Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Theo dõi Báo Thanh tra trên

Công lý cũng “ngoảnh mặt làm ngơ" với người mẹ trẻ

Lê Phương

Thứ hai, 26/06/2023 - 08:29

(Thanh tra) - Hơn 2 năm đằng đẵng tìm và tiếp cận con do bị chồng cũ và gia đình chồng ngăn cản, những tưởng sau phiên tòa sơ thẩm, mẹ con sẽ được đoàn tụ, ngờ đâu, đến phiên toà phúc thẩm mới đây (19/6/2023), một lần nữa người mẹ ấy lại sụp đổ hoàn toàn khi công lý “tước” luôn quyền được trực tiếp nuôi dưỡng, chăm sóc con thơ.

Chị Hà và con trước khi bị chia cắt tình mẫu tử. Ảnh: Nhân vật cung cấp

Trong bài viết trước, Báo Thanh tra đã đề cập đến hành trình hơn 2 năm với rất nhiều nỗ lực của người mẹ trẻ Nguyễn Thị Hà, sinh năm 1989 khi bị chồng và gia đình chồng “tước đoạt” quyền nuôi con thơ khi mới 11 tháng tuổi.

Ngày 14/10/2022, sau 20 tháng (thụ lý hồ sơ lần đầu vào ngày 9/2/2021), TAND quận Hai Bà Trưng mới mở phiên tòa giải quyết việc ly hôn giữa chị Nguyễn Thị Hà và anh Trịnh Quý Trọng. Phán quyết cuối cùng, tòa án đưa ra là đồng ý việc thuận tình ly hôn giữa chị Hà và anh Trọng. Cháu Kh (con chung) được bàn giao cho chị Hà chăm sóc và nuôi dưỡng, giáo dục kể từ khi ly hôn cho đến khi đủ 18 tuổi. Tạm hoãn nghĩa vụ cấp dưỡng nuôi con đối với anh Trọng cho đến khi có sự thay đổi khác. Anh Trọng có quyền và nghĩa vụ thăm nom con không ai được cản trở.

Ngày tòa án cấp sơ thẩm đưa ra phán quyết những tưởng là ngày chị Hà được gặp lại con trai sau hơn 2 năm bị anh Trọng và gia đình ngăn cản. Nhưng không, anh Trọng và gia đình vẫn tiếp tục giữ bé Kh và ngăn cản sự tiếp cận con trai của chị Hà. Đến nay, 2 mẹ con chưa một ngày được đoàn tụ.

Sau đó, anh Trọng đã làm đơn kháng cáo phán quyết của TAND quận Hai Bà Trưng đến TAND TP Hà Nội. Nội dung kháng cáo được TAND TP Hà Nội tiếp nhận thụ lý hồ sơ phúc thẩm.

Ngày 17/3/2023, phiên toà phúc thẩm được mở nhưng sau đó lại tạm hoãn và đưa ra thỏa thuận chung giữa chị Hà và anh Trọng đồng ý để chị Hà được đón con và chăm sóc từ thứ 6 đến chủ nhật hàng tuần.

"Ngay trong ngày 17/3 và 18/3, tôi đến nhà anh Trọng đón con theo thỏa thuận trên tòa, anh Trọng nói con đang đi chơi ở nơi khác không có nhà. Các ngày cuối tuần tiếp theo (24/3, 31/3, 7/4), tôi tiếp tục đến theo lịch đã thỏa thuận, nhưng cả 3 lần, anh Trọng và gia đình đều ngăn cản quyền lợi hợp pháp của tôi là được gặp và đón con về để chăm sóc", chị Hà chia sẻ.

Mới đây, ngày 19/6, sau hơn 6 tháng thụ lý, TAND TP Hà Nội mở phiên phúc thẩm xét xử vụ án hôn nhân gia đình giữa nguyên đơn là chị Nguyễn Thị Hà và bị đơn là anh Trịnh Quý Trọng.

Trước khi phiên tòa phúc thẩm diễn ra, chị Hà cho biết, rất nhớ con và tha thiết được đón con trai về đoàn tụ sau hơn 2 năm mẹ con xa cách.

Thời gian vui vẻ của 2 mẹ con chị Hà cách đây gần 3 năm. Ảnh: Nhân vật cung cấp

Theo phản ánh, tại phiên xét xử phúc thẩm, khi luật sư của bị đơn (anh Trọng) trình bày luận cứ bảo vệ thân chủ, hội đồng xét xử phải liên tục nhắc nhở cách sử dụng từ ngữ, không được phép dùng từ ngữ “thóa mạ” người khác.

