Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Quảng Nam: Quyết liệt giải ngân vốn đầu tư công

Nguyên Phê

Thứ năm, 17/10/2024 - 14:53

(Thanh tra) - Theo số liệu thống kê, trong 9 tháng qua, Quảng Nam giải ngân vốn ngân sách Nhà nước (NSNN) 2.672,9/6.520,6 tỉ đồng được giao, đạt 40,99%.

Chủ tịch UBND tỉnh Lê Văn Dũng nhấn mạnh các biện pháp giải ngân vốn đầu tư công. Ảnh: N.P

Sở Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) Quảng Nam cho biết, tổng vốn đầu tư công năm 2024 là hơn 8.884 tỉ đồng, trong đó kế hoạch vốn đầu tư công năm 2024 là hơn 7.056 tỉ đồng (ngân sách Trung ương hơn 2.194 tỉ đồng, ngân sách địa phương hơn 4.861 tỉ đồng); kế hoạch vốn năm 2023 kéo dài sang năm 2024 là hơn 1.827 tỉ đồng.

Tỉnh đã phân bổ cho các ngành và các địa phương hơn 6.614 tỉ đồng, đạt 94% (ngân sách Trung ương hơn 2.173 tỉ đồng, đạt 99%; ngân sách tỉnh hơn 4.434 tỉ đồng, đạt 91%).

Nguyên nhân tỉ lệ giải ngân vốn đầu tư công thấp là do công tác giải phóng mặt bằng (GPMB) kéo dài; công tác chỉ đạo chưa thường xuyên, thiếu quyết liệt, sâu sát. Các dự án (DA) ngành y tế gặp khó liên quan đến việc thẩm định giá thiết bị. DA sử dụng vốn ODA chậm do công tác xem xét và chấp thuận của nhà tài trợ đối với các thủ tục đầu tư, kế hoạch lựa chọn nhà thầu, hồ sơ rút vốn thường rất lâu.

Nhiều DA triển khai chậm do vướng đất rừng, vướng quy hoạch vẫn còn. Nhiều văn bản của các cơ quan Trung ương ban hành để triển khai thực hiện chương trình vẫn còn chậm và chưa được đồng bộ. Một số địa phương gặp khó khăn về cán bộ thực hiện…

Mặt khác, do thiếu nguồn đất đắp nền và cát xây dựng nên các đơn vị thi công DA phải mua với giá thành cao hơn so với đơn giá lập dự toán, trong khi phần lớn các công trình theo hình thức hợp đồng trọn gói hoặc đơn giá cố định. Có công trình ban đầu hợp đồng giá đất đắp nền 80 ngàn đồng/m2, sau đó giá đất tăng lên 200 ngàn đồng/m2; mà vẫn không có đất để mua vì các mỏ đất hết hạn, đóng cửa, công trình nằm chờ đã 2 – 3 năm nay. Điều này dẫn đến một số nhà thầu triển khai thi công cầm chừng chờ điều chỉnh chỉ số giá xây dựng phù hợp với đơn giá thị trường.

Đối với các DA sử dụng ngân sách Trung ương chuyển tiếp phải hoàn thành năm kế hoạch (năm 2024), theo quy định phải bố trí đủ vốn cho DA từ đầu năm. Dẫn đến các DA này gặp khó, có tỉ lệ giải ngân thấp vẫn khó thực hiện điều chỉnh giảm kế hoạch vốn ngân sách Trung ương để chuyển sang các DA khác đã có khối lượng và tỉ lệ giải ngân tốt.

Ngoài ra, Quảng Nam có đến 9 huyện miền núi, vùng cao; điều kiện thời tiết phức tạp, mưa kéo dài, nguy cơ sạt lở đất cao nên quá trình thi công bị gián đoạn. Một số chương trình chậm do thẩm định giá thiết bị hoặc do chuyển tiếp các quy định về đấu thầu, xác định giá gói thầu...

