Theo dõi Báo Thanh tra trên
Thứ tư, 02/07/2014 - 08:00
(Thanh tra)- Ròng rã 5 năm trời, “cõng” trên lưng đủ loại giấy tờ từ đơn đề nghị, thư cầu cứu… rồi tố cáo lên các cơ quan chức năng sở tại để được bồi thường đất thu hồi tại dự án thủy điện Sêrêpốk 4A, thế nhưng, vòng vèo nhiều văn bản trả lời của các cơ quan chức năng, chốt lại, câu chuyện chỉ là… chờ!
Hơn 33 nghìn m2 đất của ông Thanh đã thu hồi làm thủy điện nhưng 5 năm trôi qua vẫn chưa được đền bù. Ảnh: Quỳnh Anh
Có hay không “chuyện đất thao trường”?
Tháng 9/2009, Hội đồng Bồi thường hỗ trợ giải phóng mặt bằng (HĐBTGPMB) công trình thủy điện Sêrêpốk 4A tiến hành lập biên bản xác định hiện trạng về đất đai, tài sản, vật kiến trúc cây trồng trong khu vực bồi thường giải phóng mặt bằng công trình thủy điện Sêrêpốk 4A đối với hộ gia đình ông Vũ Văn Thanh (buôn Tul B, xã Ea Wer, huyện Buôn Đôn, Đắk Lắk) với diện tích 33.089m2.
Theo biên bản, toàn bộ 33.089m2 của ông Thanh được xác định là đất sản xuất nông nghiệp trồng cây lâu năm. Thế nhưng sau đó, thay vì nhận được tiền bồi thường thì gia đình ông Thanh chỉ nhận được hỗ trợ 18 triệu đồng/ha.
Bất bình, ông Thanh và 5 hộ dân có chung hoàn cảnh cùng làm đơn khiếu nại thì được ông Huỳnh Văn Quang, Chủ tịch HĐBTGPMB trả lời rằng: Đất của cả 6 hộ đều nằm trong diện tích đất thao trường huấn luyện. Lúc này, không chỉ dân mà cả chủ tịch xã đều “ngớ” ra vì cái thao trường không biết từ đâu chui ra thế này. Ông Quang lý giải: Căn cứ theo quyết định quy hoạch sử dụng đất đến năm 2010 của huyện Buôn Đôn, tỉnh Đắk Lắk do Sở Tài nguyên & Môi trường (TN&MT) Đắk Lắk ký ngày 10/12/2003, thao trường huấn luyện của UBND huyện Buôn Đôn đã được quy hoạch tại thôn Na Wer, xã Ea Wer, huyện Buôn Đôn. Điều này bộc lộ sự vô lý, bởi theo quy định của pháp luật về đất đai thì Sở TN&MT không có quyền ký phê duyệt quy hoạch sử dụng đất.
Tuy nhiên, sau khi 6 hộ viết đơn, thì có 3 hộ được giải quyết bồi thường, còn các hộ Vũ Văn Thanh, Trương Đình Hiệp và Nguyễn Văn Sinh vẫn phải ngày ngày mang đơn đi khiếu nại đòi quyền lợi.
Ông Vũ Văn Thanh cho biết: “Thật hết sức vô lý, cùng viết đơn nhưng chỉ giải quyết cho 3 hộ thì hỏi làm sao chúng tôi chấp nhận cho được”.
Trong Văn bản số 711 ngày 9/8/2013 của Ban Chỉ đạo Tây Nguyên, Phó Trưởng ban H’Ngăm Niê Kđăm khẳng định: Nếu thực tế diện tích đất của hộ ông Thanh thuộc diện tích đất thao trường huấn luyện do lực lượng vũ trang quản lý sử dụng thì UBND cấp có thẩm quyền phải ban hành văn bản hủy quyết định thu hồi đất của hộ gia đình ông Vũ Văn Thanh, ban hành quyết định thu hồi diện tích đất thao trường của đơn vị quản lý sử dụng đất, đồng thời gửi các quyết định đó kèm theo thông báo để các hộ có liên quan biết.
Bên cạnh đó, ngày 2/4/2004, UBND tỉnh đã ra Quyết định 448/QĐ-UB giao cho UBND huyện Buôn Đôn “công khai quy hoạch sử dụng đất đai sau khi đã được UBND tỉnh phê duyệt”. Vậy nhưng, tại buổi làm việc ngày 16/12/2012 với các hộ dân, ông Nguyễn Thế Thành, quyền Trưởng phòng TN&MT huyện lại trả lời: “Quy hoạch năm 2004 đã có, đất quốc phòng quy hoạch không được phép công khai rộng rãi”!
Theo tìm hiểu của PV, mặc dù diện tích đất ở thôn Na Wer (xã Ea Wer, huyện Buôn Đôn) được phê duyệt làm thao trường huấn luyện nhưng thực tế, 11 năm qua, quy hoạch trên chưa từng được công khai, khoanh vùng, cắm mốc. Bản thân UBND xã Ea Wer không hay biết gì thì làm sao người dân nắm được.
