Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Theo dõi Báo Thanh tra trên

Sắp bị thu hồi đất, Giày Sài Gòn vẫn “vẽ” dự án giáo dục

Quang Minh

Thứ sáu, 25/09/2020 - 09:24

(Thanh tra)- Theo thông báo ngày 17/5/2019 của UBND TP Hồ Chí Minh, chỉ còn hơn 2 tháng nữa khu đất 419 Lê Hồng Phong, đang cho Công ty Cổ phần Giày Sài Gòn (Giày Sài Gòn) thuê sẽ bị thu hồi. Tuy nhiên mới đây, Giày Sài Gòn bất ngờ đổi tên thành Công ty Cổ phần Giáo dục G Sài Gòn (G Sài Gòn), và có tờ trình xin ý kiến cổ đông về việc chào bán cổ phần riêng lẻ huy động vốn cho dự án kinh doanh giáo dục tại khu đất này.

Khu đất rộng hơn 10.000m2 sở hữu 3 mặt tiền: Đường Lê Hồng Phong - đường Vĩnh Viễn - đường Trần Nhân Tông, được coi là đất vàng. Ảnh: NL

“Vẽ” dự án trái ngược với chủ trương, không có căn cứ

G Sài Gòn đề cập tới sự cần thiết phát hành cổ phiếu, để tăng vốn điều lệ. Công ty nêu, ngày 11/2, Phó Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh Võ Văn Hoan đã ký Quyết định 490 phê duyệt điều chỉnh quy hoạch phân khu tỷ lệ 1/2.000 đối với khu đất hiện do công ty quản lý và sử dụng, địa chỉ 419 Lê Hồng Phong, quận 10 với chức năng sử dụng đất và các chỉ tiêu quy hoạch kiến trúc là chức năng đất giáo dục (trường trung học cơ sở), nên công ty cần có nguồn tài chính để giải ngân cho quá trình cải tạo làm dự án giáo dục với kinh phí 48 tỷ đồng.

Trong giai đoạn khó khăn, ông Lê Đức Thành, Giám đốc Công ty Thành Bưởi - là đối tác đã cho mượn 9 tỷ đồng, hiện tại công ty vẫn còn nợ 3 tỷ đồng. Cùng với đó, cổ đông lớn là ông Nguyễn Đoàn Duy Thanh cho mượn hơn 17 tỷ đồng. Vì vậy, công ty cần có khoản tài chính để thanh toán công nợ cho 2 vị này.

Ngay sau khi biết được nội dung tờ trình, một cổ đông đã thắc mắc, TP Hồ Chí Minh đã có chủ trương thu hồi đất và giao cho UBND quận 10 xây dựng trường trung học cơ sở đạt chuẩn bằng nguồn ngân sách Nhà nước, vậy công ty tiếp tục xin thuê đất làm giáo dục tư nhân có ngược với chủ trương hay không?

Một cổ đông khác cũng băn khoăn cho biết, hiện nay, TP chỉ có chủ trương giao đất cho quận 10, chứ không có chủ trương giao đất cho G Sài Gòn, không biết sau khi thu hồi đất TP có tiếp tục cho công ty thuê không. “Tôi là cổ đông nhỏ, nên phải theo cổ đông lớn thôi”, cổ đông này nói.

G Sài Gòn trình cổ đông về việc chào bán cổ phần huy động vốn. Ảnh: G Sài Gòn

Ông Nguyễn Quốc Đại, Chủ tịch Hội đồng Quản trị G Sài Gòn cho rằng, cho dù tình hình thế nào, công ty nhất quyết phải xin phép TP chấp thuận, cho công ty được thuê đất thực hiện phương án xã hội hóa giáo dục... Tuy nhiên, ông Đại không nêu được công ty được TP tiếp tục cho thuê đất căn cứ theo quy định nào?

Ngày 11/2, UBND TP Hồ Chí Minh đã ra Quyết định 490 về việc duyệt điều chỉnh cục bộ đồ án quy hoạch phân khu tỷ lệ 1/2.000 khu dân cư liên phường 2, 3, 4, 9, 10, 11, quận 10 - lô đất E (419 Lê Hồng Phong, phường 2, quận 10), thì khu đất này là đất nông nghiệp sạch được chuyển thành đất giáo dục (trường trung học cơ sở).

Quyết định nêu rõ, TP giao UBND quận 10 phối hợp các Sở Quy hoạch Kiến trúc, Tài nguyên và Môi trường, Giáo dục và Đào tạo và các đơn vị liên quan lập điều chỉnh cục bộ đồ án quy hoạch phân khu tỷ lệ 1/2.000 tại khu đất trên, trình thẩm định, phê duyệt theo quy định, để làm cơ sở triển khai thực hiện dự án đầu tư, xây dựng trường học.

Trong Quyết định 490 không hề đề cập tới việc, cho G Sài Gòn tiếp tục thuê đất.

Trao đổi với Báo Thanh tra về vấn đề trên, ông Vũ Anh Khoa, Chủ tịch UBND quận 10 cho biết, đến thời điểm này, quận không nhận được thông tin gì mới từ TP, quận vẫn thực hiện chỉ đạo trước đó của TP.