Còn theo Bí thư Tỉnh uỷ Quảng Nam Lương Nguyễn Minh Triết, bên cạnh những nguyên nhân vướng mắc về cơ chế, chính sách thì nguyên nhân quan trọng dẫn đến tiến độ giải ngân vốn đầu tư công chậm do yếu tố chủ quan gây nên. Sự quyết tâm trong đôn đốc, chỉ đạo, điều hành ở cấp tỉnh, cấp huyện đôi lúc chưa sâu sắc, chưa quyết liệt dẫn đến những kết quả cuối cùng chưa như mong muốn.

Nhiều công trình, dự án kéo dài do thiếu nguồn vật liệu đắp nền. Ảnh: N.P

Trước tình hình trên, trong khi thời gian đến cuối năm không còn nhiều, Chủ tịch UBND tỉnh Lê Văn Dũng đã phân công các Phó Chủ tịch UBND tỉnh cùng các sở, ngành liên quan về từng địa phương, đơn vị để nắm bắt thật kỹ thực trạng, vướng mắt trong giải ngân vốn đầu tư công; yêu cầu các chủ đầu tư, địa phương quyết tâm hơn nữa, đảm bảo giải ngân đạt tỷ lệ cao nhất. Thực hiện thật tốt công tác lãnh đạo, chỉ đạo điều hành, xem đây là nhiệm vụ chính trị quan trọng, định kỳ nghe báo cáo tiến độ giải ngân của địa phương.

Chủ tịch Lê Văn Dũng ấn định các Sở, ngành, địa phương 2 tuần 1 lần báo cáo tiến độ thực hiện về Sở KH&ĐT, Văn phòng UBND tỉnh để lãnh đạo tỉnh theo dõi chỉ đạo.

Tập trung tháo gỡ khó khăn về vật liệu xây dựng, không để đầu cơ tăng giá, các mỏ đã đấu thầu cần triển khai nhanh thủ tục. Tập trung công tác phối hợp của các Sở, ngành, địa phương chặt chẽ, nhịp nhàng; chấm dứt việc đùn đẩy, né tránh trách nhiệm hoặc chậm trễ trong giải quyết hồ sơ, thủ tục DA. Ấn định thời gian cụ thể trả lời kết quả cho chủ đầu tư và địa phương chậm nhất là 7 ngày…

Chủ tịch UBND tỉnh Lê Văn Dũng nhấn mạnh, các ngành, địa phương thẳng thắn đánh giá trung thực về trách nhiệm, sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị trong việc triển khai, đôn đốc, thực hiện công tác giải ngân của tỉnh.

“Chỉ còn gần 3 tháng kết thúc năm 2024, để đẩy nhanh tiến độ giải ngân, đề nghị các ngành xem xét, triển khai cấp bách các giải pháp, xem đây nhiệm vụ ưu tiên hàng đầu trong quý 4/2024”, Chủ tịch Lê Văn Dũng nhấn mạnh.

Các chủ đầu tư cần chủ động kiểm tra, rà soát đánh giá khả năng giải ngân của từng DA cụ thể có tỷ lệ giải ngân thấp để đề xuất cấp có thẩm quyền điều chỉnh kế hoạch vốn sang các DA đảm bảo khối lượng. Có thể giải ngân ngay khi tiếp nhận nguồn vốn bổ sung trong nội bộ của từng đơn vị hoặc kiến nghị cấp có thẩm quyền điều chỉnh giảm kế hoạch vốn năm để điều chuyển cho các đơn vị, địa phương có nhu cầu bổ sung vốn trong kỳ họp HĐND tỉnh tiếp theo.

Hội nghị Tỉnh ủy Quảng Nam lần thứ 17 khóa XXII vừa qua đã thông qua nhiều nội dung quan trọng, trong đó có vấn đề giải ngân vốn đầu tư công.

Tỉnh uỷ Quảng Nam đã yêu cầu làm mạnh hơn nữa trong công tác tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, nhà đầu tư. 

Thực hiện quyết liệt giải ngân vốn đầu tư công. Tập trung chỉ đạo công tác giải phóng mặt bằng, thúc đẩy tiến độ thi công các DA, công trình trọng điểm, các công trình chào mừng các ngày lễ lớn trong năm 2025, Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XXIII.

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Tin mới nhất

Xem thêm