Theo dõi Báo Thanh tra trên
Hương Giang
Thứ năm, 05/10/2023 - 06:35
(Thanh tra) - Các chuyên gia cho rằng, cần giải pháp mạnh mẽ khơi thông nguồn lực nền kinh tế, giảm chi phí, tháo rào cản để doanh nghiệp Việt “sống động trở lại”.
Theo các chuyên gia, cần cắt giảm mọi rào cản để doanh nghiệp vượt qua khó khăn. Ảnh minh họa: Nguồn ảnh Internet
“Sức khỏe của doanh nghiệp đáng báo động”
Theo nhận định của các chuyên gia, doanh nghiệp Việt Nam đang đối diện với những thách thức to lớn.
Trong 9 tháng của năm 2023, số doanh nghiệp gia nhập và tái gia nhập thị trường đạt 165.240 doanh nghiệp, tăng 1,2% so với cùng kỳ năm ngoái.
Con số tuy tăng, nhưng tổng vốn đăng ký bổ sung vào nền kinh tế của doanh nghiệp giảm hơn 34% so với năm 2022, khi đạt 2,5 triệu tỷ đồng; trong đó, vốn đăng ký của doanh nghiệp thành lập mới hơn 1,08 triệu tỷ đồng (giảm 14,6%).
“Quy mô vốn đăng ký của doanh nghiệp thành lập mới có xu hướng giảm, bình quân 9 tháng chỉ đạt 9,3 tỷ đồng”, theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư.
Đáng lưu ý, cả nước có 135.105 doanh nghiệp ra khỏi hoặc tạm thời ra khỏi thị trường trong 9 tháng, tăng gần 20% so với cùng kỳ năm 2022 và cao hơn cả năm của các năm từ 2018-2021.
“Đây là một chỉ báo quan trọng cho thấy “sức khỏe” của khu vực doanh nghiệp đáng báo động”, Phó Tổng Thư ký, Trưởng Ban Pháp chế Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) Đậu Anh Tuấn nhận định.
Phân tích rào cản khiến doanh nghiệp Việt chậm lớn, Phó Tổng Thư ký VCCI nói, chất lượng cơ sở hạ tầng chưa theo kịp nhu cầu phát triển kinh tế. Doanh nghiệp cũng gặp khó khi chi phí kinh doanh cao, làm giảm sức cạnh tranh.
“Chi phí cao khiến Việt Nam có nguy cơ bị mất đơn hàng cho các quốc gia khác. Doanh nghiệp không đầu tư mới, cắt giảm lao động tăng lên”, ông Tuấn phân tích và dẫn chứng lĩnh vực dệt may, Việt Nam đang bị Bangladesh vượt qua rất nhanh. Lý do vì hàng hoá của Bangladesh rẻ hơn, chi phí nhân công của họ thấp hơn.
Doanh nghiệp “khát vốn”, nhưng tiếp cận tín dụng khó khăn, dù ngân hàng “ế tiền” muốn cho vay. Minh chứng là tăng trưởng tín dụng đến cuối tháng 9 mới đạt khoảng 6,1%, chưa đạt một nửa mục tiêu năm nay (14%); còn khối lượng phát hành trái phiếu doanh nghiệp tính tới giữa tháng 9 vẫn giảm hơn 60% so với cùng kỳ năm trước.
Thể chế rõ ràng và minh bạch, tiết giảm chi phí
Các chuyên gia cho rằng, cần giải pháp mạnh mẽ khơi thông nguồn lực nền kinh tế, để doanh nghiệp “sống động trở lại”. TS Nguyễn Đình Cung, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương góp ý, cần tiết giảm chi phí cho doanh nghiệp như giảm lãi suất, phí, thuế.
“Chúng ta cần tạo thuận lợi tối đa, cắt giảm mọi rào cản để doanh nghiệp vượt qua khó khăn để phục hồi, tiếp cận với những cơ hội mới để phát triển”, ông Cung nói.
