Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Theo dõi Báo Thanh tra trên

Tổng doanh thu của 19 tập đoàn, tổng công ty đạt hơn 1,1 triệu tỷ đồng

Thứ hai, 19/12/2022 - 18:07

(Thanh tra) - Năm 2022, trong bối cảnh chịu ảnh hưởng tiêu cực của dịch COVID-19 và tình hình bất ổn thế giới làm cho một số doanh nghiệp thuộc Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp lợi nhuận giảm mạnh, có doanh nghiệp lỗ lớn, giảm vốn chủ sở hữu.

Ảnh minh họa: Internet

Tuy nhiên, với nỗ lực và quyết tâm cao, vượt qua khó khăn, thách thức, tận dụng thời cơ, các tập đoàn, tổng công ty vừa phòng chống dịch COVID-19, vừa phục hồi hoạt động sản xuất kinh doanh, góp phần phát triển kinh tế - xã hội; tạo nguồn thu đáng kể cho ngân sách nhà nước; góp phần bảo đảm cân đối lớn, ổn định kinh tế vĩ mô và xây dựng, phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng, tạo động lực phát triển cho các ngành, lĩnh vực và cả nền kinh tế...

Đây là khẳng định của ông Nguyễn Hoàng Anh, Chủ tịch Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp trong Hội nghị tổng kết công tác của Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp và các tập đoàn, tổng công ty trực thuộc năm 2022 và phương hướng, nhiệm vụ năm 2023, diễn ra sáng 15/12, tại Hà Nội.

Theo đó, tổng doanh thu của 19 tập đoàn, tổng công ty ước đạt 1.123.334 tỷ đồng, bằng 114% kế hoạch và 133% so với năm 2021. Trừ Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) có lỗ đột biến do nguyên nhân khách quan (không được tăng giá điện), tổng lợi nhuận trước thuế của 18 tập đoàn, tổng công ty ước đạt 39.219 tỷ đồng, tăng 73% so với kế hoạch và tăng 17% so với năm 2021.

Trong đó, 15/19 tập đoàn, tổng công ty hoàn thành và vượt kế hoạch về doanh thu; 17/19 tập đoàn, tổng công ty hoàn thành và vượt kế hoạch về lợi nhuận trước thuế; 16/19 tập đoàn, tổng công ty hoàn thành và vượt kế hoạch về nộp ngân sách nhà nước. Một số tập đoàn, tổng công ty đã có nhiều nỗ lực, đạt nhiều kết quả tích cực, vượt mức kế hoạch tại nhiều chỉ tiêu sản xuất, kinh doanh so với những năm trước như Petrolimex, Vinachem, TKV, VEC...

Về thực hiện và giải ngân vốn đầu tư năm 2022, Chủ tịch Nguyễn Hoàng Anh cho biết, sau 4 năm chuyển về Ủy ban quản lý, có 41 dự án nhóm A, 125 dự án nhóm B đã được các tập đoàn, tổng công ty thuộc Ủy ban phê duyệt hoặc triển khai thực hiện, hoàn thành đầu tư.

Trên cơ sở tổng hợp ý kiến của các tập đoàn, tổng công ty, Ủy ban đã báo cáo Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và các cơ quan có thẩm quyền tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc về cơ chế, chính sách, pháp luật để triển khai thực hiện nhiều dự án đầu tư; trong đó, có 10 dự án lớn, quan trọng, cấp thiết đã chậm tiến độ từ nhiều năm, với tổng mức đầu tư khoảng 259.000 tỷ đồng.

Tuy vậy, ông Nguyễn Hoàng Anh cũng chỉ ra một số hạn chế còn tồn tại trong quá trình điều hành, quản lý. Cụ thể, việc giải quyết một số công việc thuộc quyền, trách nhiệm của cơ quan đại diện chủ sở hữu nhà nước được thực hiện đầy đủ nhưng còn chưa bảo đảm thời hạn theo quy định như: Báo cáo tài chính; phương án phân phối lợi nhuận và trích lập các quỹ năm 2021; báo cáo giám sát tài chính doanh nghiệp năm 2021 và 6 tháng đầu năm 2022; báo cáo đánh giá hiệu quả hoạt động và xếp loại doanh nghiệp năm 2021; phê duyệt quỹ tiền lương thực hiện năm 2021..

Chủ tịch Ủy ban lý giải nguyên nhân bởi Ủy ban không phải là Bộ quản lý nhà nước chuyên ngành, không ban hành văn bản quy phạm pháp luật và cơ chế chính sách. Do vậy, khi giải quyết các khó khăn, vướng mắc về cơ chế, chính sách pháp luật cần xin ý kiến của các cơ quan quản lý nhà nước; có trường hợp các bộ, ngành trả lời chậm nên thời gian kéo dài. Khối lượng công việc của Ủy ban lớn, tồn đọng kéo dài từ nhiều năm trước trong khi số lượng cán bộ còn hạn chế, chưa đủ theo định biên. Một số tập đoàn, tổng công ty chưa thực hiện chế độ báo cáo theo đúng hạn định.

