Theo dõi Báo Thanh tra trên
Hải Hà
Thứ năm, 07/12/2023 - 21:58
(Thanh tra) - Ngày 7/12, tiếp tục Kỳ họp thứ 14, HĐND TP Hà Nội khóa XVI tiến hành phiên chất vấn và trả lời chất vấn về nhóm vấn đề lĩnh vực giao thông đô thị trên địa bàn.
Giám đốc Sở GTVT Nguyễn Phi Thường trả lời chất vấn. Ảnh: N.H
Đầu tư tràn lan, thiếu đồng bộ
Chất vấn Giám đốc Sở Giao thông Vận tải (GTVT), đại biểu Nguyễn Thanh Bình (tổ Tây Hồ) nêu nhiều dự án, công trình đầu tư giao thông dàn trải, chậm tiến độ, ảnh hưởng đến đời sống dân sinh.
Nhiều công trình đầu tư không dứt điểm, phải điều chỉnh gây đội vốn, kém hiệu quả.
Do đó, đại biểu chất vấn Giám đốc Sở GTVT về vai trò tham mưu trong đầu tư các dự án bảo đảm hiệu quả và trách nhiệm của sở với các dự án chậm thi công.
Trả lời đại biểu, Giám đốc Sở GTVT Nguyễn Phi Thường cho biết, qua rà soát, các chỉ tiêu quy hoạch thực hiện dưới 50%, đặc biệt đầu tư các dự án đường sắt đô thị mới chỉ đạt 6,5%.
“Tốc độ phát triển hạ tầng giao thông hiện tăng 0,5%/năm, trong khi tốc độ phát triển phương tiện cá nhân tăng gấp 10 lần, từ 4-5%/năm. Do đó, việc xây dựng hạ tầng luôn chới với đuổi theo tốc độ gia tăng phương tiện cá nhân, là nguyên nhân gây ùn tắc giao thông…”, ông Phi Thường nêu.
Về ý kiến của đại biểu liên quan đến các dự án giao thông dàn trải, chậm tiến độ, Giám đốc Sở GTVT cho rằng, trong giai đoạn trước đây, việc triển khai đầu tư các dự án sử dụng vốn đầu tư công tại một số tuyến đường có tình trạng dàn trải, thiếu đồng bộ và chậm triển khai.
Ví dụ đường vành đai 2,5 có chiều dài 19,4km được chia là 13 đoạn; đường Quốc lộ 21B dài 41km được chia làm 13 đoạn; Quốc lộ 1A phía Nam cũng chia làm 11 đoạn và trong đó cá biệt có những đoạn chỉ đầu tư một nửa mặt cạnh như ở trên địa bàn Thường Tín.
“Chính vì thế, trong kế hoạch trung hạn 2021 - 2025, TP bố trí cho 224 dự án với tổng kinh phí 127.000 tỷ, tức tăng 250% về số vốn nhưng số dự án chỉ tăng 5% so với giai đoạn 2016 - 2020 để thực hiện dứt điểm, giảm dàn trải ra nhiều dự án…”, Giám đốc Sở GTVT nêu.
Ông Nguyễn Phi Thường cũng cho biết, về thứ tự ưu tiên, TP dành quan tâm hàng đầu cho các dự án cấp bách, trọng điểm, các đường vành đai hướng tâm, đường sắt đô thị, hoàn thiện dứt điểm các hầm chui, cầu vượt tại các nút quá tải và có tình trạng ùn tắc.
Tiếp đó là đầu tư các cầu qua sông Hồng, tuyến kết nối với các tỉnh nhằm giảm tải cho trung tâm Thủ đô và đầu tư các cái đoạn kết nối vành đai, kết nối các đường cao tốc, các dự án phục vụ cho 4 huyện lên quận…
Đường sắt Nhổn - Ga Hà Nội khai thác vào năm 2024
Đại biểu Nguyễn Văn Luyến (Tổ huyện Đan Phượng) đặt câu hỏi: Dự án đường sắt đô thị Nhổn - Ga Hà Nội sau 13 năm thi công mới đạt khoảng 78%. Trong đó, đoạn trên cao đạt khoảng 99% nhưng đoạn ngầm mới đạt 36,5%. Dự án đã được điều chỉnh rất nhiều lần, gần đây nhất điều chỉnh tiến độ đưa dự án trên cao vào khai thác cuối năm 2023, đầu năm 2024 và đưa toàn bộ dự án vào khai thác vào năm 2027.
