Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Theo dõi Báo Thanh tra trên

Phải đổi mới sâu sắc cách thức kinh doanh du lịch

Thứ sáu, 11/01/2019 - 06:35

(Thanh tra)- Du lịch nước ta hiện nay được xem là một ngành kinh tế với phong phú các nguồn thu từ khách sạn, nhà hàng, vận tải hành khách, kết hợp với các làng nghề thủ công mỹ nghệ, nông nghiệp đặc thù của các địa phương cùng nhau khai thác lợi ích từ ngành du lịch. Tuy nhiên, để ngành du lịch phát triển hơn nữa, cần phải đổi mới sâu sắc cách thức kinh doanh.

Cần quảng bá những dấu ấn riêng biệt của du lịch Việt Nam. Ảnh internet

Còn nhiều yếu kém trong cách thức quảng bá, phục vụ khách du lịch

Du lịch Việt Nam đang tự hào được xếp thứ 6 trong tốp 10 điểm đến phát triển nhanh nhất trên toàn thế giới trong năm 2017. Tốc độ tăng trưởng số lượt khách quốc tế hàng năm là 30% trong 3 năm qua. Thu hút hơn 15 tỷ USD dòng FDI đầu tư vào du lịch tại thời điểm cuối năm 2017. Ngành du lịch tạo việc làm và thu nhập trực tiếp cho khoảng 2,5 triệu người. Dự kiến tổng thu của ngành du lịch năm 2025 là 45 tỷ USD, đóng góp 10% GDP cả nước, tạo 6 triệu việc làm, trong đó có 2 triệu việc làm trực tiếp.

Nhưng muốn đạt mục tiêu đề ra này quả thực không dễ, vì nhiều hạn chế trong cách thu hút và khai thác du lịch. Ví như còn nhiều yếu kém trong các cách thức quảng bá, phục vụ khách du lịch, khai thác túi tiền người du lịch vào việc mua sắm, cơ sở hạ tầng chưa đồng bộ, nguồn nhân lực còn yếu về nghề, năng lực quản lý điểm đến còn thấp, phát triển du lịch chưa gắn với bảo vệ môi trường.

Để khắc phục những yếu kém, Chính phủ đã giao thực hiện một số dự án phát triển du lịch, cơ cấu lại ngành du lịch đến năm 2025 là nhiệm vụ đầu tiên phải làm.

Ngày 5/12/2018, Thủ tướng đã thông qua đề án này sau khi tham vấn kỹ càng cộng đồng doanh nghiệp, khảo sát qua khách du lịch và chuyên gia du lịch trong ngoài nước.

Tinh thần của đề án cũng như thực tế cho thấy phải khắc phục tình trạng khách đến thì tăng nhưng doanh thu lại tăng chậm, tăng ít. Năm 2017 doanh thu từ du lịch của Việt Nam chỉ khoảng 8,3 tỷ USD, bình quân một khách tiêu 912 USD, trong khi con số này tương ứng của Thái Lan là 52,5 tỷ USD và 1.565 USD, Singapore là 18,4 tỷ USD và 1.105 USD, Indonesia 12,6 tỷ USD và 1.109 USD.

Việc kém thu hút khách du lịch cũng còn do chương trình thị thực nhập cảnh còn nhiều hạn chế, năng lực sân bay hàng không chưa thể đáp ứng nhu cầu phục vụ khách du lịch hiện tại và đặc biệt tăng khách du lịch trong tương lai. Khả năng kết nối hạn chế với các trung tâm giao thông quan trọng nhất của châu Á. Xếp hạng thấp về hiệu quả marketing và xây dựng thương hiệu của Việt Nam đứng thứ 80 trong số 136 quốc gia, thua cả Indonesia, Lào và Campuchia.

