Theo dõi Báo Thanh tra trên
Thứ năm, 20/03/2014 - 11:23
(Thanh tra) - Dự án "Trồng rừng nguyên liệu giấy tại Hòa Bình" đã "treo" hơn 5 năm (2008 - 2014). Nay, chủ dự án lại " trở về" đòi quyền lợi (tiền dịch vụ môi trường rừng).
Ông Xuân và ông Tiến trao đổi với PV. Ảnh: Hồng Bài
Không trồng cây...
Ngày 4/12/2008, UBND tỉnh Hòa Bình đã có Quyết định số 2675/QĐ-UBND "V/v thu hồi đất và cho Công ty Cổ phần (CP) Phú Thịnh thuê đất thực hiện dự án đầu tư trồng rừng nguyên liệu giấy". Theo quyết định này, diện tích đất thu hồi là 9.802.957,9m2 đất trồng rừng sản xuất tại 5 xóm: Yên, Tát, Cò Phày, Mít và Diều Bồ, xã Tân Minh, huyện Đà Bắc.
Ngày 5/12/2008 (chỉ 1 ngày sau khi có quyết định thu hồi đất), Cty CP Phú Thịnh đã cầm trong tay 5 giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (CNQSDĐ): AK 834262; AK 834263; AK 834264; AK 834265 và AK 834266 với tổng diện tích là 981ha đất trên địa bàn 5 xóm có đất bị thu hồi. Điều này cho thấy, tiến độ làm thủ tục về đất đai giữa chính quyền các cấp của tỉnh Hòa Bình với Cty Phú Thịnh là rất nhanh.
Cũng trong thời gian này, UBND tỉnh còn ra quyết định thu hồi 672ha đất rừng sản xuất trên địa bàn xã Tân Minh giao cho Cty DVG Cao Phong thuê lập Dự án "Trồng rừng nguyên liệu giấy".
Như vậy, cùng một thời điểm, xã Tân Minh bị thu hồi trên 1.650ha đất rừng sản xuất giao cho doanh nghiệp trồng rừng nguyên liệu. Điều này, không chỉ người dân trong xã mà phần lớn cán bộ xã, thôn đều không đồng tình. Điều làm cho người dân bức xúc hơn, đó là, trong biên bản làm việc ngày 11/6/2008 giữa Đảng ủy, UBND xã với Cty Phú Thịnh, đất xóm Cò Phày không nằm trong diện Cty Phú Thịnh khảo sát, lập dự án trồng rừng. Nhưng không hiểu vì sao Cty Phú Thịnh lại được UBND tỉnh Hòa Bình cấp giấy CNQSDĐ AK 834266 với diện tích 526.270m2 là đất cộng đồng của xóm Cò Phày đang quản lý.
Ông Xa Viết Xuân, Chủ tịch UBND xã Tân Minh (lúc đó là Bí thư Đảng ủy xã) cho biết: Từ khi được cấp phép vào khảo sát, thiết kế để lập dự án trồng rừng, Cty Phú Thịnh không một lần bước chân lên khu đất để khảo sát. Cty này được các cơ quan chức năng của tỉnh, huyện giao đất, nhận đất trên bản đồ, tại văn phòng UBND xã chứ không giao đất trên thực địa, không cắm mốc giới tiếp giáp với các lô, khoảnh đất của người dân. Vì thế, Cty Phú Thịnh đã nhận đất hơn 5 năm nhưng không biết đất mình ở đâu. Và, trong suốt 5 năm qua Cty không có tác động gì trên 981ha đất được giao. Vì vậy, khi địa phương thực hiện giao đất khoán rừng theo Nghị định 02 của Chính phủ, cơ quan chức năng và chính quyền xã Tân Minh đã giao hơn 100ha đất cho hộ vào diện tích đất đã giao cho Cty Phú Thịnh. Cty này không hề biết bị "mất" đất.
Không để đất trống, chính quyền xã Tân Minh đã chỉ đạo các xóm tổ chức khoanh nuôi, bảo vệ để rừng tái sinh. Một phần diện tích được giao cho các hộ canh tác, trồng rừng. Như vậy, dự án "trồng rừng nguyên liệu giấy tại Hòa Bình" của Cty Phú Thịnh chỉ tồn tại trên giấy và đã bị "treo" hơn 5 năm qua.
