Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Theo dõi Báo Thanh tra trên

Người dân cần bình tĩnh, không nên mua hàng tích trữ, tạo sốt ảo

Chủ nhật, 08/03/2020 - 11:09

(Thanh tra) – Đó là chia sẻ của Bộ trưởng Bộ Công thương Trần Tuấn Anh tại cuộc họp khẩn bàn về các biện pháp bảo đảm nguồn cung trong nước, ổn định thị trường, tránh găm hàng, tránh tâm lý bất ổn cho người dân về việc thiếu hàng diễn ra chiều 7/3.

Bộ trưởng Bộ Công thương Trần Tuấn Anh phát biểu tại cuộc họp. Ảnh: HH

Không có hiện tượng thiếu hàng, sốt giá

Theo Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công thương) Trần Duy Đông, ngay từ khi có dịch, Bộ Công thương đã có văn bản đề nghị các nhà phân phối đảm bảo nguồn cung hàng hoá, yêu cầu địa phương chủ động xây dựng kịch bản ứng phó đảm bảo nguồn cung thiết yếu.

Bộ cũng đã có văn bản đề nghị sở công thương đẩy mạnh các biện pháp để thúc đẩy tiêu thụ nông sản trong bối cảnh xuất khẩu khó khăn. Hiện, Vụ Thị trường trong nước đang tiếp tục tổng họp các báo cáo của các sở công thương và khi có những bất thường của thị trường sẽ có can thiệp kịp thời.

Đối với công tác bảo đảm nguồn cung hàng hóa phục vụ đời sống dân sinh, ông Đông cho biết, qua cập nhật báo cáo, hiện các doanh nghiệp phân phối cũng dự báo được nhu cầu của người dân đối với hàng hóa của hệ thống bán lẻ hiện đại sẽ tăng trong giai đoạn dịch bệnh nên các siêu thị đã có kế hoạch chuẩn bị nguồn cung để đáp ứng nhu cầu tăng thêm này.

Ngay từ giai đoạn đầu của dịch, hệ thống siêu thị BigC đã tăng gấp 3 lượng hàng dự trữ tại các kho để cung ứng cho thị trường; hệ thống siêu thị Sai gon Coop đã tăng 50% lượng hàng cung ứng cho hệ thống; hệ thống siêu thị Vinmart cũng tăng 30-50% lượng hàng cung ứng cho thị trường.

Hiện nguồn cung các mặt hàng rau, củ, quả, gạo, mỳ, thịt, gia vị… đang được cung cấp, bày bán trong hệ thống các siêu thị với số lượng khá nhiều, giá được niêm yết rõ ràng, đầy đủ và ổn định so với trước Tết, không có hiện tượng thiếu hàng sốt giá. Các doanh nghiệp cho biết nguồn cung hàng hóa thực phẩm thiết yếu trong hệ thống vẫn được bảo đảm giá ổn định do chủ động hợp tác với nông dân và có các nguồn hàng từ các tỉnh phía Nam như Đà Lạt nên nguồn cung ổn định.

Hà Nội luôn đáp ứng được nhu cầu cho người dân

Tại cuộc họp, Phó Giám đốc Sở Công thương Hà Nội Trần Phương Lan cho biết, thành phố (TP) vẫn đang đặt nhiệm vụ bình ổn lên hàng đầu bằng việc dự trữ hàng hóa. Ngoài ra, Sở đã yêu cầu doanh nghiệp báo cáo lượng hàng và giá cả hàng ngày để kịp thời cung ứng điều phối giá.

Ngay khi có dịch, TP Hà Nội đã chỉ đạo các hệ thống phân phối tăng dự trữ hàng hoá từ 30-40%. Lượng hàng cung ứng tăng gấp 4 - 5 lần so với bình thường. TP Hà Nội cũng tập trung công tác bình ổn thị trường, thường xuyên thành lập tổ công tác kiểm tra, đồng thời, yêu cầu các trung tâm thương mại, các nhà phân phối, các siêu thị báo cáo giá cả hàng ngày.

TP cũng đã chủ động làm việc với nhà cung cấp yêu cầu cung cấp đủ cho TP, khi cần thiết có thể huy động lượng hàng hoá từ các doanh nghiệp lớn.

Cũng theo bà Lan, ngay sau khi nhận được thông tin về ca nhiễm Covid-19 tại Hà Nội, trong đêm 6/3, Hà Nội đã họp xây dựng 4 phương án phòng, chống dịch. Trong đó ngành Công thương Hà Nội tập trung vào phương án 3 (nếu TP có trên 20 người nhiễm Covid-19) và phương án 4 (nếu TP có trên 1.000 người nhiễm Covid-19).

