Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Làm gì để sâm Ngọc Linh xứng đáng là quốc bảo?

Ngọc Phó - Quảng Thân

Thứ ba, 08/03/2022 - 06:36

(Thanh tra) - Đầu tháng 3, chúng tôi về Nam Trà My - huyện vùng cao phía Tây Quảng Nam giữa lúc người dân vui mừng, phấn khởi khi phiên chợ sâm Ngọc Linh lần thứ 51 tổ chức tại khu trung tâm giới thiệu, hội chợ. Phiên chợ sâm Ngọc Linh rộng 3 ha, vừa được đầu tư xây dựng và đưa vào hoạt động. Điều này giúp người trồng sâm và các dược liệu quý ở huyện dễ dàng giao lưu, tiêu thụ sản phẩm làm ra, tạo thu nhập ổn định…

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam Hồ Quang Bửu (áo xanh) kiểm tra cây giống sâm Ngọc Linh. Ảnh: P.T

Phiên chợ sâm Ngọc Linh (sâm Việt Nam) lần thứ 51 có 23 gian trưng bày, giới thiệu, bán củ và các sản phẩm chế biến từ cây sâm Ngọc Linh; các sản phẩm nông sản và dược liệu của các doanh nghiệp trồng, chế biến, kinh doanh nông sản và dược liệu. Có 9/10 xã trên địa bàn Nam Trà My tham gia trưng bày, giới thiệu, bán các sản phẩm nông sản và dược liệu đặc trưng của địa phương với trên 30 sản phẩm, nhóm sản phẩm đã được đăng ký nhãn hiệu… Trong 3 ngày phiên chợ đã thu hút trên 1.000 lượt người đến thăm quan, mua sắm, doanh thu đạt khoảng 3,2 tỷ đồng; trong đó riêng mặt hàng sâm củ Ngọc Linh bán được khoảng 25kg, thu về gần 3 tỷ đồng.

Sâm Ngọc Linh được xem là quốc bảo Việt Nam, đã có từ bao đời nay tại vùng núi Ngọc Linh thuộc địa phận Nam Trà My (tỉnh Quảng Nam) và huyện Tu Mơ Rông (tỉnh Kon Tum). Đây là loại cây dược liệu đặc biệt quý hiếm, nó chứa đến 52 hợp chất saponin, là 1 trong 5 loại sâm quý nhất trên thế giới; có thể sánh hơn sâm Hàn Quốc, Mỹ, Trung Quốc…

Trước đây, cây sâm được người dân trồng tự phát, tự tiêu thụ nhưng sau khi khi Thủ tướng Chính phủ thông qua Đề án Bảo tồn và phát triển cây sâm núi Ngọc Linh (năm 2015) thì công tác bảo tồn và phát triển cây sâm trên núi Ngọc Linh ngày càng phát triển mạnh; đem lại nhiều kết quả quan trọng. Các nhà khoa học, các doanh nghiệp đã tập trung vào việc đầu tư nghiên cứu áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào trồng sâm, sản xuất các sản phẩm từ sâm.

Số hộ trồng sâm không ngừng tăng lên, cây sâm đã di thực sang trồng tại nhiều địa phương trong huyện có điều kiện tự nhiên tương đồng như xã Trà Linh; giá cả củ sâm Ngọc Linh tăng lên theo giá trị thực của thị trường. Nhận thức của bà con đồng bào các dân tộc thiểu số vùng trồng sâm được nâng lên rõ rệt, đồng bào vừa biết bảo vệ rừng, phục hồi rừng để trồng sâm hiệu quả.

Ông Trần Duy Dũng, Chủ tịch UBND huyện Nam Trà My cho biết, trong năm 2021, toàn huyện đã trồng mới 21ha sâm Ngọc Linh, đạt 105% kế hoạch; nâng tổng diện tích trồng sâm Ngọc Linh đến nay là 1.650ha trên địa bàn 7 xã trong vùng quy hoạch phát triển cây sâm.Ngoài ra, còn trồng mới 51,2ha các loại cây dược liệu; đưa tổng diện tích các cây dược liệu trên toàn huyện lên 417,2ha.Từ ban đầu chỉ khoảng 110 hộ ở xã Trà Linh trồng sâm Ngọc Linh, diện tích 65ha; đến nay đã phát triển lên 7/10 xã, với số hộ tăng lên hàng ngàn hộ, bao gồm tổng diện tích trồng sâm trên 1.650ha.Giá trị củ sâm cũng tăng theo giá trị thực thị trường, với mức giá trung bình 60 - 70 triệu đồng/kg củ nhỏ; còn củ to, lâu năm có giá từ 260 - 270 triệu đồng/kg; có khi còn cao hơn nữa. Điều đó đã thúc đẩy nhanh quá trình xóa đói giảm nghèo bền vững trên địa bàn huyện, đem lại cuộc sống ấm no cho đồng bào các dân tộc thiểu số huyện Nam Trà My.Bây giờ, đồng bào có thu nhập cao nên họ xây dựng nhà mới cao tầng, khang trang là chuyện bình thường ở vùng núi cao này.  Phiên chợ sâm Ngọc Linh tháng 3/2022 thu hút đông đảo khách hàng. Ảnh: P.T