Lại đòi "hái quả"
Ngày 4/11/2013, UBND tỉnh Hòa Bình đã có Quyết định số 2697/QĐ-UBND "V/v phê duyệt sử dụng tiền ủy thác chi trả dịch vụ môi trường rừng tại Qũy Bảo vệ và Phát triển rừng tỉnh Hòa Bình". Theo quyết định này, trong 3 năm (2011 - 2013), tổng nguồn chi trả dịch vụ môi trường rừng (DVMTR) toàn tỉnh Hòa Bình là 21.369 triệu đồng (lấy số chẵn). Xã Tân Minh có 4.319,99ha rừng trong diện được chi trả tiền DVMTR với số tiền là 1.087.129.800 đồng. Trong đó, đất dự án "treo" của Cty Phú Thịnh là 980,1ha, tiền được chi trả DVMTR là 253.405.835 đồng.
Biết được nguồn tiền trên, ngày 12/1/2014, Công ty CP Phú Thịnh đã làm công văn (không số) về việc trồng rừng gửi Ban Quản lý rừng phòng hộ (QLRPH) sông Đà. Công văn này trình bày, Cty đã được UBND tỉnh Hòa Bình cấp giấy CNQSDĐ, tổng diện tích là 981ha tại xã Tân Minh, Đà Bắc để thực hiện dự án trồng rừng nguyên liệu giấy.
Ban QLRPH sông Đà chuẩn bị chi trả tiền DVMTR xã Tân Minh, trong đó có cả diện tích đất của Cty. Và, Cty Phú Thịnh đề nghị Ban QLRPH sông Đà thu hồi lại số tiền cho Cty CP Phú Thịnh.
Ngày 19/1/2014, Cty Phú Thịnh lại có công văn gửi Đảng ủy, HĐND, UBND xã Tân Minh, nêu: Căn cứ theo thông báo của Ban QLRPH sông Đà, Cty Phú Thịnh được hưởng số tiền DVMTR trên diện tích 981ha. Đồng thời đề nghị UBND xã Tân Minh thu lại số tiền mà Ban QLRPH đã chi trả cho các xóm để trả lại cho Cty.
Trao đổi với chúng tôi về vấn đề trên, ông Nguyễn Hải, Trưởng Ban QLRPH sông Đà cho biết: Ban QLRPH sông Đà không có thông báo cho Cty Phú Thịnh về số tiền chi trả như công văn Cty gửi UBND xã Tân Minh. Nhận được công văn của Cty Phú Thịnh, lãnh đạo Ban đã trả lời trực tiếp ông Nguyễn Đình Bảy, Giám đốc Cty Phú Thịnh là: UBND tỉnh Hòa Bình chi trả tiền DVMTR chứ không chi trả tiền sử dụng đất. Trong thực tế, Cty Phú Thịnh được UBND tỉnh cho thuê đất để trồng rừng nhưng Cty không thực hiện dự án (không trồng rừng nguyên liệu), để dự án "treo". Nay rừng đã tái sinh, đủ điều kiện được chi trả tiền DVMTR. Nhưng diện tích rừng này không phải do tác động của Cty Phú Thịnh mà có. Vì vậy, Ban QLRPH sông Đà chi trả tiền DVMTR trực tiếp cho các xóm có rừng. Cụ thể: Xóm Yên 27.639.102 đồng; xóm Tát 80.202.520 đồng; xóm Diều Bồ 87.364.383 đồng; xóm Mít 44.600.048 đồng; xóm Cò Phày 13.599.783 đồng. Số tiền trên các trưởng thôn đang giữ. Nếu Cty Phú Thịnh cung cấp được đầy đủ hồ sơ pháp lý chứng minh diện tích rừng trên đất Cty được thuê (980ha) tại các xóm Tát, Cò Phày, Yên, Diều Bồ, Mít xã Tân Minh thuộc quyền sở hữu của Cty thì Ban QLRPH sẽ chi trả tiền DVMTR cho Cty. Quan điểm của Ban QLRPH sông Đà là có cơ sở. Vì, Cty Phú Thịnh được giao đất để trồng rừng nguyên liệu giấy, đây là rừng tái sinh, cây bản địa, do cộng đồng xóm quản lý bảo vệ mà có.
