Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Theo dõi Báo Thanh tra trên

M&A sẽ “bùng nổ” trong thời gian tới

Thứ ba, 04/08/2015 - 09:36

(Thanh tra)- Các chuyển động chính sách gần đây cùng với những cam kết cổ phần hóa doanh nghiệp Nhà nước, sự trỗi dậy của các công ty tư nhân trong nước, sự quan tâm của các dòng vốn ngoại đối với các cơ hội đầu tư và M&A (mua bán - sáp nhập) tại Việt Nam… đang được kỳ vọng sẽ là động lực làm bùng nổ làn sóng M&A thứ hai tại Việt Nam trong thời gian tới.

Trong thời gian tới sẽ có nhiều thương vụ M&A lớn trong lĩnh vực BĐS. Ảnh: Trần Quý

Thực trạng M&A

Ông Đặng Xuân Minh, Tổng Giám đốc Cty AVM  (hoạt động trong lĩnh vực tư vấn & xúc tiến đầu tư Việt Nam) cho biết, hoạt động M&A tại Việt Nam năm 2014 đã tăng trưởng trở lại với mức tăng 20% so với 2013; giá trị M&A của thị trường ước đạt 4,2%. Xét về quy mô thương vụ, trung bình giá trị một thương vụ khoảng 11 triệu USD, tăng so với cách đây 3 năm, khi trung bình ở mức 5 - 8 triệu USD. Xét giá trị thương vụ, các thương vụ lớn đều có yếu tố nước ngoài. Điều này được giải thích bởi các nhà đầu tư nước ngoài có tiềm lực về vốn và mục tiêu của họ cũng là các công ty có quy mô tương đối lớn, từ 20 đến trên 100 triệu USD.

Trong những năm qua, đi đầu các thương vụ M&A là ngành bán lẻ, chiếm tới 36% tổng giá trị. Các thương vụ đáng chú ý như Vingroup mua lại Ocean Mart để phát triển thành VinMart, Aeon của Nhật Bản đầu tư vào Citimart và Fivimart...

Lĩnh vực hàng công nghiệp sản xuất hàng tiêu dùng với tỷ trọng 21% tổng giá trị các thương vụ M&A. Điển hình là Kinh Đô bán hơn 80% mảng sản xuất bánh kẹo cho Mondelez International - tập đoàn thực phẩm đến từ Mỹ, giá 370 triệu USD.

Về lĩnh vực bất động sản (BĐS), thương vụ chuyển nhượng dự án nhà ở cao cấp, văn phòng, khách sạn 5 sao Hanoi City Complex do tập đoàn lớn thứ 5 Hàn Quốc là Lotte mua lại từ Deawoo.

Nếu như năm 2012, 2013, nhiều thương vụ M&A đáng chú ý từ Nhật Bản được thực hiện và được giới quan sát đánh giá là làn sóng đầu tư từ Nhật Bản thì năm 2014, những đợt “sóng” mạnh lại đến từ Thái Lan. Xu hướng mua lại và thâu tóm từ các tập đoàn của Thái Lan nhằm tiếp cận và nắm thị trường phân phối tại Việt Nam thể hiện rõ trong năm 2014 - 2015 với các thương vụ điển hình PowerBuy - Nguyễn Kim, BJC - Metro…

Triển vọng M&A

Ông Đặng Xuân Minh cho rằng, giai đoạn 2015 - 2020 là thời điểm hội tụ nhiều yếu tố có thể làm thị trường M&A bùng nổ các thương vụ mới có quy mô lớn. Giai đoạn 2016 - 2020 bắt đầu một chu kỳ phát triển mới của Việt Nam với những mục tiêu, cơ hội và thách thức mới. Thị trường đang đứng trước những cơ hội được mở ra từ chủ trương tái cơ cấu nền kinh tế, đặc biệt là chương trình cổ phần hóa doanh nghiệp Nhà nước, tái cấu trúc hệ thống ngân hàng (NH) và việc ký kết hàng loạt hiệp định thương mại tự do giữa Việt Nam với các đối tác lớn, cũng như việc hình thành Cộng đồng Kinh tế ASEAN.

NH  Nhà nước đã đặt mục tiêu thực hiện 6 - 7 vụ M&A trong khu vực NH vào năm 2014 và giảm 50% số lượng NH thương mại trong vòng 3 năm tới. Đến thời điểm giữa năm 2015 đã có 4 vụ M&A NH diễn ra, trong đó, đáng chú ý là giữa Vietinbank và PGBank, Sacombank và Southern Bank, BIDV và MHB…

Thị trường BĐS Việt Nam đang nhận được sự quan tâm cao từ các nhà đầu tư khu vực châu Âu và Hoa Kỳ, dự báo con số này sẽ tăng trong vòng 2 - 3 năm tới đây. “Vốn ngoại đầu tư vào BĐS được kỳ vọng sẽ tăng theo chiều hướng tốt sau một thời gian dài trầm lắng, với một lượng vốn đáng kể từ một số quỹ đầu tư vào thị trường. Chiến lược đầu tư này chủ yếu thông qua các thương vụ M&A” - ông Winfield K Wong, Giám đốc Khối Dịch vụ ngân hàng toàn cầu,  HSBC Việt Nam, nhận định.

“Hoạt động M&A tại Việt Nam trong năm 2015 và 5 năm tiếp theo sẽ diễn ra trong bối cảnh nền kinh tế phục hồi và Việt Nam đẩy mạnh cải cách thể chế. Khung khổ pháp lý cho hoạt động M&A đang ngày càng hoàn thiện hơn khi hàng loạt luật quan trọng liên quan đến hoạt động đầu tư kinh doanh được sửa đổi, bổ sung và đang đi vào cuộc sống. Không những thế, xu hướng trỗi dậy mạnh mẽ của khối doanh nghiệp tư nhân trong nền kinh tế và họ đã lựa chọn M&A như một chiến lược quan trọng, để đảm bảo tăng trưởng bền vững” - TS Nguyễn Anh Tuấn, Tổng Biên tập Báo Đầu tư nhận định.

Trần Quý

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Tin mới nhất

Xem thêm