Theo dõi Báo Thanh tra trên
Chủ nhật, 06/04/2014 - 11:28
(Thanh tra) - Hơn 9 tháng sau khi ra quyết định khởi tố, bắt tạm giam bị can để điều tra, các cơ quan tố tụng huyện Hàm Thuận Nam, tỉnh Bình Thuận đã ra quyết định thay đổi quyết định khởi tố bị can từ tội danh “chống người thi hành công vụ” sang tội danh “gây rối trật tự công cộng”. Trước hàng loạt chứng cứ dần được đưa ra ánh sáng, dư luận đặt câu hỏi: Liệu có chuyện đã lỡ khởi tố, bắt giam nên giờ phải “gọt chân cho vừa giày”?
Người làm chứng “nói không”, cơ quan tố tụng “bảo có”
Ngày 24/2/2014, Viện Kiểm sát nhân dân (KSND) huyện Hàm Thuận Nam đã ra Quyết định số 03/KSĐT thay đổi quyết định khởi tố bị can đối với ông Hoàng Đắc Hòa. “Xét thấy hành vi của các bị can không phạm vào tội “chống người thi hành công vụ” mà có dấu hiệu của tội “gây rối trật tự công cộng”, quy định tại Điều 245 Bộ Luật Hình sự”, Viện KSND huyện Hàm Thuận Nam đã thay đổi quyết định khởi tố bị can đối với ông Hoàng Đắc Hòa từ tội “chống người thi hành công vụ” sang tội “gây rối trật tự công cộng”.
Ngay sau khi quyết định trên được công bố, ông Phan Đình Hiển, Phó Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Đầu tư Khoáng sản và Thương mại Bình Thuận (gọi tắt là Cty Khoáng sản Bình Thuận) cũng đã có đơn khiếu nại gửi đến các cơ quan chức năng tỉnh Bình Thuận về việc bị mình bị khởi tố.
Ông Hiển bị Cơ quan Cảnh sát điều tra (CSĐT) Công an huyện Hàm Thuận Nam truy tố về hành vi “chống người thi hành công vụ” theo bản Kết luận điều tra số 66/BC-CAHT ngày 5/6/2013 của Công an Hàm Thuận Nam.
Ngày 26/2/2014, ông Hiển được Viện KSND huyện Hàm Thuận Nam tiến hành thủ tục giao quyết định thay đổi quyết định khởi tố bị can từ hành vi “chống người thi hành công vụ” sang hành vi “gây rối trật tự công cộng”. Ông Hiển khẳng định: “Bản thân tôi, ngay từ khi khởi tố bị can cho đến nay đã có trình bày rõ là không có hành vi vi phạm pháp luật về hình sự như xác định của các cơ quan tiến hành tố tụng nên tôi đã không nhận quyết định thay đổi quyết định khởi tố bị can”.
Trước đó, ngày 15/4/2013, hàng loạt công nhân Cty Khoáng sản Bình Thuận cùng ký đơn xác nhận chứng kiến vụ việc xảy ra vào ngày 3/1/2013, phản đối việc bắt giữ ông Phan Đình Hiển. Đơn xác nhận cho biết: Sau khi nhận được thông tin do ông Nguyễn Thành Long (nguyên là Chủ tịch Hội đồng Quản trị Cty Khoáng sản Bình Thuận - PV) thông báo (với nội dung đã “đuổi việc” Tổng Giám đốc Cty, đồng thời kể từ sau ngày 21/12/2012 sẽ là người trực tiếp điều hành Cty và trả lương cho công nhân); trưa ngày 3/1/2013, khi thấy ông Long xuất hiện, công nhân đã cùng nhau kéo đến văn phòng Cty để đòi hỏi quyền lợi và tiền lương.
Những công nhân trên xác nhận: Hôm đó, chúng tôi chỉ tập trung ngoài sân trước cửa phòng họp của Cty để yêu cầu được giải quyết quyền lợi (sự việc này có một số nhà báo quay phim, chụp ảnh). Khi đó, chúng tôi thấy ông Trần Đức Du là người to tiếng với ông Nguyễn Thành Long và đi vào phòng họp để tranh luận gì đó với ông Long… Trong suốt quá trình ông Long và ông Du to tiếng, ông Hiển đang đứng giải thích cho anh em công nhân chúng tôi mà không hề vào phòng họp. Ông Hiển không hề tham gia cuộc cãi nhau hay va chạm giữa ông Du và ông Long.
Ngoài những nội dung trong lá đơn xác nhận của hàng chục công nhân thì trong buổi trả lời phỏng vấn của PV, bà Lê Thị Bạch Phượng, Chủ tịch Liên đoàn Lao động tỉnh Bình Thuận cũng cho biết, khi đến hiện trường buổi đình công bà đã gặp ông Hiển đang trong trạng thái “người cũng xỉu lên xỉu xuống rồi, đi không được nữa rồi”. Lúc đó, sau khi nghe ý kiến của bà Phượng, ông Hiển đã hứa 3 vấn đề: Một là, yêu cầu công nhân giải tán ngay; hai là, trong 3 ngày sau sẽ trả lương cho công nhân; ba là, sẽ cố gắng ổn định việc làm cho công nhân.
Sau đó, ông Hiển giữ đúng lời hứa khi trả lương cho công nhân vào ngày 5/1/2013. Không chỉ vậy, vào thời điểm ngay trước Tết Âm lịch 2013, vợ chồng ông Hiển đã đi vay để trả lương, thưởng đầy đủ cho người lao động trong Cty.