Nếu rơi vào kịch bản số 4, TP đã có lượng hàng hoá tích trữ đủ cho 5.000 người phục vụ cách ly. Sở Công thương cũng đã giao cụ thể cho các đơn vị phân phối để đáp ứng hàng hoá theo đúng chỉ đạo của UBND TP Hà Nội.

“Hà Nội luôn đáp ứng được nhu cầu cho người dân, đủ hàng, không để thiếu hàng. Kế hoạch bình ổn thị trường các nhu yếu phẩm luôn luôn được xây dựng theo kế hoạch cụ thể. Đặc biệt, các mặt hàng nhu yếu phẩm đã được các sở công thương địa phương chuẩn bị đảm bảo trong bất kể hoàn cảnh nào và sẵn sàng cung ứng cho Hà Nội”, bà Lan khẳng định.

Về phía doanh nghiệp, Phó Tổng Giám đốc Central Retail Nguyễn Thị Phương cho biết, hiện có 15 tấn thịt lợn nhập khẩu đang đưa về các siêu thị BigC. Siêu thị sẽ mở cửa từ 7h thay vì 8h sáng và đóng của lúc 22-23h giờ đêm cho đến khi hết khách hàng... Ngoài ra, để giảm thiểu sự hoang mang, lo lắng của khách hàng, Big C cam kết không tăng giá.

Đại diện chuỗi siêu thị Coop Food khẳng định nguồn hàng dự trữ trên 100 tỷ đồng và sẽ thực hiện chuyển hàng từ các kho hàng từ Đà Lạt, TP HCM, Bắc Ninh để cung ứng cho Hà Nội. Đặc biệt, các mặt hàng thịt lợn đông lạnh cũng được chuẩn bị đầy đủ, không thiếu hàng trong tình huống cấp bách nhất.

Tiếp tục bảo đảm chất lượng hàng hóa

Phát biểu tại cuộc họp, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh đề nghị các cơ quan truyền thông đẩy mạnh tuyên truyền để người dân yên tâm, không nên dự trữ hàng hóa khi có dịch xảy ra, tăng cường hình thức mua sắm online để tránh tập trung đông người.

“Người dân cần hết sức bình tĩnh, bối cảnh đất nước đang khó khăn nên càng cần sự sẻ chia chung sức chung lòng. Các doanh nghiệp, nhà phân phối đều cam kết không thiếu hàng hóa, các lực lượng chức năng cũng đồng loạt ra quân cùng kiểm soát thị trường. Người dân không nên đổ xô mua hàng tích trữ, tạo sốt hàng hóa ảo”, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh nhấn mạnh.

Để triển khai hiệu quả các biện pháp nhằm bảo đảm nguồn cung hàng hóa cho thị trường Hà Nội trong thời gian tới, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh yêu cầu Vụ Thị trường trong nước, tiếp tục theo dõi sát diễn biến tình hình thị trường, chỉ đạo các doanh nghiệp, Sở Công thương Hà Nội và sở công thương tỉnh TP khác, phối hợp triển khai các biện pháp nhằm hỗ trợ tăng nguồn cung hàng hóa thiết yếu cho địa bàn Hà Nội.

Tổng cục Quản lý thị trường chỉ đạo các đội quản lý thị trường giám sát chặt địa bàn, xử lý nghiêm, kịp thời hành vi lợi dụng tình hình khan hiếm hàng hóa trên thị trường để mua vét, mua gom, định giá hàng hóa bất hợp lý; kiểm soát việc lợi dụng tình hình thị trường bất ổn để kinh doanh hàng giả, nhái, kém chất lượng.

Cục Thương mại điện tử và kinh tế số phối hợp với các doanh nghiệp phân phối hỗ trợ đẩy mạnh các hoạt động, hình thức mua bán hàng hóa trực tuyến để tăng khả năng đáp ứng nhu cầu hàng hóa cho người dân, nhất là cho các khu vực bị cách ly.

Sở Công Thương TP Hà Nội bám sát các diễn biến của thị trường, trực tiếp kiểm tra, đôn đốc, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp phân phối tăng cường các biện pháp cung ứng, điều phối và bán lẻ các hàng hóa phục vụ người dân.

Các doanh nghiệp phân phối bán lẻ tiếp tục làm việc với các nhà cung cấp để bảo đảm nguồn cung, chất lượng hàng hóa cung cấp cho hệ thống bán hàng của doanh nghiệp một cách tốt nhất, nhanh nhất. Nếu có vướng mắc cần hỗ trợ, đề nghị thông tin kịp thời cho Bộ Công thương, sở công thương hoặc các cơ quan chức năng khác để phối hợp xử lý.

Phương Hiếu

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Tin mới nhất

Xem thêm