Năng suất lao động du lịch của Việt Nam thấp so với các ngành kinh tế khác, mới có 1,771 triệu đồng/ lao động/ năm, chỉ hơn ngành nông nghiệp, làm thuê hộ gia đình. Vận tải hành khách du lịch chưa tốt, còn nhiều bất cập trong đào tạo nhân lực ngành du lịch, thiếu đào tạo thực tiễn, thiếu gắn kết giữa chương trình đào tạo với tiêu chuẩn nghề du lịch. Ngoài ra, để tuyển dụng được lao động du lịch cho đủ nhu cầu và có nghề là rất khó, nhiều công ty, tập đoàn du lịch phải tự đào tạo lấy.

Do đó, phải tìm những cách thức giới thiệu, quảng bá cũng như đón tiếp, phục vụ khách thật tốt, lưu giữ được khách và tạo tâm lý khách muốn quay lại du lịch lần nữa.

Quảng bá những dấu ấn riêng biệt

Theo các chuyên gia kinh tế, du lịch là ngành kinh tế tổng hợp nên cần những người tham gia có trách nhiệm cao và am hiểu nhiều lĩnh vực. Việc tiếp cận đa chiều khi xem xét sự phát triển của du lịch sẽ đem đến cho chúng ta nhiều thông tin đầu vào khách quan để xây dựng chiến lược, kế hoạch giải pháp và những biện pháp thực hiện hiệu quả trong từng giai đoạn.

Mặt khác, cần biện pháp phối hợp công tư chặt chẽ, các doanh nghiệp quy mô lớn phát triển thành lực lượng nòng cốt, có sự hỗ trợ các doanh nghiệp nhỏ và vừa, cá nhân, hộ gia đình tham gia làm du lịch.

Bên cạnh đó, để mời gọi, chèo kéo được khách du lịch, phải dựa trên sự am hiểu về nhu cầu, cảm xúc và đặc điểm của du khách. Phải khai thác sự đầu tư hàng không lợi cho nhiều ngành kinh tế trong đó có du lịch. Chính phủ sẽ nghiên cứu tiếp thu các ý kiến về chính sách thị thực cho các thị trường quan trọng, tạo thuận lợi về thủ tục nhập cảnh cho khách du lịch quốc tế đến nước ta. Phê duyệt và triển khai quỹ hỗ trợ phát triển du lịch theo hướng thúc đẩy hợp tác công tư cho các thị trường mục tiêu.

Cần xây dựng các hình thức hấp dẫn, hàng hóa, trò vui chơi lạ mắt để khách du lịch chi tiêu nhiều hơn, phải biến các tiềm năng du lịch thành sản phẩm du lịch, tạo thêm nhiều nguồn cầu cho khách du lịch, làm cho Việt Nam nối tiếng hơn để hấp dẫn khách du lịch. Đẩy mạnh quảng bá xây dựng thương hiệu đủ sức hấp dẫn, gia tăng đầu tư, đưa ra những định hướng mang lại tính bền vững và điều quan trọng cần có đủ nguồn tài chính, chi nhiều hơn cho quảng bá du lịch, không bằng thì cũng không kém hụt quá so với các nước trong khu vực.

Các chuyên gia cũng chỉ ra, nếu Việt Nam cứ chỉ đẩy mạnh tăng thêm số lượng khách thì hạ tầng sẽ bị quá tải, cho nên cần phải chú ý đến vấn đề này. Trong đó có xây dựng nhà ga giá rẻ chuyên dụng.

Thực tế cho thấy, Việt Nam có nhiều thành phố cổ, nhiều di tích lịch sử có dấu ấn riêng biệt trong khai thác khách du lịch, cần quảng bá kỹ càng xem như những sản phẩm đặc thù. Cũng cần khai thác thiên nhiên hoang sơ, đồ ăn ngon, con người thân thiện, nhiều lễ hội địa phương đặc sắc, đây chính là những xu hướng du lịch mới để khách sẵn sàng bỏ tiền. Do dó, cần chú ý đến việc xây dựng các sản phẩm du lịch đặc trưng, làm rõ sự khác biệt giữa Việt Nam và các nước trong khu vực.

Bảo Anh

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Tin mới nhất

Xem thêm