tôi sẽ trở lại để bạn đọc rõ trong bài viết sau.
Đan Anh
Ý kiến bình luận:
Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!
(Thanh tra) - Như Báo Thanh tra đã phản ánh, dự án đầu tư xây dựng cơ bản công trình sửa chữa, bảo dưỡng đường trục tiểu khu Đông Đoài đi A27, kết nối vào đường gom thị trấn Phú Xuyên đi Vân Từ - Phú Yên, có tổng chiều dài chỉ 1.039m với tổng vốn đầu tư là 14,989 tỷ đồng và đã được Chủ tịch UBND huyện Phú Xuyên kết luận có nhiều sai phạm.
Nam Dũng
16:00 14/12/2024(Thanh tra) - Tại gói thầu số 12 thuộc Dự án Mở rộng đường Phú Mỹ - Tóc Tiên (từ khu tái định cư 105ha đến đường Hắc Dịch - Tóc Tiên - Châu Pha), thị xã Phú Mỹ, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, trong quá trình đánh giá hồ sơ dự thầu, Công ty CP Đầu tư xây dựng 886 - Thành Nam đã bị phát hiện có hành vi gian lận trong đấu thầu…
Ngọc Tuấn
08:00 14/12/2024Ngọc Tuấn
19:00 13/12/2024Thanh Giang
16:10 13/12/2024Chu Tuấn
15:37 13/12/2024Trung Hà
19:00 11/12/2024Ngọc Giàu
T.Lương
Đông Hà
Cảnh Nhật
Thu Huyền
Đông Hà
Đông Hà
Nguyễn Điểm
Kim Thành
Nam Dũng
Ngọc Giàu
Bảo Trân