Cơ sở nào cho những quyết định “bất nhất”?
Ông Phan Đình Hiển cho biết, "bức xúc vì những sai phạm nghiêm trọng, vi phạm Bộ Luật Lao động của ông Nguyễn Thành Long, bản thân tôi và toàn thể cán bộ, công nhân viên đã đồng lòng tổ chức đình công, có kiến nghị trước với Liên đoàn Lao động…”.
Cũng theo ông Hiển, thời gian xuất phát đi từ Công ty Hải Tinh (cách Công ty Bình Thuận 40km) là 10 giờ 30, khoảng hơn 11 giờ có mặt tại cổng Cty Khoáng sản Bình Thuận, để tránh việc va chạm với lực lượng bảo vệ ông Nguyễn Thành Long (gồm Công an xã và Công an huyện, khi những người này đi ăn cơm). Địa điểm dự kiến của việc đình công giới hạn trong phần sân khuôn viên gần cổng Cty Khoáng sản Bình Thuận, thế nên không cản trở hay gây khó khăn cho hoạt động của Cty, không cản trở giao thông. Vụ việc cũng không gây thương tích cho bất cứ ai, không xảy ra thiệt hại về tài sản có giá trị (từ 10 triệu đồng trở lên). “Việc ông Trần Đức Du và ông Nguyễn Thành Long xích mích cá nhân về tiền bạc, xảy ra xô xát với nhau làm rớt máy vi tính của một điều tra viên Cục Cảnh sát Môi trường (C49) không liên quan đến buổi đình công của chúng tôi. Tôi chỉ ở ngoài văn phòng Cty điều hành công nhân ổn định trật tự hàng ngũ để đảm bảo an ninh và tiến hành đình công theo Luật cho phép” - ông Hiển khẳng định.
Sau khi chồng bị bắt, bà Hoàng Thị Lý có đơn kêu oan về việc bắt người chưa đúng pháp luật, ngày 17/4/2013, Viện KSND huyện Hàm Thuận Nam đã có Công văn số 62/CV-VKS nêu rõ: “Ngày 5/3/2013, Cơ quan CSĐT, Công an huyện Hàm Thuận Nam, đã ra quyết định khởi tố bị can, lệnh bắt bị can để tạm giam đối với Phan Đình Hiển, về tội “chống người thi hành công vụ”; ngày 5/3/2013, Viện KSND huyện Hàm Thuận Nam đã phê chuẩn các quyết định trên của CSĐT; đến ngày 8/3/2013, Cơ quan CSĐT Công an huyện Hàm Thuận Nam đã thi hành lệnh bắt bị can để tạm giam đối với Phan Đình Hiển. Do đó, việc bắt bị can Phan Đình Hiển để tạm giam của Cơ quan CSĐT Công an huyện Hàm Thuận Nam là hoàn toàn đúng quy định của pháp luật”.
Với diễn biến vừa qua, dư luận có quyền đặt câu hỏi: Nếu các cơ quan tố tụng huyện Hàm Thuận Nam đã “hoàn toàn đúng quy định của pháp luật” thì việc ban hành quyết định thay đổi quyết định khởi tố bị can từ tội danh “chống người thi hành công vụ” sang tội danh “gây rối trật tự công cộng” liệu có vấn đề?
Rõ ràng, các cơ quan tố tụng huyện Hàm Thuận Nam cần giữ đúng lời hứa trong Công văn số 62 ngày 17/4/2013 là: “Sẽ xem xét, xác minh làm rõ trong quá trình điều tra, truy tố, xét xử vụ án, để xử lý đúng người, đúng tội và đúng quy định của pháp luật”.
Thái Hoàng
Ý kiến bình luận:
Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!
(Thanh tra) - Như Báo Thanh tra đã phản ánh, dự án đầu tư xây dựng cơ bản công trình sửa chữa, bảo dưỡng đường trục tiểu khu Đông Đoài đi A27, kết nối vào đường gom thị trấn Phú Xuyên đi Vân Từ - Phú Yên, có tổng chiều dài chỉ 1.039m với tổng vốn đầu tư là 14,989 tỷ đồng và đã được Chủ tịch UBND huyện Phú Xuyên kết luận có nhiều sai phạm.
Nam Dũng
16:00 14/12/2024(Thanh tra) - Tại gói thầu số 12 thuộc Dự án Mở rộng đường Phú Mỹ - Tóc Tiên (từ khu tái định cư 105ha đến đường Hắc Dịch - Tóc Tiên - Châu Pha), thị xã Phú Mỹ, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, trong quá trình đánh giá hồ sơ dự thầu, Công ty CP Đầu tư xây dựng 886 - Thành Nam đã bị phát hiện có hành vi gian lận trong đấu thầu…
Ngọc Tuấn
08:00 14/12/2024Ngọc Tuấn
19:00 13/12/2024Thanh Giang
16:10 13/12/2024Chu Tuấn
15:37 13/12/2024Trung Hà
19:00 11/12/2024Ngọc Giàu
T.Lương
Đông Hà
Cảnh Nhật
Thu Huyền
Đông Hà
Đông Hà
Nguyễn Điểm
Kim Thành
Nam Dũng
Ngọc Giàu
Bảo Trân