Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Theo dõi Báo Thanh tra trên

Nhập siêu đã được kiểm soát

Thứ bảy, 19/10/2013 - 15:38

(Thanh tra) - 96,46 tỷ USD, bằng 76,5% kế hoạch, tăng 15,7% so cùng kỳ, là con số ước xuất khẩu 9 tháng đầu năm 2013. Kết quả này cho phép khẳng định mục tiêu xuất khẩu năm 2013 là… sáng sủa.

Xuất khẩu cao nhất từ trước đến nay

Với mức xuất khẩu (XK) 9 tháng 96,9 tỷ USD, đã gần bằng đỉnh năm 2011. Trong tổng kim ngạch XK, khối doanh nghiệp (DN) FDI (không kể dầu thô) đạt 58,44 tỷ USD, tăng 27%; khối DN trong nước là 32,5 tỷ USD, tăng 4,4%. Đến thời điểm này đã có 19 mặt hàng đạt ngưỡng từ 1 tỷ USD. Bình quân trong 9 tháng đầu năm XK được 10,7 tỷ USD/tháng, là mức cao nhất từ trước đến nay. 

Đóng góp hàng đầu vào XK là nhóm hàng công nghiệp chế biến (với nhiều mặt hàng mới nổi là điện thoại, linh kiện và máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện), với kim ngạch 67,24 tỷ USD, chiếm hơn 69,7% tổng kim ngạch XK, tăng 26,4% so cùng kỳ. Riêng mặt hàng điện thoại các loại và linh kiện đạt 15,1 tỷ USD, soán ngôi vị số 1 của dệt may. 

Các mặt hàng dệt may, giày dép, sản phẩm gỗ, máy móc thiết bị phụ tùng, phương tiện vận tải và phụ tùng tuy tăng trưởng thấp hơn mức tăng trưởng chung, nhưng vẫn là những mặt hàng có quy mô lớn.

Hai nhóm hàng XK được xem là tiềm năng, thế mạnh của Việt Nam đã và đang nỗ lực ngăn chặn sự sụt giảm chủ yếu bởi nguyên nhân khách quan từ thị trường quốc tế là nhóm hàng nông lâm thủy sản đạt 14,72 tỷ USD, chiếm 15,2% tổng kim ngạch XK; nhóm nhiên liệu và khoáng sản ước đạt 7,23 tỷ USD, chiếm gần 7,5% trong tổng kim ngạch XK.

Nhìn theo góc độ thị trường: Thị trường châu Âu tăng trưởng cao nhất 21,9%, trong đó EU tăng 25,7%; thị trường châu Mỹ tăng 13,4%; thị trường Hoa Kỳ tăng 10,6%; thị trường các nước Mỹ La tinh và vùng Caribe cũng có mức tăng trưởng khá; xếp thứ 3 là thị trường châu Á với mức tăng 12,9% so cùng kỳ; XK sang thị trường châu Đại Dương đứng thứ 4 với mức tăng trưởng 9,4% so cùng kỳ; thị trường châu Phi đứng thứ 5, tăng 6,5%.

Nhập khẩu đã được kểm soát

Trong khi XK đang mang lại triển vọng tốt, thì tình hình nhập khẩu (NK) 9 tháng cũng tương ứng với XK.

Theo đó, 96,58 tỷ USD, tăng 15,5% so với cùng kỳ năm 2012, là con số của NK 9 tháng. Các DN FDI đạt 55 tỷ USD, tăng 24,8% chiếm tỷ trọng 56,4% tổng NK; DN trong nước là 42 tỷ USD, tăng 5,3%.

Cơ cấu này đã phản ảnh kết quả của điều hành, quản lý. Nhóm hàng hoá cần NK tăng 15,1%, trong đó, một số mặt hàng có tốc độ tăng cao trên 30% đều là nguyên liệu phục vụ sản xuất hàng XK như: Hạt điều, thức ăn gia súc và nguyên liệu, dầu thô, bông các loại, máy tính, sản phẩm điện tử và linh liện, điện thoại các loại và linh kiện.

Nhóm hàng cần kiểm soát NK 3,34 tỷ USD, chiếm 3,5% tỷ trọng NK và tăng 3% so với cùng kỳ, trong đó tăng chủ yếu ở mặt hàng đá quý, kim loại quý và sản phẩm, rau quả...

NK của nhóm hàng cần hạn chế NK là 4,32 tỷ USD, tăng 13,5% so với cùng kỳ, trong đó tăng chủ yếu ở điện thoại di động, ô tô nguyên chiếc dưới 9 chỗ.

NK từ thị trường châu Á vẫn chiếm tỷ trọng lớn nhất là 80,6%. Trong đó, từ ASEAN chiếm hơn 16%, các nước Đông Á chiếm 59,7%, riêng Trung Quốc chiếm hơn 27,5%. Nhưng nhìn theo tốc độ tăng thì NK từ châu Phi tăng cao nhất: 49,6%, tiếp đó đến châu Á tăng 17,3%, châu Âu tăng 13,9%, châu Mỹ tăng 7%.

Tương quan giữa XK và NK trên đây cho thấy, mức nhập siêu chỉ là 124 triệu USD, bằng 0,13% kim ngạch XK. Tuy vậy, vẫn tồn tại diễn biến trái chiều, khối DN FDI (không kể dầu thô) xuất siêu 3,95 tỷ USD. Các DN trong nước nhập siêu gần 9,5 tỷ USD, nhập siêu chủ yếu từ châu Á.

Theo nhận định của Cục Xuất nhập khẩu, Bộ Thương mại, với thực lực của 9 tháng đầu năm và xu hướng của Quý IV hàng năm, nếu không có yếu tố đột biến, khả năng XK cả năm sẽ đạt 131 tỷ USD, tăng khoảng 14% so với năm 2012, cao hơn 4% so với chỉ tiêu Quốc hội đề ra. NK cả năm sẽ đạt khoảng 131,5 tỷ USD, tăng 15,6% so với năm 2012, nhập siêu cả nước là 500 triệu USD. Theo đà này, nếu quyết liệt thực hiện các giải pháp đồng bộ, căn cơ, mục tiêu đến năm 2020 cân bằng xuất - nhập sẽ sớm đạt mục tiêu.

Chương trình hành động thực hiện Chiến lược xuất nhập khẩu hàng hóa thời kỳ 2011 - 2020, định hướng đến năm 2030 là kiên trì quản lý theo định hướng nhập khẩu nhằm vừa đảm bảo nhu cầu phát triển sản xuất, đời sống trong nước vừa khống chế nhập siêu ở mức hợp lý. Khuyến khích dùng vật tư thiết bị trong nước đã sản xuất được và đủ. Cải thiện cán cân thương mại với các thị trường nhập siêu nhiều. Xúc tiến nhập khẩu công nghệ cao, nhất là tại thị trường các nước phát triển mà hiện Việt Nam đang xuất siêu lớn…

Khanh Trân

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Tin mới nhất

Xem thêm