Ông Xa Văn Tiến, Bí thư Đảng ủy xã Tân Minh cho biết: Khi giao đất cho Cty Phú Thịnh, đất ở các xóm là đất trống, đồi trọc. Cty không trồng cây, các hộ dân đã mua cây giống về trồng và đầu tư công sức tu bổ rừng để rừng tái sinh. Màu xanh trên những quả đồi hôm nay là do người dân tác động chứ không phải của Cty Phú Thịnh.
Công văn của Cty Phú Thịnh nói: "Để tạo điều kiện giúp đỡ cho địa phương, chúng tôi thống nhất đồng ý trích lại quỹ xóm 30% và quỹ xã 10% tổng số tiền Cty đã được hưởng". Thật vô lý với cách tự "chia phần" của Cty Phú Thịnh. Cty này không trồng cây, nay lại đòi "hái quả" là không đúng. Đảng ủy, UBND xã, các trưởng thôn và nhân dân xã Tân Minh không chấp nhận đề nghị của Cty Phú Thịnh.
Khác với Cty Phú Thịnh, Cty DVG Cao Phong, sau khi thất bại dự án trồng rừng với diện tích 672ha tại xã Tân Minh, Cty này lặng lẽ rút chạy, nay không trở lại "đòi" quyền lợi như Cty Phú Thịnh.
Theo ông Xa Viết Xuân, UBND xã sẽ thu lại 1/2 số tiền DVMTR mà các trưởng thôn đang giữ để chi phí cho công tác quản lý bảo vệ rừng trên địa bàn xã. Một số trưởng thôn không đồng ý giao nộp lại cho UBND xã 1/2 số tiền đã nhận do Ban QLRPH chi trả.
Trưởng Ban QLRPH sông Đà cho biết: Sắp tới, Ban sẽ cho niêm yết danh sách diện tích từng loại rừng của từng hộ được chi trả tiền DVMTR tại UBND xã và Nhà văn hóa xóm để nhân dân biết quyền lợi của mình. Từ đó nâng cao tinh thần, ý thức trách nhiệm của người dân trong công tác phát triển, bảo vệ rừng nói chung và rừng phòng hộ nói riêng.
Hồng Bài
Ý kiến bình luận:
Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!
(Thanh tra) - Như Báo Thanh tra đã phản ánh, dự án đầu tư xây dựng cơ bản công trình sửa chữa, bảo dưỡng đường trục tiểu khu Đông Đoài đi A27, kết nối vào đường gom thị trấn Phú Xuyên đi Vân Từ - Phú Yên, có tổng chiều dài chỉ 1.039m với tổng vốn đầu tư là 14,989 tỷ đồng và đã được Chủ tịch UBND huyện Phú Xuyên kết luận có nhiều sai phạm.
Nam Dũng
16:00 14/12/2024(Thanh tra) - Tại gói thầu số 12 thuộc Dự án Mở rộng đường Phú Mỹ - Tóc Tiên (từ khu tái định cư 105ha đến đường Hắc Dịch - Tóc Tiên - Châu Pha), thị xã Phú Mỹ, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, trong quá trình đánh giá hồ sơ dự thầu, Công ty CP Đầu tư xây dựng 886 - Thành Nam đã bị phát hiện có hành vi gian lận trong đấu thầu…
Ngọc Tuấn
08:00 14/12/2024Ngọc Tuấn
19:00 13/12/2024Thanh Giang
16:10 13/12/2024Chu Tuấn
15:37 13/12/2024Trung Hà
19:00 11/12/2024Ngọc Giàu
T.Lương
Đông Hà
Cảnh Nhật
Thu Huyền
Đông Hà
Đông Hà
Nguyễn Điểm
Kim Thành
Nam Dũng
Ngọc Giàu
Bảo Trân