Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Theo dõi Báo Thanh tra trên

Tiếp tục xây dựng chiến lược kinh tế số

Thứ ba, 26/12/2017 - 08:57

(Thanh tra)- Mặc dù đã sớm có chiến lược đúng đắn phát triển công nghệ thông tin (ICT) - nền tảng cho kinh tế số từ khá sớm và kiên định cho tới nay, thế nhưng, Việt Nam cần tiếp tục xây dựng chiến lược về kinh tế số và khắc phục những tồn tại để vừa tạo được cơ hội phát triển vừa rút ngắn khoảng cách với các quốc gia phát triển.

Một hoạt động hội chợ thu hút rất đông các bạn trẻ tham gia tại Hà Nội, nhờ truyền thông trên các trang mạng xã hội. Ảnh: OH

Doanh thu  ICT tăng trưởng tốt

Mặc dù đã được nói đến nhiều, nhưng theo các chuyên gia, thuật ngữ “kinh tế số” chưa xuất hiện trong bất cứ văn bản chính sách phát triển kinh tế nào của Việt Nam cũng như các nghiên cứu chính thống dài hơi trong một thời gian dài. Từ năm 2015 trở lại đây, kinh tế số được nghiên cứu và bàn luận ở Việt Nam như một chính sách phát triển chủ yếu trong khuôn khổ hợp tác kinh tế thương mại giữa Việt Nam và Hiệp hội các nước Đông Nam Á. Các sự kiện và tài liệu chính thống về kinh tế số tại Việt Nam gợi ý bằng cách hiểu về thuật ngữ này tương đồng với cách hiểu các nước ASEAN cũng như của thế giới.

Ở góc độ thị trường, ngành ICT trước đây được phân thành ngành công nghiệp phần cứng, công nghiệp phần mềm, công nghiệp nội dung số. Từ năm 2015, Bộ Thông tin và Truyền thông thêm một ngành con là ngành dịch vụ ICT (trừ bán buôn và phân phối). Thống kê cho thấy, doanh thu công nghiệp ICT tăng trưởng rất tốt trong gần 10 năm qua.

“Nếu so sánh hệ số nhân sản lượng ngành ICT với các ngành khác có thể thấy ICT là ngành có hệ thống nhân sản lượng cao trong nền kinh tế Việt Nam, trong đó ngành công nghiệp phần cứng ICT có hệ số nhân sản lượng cao thứ 3 trong tổng số 27 ngành của nền kinh tế Việt Nam. Như vậy, mặc dù bản thân sản lượng ngành ICT chỉ chiếm 4% tổng GDP và mức độ đầu tư ICT của các ngành vẫn còn thấp nhưng tác động sản lượng của ngành ICT khẳng định vị trí đặc biệt của ngành trong việc kích thích nền kinh tế”, nhóm chuyên gia: TS. Đặng Thị Việt Đức, TS. Trần Quang Huy và ThS. Đàm Truyền Đức (Học viện Bưu chính Viễn thông) nhận định.

3 tồn tại về kinh tế số

Theo các chuyên gia, về các chỉ số về xếp hạng kinh tế số thì thứ hạng của Việt Nam về ICT và kinh tế số so với một số quốc gia trong khu vực còn thấp. Việt Nam xếp nhóm II - đang phát triển và xếp thứ 4 dưới 3 nước gồm: Singapore (Nhóm I - nổi bật); Malaysia (Nhóm II - đang phát triển) và Thái Lan (Nhóm II - đang phát triển). Và Việt Nam chỉ xếp trên Philippines (Nhóm II - đang phát triển) và Indonexia (Nhóm IV - Chậm).

Đánh giá một cách khách quan, thì Việt Nam đã sớm có chiến lược đúng đắn phát triển ICT - nền tảng cho kinh tế số từ khá sớm và kiên định chiến lược này cho tới nay. Các chỉ số về ICT và ứng dụng ICT thể hiện tác động nhân sản lượng lớn và các bước tiến không ngừng của Việt Nam trong tiến trình phát triển ICT cho kinh tế số tại Việt Nam.

Tuy vậy, các chuyên gia từ Học viện Bưu chính Viễn thông cũng thắn thắn nhìn nhận 3 tồn tại cơ bản của việc phát triển kinh tế số tại Việt Nam đó là: chiến lược phát triển dàn trải và chưa thể hiện điểm nhấn qua từng thời kỳ, do đó sẽ dẫn tới không hiệu quả; thứ hai so sánh tương đối với các nước trên thế giới, thứ hạng về phát triển ICT và kinh tế số của Việt Nam còn thấp so với các nước trên thế giới và khu vực; thứ ba, các tác động nhân sản lượng ICT tới nền kinh tế khá lớn nhưng chủ yếu đến từ việc ICT sử dụng sản phẩm của các ngành khác, chứ không phải ICT là đầu vào của các ngành khác.

“Do vậy, muốn phát triển kinh tế số trong thời gian tới, Việt Nam cần tiếp tục xây dựng chiến lược kinh tế số cùng các giải pháp thích hợp để khắc phục được những tồn tại này. Với sự quyết liệt và các chính sách đúng đắn của Chính phủ, kinh tế số sẽ vừa tạo được cơ hội phát triển vừa là cơ hội rút ngắn khoảng cách với các quốc gia phát triển cho Việt Nam”, nhóm Chuyên gia, Học viện Bưu chính Viễn thông nhấn mạnh.

Oanh Hữu

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Tin mới nhất

Xem thêm