Đại diện Viện KSND TP Hà Nội không đồng tình với từ ngữ luật sư của bị đơn sử dụng tại phiên tòa khi nói về nguyên đơn (chị Hà).

Theo luật sư Dương Lê Ước An (Đoàn Luật sư TP Hà Nội), bảo vệ quyền lợi hợp pháp cho chị Hà: "Sau phiên tòa này, bất kể hội đồng xét xử có ra phán quyết như nào thì chị Hà, anh Trọng đều là những người thất bại. Tôi cũng có con, anh chị và những người có mặt tại phiên tòa này cũng có con. Chúng ta phải tránh để đứa trẻ sinh ra vì bố mẹ thù hận nhau mà ảnh hưởng đến sự phát triển của con trẻ. Bản thân tôi rất đồng cảm, thấu hiểu cho quá trình giành quyền nuôi con của chị Hà. Hơn 2 năm qua, chị Hà đã rất vất vả, cầu cứu các cấp, ban ngành vào cuộc giúp đỡ vì bản thân chị bị anh Trọng và gia đình ngăn cản quyền thăm, nuôi con chính đáng từ khi cháu bé mới hơn 11 tháng tuổi”.

Cũng theo ông An, trong vụ án này, chị Hà là người đáng được các cơ quan, ban, ngành quan tâm vì yêu cầu của chị là chính đáng bởi tình mẫu tử thiêng liêng dành cho con, vậy mà phải xa con khi mới được gần 1 tuổi.

Trình bày luận điểm tại tòa, đại diện Viện KSND TP Hà Nội cho biết, chị Hà nhiều lần đến đón con nhưng anh Trọng và gia đình không cho đón khiến cháu Kh mất đi quyền được chăm sóc, được thương yêu từ mẹ. Hành vi của anh Trọng là vi phạm Điều 71 Luật Hôn nhân gia đình về nghĩa vụ và quyền được chăm sóc, nuôi dưỡng của cha mẹ đối với con cái, đặc biệt là cháu Kh hiện nay mới hơn 3 tuổi. Theo quy định tại khoản 3, Điều 81 Luật Hôn nhân gia đình, cháu Kh dưới 36 tháng tuổi sẽ được ưu tiên giao cho mẹ nuôi, chị Hà không thuộc diện loại trừ theo quy định tại điều này nên tòa án cấp sơ thẩm đã tuyên giao cháu Kh cho chị Hà trực tiếp chăm sóc, nuôi dưỡng và giáo dục con là phù hợp. Vì những lý do trên, đề nghị hội đồng xét xử giữ nguyên bản án sơ thẩm, không chấp nhận kháng cáo của anh Trọng.

Hơn 2 năm qua, nhớ thương con da diết nhưng không được gặp, hàng ngày chị H chỉ biết lôi những bức ảnh kỷ niệm chụp được khi bé còn ở bên cạnh để vơi đi nỗi nhớ. Ảnh: Nhân vật cung cấp

Sau 2 ngày nghỉ nghị án, vào lúc 9h ngày 22/6, Hội đồng Xét xử TAND TP Hà Nội đã đưa ra phán quyết cuối cùng. Dù nhận định về điều kiện nuôi con cũng như thu nhập, nhà ở, văn hóa, đạo đức, sự quý mến con chung, cách ứng xử, trình bày cũng như việc đưa ra tài liệu chứng minh, cả anh Trọng và chị Hà đều đủ điều kiện để nuôi dưỡng con chung sau ly hôn, song tòa án cấp phúc thẩm lại chấp nhận kháng cáo xin được trực tiếp nuôi con chung sau ly hôn của anh Trịnh Quý Trọng.

Tạm hoãn nghĩa vụ cấp dưỡng nuôi con đối với chị Hà cho đến khi có sự thay đổi khác. Chị Hà có quyền, nghĩa vụ chăm sóc, thăm non con chung mà không ai được quyền cản trở.

Tòa yêu cầu anh Trọng và người thân không được phép cản trở mà phải tạo điều kiện để chị Hà thăm nom, chăm sóc con theo quy định của pháp luật.

Nghe tòa tuyên án, người mẹ trẻ một lần nữa như đứt từng khúc ruột bởi sau hơn 2 năm cố gắng vẫn không được quyền trực tiếp chăm sóc, nuôi dưỡng con thơ.

