Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Theo dõi Báo Thanh tra trên

Tăng cường liên kết để kiểm soát kháng sinh vượt phép

Thứ bảy, 10/05/2014 - 07:07

(Thanh tra) - Trả lời về cảnh báo của EU và Nhật Bản về tình trạng tôm nuôi nhập khẩu từ Việt Nam có hàm lượng kháng sinh Oxytetracycline vượt mức cho phép, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) cho rằng, bên cạnh việc tìm hiểu rõ ngọn nguồn của vấn đề, thì các doanh nghiệp thủy sản cần tăng cường liên kết theo chuối khép kín để kiểm soát tốt tình trạng lượng kháng sinh vượt mức cho phép.

Cần phải liên kết chặt chẽ từ sản xuất đến lưu thông, để kiểm soát mặt hàng tôm - thủy sản xuất khẩu đem lại giá trị cao, ảnh minh họa (internet)

Theo Cục Quản lý chất lượng nông - lâm sản và thủy sản (Bộ NN&PTNT), chỉ chưa đầy 4 tháng đầu năm 2014, EU và Nhật Bản đã cảnh báo 11 lô hàng tôm nuôi nhập khẩu từ Việt Nam, do bị phát hiện dư lượng Oxytetracycline vượt mức giới hạn cho phép. Trong đó, với thị trường Nhật Bản, mức giới hạn tối đa cho phép đối với Oxytetracycline được áp dụng là 0,2ppm.

Từ ngày 14/3/2014, Nhật Bản đã áp dụng chế độ kiểm tra Oxytetracycline đối với 100% lô hàng tôm nuôi của Việt Nam, do phát hiện dư lượng chất này trong 2 lô hàng tôm nuôi. Đến nay, đã có thêm 4 lô hàng tôm nuôi của Việt Nam xuất khẩu sang thị trường này bị cảnh báo chỉ tiêu Oxytetracycline, nâng tổng số lô hàng tôm nuôi và sản phẩm từ tôm nuôi bị cảnh báo ở thị trường Nhật Bản lên 6 lô hàng (mức phát hiện từ 0,3 - 2,1ppm).

Trong khi đó, từ đầu năm 2014 đến nay, EU đã cảnh báo 5 lô hàng tôm nhập khẩu từ Việt Nam, gấp 2,5 lần tổng số lô hàng thủy sản nuôi xuất khẩu của Việt Nam bị cảnh báo ở thị trường này trong cả năm 2013.

Theo bà Trần Bích Nga, Phó Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng nông - lâm sản và thủy sản, Oxytetracycline là kháng sinh được phép sử dụng trong nuôi trồng thuỷ sản. Dù vậy, việc tôm nuôi của Việt Nam bị cảnh báo Oxytetracycline ở cả 2 thị trường xuất khẩu lớn là Nhật Bản và EU cho thấy, có tình trạng lạm dụng kháng sinh này trong quá trình nuôi và người nuôi tôm không tuân thủ việc ngừng sử dụng thuốc trước khi thu hoạch theo quy định.

Để kiểm soát chặt chẽ dư lượng Oxytetracycline đối với lô hàng tôm nuôi của Việt Nam, Cục Quản lý chất lượng nông - lâm sản và thủy sản đã có văn bản đề nghị Tổng cục Thủy sản, Cục Thú y chỉ đạo các cơ quan quản lý nuôi trồng thuỷ sản thuộc các Sở NN&PTNT phổ biến tình trạng cảnh báo Oxytetracycline trong các lô hàng tôm xuất khẩu. Đồng thời hướng dẫn cơ sở nuôi thuỷ sản sử dụng đúng cách các hoá chất, kháng sinh trong nuôi thuỷ sản và tăng cường công tác kiểm tra, xử lý vi phạm.

Theo Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Vũ Văn Tám, để xử lý vấn đề trên, đầu tiên phải thông báo kịp thời đến cơ sở sản xuất thức ăn, cảnh báo nguy cơ sử dụng thức ăn này ảnh hưởng đến chất lượng tôm nuôi. Thứ hai, hướng dẫn cho bà con quy trình vẫn sử dụng ở mức độ nhất định nhưng không ảnh hưởng đến chất lượng tôm. Bộ NN&PTNT đang chỉ đạo nghiên cứu các chất thay thế Oxytetracycline để bảo đảm phòng bệnh cho tôm, bảo đảm an toàn theo đúng quy định của các nước về an toàn thực phẩm.

Bên cạnh đó, các bên đều có trách nhiệm, mà trước hết là doanh nghiệp cung cấp thức ăn, người nuôi và cả doanh nghiệp thu mua chế biến. Bản thân các doanh nghiệp thu mua chế biến đều có phòng thí nghiệm kiểm soát đầu vào và chất lượng sản phẩm. Thứ hai, có trách nhiệm liên kết với cơ sở cung cấp nguyên liệu. Hiện nay trong trồng trọt đã làm rồi, trong thủy sản cũng đang làm như cá tra. Tôm tới đây tăng cường liên kết kiểm soát toàn bộ chuỗi từ ao nuôi tới thị trường.

Mặt khác, những nước có quy định hàm lượng quá thấp với các nước khác chúng ta phải đấu tranh xem có cơ sở nào để quy định như vậy. Chúng ta đã có từng có đoàn trao đổi sang Mỹ để hai bên trao đổi hiểu biết, chia sẻ với nhau cũng như quan hệ thương mại. Nếu dựng hàng rào thì nước khác cũng có thể làm với sản phẩm khác với họ.

Theo Bộ NN&PTNT, giá trị xuất khẩu thủy sản tháng 4/2014 đạt 606 triệu USD, đưa giá trị xuất khẩu thủy sản 4 tháng đầu năm đạt 2,2 tỷ USD, tăng 31,2% so với cùng kỳ năm 2013.

Đối với các cơ sở có lô hàng bị cảnh báo, Cục Quản lý chất lượng nông - lâm sản và thủy sản đã có văn bản gửi từng cơ sở, yêu cầu điều tra nguyên nhân và thực hiện khắc phục. Tổ chức tự thẩm tra hiệu quả của các hành động khắc phục đã thực hiện, lập báo cáo giải trình và áp dụng chế độ kiểm tra tăng cường chỉ tiêu Oxytetracycline đối với từng lô hàng tôm nuôi xuất khẩu của các cơ sở này. Mặt khác, cũng đề nghị Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) tiếp tục vận động các doanh nghiệp hội viên thực hiện nghiêm túc các hoạt động nhằm kiểm soát Oxytetracycline trong quá trình sản xuất tôm nuôi.

T.An - T.Văn

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Tin mới nhất

Xem thêm