Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Theo dõi Báo Thanh tra trên

Kết cục có “hậu”, nhưng...

Thứ bảy, 15/02/2014 - 13:45

(Thanh tra) - Dù là những ngày giáp Tết Giáp Ngọ khá bận rộn, nhưng phiên toà xét xử sơ thẩm vụ án “Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản” của TAND tỉnh Bình Định đối với Nguyễn Thị Hồng Phương (nguyên Trưởng quỹ Techcombank Quy Nhơn) diễn ra vào ngày 20/01/2014 vẫn thu hút đông đảo sự chú ý của dư luận cũng như tại phiên tòa. Qua một ngày làm việc, HĐXX đã tuyên Phương không phạm tội danh trên, thay thành tội “Sử dụng tài sản trái phép” và dành cho một bản án khác; đồng thời, quyết định trả tự do cho Phương ngay tại Tòa. Đây là kết cục có “hậu”, nhưng...

>>Ngoài thủ quỹ, còn ai là đồng phạm?

Như Báo Thanh tra đã từng cảnh báo trong các số báo trước, đó là kết quả điều tra, truy tố trong vụ án này bị chệch hướng và bỏ lọt tội phạm, nhất là kẻ chủ mưu và Phương không hề phạm tội. Trong quá trình nghiên cứu hồ sơ và xét xử trước đó, đáng chú ý là lời khai của các cán bộ ngân hàng, chủ tọa phiên tòa nhận định đã thấy rõ vai trò của ông Phạm Ngọc Hải (nguyên Giám đốc Techcombank Quy Nhơn) và 3 lần trả hồ sơ cho Viện KSND tỉnh để điều tra bổ sung, đặc biệt là làm rõ vai trò đồng phạm của ông Hải. Vậy nhưng, cả Cơ quan điều tra và Viện KSND cùng cấp vẫn cho rằng, không có chứng cứ nên giữ nguyên cáo trạng truy tố ban đầu đối với Phương, theo điểm a khoản 4 Điều 104/BLHS, có khung hình phạt từ 12 năm đến 20 năm hoặc tù chung thân. Về dân sự, buộc Phương bồi thường 2 tỷ đồng cho ông Lương Tiến Mạnh. Vì thế, khác với những phiên tòa trước, lần này Viện tăng cường 2 Công tố viên để “bảo lưu” quan điểm trước Tòa.

Cho đến phiên tòa ngày 20/01, nguyên Giám đốc Phạm Ngọc Hải mới “xuất đầu lộ diện”, làm cho phần xét hỏi cũng như tranh tụng tại Tòa “nóng ran” lên. Một thời từng giữ cương vị Thanh tra Ngân hàng và quản lý của doanh nghiệp kinh doanh tiền tệ, nhưng khi trả lời các câu hỏi của Tòa, ông Hải không hề “gượng miệng” mà lúc nào cũng “không biết”, “không hiểu” hoặc “không thấy”... Giống như ông Hải, người bị hại là ông Lương Tiến Mạnh (Trưởng Chi nhánh Công ty TNHH Thanh Phát tại Quy Nhơn), bị “mất” một lúc đến 2 tỷ đồng khi vay của ngân hàng vào ngày 27/11/2009, nhưng các phiên tòa trước đều “lặn mất tăm”, đến phiên tòa này mới ủy quyền cho luật sư đến tham gia. Ông Mạnh mất tiền nhưng chỉ khiếu nại bằng... miệng với ông Hải, mãi đến 3 tháng sau mới có đơn khiếu nại gửi đến ngân hàng?! Đó là chưa kể việc tháng nào ông Mạnh cũng “còng lưng” trả lãi cho khoản tiền vay đã bị mất... 

Ngược lại, khi có “trát” của Tòa, các nhân chứng công tác ở Techcombank Quy Nhơn hầu như có mặt. Họ từng là “lính” của ông Hải, không thù hiềm gì đối với vị lãnh đạo trước đây, nhưng họ không thể “thờ ơ” trước một sự thật hiển nhiên và sinh mệnh một con người đã từng là đồng nghiệp cũ của mình, như Phương. Vì thế, qua các phiên tòa, khi được hỏi, những cán bộ ngân hàng như chị Bảo Trâm, chị Võ Thị Hằng... đều trình bày vanh vách việc ông Mạnh vay tiền, ông Hải là người chỉ đạo xuyên suốt các khâu giao dịch; trước ngày 27/11/2009 (trùng ngày ông Mạnh vay tiền), nhiều giao dịch viên biết tin bà Nguyễn Thị Hồng Vân (chị ruột Phương) trả nợ 3 tỷ đồng cho ông Văn Thành Long (trú Đắk Pơ, Gia Lai), nên chị Hằng gọi điện tư vấn cho ông Long cách gửi tiết kiệm (TK) để được hưởng ưu đãi. Từ lãnh đạo đến nhân viên ngân hàng từng khẳng định nhiều lần trước Tòa: “Một mình Phương thì không thể lợi dụng chiếm đoạt tài sản được, mà phải có kế toán, kiểm soát viên mới chuyển tiền được...”.