Để tôn vinh, quảng bá, giới thiệu về cây sâm Ngọc Linh, các loại cây dược liệu trên địa bàn huyện đến với du khách trong và ngoài tỉnh, UBND huyện Nam Trà My đã tổ chức lễ hội sâm Ngọc Linh vào ngày 1/8 hằng năm. Phiên chợ sâm Ngọc Linh và hàng nông sản đặc trưng miền núi định kỳ vào ngày 1 - 3 hằng tháng; bắt đầu vào tháng 10/2017; thu hút đông đảo du khách tham quan và mua bán.

Huyện đang chuẩn bị phiên chợ sâm Ngọc Linh và hàng nông sản đặc trưng miền núi hằng tháng cũng như việc tổ chức lễ hội sâm Ngọc Linh vào tháng 8/2022 tới đây, sẽ là 1 hoạt động nằm trong chuỗi hoạt động của Chương trình Năm Du lịch quốc gia năm 2022 do tỉnh Quảng Nam đăng cai. 

Theo các chuyên gia kinh tế, việc xây dựng thương hiệu sâm Ngọc Linh trở thành sâm quốc gia của Việt Nam rất cần được xúc tiến quảng bá, giới thiệu hình ảnh, công dụng của các sản phẩm được chế biến từ sâm Ngọc Linh ra thị trường trong nước và quốc tế.

Trong đó, chú trọng việc đa dạng hoá các sản phẩm từ cây sâm Ngọc Linh, chứ không chế biến đơn thuần như hiện nay là ngâm rượu, nấu nước uống; mà phải đầu tư chế biến các mặt hàng đa dạng từ cây sâm Ngọc Linh như: Dược phẩm, mỹ phẩm, nước giải khát, mật sâm, các món ăn từ sâm Ngọc Linh…

Để tăng cường quản lý chất lượng sâm Ngọc Linh, bảo vệ thương hiệu sản phẩm quốc gia, nhất là kích cầu thị trường tiêu thụ; cần ưu tiên đầu tư tuyến quốc lộ 40B - là tuyến đường huyết mạch đi qua 4 huyện, TP của tỉnh (TP Tam Kỳ, huyện Phú Ninh, Tiên Phước, Bắc Trà My, Nam Trà My) và là tuyến đường duy nhất đi lên vùng trồng sâm Ngọc Linh tại Nam Trà My. Riêng đoạn từ huyện Bắc Trà My nối Nam Trà My có 12 khúc quanh co, cua ngoặt nguy hiểm, mặt đường xấu, nhỏ hẹp, xuống cấp không đảm bảo lưu thông và có 2 ngầm qua sông, mùa mưa đất đá sạt lở, địa bàn bị cô lập, chia cắt, luôn tiềm ẩn tai nạn giao thông.

Vì vậy, cần đưa tuyến đường này vào danh mục ưu tiên đầu tư trong năm 2022. Nếu không đủ kinh phí, trước mắt đầu tư xóa bỏ 12 khúc cua và xây dựng 2 cầu bê tông bắt qua sông Trường, sông Nước Oa.

Mặt khác, để đảm bảo công tác kiểm định chất lượng sâm Ngọc Linh, nhất là sản phẩm sâm củ đưa vào Phiên chợ sâm Ngọc Linh để tránh tình trạng hàng giả trà trộn gây ảnh hưởng đến thương hiệu; UBND tỉnh sớm hỗ trợ kinh phí đầu tư trang thiết bị kỹ thuật, máy móc phục vụ công tác kiểm định chất lượng sâm Ngọc Linh tại chỗ.

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Tin mới nhất

Xem thêm