“Ngày 14/10/2022 dù tòa cấp sơ thẩm tuyên tôi được quyền trực tiếp nuôi con nhưng anh Trọng không chấp hành bản án. Đến nay, tôi vẫn chưa được 1 ngày gần con vì sự cản trở của anh Trọng và gia đình. Giờ đây, tòa cấp phúc thẩm lại tuyên như vậy, khác gì cắt đứt tình mẫu tử của mẹ con tôi”, chị Hà nức nở chia sẻ khi hai hàng nước mắt lăn dài trên má.

Cũng theo chị Hà, nếu tòa án cấp sơ thẩm thụ lý và giải quyết vụ án từ thời điểm đầu năm 2021 khi chị và anh Trọng đưa đơn thì mẹ con chị đã được đoàn tụ chứ không phải lâm vào hoàn cảnh trớ trêu như bây giờ.

Theo luật sư Dương Lê Ước An, Đoàn Luật sư TP Hà Nội, việc Hội đồng Xét xử TAND TP Hà Nội chấp nhận yêu cầu kháng cáo của anh Trọng trong việc giành quyền nuôi con là không có căn cứ, cơ sở. Trong vụ án này, chị Hà là người được tòa án cấp sơ thẩm chấp nhận trao quyền nuôi con. Điều này đồng nghĩa với việc xét về kinh tế, môi trường sống, quá trình chăm sóc… thì chị Hà đáp ứng đủ những điều kiện trên để giành được quyền nuôi con theo quy định tại Khoản 3 Điều 82 Luật Hôn nhân & Gia đình năm 2014.

“Dù ngày mở phiên tòa cấp phúc thẩm cháu bé đã hơn 36 tháng tuổi nhưng xét về thời điểm TAND TP Hà Nội thụ lý vụ án ngày 16/12/2022 (khi đó cháu Kh dưới 36 tháng tuổi) thì theo quy định của luật, cháu bé phải được giao cho chị Hà nuôi", luật sư An phân tích.

Một vụ án ly hôn, nhưng lại có rất nhiều tình tiết khó hiểu từ những cơ quan được coi cán cân công lý. Đầu tiên phải kể đến là tòa án cấp sơ thẩm, ngày 9/2/2021, TAND quận Hai Bà Trưng có quyết định thụ lý hồ sơ vụ việc, nhưng phải hơn 20 tháng sau (tức ngày 14/10/2022) mới đưa vụ việc ra xét xử. Đến cấp phúc thẩm thụ lý hồ sơ ngày 16/12/2022, và cũng phải hơn 6 tháng sau (tức ngày 19/6/2022) mới đưa vụ việc ra xét xử và phải mất 2 ngày để nghị án. Việc kéo dài thời gian của các cơ quan tố tụng vô hình chung đã “tước” đi quyền được trực tiếp chăm nuôi con của người mẹ và quyền được gần gũi mẹ của con thơ.

Báo Thanh tra sẽ tiếp tục thông tin tới bạn đọc!

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Cùng vi phạm như nhau, tại sao trạm phải dừng, trạm lại không?

Cùng vi phạm như nhau, tại sao trạm phải dừng, trạm lại không?

(Thanh tra) - Theo báo cáo của đoàn kiểm tra liên ngành, kết quả kiểm tra 17 trạm trộn bê tông thương phẩm và trạm trôn bê tông nhựa nóng trên địa bàn tỉnh Cao Bằng, thì có đến 16 trạm có nhiều lỗi vi phạm, bị xử lý buộc tháo dỡ, di dời, hoặc tạm dừng hoạt động để hoàn thiện hồ sơ, nhưng riêng trạm trộn bê tông tươi Trường An thì không phải dừng hoạt động.

Thành Nam

18:43 20/11/2024
Bài 2: Cục Quản lý Dược có bất thường trong việc cấp phép một số dòng sản phẩm Obagi?

Bài 2: Cục Quản lý Dược có bất thường trong việc cấp phép một số dòng sản phẩm Obagi?

(Thanh tra) - Như bài viết trước chúng tôi đã đề cập, năm 2017, Công ty Dương Minh được độc quyền nhập khẩu, phân phối các sản phẩm của Obagi Hoa Kỳ. Tháng 9/2017, Công ty Dương Minh chính thức được Cục Quản lý Dược, Bộ Y tế Việt Nam cấp số tiếp nhận phiếu công bố sản phẩm mỹ phẩm đối với các sản phẩm Obagi và cũng chính thức trở thành nhà nhập khẩu phân phối độc quyền các sản phẩm Obagi ở thị trường Việt Nam.

Đan Quế - Lê Phương - Phương Anh

08:00 20/11/2024

Tin mới nhất

Xem thêm