Mặt khác, theo ông Hoàng Anh, hệ thống cơ chế, chính sách pháp luật chưa được bổ sung, điều chỉnh để phù hợp với mô hình cơ quan chuyên trách và yêu cầu, tính chất đặc thù của việc quản lý vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh theo cơ chế thị trường...

Bên cạnh những khó khăn về cơ chế thì các tập đoàn, tổng công ty cũng gặp không ít khó khăn từ nhiều yếu tố tác động bên ngoài. Ông Phạm Văn Thanh, Chủ tịch Hội đồng quản trị Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex) chia sẻ, năm 2022, Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam tổ chức thực hiện kế hoạch sản xuất kinh doanh chịu tác động bởi nhiều yếu tố hết sức bất lợi, thị trường xăng dầu diễn biến phức tạp, giá xăng dầu biến động bất thường với biên độ lớn và kéo dài chưa từng có tiền lệ, các thương nhân kinh doanh xăng dầu tại Việt Nam chịu áp lực kép về nguồn cung và kinh doanh thua lỗ... dẫn đến một số doanh nghiệp thiếu nguồn cung hoặc chủ động tạm dừng bán hàng để giảm lỗ, gây nên tình trạng bức xúc cho người tiêu dùng, áp lực về nguồn dồn về Petrolimex.

Mặt khác, sản lượng tiêu thụ tăng đột biến trong khi các cơ chế, chính sách, quy định về điều hành thị trường xăng dầu trong nước vẫn còn nhiều bất cập đã tạo nên áp lực rất lớn trong tạo nguồn và ảnh hưởng trực tiếp tới hiệu quả kinh doanh của Tập đoàn.

Cũng chịu nhiều tác động từ yếu tố bên ngoài, đại diện Tập đoàn Cao su Việt Nam cũng cho biết, sản phẩm mủ cao su giá bình quân quý IV năm 2022 giảm khá sâu so giá bán bình quân cả năm. Đến nay chưa có thông tin tích cực về thị trường tiêu thụ, có khả năng giá bán bình quân năm 2023 sẽ thấp hơn năm 2022. Sản phẩm gỗ phôi cao su bị tồn kho lớn, có khả năng sẽ tác động lớn đến giá gỗ cây cao su, tác động đến giá trị thu hoạch gỗ cây cao su của các công ty cao su thành viên. Bên cạnh đó, các khu công nghiệp mở rộng, đầu tư mới đều vướng cơ chế, không chắc chắn có quỹ đất sạch để cho thuê trong năm 2023, khó tạo khả năng tăng đột biến để bù đắp cho các ngành sản xuất khác gặp khó khăn.

Phát biểu tại hội nghị, đại diện Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước (SCIC) kiến nghị Ủy ban tiếp tục báo cáo Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược phát triển và Kế hoạch sản xuất kinh doanh và đầu tư phát triển 5 năm của SCIC; đồng thời kiến nghị Ủy ban báo cáo Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo các Bộ, UBND tỉnh, thành phố khẩn trương triển khai chuyển giao quyền đại diện chủ sở hữu vốn nhà nước, đề xuất với Thủ tướng Chính phủ và các cơ quan có thẩm quyền tháo gỡ vướng mắc liên quan đến cơ chế hoạt động của SCIC.

Để tháo gỡ những khó khăn được các đơn vị chia sẻ, sang năm 2023, Chủ tịch Nguyễn Hoàng Anh yêu cầu tiếp tục nghiên cứu, đề xuất với cấp có thẩm quyền việc hoàn thiện hành lang pháp lý, phát triển mô hình tổ chức và cơ chế hoạt động của Ủy ban để thực hiện tốt hơn chức năng cơ quan chuyên trách, chuyên nghiệp thực hiện thống nhất chức năng đại diện chủ sở hữu vốn nhà nước tại doanh nghiệp. Cùng đó, tăng cường kiểm tra, giám sát của cơ quan đại diện chủ sở hữu vốn nhà nước đối với các tập đoàn, tổng công ty, đặc biệt là trong lĩnh vực tài chính và đầu tư; tiếp tục thực hiện tốt nhiệm vụ cơ quan thường trực của Ban Chỉ đạo xử lý các dự án, doanh nghiệp thua lỗ, kém hiệu quả ngành công thương...

Đối với các tập đoàn, tổng công ty, Chủ tịch Ủy ban yêu cầu khẩn trương xây dựng, hoàn thiện các chiến lược, kế hoạch, đề án quan trọng, điều lệ tổ chức hoạt động để trình cấp có thẩm quyền xem xét, phê duyệt; làm tốt công tác chuẩn bị đầu tư và giải ngân vốn đầu tư kịp thời để đẩy nhanh tiến độ các dự án đầu tư kinh doanh quan trọng; khẩn trương đổi mới, hiện đại hóa quản trị doanh nghiệp theo cơ chế kinh tế thị trường và các nguyên tắc, chuẩn mực quốc tế....

Đức Minh-Mai Phương

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Tin mới nhất

Xem thêm