“Khu đất 419 Lê Hồng Phong là dùng cho giáo dục dùng vốn công, không có mục đích xã hội hóa. Và UBND quận 10 đã trình TP phương án về vốn và phương án xây trường học trên khu đất này. Quận cũng mong muốn có trường công lập, để phục vụ đại đa số con em trên địa bàn, nếu là trường tư thục thì chỉ dành cho một số bộ phận con em”, Chủ tịch UBND quận 10 mong muốn.

Từ khi cổ phần hóa liên tục thua lỗ

G Sài Gòn là doanh nghiệp Nhà nước, được cổ phần hóa từ năm 2015, điều đáng nói, từ sau khi cổ phần hóa đến nay, năm nào công ty cũng thua lỗ, tính đến cuối năm 2019, công ty đã lỗ lũy kế hơn 70 tỷ đồng và làm âm vốn chủ sở hữu 31 tỷ đồng. Tổng tài sản doanh nghiệp còn hơn 2 tỷ đồng, chủ yếu là các khoản phải thu ngắn hạn.

Mà cụ thể là toàn bộ hoạt động của công ty từ 5 năm qua phụ thuộc vào việc cho thuê đất. Và việc cho thuê đất lại là trái phép, đã bị nhắc nhở nhiều lần.

Tháng 6/2017, Thanh tra Sở Tài nguyên và Môi trường TP đã có quyết định xử phạt G Sài Gòn hơn 720 triệu đồng vì thuê đất trái phép.

Doanh nghiệp được thuê lại đất là nhà xe Thành Bưởi, cũng bị Thanh tra Sở Giao thông Vận tải xử phạt vì lập bến lậu trong nội đô. Nhiều năm liền cử tri địa phương bức xúc lên tiếng vì sự mất trật tự tại bến lậu này.

Cũng từ năm 2015, sau khi cổ phần hóa, công ty đột ngột cho gần 600 nhân viên làm da giày nghỉ việc, khu đất hơn 10.000m2 này không có bất kỳ hoạt động sản xuất kinh doanh nào ngoài việc cho thuê đất trái phép.

Trong năm 2017, UBND TP đã nhiều lần chỉ đạo G Sài Gòn phải chấm dứt ngay hành vi cho thuê mặt bằng 419 Lê Hồng Phong và phải sử dụng khu đất này đúng mục đích sản xuất, kinh doanh.

Bất chấp hàng loạt sai phạm, hàng năm vào mỗi kỳ Đại hội cổ đông, G Sài Gòn vẫn kiên nhẫn trình đề án, huy động nguồn lực tài chính nhằm tăng vốn điều lệ để triển khai xây dựng trung tâm thương mại dịch vụ hỗn hợp trên khu đất vàng.

Và năm nay, chỉ còn hơn 2 tháng nữa đến thời điểm giao đất, G Sài Gòn lại đổi tên công ty, lên phương án giáo dục, nhằm trả nợ và gia hạn được sở hữu miếng đất vàng. Tuy nhiên, bản kế hoạch mà công ty đề ra không có căn cứ, trái với chủ trương của TP.

Theo các chuyên gia, có dấu hiệu cho thấy có sự trục lợi tài nguyên đất của Nhà nước và mục đích cuối cùng là để thâu tóm khu đất vàng này!

Còn theo một chuyên gia trong ngành giáo dục, làm giáo dục không chỉ cần có tiềm lực mà phải còn chuyên môn về giáo dục, vì quá trình hoạt động không đơn thuần là những con số như kinh doanh. Bởi vậy một doanh nghiệp làm giày da không thể chỉ cần đổi tên sang công ty giáo dục là làm được. Nếu chỉ vì mục đích để được gia hạn khu đất vàng lại cần phải phản biện. Trường học để phục vụ cộng đồng, nhu cầu xây trường dù trường công hay trường tư… phải gắn liền với nhu cầu ở từng địa phương.

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Chưa có báo cáo dù cơ quan công an đề nghị khẩn trương

Chưa có báo cáo dù cơ quan công an đề nghị khẩn trương

(Thanh tra) - Dù đã gần 2 tháng trôi qua nhưng UBND huyện Hướng Hóa, tỉnh Quảng Trị vẫn chưa có báo cáo về những vi phạm đối với ông Nguyễn Khánh Quân, hiện là Trưởng Phòng Kinh tế và Hạ tầng, như đề nghị của Công an tỉnh. Trong khi đó, khi thi công công trình trụ sở làm việc xã Ba Tầng do Công ty TNHH Lộc Phú trúng thầu từng xảy ra vụ 1 người đàn ông tử vong do bị điện giật.

Minh Tân

14:00 25/11/2024
Doanh nghiệp có vốn 1,5 tỷ, 4 lao động, tham gia loạt thầu trăm tỷ tại UBND huyện Hương Khê

Doanh nghiệp có vốn 1,5 tỷ, 4 lao động, tham gia loạt thầu trăm tỷ tại UBND huyện Hương Khê

(Thanh tra) - Với số vốn khá khiêm tốn 1,5 tỷ đồng cùng số lao động đăng ký là 4 người, thế nhưng, Công ty Sông Ba đã tham gia và trúng 9/9 gói thầu tại huyện Hương Khê, với tổng giá trị trúng thầu hơn 300 tỷ đồng. Đáng nói, đa số các gói thầu doanh nghiệp này góp mặt có tỷ lệ tiết kiệm cho ngân sách rất thấp. Đi kèm với đó, công ty này có cách xoay vòng vốn thú vị.

Quang Dân

11:03 23/11/2024

Tin mới nhất

Xem thêm