Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Theo dõi Báo Thanh tra trên

Tập trung tổ chức mạng lưới tiêu thụ rau VietGAP

Thứ bảy, 29/03/2014 - 08:33

(Thanh tra) - Để khơi thông đầu ra và giúp rau VietGAP trở về với đúng giá trị đòi hỏi cần có hướng giải pháp mới, trong đó, chú trọng nhiều hơn đến giải quyết vấn đề thị trường, tổ chức mạng lưới tiêu thụ, tránh cách làm trước đây chủ yếu tập trung vào hỗ trợ kỹ thuật.

Cách đây vài năm, mô hình rau an toàn theo hướng VietGAP của xã Văn Đức, huyện Gia Lâm là một trong những mô hình được Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội lựa chọn làm thí điểm. “4 nhà” (Chi cục Bảo vệ thực vật Hà Nội - doanh nghiệp - chính quyền địa phương - nông dân) cùng bắt tay nhau, vựa rau lớn nhất Thủ đô với diện tích hơn 200 ha (25 ha rau sản xuất theo hướng VietGAP) được kỳ vọng sẽ nhân rộng ra nhiều địa phương khác của Hà Nội cũng như cả nước.

Thực tế, doanh nghiệp trong mối liên kết “4 nhà” này là Công ty Hương Cảnh đã đầu tư bài bản và khá lớn với nhà xưởng sơ chế, đóng gói nhiều tỷ đồng. Bà con nông dân và hợp tác xã liên kết được hỗ trợ phân bón, tập huấn kỹ thuật và được bao tiêu sản phẩm ổn định... Thế nhưng, sau thời gian đầu hoạt động tốt thì đến nay đã tạm dừng hoạt động do gặp nhiều khó khăn.

Tương tự, ở một vùng rau khác như xã Duyên Hà, huyện Thanh Trì, Hợp tác xã Đại Lan cũng được hỗ trợ rất lớn từ Chi cục Bảo vệ thực vật Hà Nội trong việc cử cán bộ hướng dẫn, giám sát việc thực hiện quy trình kỹ thuật trồng rau VietGAP. Song, gần 4 năm trôi qua, mỗi năm chỉ tăng được vỏn vẹn diện tích 5 ha rau VietGAP.

Các chuyên gia đánh giá, việc phát triển của các mô hình rau VietGAP chậm và nhiều vùng gặp khó khăn xuất phát từ nhiều nguyên nhân. Song nguyên nhân cơ bản là do rau VietGAP chưa thực sự thu hút được người nông dân bởi quy trình khắt khe, đảm bảo truy xuất nguồn gốc, ghi chép nhật ký đồng ruộng từ khi xuống giống, chăm sóc, thu hoạch... Quy trình này khiến bà con mất nhiều công sức hơn trong khi giá trị lợi nhuận không cao hơn là mấy so với trồng rau an toàn và rau thông thường.

Theo tính toán của Hợp tác xã Dịch vụ nông nghiệp Văn Đức, chi phí trồng rau VietGAP tăng từ 10 - 15% so với rau an toàn nhưng giá bán chỉ tương đương. Còn theo Chủ nhiệm HTX Đại Lan Đặng Bá Thắng, chất lượng rau VietGAP rất đảm bảo nhưng đầu ra của sản phẩm vẫn bế tắc. Hiện nay, người dân chủ yếu tự tiêu thụ sản phẩm qua các kênh như chợ đầu mối, nhà hàng, bếp ăn tập thể... Do đó, người nông dân không mấy mặn mà. Về phía người tiêu dùng, việc lòng tin bị ảnh hưởng từ việc chất lượng, nguồn gốc, chất lượng rau gần như không được kiểm soát nên nhu cầu tiêu dùng cũng hạn chế. Điều này cũng tác động đến việc mở rộng nguồn cung... Tất cả nguyên nhân trên dẫn đến diện tích được chứng nhận đạt tiêu chuẩn VietGAP quá khiêm tốn, chỉ với 1.185 ha, theo số liệu của Cục Trồng trọt.

Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Thị Xuân Thu cho rằng, khâu phân phối rau an toàn từ sản xuất đến tiêu dùng cần phải rút ngắn lại vì hiện nay có quá nhiều nhà buôn bán nhỏ (thương lái) làm giá nên giá bán rau tại đồng ruộng khác xa so với siêu thị, cửa hàng, dẫn tới người dân không được hưởng lợi.

Trong khi đó, nhiều ý kiến chuyên gia thì cho rằng, trước nay, ta vẫn sản xuất rau theo tiêu chuẩn VietGAP theo kiểu chỉ chủ yếu tập trung vào hỗ trợ kỹ thuật. Do vậy, cần chú trọng nhiều hơn đến giải quyết vấn đề thị trường, tổ chức mạng lưới tiêu thụ để tạo lập được một thị trường tiêu thụ rau quả VietGAP.

Theo ông Vũ Vinh Phú, Chủ tịch Hiệp hội Siêu thị Hà Nội, để phát triển rau VietGAP, vai trò cầm trịch, dẫn dắt, hỗ trợ của Nhà nước một lần nữa được nhắc lại. Cùng với đó, giải quyết được vấn đề liên kết các nhà trong chuỗi sản xuất và tiêu thụ nhấn mạnh vai trò quan trọng của doanh nghiệp vốn rất mờ nhạt trong thời gian qua.

Bà Nguyễn Thị Tân Lộc, Viện Nghiên cứu Rau quả cho rằng, thiếu sự liên kết dọc và liên kết ngang giữa các tác nhân trong ngành Hàng rau nên chưa giải quyết tốt được khâu tiêu thụ sản phẩm. Bởi vậy, muốn tổ chức sản xuất rau theo quy trình VietGAP phải trên cơ sở liên kết bền chặt giữa “4 nhà”: Nhà nước, nông dân, nhà khoa học và doanh nghiệp.

Ông Vũ Vinh Phú cho biết, có lần tham quan mô hình sản xuất rau thực hành theo quy trình nông nghiệp tốt tại Thái Lan (giống như mô hình VietGAP của Việt Nam) thì họ tập trung đầu tư vào khoa học công nghệ kiểm tra an toàn ở khâu cuối. Sản phẩm nông sản trước khi vào chợ đầu mối cũng được tuyên truyền, hướng dẫn trồng theo hướng nông nghiệp tốt. Khi giao dịch, mua bán nông sản chạy qua máy cân đo, tính tiền cũng là máy soi kết quả chất lượng sản phẩm (có phần mềm cài đặt sẵn) nếu sản phẩm không đủ điều kiện thì tất cả lô hàng của người bán tại chợ hôm đó sẽ được cho vào máy nghiền nát. Vì vậy, gần như sản phẩm không có chất lượng không có “đất” sống.

Bài, ảnh: Tràng An

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Tin mới nhất

Xem thêm