Thực tế quá trình thi công gặp khó khăn trong giải phóng mặt bằng, phối kết hợp của các cơ quan tư vấn, năng lực của nhà thầu... Tuy nhiên, thực tế tiến độ triển khai hiện nay chậm, cầm chừng, trong khi đó, rào chắn lòng lề đường gây ùn tắc giao thông, ảnh hưởng đến đời sống sinh hoạt của nhân dân.
Đại biểu Nguyễn Văn Luyến băn khoăn về việc dự án có về đích đúng cam kết, hay lại một lần nữa trễ hẹn?
Trả lời, Giám đốc Ban Quản lý đường sắt đô thị Hà Nội Nguyễn Cao Minh cho biết, tại kỳ họp tháng 7/2022, trước tình hình triển khai dự án tiếp tục chậm trễ, TP Hà Nội đã báo cáo tổng thể, rà soát nghiêm túc những nguyên nhân điều chỉnh tiến độ của dự án.
Từ đó, UBND TP đã trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt điều chỉnh dự án vào đầu tháng 10/2022, theo hướng điều chỉnh tiến độ hoàn thành toàn bộ dự án đường sắt đô thị Nhổn - ga Hà Nội kéo dài đến năm 2027.
Dự án chậm tiến độ có nguyên nhân về giải phóng mặt bằng. Trong tháng 10/2022, Thành uỷ, UBND TP và các cơ quan liên quan đã tập trung chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng để thực hiện dự án. Trên cơ sở đó, nhà thầu đã quay trở lại vào đầu tháng 2/2023 để triển khai những phần việc còn lại tại đoạn ngầm dài 4 km.
Đối với đoạn trên cao, đến nay công tác xây lắp, lắp đặt thiết bị về cơ bản hoàn thành. Ông Nguyễn Cao Minh cho biết, công việc còn lại để đưa đoạn trên cao vào vận hành là đào tạo nhân lực vận hành - bảo trì, xây dựng hệ thống tài liệu, lập tổ tư vấn; vận hành thử theo phương án thương mại; thủ tục nghiệm thu.
Ông Nguyễn Cao Minh cho biết, đến nay các đơn vị liên quan của TP đang nỗ lực để đưa đoạn trên cao vào khai thác thương mại trong quý 2 năm 2024.
“Hiện nay, nhà thầu và đơn vị tư vấn đang nỗ lực xây dựng lại kế hoạch thi công đoạn đi ngầm với tinh thần thi công cao nhất để toàn dự án đường sắt đô thị Nhổn - ga Hà Nội hoàn thành vào năm 2027”, ông Nguyễn Cao Minh nói thêm.
Ý kiến bình luận:
Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!
(Thanh tra) - Con số trên được công bố tại Hội nghị tổng kết công tác năm 2024 và triển khai nhiệm vụ, kế hoạch năm 2025 của ngành Xây dựng được Bộ Xây dựng tổ chức sáng nay (14/12).
Trần Quý
14:00 14/12/2024(Thanh tra) - Muốn thu hút được đông đảo người dân sử dụng phương tiện vận tải hành khách công cộng (VTHKCC), ngoài việc nâng cao chất lượng dịch vụ, đa dạng hoá các phương tiện, thì việc đồng bộ cơ sở hạ tầng là vô cùng cần thiết. Đây được coi là vấn đề then chốt, TP Hà Nội cần phát triển một cách đồng bộ hạ tầng xe buýt và cả các loại hình kết nối khác trong hệ thống VTHKCC.
Cao Sơn
07:05 14/12/2024Trần Kiên
20:25 13/12/2024Chính Bình
16:53 13/12/2024N. Phó
10:12 13/12/2024Cao Sơn
08:06 13/12/2024Hương Trà
Lê Phương
Trung Hà
Thu Huyền
Uyên Uyên
Hương Giang
Nam Dũng
Trần Quý
Lê Hữu Chính
Trần Quý