Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Theo dõi Báo Thanh tra trên

Nông sản rớt giá, không có đầu ra

Thứ bảy, 13/06/2015 - 13:48

(Thanh tra) - Đất rộng, người thưa, địa hình phức tạp, giao thông đi lại khó khăn; phát triển thiếu quy hoạch, không có thị trường ổn định... là nguyên nhân dẫn đến tình trạng nông sản của đồng bào vùng Tây Bắc khó tiêu thụ, bị ép giá.

Những cây mía tím to, gióng đẹp, người dân xã Dũng Phong, Cao Phong chỉ bán với giá 4.000 - 5.000 đồng/cây . Ảnh: Hồng Bài

Từ mía Hòa Bình...   

Nói đến huyện Cao Phong và huyện Tân Lạc của tỉnh Hòa Bình là nói đến cây mía. Mía tím và mía trắng. Một thời cây mía là thế mạnh, là cây chủ lực xóa nghèo, làm giàu của người nông dân, đặc biệt là cây mía tím. Mía tím phát triển nhanh, ồ ạt. Mía từ vườn ra ruộng, rồi từ ruộng "leo" lên đồi, lấn sân cây sắn, cây ngô.

Năm 2010, huyện Cao Phong mới có khoảng 2.000 ha mía. Cuối năm 2014, vụ mía năm 2015, diện tích mía đã tăng lên 2.730 ha. Trong đó, diện tích mía trắng chiếm 2/3. Nhìn lại, từ năm 2011 về trước, vào mùa thu hoạch, người dân Cao Phong không đủ mía để bán cho thương lái. Thời điểm đó, một cây mía tím có giá tại vườn từ 6.000 - 7.000 đồng/cây. Mía trắng 7.000 - 8.000 đồng/cây. Năm 2013, 2014, giá phân bón, công lao động tăng cao, giá mía có giảm nhưng người trồng mía vẫn còn "thở" được. Mía tím loại to, mã đẹp bán được giá 4.000 - 5.000 đồng/cây. Mía trắng 5.000 - 7.000 đồng/cây.

Vụ mía năm 2015, giá "tụt" dốc không phanh. Đầu vụ, mía tím giá 4.000 đồng/cây. Mía trắng 5.000 đồng/cây. Sau Tết, giá mía tím, cây to, gióng đẹp chỉ còn 3.000 đồng/cây. Mía trắng không ai hỏi mua. Chị Bùi Thị Thắm, xã Thu Phong, Cao Phong than phiền: Nhà nào cũng phải tự chặt, chuyển mía ra quốc lộ 6 bán. Người mua cũng kén lắm, họ chọn từng cây. Thôi thì, một cây mía tím 2.000 đồng, 3.000 đồng cũng bán. Mía trắng thì chả mấy ai nhìn đến. Khách vào vườn mua chọn từng cây cũng chỉ 3.000 - 4.500 đồng/cây.

Mía ở các xã Phú Cường, Phú Vinh, Mỹ Hòa, Phong Phú, huyện Tân Lạc còn cám cảnh hơn. Ông Vũ Quang Hùng, Trưởng phòng Nông nghiệp cho biết: Tân Lạc hiện có gần 2.000 ha mía, trong đó mía trắng hơn 600 ha, còn lại là mía tím. Đến đầu tháng 4, các xã Phú Vinh, Phong Phú, Mỹ Hòa vẫn còn trên 40% diện tích mía tím, hơn 60% diện tích mía trắng không tiêu thụ được. Mía trắng  đã trỗ bông, héo cây. Trận gió lốc cuối tháng 5 đã làm thiệt hại hàng chục ha mía. Ở các xã trên, nhà nào cùng trồng mía. Nhà ít thì 5.000 - 6.000m2, nhà nhà nhiều trồng 3 - 4 ha. Năm nay mía mất giá lại không có người mua. Vào các phiên chợ Lồ, chợ Phú Cường, tràn ngập mía tím.

Chị Bùi Thị Mai, xóm Kè, xã Phú Vinh cho biết: Gặp khách thì bán được 2 - 3 bó mía. Một bó chỉ 30 - 35.000 đồng (3.000 – 3.500 đồng/cây). Năm ngoái một bó, bán rẻ cũng được 50.000 - 60.000 đồng. Nhiều nhà đã chặt mía cho trâu, bò ăn. Nhưng trâu bò ăn mãi cũng chán mía.

Ông Đinh Công Thuận, Phó Chủ tịch UBND xã Phú Vinh cho biết, cả xã có gần 300 ha mía. Mọi năm, bước vào tháng 3, tháng 4, mía đã lên mầm quá đầu gối. Năm nay, mía cây vẫn còn kín vườn, mía trắng đã có hiện tượng tóp cây, trỗ bông. Mất giá, người nông dân thua lỗ nặng. Vụ mía năm tới chậm thời vụ, hết vốn đầu tư, mía sẽ phát triển kém. Mía xấu, giá sẽ rẻ, và  người trồng mía lại lỗ.