Ông Vũ Quang Thanh bức xúc: “Năm 2008, chúng tôi sang nhượng lại đất nông nghiệp của hộ đồng bào dân tộc, có giấy tờ sang nhượng hẳn hoi. Đang yên đang lành giờ đột nhiên hóa thành đất được quy hoạch làm thao trường. Nhiều lần chúng tôi làm đơn yêu cầu ông Huỳnh Văn Quang, Chủ tịch HĐBTGPMB cung cấp các chứng cứ pháp lý chứng minh đất của gia đình thuộc đất của thao trường nhưng ông Quang chỉ nói mồm. Suốt mấy năm trời tôi đi khiếu nại nhưng đến giờ vẫn chưa được giải quyết thỏa đáng. Như thế có đúng là hành dân không”.
Lãnh đạo huyện “tiền hậu bất nhất”
Trao đổi với PV xung quanh vấn đề này, ông Trần Văn Nhượng, Chủ tịch UBND huyện Buôn Đôn nói: “Về mặt pháp lý, toàn bộ diện tích đất của các hộ trên nằm trong 9.000 ha đất lâm nghiệp huyện được tỉnh bàn giao năm 2009. Do đó, giờ chúng tôi nhất trí bỏ qua yếu tố thao trường huấn luyện, chỉ căn cứ vào nguồn gốc đất để tiến hành đền bù”.
Nghĩa là, ròng rã mấy năm trời, trong các văn bản, quyết định không bồi thường đất cho dân vì lý do thuộc đất thao trường huấn luyện, giờ cơ quan chức năng chỉ nói đơn giản 2 từ: “Bỏ qua”!
Nghịch lý là, tại Báo cáo số 212 ngày 25/6/2013 của Sở TN&MT gửi UBND tỉnh lại khẳng định nguồn gốc đất, thực tế khu vực diện tích đất của gia đình ông Vũ Văn Thanh đã hình thành từ lâu, là đất ruộng, đất rẫy 1 vụ do các hộ đồng bào dân tộc sinh sống tại buôn NDrếch, buôn Tul (xã Ea Wer) canh tác theo phong tục, tập quán và sử dụng ổn định cho đến nay. Nếu căn cứ theo lời nói của ông Nhượng thì không biết đến bao giờ người dân mới được đền bù theo đúng pháp luật?
Cũng trong buổi làm việc với Sở TN&MT, chính UBND huyện Buôn Đôn và UBND xã Ea Wer đều thống nhất điều đó và đề nghị UBND tỉnh xem xét, bồi thường toàn bộ diện tích đất trên theo giá đất nông nghiệp cho ông Thanh cùng 2 hộ còn lại.
Ông Nhượng biện minh: “Sở TN&MT có báo cáo nhưng vấn đề này không chỉ là giải quyết cho một mình hộ ông Thanh, mấu chốt là nếu giải quyết không đúng thì khoảng 3 nghìn hộ dân khác sẽ kiện theo. Do đó, tốt nhất là tiến hành họp 2 buôn NDrếch A và NDrếch B, nếu dân xác nhận đất của hộ ông Thanh là đất nông nghiệp thì sẽ tiến hành bồi thường thỏa đáng”.
Ông Nhượng còn “tiết lộ” và khẳng định thêm chức năng thẩm quyền vị trí của mình: “Thật ra việc này giờ chờ tỉnh giải quyết, nếu thẩm quyền của tôi (Chủ tịch UBND huyện - PV), tôi sẽ bác đơn. Bởi vì, từ năm 2009, đất của các hộ trên đều là đất của Lâm trường Ea Tul. Đất lâm nghiệp nhưng dân sản xuất trong đó, đền bù hay không thuộc thẩm quyền của Chủ tịch UBND tỉnh”.
Được biết, trước diễn biến ngày càng phức tạp của vụ việc, UBND tỉnh Đắk Lắk đã ra Quyết định số 1158/QĐ-UBND thành lập đoàn tư vấn do Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đinh Văn Khiết làm Trưởng đoàn để tiến hành điều tra, xử lý vụ việc. Báo Thanh tra sẽ tiếp tục thông tin đến bạn đọc khi có tình tiết mới.
Quỳnh Anh
Ý kiến bình luận:
Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!
(Thanh tra) - Như Báo Thanh tra đã phản ánh, dự án đầu tư xây dựng cơ bản công trình sửa chữa, bảo dưỡng đường trục tiểu khu Đông Đoài đi A27, kết nối vào đường gom thị trấn Phú Xuyên đi Vân Từ - Phú Yên, có tổng chiều dài chỉ 1.039m với tổng vốn đầu tư là 14,989 tỷ đồng và đã được Chủ tịch UBND huyện Phú Xuyên kết luận có nhiều sai phạm.
Nam Dũng
16:00 14/12/2024(Thanh tra) - Tại gói thầu số 12 thuộc Dự án Mở rộng đường Phú Mỹ - Tóc Tiên (từ khu tái định cư 105ha đến đường Hắc Dịch - Tóc Tiên - Châu Pha), thị xã Phú Mỹ, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, trong quá trình đánh giá hồ sơ dự thầu, Công ty CP Đầu tư xây dựng 886 - Thành Nam đã bị phát hiện có hành vi gian lận trong đấu thầu…
Ngọc Tuấn
08:00 14/12/2024Ngọc Tuấn
19:00 13/12/2024Thanh Giang
16:10 13/12/2024Chu Tuấn
15:37 13/12/2024Trung Hà
19:00 11/12/2024Ngọc Giàu
T.Lương
Đông Hà
Cảnh Nhật
Thu Huyền
Đông Hà
Đông Hà
Nguyễn Điểm
Kim Thành
Nam Dũng
Ngọc Giàu
Bảo Trân