Trước nhiều câu hỏi “hóc búa” nhằm buộc tội của đại diện Viện KSND, Phương luôn một mực kêu oan không phạm tội như quy kết. Trong lần tống đạt cáo trạng gần nhất, dù ở trại giam Phương vẫn cương quyết từ chối việc nhận cáo trạng buộc tội mình. Phương khai: “Khi ông Mạnh đến vay tiền, sau khi hoàn tất thủ tục Phương giao tiền cho ông Mạnh tại phòng làm việc của Giám đốc Hải và yêu cầu ông Mạnh kiểm tra lại tiền, nhưng ông Mạnh bảo đem xuống quầy làm sổ TK...”.  Phương chỉ nhận sai lầm là làm theo “lệnh miệng” của ông Hải, chứ không lấy tiền vay của ông Mạnh để cho bà Vân trả nợ ông Long (bà Vân viết giấy vay ông Long 3 tỷ đồng vào ngày 27/10/2009, được ông Hải ký bảo lãnh). Luật sư Trương Đình Tùng (TP. Hồ Chí Minh, bào chữa cho Phương) khẳng định: “Thực chất vấn đề gửi lại tiền là của ông Hải, do ông Hải “mượn” của ông Mạnh, để cùng bà Vân trả nợ cho ông Long. Nếu Phương bị tội chiếm đoạt tài sản, thì cả hệ thống của Ngân hàng như kho quỹ, kế toán, kiểm soát, cũng cùng tội danh như Phương. Cho là ông Mạnh bị mất 2 tỷ đồng thì giá trị sổ TK 4 tỷ đồng dùng thế chấp vay chỉ còn lại 2 tỷ đồng, cớ gì sau đó ông Mạnh mang 2 tỷ đồng gửi TK lại để các lần vay sau đó ông Mạnh vay được 3 tỷ rồi 3,5 tỷ đồng, đảm bảo bằng sổ TK có số dư 4 tỷ đồng? Theo Luật sư Tùng, chứng cứ buộc tội của Viện đối với Phương là vô căn cứ, thiếu thuyết phục. Đó là chưa kể việc quá trình điều tra, truy tố bỏ qua nhiều chứng cứ có lợi và gỡ tội cho bị cáo...

Đại diện Viện KSND lập luận, bị cáo sai phạm ở chỗ là giao 2 tỷ đồng cho ông Mạnh nhưng không giao trực tiếp tại kho quỹ. Việc ông Hải chỉ đạo bằng miệng nay chối bỏ trách nhiệm, coi như không có chứng cứ. Phương lợi dụng để lấy tiền của ông Mạnh chuyển cho bà Vân trả nợ, bằng cách lập sổ TK cho ông Long... Viện đề nghị Tòa tuyên phạt Phương từ 12 - 13 năm tù giam, buộc bồi thường cho ông Mạnh 2 tỷ đồng.

Hơn 18 giờ tối, Chủ tọa phiên tòa Nguyễn Thị Thanh Bình công bố bản án, tuyên Phương không phạm tội “Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản” như đã truy tố. Thay vào đó, là tội danh “Sử dụng tài sản trái phép” và tuyên phạt bị cáo 26 tháng 18 ngày tù, bằng đúng thời gian Phương bị bắt giam (2/11/2011) đến nay, Phương được trả tự do ngay tại Tòa. Buộc ông Long phải trả lại 2 tỷ đồng cho ông Mạnh.

Phiên tòa cuối năm khép lại với một bản án khá hoàn hảo. Xuân này có thể là mùa Xuân tươi đẹp nhất của Phương, do sự công tâm của những người đại diện công lý mang lại, được cả phiên tòa vỗ tay tán thưởng. Song, dư luận vẫn còn băn khoăn: Liệu đây là cách “chữa cháy” cho hành vi cố tình gây oan sai kéo dài của các cơ quan thực thi pháp luật ở Bình Định? Và, liệu một mình Phương có thể dễ dàng “sử dụng tài sản trái phép” hay còn những ai liên quan và đồng phạm nữa?

Nguyên Phê

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Sai từ khi lập dự án cho đến thi công và nghiệm thu thanh toán

Sai từ khi lập dự án cho đến thi công và nghiệm thu thanh toán

(Thanh tra) - Như Báo Thanh tra đã phản ánh, dự án đầu tư xây dựng cơ bản công trình sửa chữa, bảo dưỡng đường trục tiểu khu Đông Đoài đi A27, kết nối vào đường gom thị trấn Phú Xuyên đi Vân Từ - Phú Yên, có tổng chiều dài chỉ 1.039m với tổng vốn đầu tư là 14,989 tỷ đồng và đã được Chủ tịch UBND huyện Phú Xuyên kết luận có nhiều sai phạm.

Nam Dũng

16:00 14/12/2024
Phát hiện Công ty CP Đầu tư xây dựng 886 - Thành Nam kê khai gian lận trong đấu thầu

Phát hiện Công ty CP Đầu tư xây dựng 886 - Thành Nam kê khai gian lận trong đấu thầu

(Thanh tra) - Tại gói thầu số 12 thuộc Dự án Mở rộng đường Phú Mỹ - Tóc Tiên (từ khu tái định cư 105ha đến đường Hắc Dịch - Tóc Tiên - Châu Pha), thị xã Phú Mỹ, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, trong quá trình đánh giá hồ sơ dự thầu, Công ty CP Đầu tư xây dựng 886 - Thành Nam đã bị phát hiện có hành vi gian lận trong đấu thầu…

Ngọc Tuấn

08:00 14/12/2024

Tin mới nhất

Xem thêm