Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Theo dõi Báo Thanh tra trên

Ngành chăn nuôi thua lỗ 27.000 tỷ đồng

Thứ hai, 14/04/2014 - 08:00

(Thanh tra) - Dư thừa nguồn cung, phát triển chăn nuôi không theo quy hoạch, dẫn tới tình trạng giá bán thấp dưới giá thành sản xuất đã khiến cho ngành chăn nuôi bị thua lỗ khoảng 27.000 tỷ đồng trong 2 năm trở lại đây.

Nhà nước cần hỗ trợ cho nông hộ chăn nuôi quy mô lớn để tăng sức cạnh tranh của ngành chăn nuôi Việt Nam, ảnh: T.A

Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, giá trị toàn ngành chăn nuôi hiện đạt 11 tỷ USD/năm, tuy nhiên, theo kết quả thống kê trực tiếp đến các hộ chăn nuôi và các tỉnh, thành phố của Hội Chăn nuôi Việt Nam, con số này đạt 14,5 tỷ USD.

Theo đánh giá của Hội Chăn nuôi Việt Nam, mấy năm trở lại đây, ngành chăn nuôi gặp nhiều khó khăn, các trang trại, hộ chăn nuôi bị thua lỗ kéo dài. Ước tính từ tháng 3/2013 đến nay lỗ khoảng 6.500 tỷ đồng, từ tháng 3/2012 - 3/2013 lỗ tới hơn 20.000 tỷ đồng. Như vậy chỉ trong vòng 2 năm trở lại đây , ngành chăn nuôi bị thua lỗ khoảng 27.000 tỷ đồng.

Tuy vậy, xu hướng lỗ đang giảm dần. Từ thời điểm tháng 7/2013, chăn nuôi lợn đã ngăn được đà thua lỗ và bắt đầu có lãi, nhưng chăn nuôi gà vẫn giữ nguyên mức lỗ. Thời điểm đầu tháng 4/2014, chăn nuôi gà vẫn đang bị lỗ khoảng 15%, trứng lỗ 31%. Nếu  trang trại, hộ chăn nuôi phải mua 100% con giống, thức ăn thì mức lỗ còn cao hơn.

Tính riêng năm 2012 là năm lỗ nhiều nhất, thì trung bình giá thành sản xuất lợn là 42.000 đồng/kg nhưng giá bán bình quân chỉ 38.860 đồng/kg, tức là lỗ 3.140 đồng/kg (7,48%). Với tổng sản lượng thịt lợn sản xuất ra trong nước năm 2012 là 3,8 triệu tấn thì tổng số lỗ trong năm là 11.932 tỷ đồng. Với gà lông trắng, giá thành sản xuất trung bình năm 2012 là 32.500 đồng nhưng giá bán chỉ 25.640 đồng/kg, tức là lỗ bình quân 6.860 đồng/kg.

Theo các chuyên gia, nguyên nhân dẫn tới tình trạng chăn nuôi thua lỗ nhiều trong thời gian qua là do bị dư thừa nguồn cung, phát triển chăn nuôi không theo quy hoạch, dẫn tới tình trạng giá bán thấp dưới giá thành sản xuất.


Thực tế, ngành nông nghiệp đang định hướng phát triển chăn nuôi gia cầm trong cơ cấu sản phẩm chăn nuôi, bởi đây là loài vật nuôi có chu kỳ sinh trưởng ngắn, quay vòng vốn nhanh. Tuy nhiên, theo các chuyên gia, hiện nay, sản phẩm gia cầm vẫn đang dư thừa, bằng chứng là người nuôi gà vẫn đang thua lỗ. Nếu tiếp tục định hướng phát triển thêm đàn gà sẽ phá vỡ ngành chăn nuôi.

Bên cạnh đó, ngành chăn nuôi đang có "khoảng trống" về thông tin thị trường khi chưa có những nghiên cứu chi tiết, chính xác đúng nhu cầu thị trường. Đây cũng là một trong những nguyên nhân của tình trạng phát triển ồ ạt các trang trại chăn nuôi, dẫn tới thua lỗ trong thời gian qua.