Trưởng phòng Nông nghiệp huyện Tân Lạc Vũ Quang Hùng cho rằng: Mía rẻ, ít người mua là khó tránh. Vì, đầu ra cho cây mía đều phụ thuộc vào tư thương. Cả tỉnh Hòa Bình có tới hàng nghìn ha mía tím, mía trắng nhưng không có thị trường ổn định. Ăn thì, một người ăn được mấy cây.

… Đến dứa, chuối Điện Biên

Huyện Mường Chà có gần 40 ha dứa, tập trung nhiều ở các xã Na Sang, Sa Lông, Huổi Lèng. Cây dứa do người dân trồng theo phong trào tự phát. Mấy vụ đầu, ít dứa nên dễ tiêu thụ, được giá. Trồng dứa dễ, ít đầu tư, chăm sóc. Dứa không kén đất, đây là nguyên nhân vì sao người dân đua nhau trồng.

Theo lãnh đạo xã Na Sang, 1ha dứa cho năng suất trên 70 tạ, hộ chăm sóc tốt, năng suất đạt trên 80 tạ/ha. Với giá từ 7.000 - 10.000 đồng/quả thì 1ha dứa cho thu trên dưới 40 triệu đồng. Đấy là tính "cua trong lỗ". Thực tế, để bán được dứa, người dân Na Sang, Sa Lông, Huổi Lèng và các xã khác phải gùi ra thị trấn, ra chợ phiên và ngồi bán từng quả cho khách.

Vụ dứa năm nay, giá dứa chỉ 5.000 - 6.000 đồng/quả; quả to, ngon bán được 8.000 - 10.000 đồng. Tuy nhiên, số quả to, ngon rất ít vì trình độ thâm canh của đồng bào còn hạn chế. Phần nhiều là "khoán" cho đất, nên quả nhỏ, chua.

Trên đường đến Mường Chà, chúng tôi thấy đồng bào bày dứa bán kín cả hai bên đường. Dứa quả còn vỏ, vàng rộm. Dứa đã gọt vỏ cho vào túi bóng từng đôi. Thỉnh thoảng chúng tôi mới thấy vài khách mua. Người mua nhiều thì 4 - 5 quả, người ít chỉ một cặp trong túi bóng. Xem ra, hộ trồng dứa tính bằng ha, nhưng đầu ra "nhỏ giọt" từng quả. Giá trị quả dứa có cao mấy cũng không đem lại hiệu quả kinh tế cao, ổn định.

Cũng như quả dứa Mường Chà, quả chuối tiêu hồng ở huyện Điện Biên Đông đang gặp khó đầu ra. Từ nguồn vốn 30a, huyện Điện Biên Đông đã đầu tư cho người dân xã Pu Nhi trồng 15ha chuối tiêu hồng. Người dân được hỗ trợ giống, được chuyển giao kỹ thuật trồng, chăm sóc, cây chuối tiêu hồng lại phù hợp với thổ nhưỡng, khí hậu nên phát triển tốt. Nhiều hộ trồng 200 - 300 gốc như hộ ông Lường Văn Phán, Lò Văn Thắng, bản Phiêng Ngám, hay nhà Chủ tịch UBND xã Pu Nhi, ông Lò Văn Thìn, với giá bán 60.000 - 70.000 đồng/buồng, đã đem lại nguồn thu không nhỏ cho hộ trồng chuối.

Có điều, mới chỉ 15 ha chuối tiêu hồng ở xã Pu Nhi đã cho thấy cái khó "đầu ra". Bán trong nội bộ bản, xã thì không được mấy buồng vì có ai ăn chuối thay cơm bao giờ. Đem ra chợ, ra phố huyện, thành phố thì không phải nhà nào cũng có điều kiện, phương tiện để đi, chưa kể đường giao thông khó khăn. Vào mùa mưa, gần như người dân bị "trói chân" trong bản, thương lái nào dám cho xe vào Pu Nhi lấy chuối.

Từ cây mía Hòa Bình đến quả dứa, quả chuối tiêu hồng ở Điện Biên cho thấy, việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng ở các tỉnh vùng Tây Bắc phải có quy hoạch, xây dựng vùng sản phẩm hàng hóa tập trung, xác định cây mũi nhọn và phải có phương án đầu ra cho sản phẩm nông sản. Có như vậy, quá trình chuyển đổi cơ cấu cây trồng ở các địa phương vùng cao, vùng đặc biệt khó khăn như các tỉnh Tây Bắc mới bền vững, hiệu quả.

Hồng Bài

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Tin mới nhất

Xem thêm