Những thực phẩm là gia súc, gia cầm sạch Việt Nam xuất hiện còn khá khiêm tốn ở các siêu thị, sắp tới sẽ phải cạnh tranh quyết liệt với sản phẩm ngoại khi Việt Nam gia nhập TPP , ảnh: T.A


Theo tính toán của Hội Chăn nuôi Việt Nam, sản lượng thịt gia cầm của nước ta hiện đạt trên 2 triệu tấn/năm, nhưng Tổng cục Thống kê chỉ tính có trên 800.000 tấn. Hay năng suất đẻ trứng của gà Việt Nam đã đạt mức 280 - 310 quả/con/năm, tuy nhiên số liệu của Tổng cục Thống kê vẫn chỉ cập nhật là 142 quả/con/năm. Đây là mức rất thấp so với thế giới. Số liệu thống kê đưa ra như vậy, các nhà sản xuất thấy thiếu nên cứ tiếp tục phát triển đàn, dẫn tới dư thừa sản phẩm gia cầm. Do đó, cần lưu ý phát triển chăn nuôi phải xuất phát từ nhu cầu thị trường.

Nhiều ý kiến cho rằng, chăn nuôi nông hộ là xu thế của cả thế giới, hơn nữa trong lúc ngành chăn nuôi đang gặp nhiều khó khăn, chính sách hỗ trợ của Chính phủ là cần thiết nhưng phải là hỗ trợ nông hộ lớn chứ không nên hỗ trợ hộ nuôi nhỏ lẻ dăm ba con lợn, gà. Bởi, nếu cứ khuyến khích chăn nuôi nhỏ lẻ thì không thể cải thiện được tình trạng ô nhiễm môi trường, và chỉ có chăn nuôi quy mô lớn mới thúc đẩy hình thành các khu chăn nuôi tập trung, xa khu dân cư.

"Đặc biệt, trong bối cảnh hiện nay, chúng ta đang từng bước chuẩn bị gia nhập Hiệp định Đối tác kinh tế chiến lược xuyên Thái Bình Dương (TPP), nên phải có bước đi để tăng sức cạnh tranh cho sản phẩm chăn nuôi. Đơn cử, nước Mỹ hiện nay chỉ có 3 bang chăn nuôi lợn, nhưng giá thịt đang rẻ hơn Việt Nam 40%. Với mức thuế và cước phí vận chuyển, cơ bản sản phẩm thịt của chúng ta cạnh tranh được. Tuy nhiên, khi gia nhập TPP, mức thuế suất nhập khẩu về 0%, thì sản phẩm chăn nuôi nhỏ lẻ của chúng ta khó lòng cạnh tranh được"- người đứng đầu Hội Chăn nuôi Việt Nam Nguyễn Đăng Vang nhận định.

Cũng theo ông Vang, có 3 vấn đề chính trong chăn nuôi cần được Nhà nước hỗ trợ. Thứ nhất là con giống, nếu làm tốt chất lượng giống sẽ giúp giảm 9% giá thành sản xuất. Nhà nước nên hỗ trợ thụ tinh nhân tạo, nhất là bò thịt để giảm nhập khẩu thịt.

Thứ hai là chính sách hỗ trợ xây dựng các chuỗi liên kết trong chăn nuôi. Nhà nước nên hỗ trợ cho những mối liên kết từ sản xuất đến lưu thông, tiêu thụ để tăng hiệu quả và sức cạnh tranh cho ngành chăn nuôi.

Thứ ba, Nhà nước cần hỗ trợ xây dựng các mô hình khuyến nông cho nông dân học tập. Đồng thời, hỗ trợ xử lý chất thải chăn nuôi, phát triển công nghiệp chế biến thực phẩm và quy hoạch các vùng chăn nuôi tập trung, xa khu dân cư, hoàn thiện hạ tầng khu sản xuất như điện, nước, giao thông...


T.An - T.Văn

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Tin mới nhất

Xem thêm