Cạnh đó là giảm rủi ro pháp lý cho doanh nghiệp. Theo ông Cung, khi pháp luật trong các lĩnh vực còn thiếu cụ thể, thiếu nhất quán, chồng chéo, mâu thuẫn… sẽ tạo chi phí tuân thủ lớn và gây nhiều rủi ro pháp lý cho doanh nghiệp.
Do đó, chuyên gia nhấn mạnh, cần tạo ra một thể chế chắc chắn, rõ ràng, minh bạch và có thể dự báo được những thời cơ, thách thức để doanh nghiệp tiên liệu được trong hoạt động của mình.
“Để phát huy nguồn lực và trí lực vào sản xuất kinh doanh, cũng như phát triển kinh tế, cơ quan Nhà nước cần rà soát thể chế, chính sách để bổ sung, thay đổi phù hợp với thực tế”, theo TS Nguyễn Đình Cung.
Phó Tổng Thư ký VCCI Đậu Anh Tuấn cho hay, khảo sát doanh nghiệp hàng năm PCI cho thấy tính ổn định và khả năng dự đoán được pháp luật của Việt Nam tương đối thấp.
“Thời gian qua nổi lên vấn đề lạm dụng ban hành thông tư, quy chuẩn kỹ thuật. Các doanh nghiệp phản ánh chất lượng các quy chuẩn kỹ thuật tương đối thấp”, ông Tuấn nói, có quy chuẩn đến thời điểm áp dụng rồi mà chưa chỉ định các phòng thử nghiệm trong nước đủ năng lực, khiến hàng hoá bị tắc nghẽn.
Vì vậy, doanh nghiệp đề nghị tăng cường tham vấn, lấy ý kiến khi ban hành các văn bản pháp luật. Quy định mà tăng nặng nghĩa vụ của doanh nghiệp cần có lộ trình thực hiện kéo dài hơn, thay vì chỉ 45 ngày như quy định hiện hành.
“Cần bãi bỏ dần các quy định về thời hạn của các loại giấy phép con, vì nếu doanh nghiệp vi phạm đã có biện pháp tước giấy phép”, ông Đậu Anh Tuấn nêu.
TS Trần Du Lịch, chuyên gia kinh tế thì nhấn mạnh, cần tạo ra môi trường kinh doanh, pháp lý để cả bộ máy hành chính, doanh nghiệp có niềm tin rằng họ làm đúng. Cùng đó, theo ông, vai trò của doanh nghiệp trong nước cần được coi trọng hơn, bên cạnh đóng góp từ nguồn lực khu vực đầu tư nước ngoài.
Khoảng 120 nghìn tỷ đồng dư nợ đã được giãn, hoãn
Ở góc độ nhà quản lý, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú cho hay, lãi suất cho vay đã giảm, đến nay, lãi suất cho vay ngắn hạn khoảng 5,5-5,7%, cho vay trung và dài hạn là 5,8-10%.
Để tạo điều kiện doanh nghiệp tiếp cận tín dụng, Ngân hàng Nhà nước đẩy mạnh thực hiện 11 giải pháp lớn. “Chúng tôi đã tạo thanh khoản, dư địa cho tổ chức tín dụng. Không có chuyện thiếu room tín dụng, các ngân hàng thương mại rất thoải mái nguồn lực cho vay”, ông Tú nói.
Ông cũng cho biết, Ngân hàng Nhà nước đã chỉ đạo tái cơ cấu lại các khoản nợ, khoản lãi đến hạn với Thông tư 02. Theo đó, đến nay, có khoảng 120 nghìn tỷ đồng dư nợ đã được giãn, hoãn… Các gói tín dụng được triển khai như gói 40 nghìn tỷ đồng hỗ trợ lãi suất, gói 120 nghìn tỷ đồng hỗ trợ nhà ở xã hội, gói 15 nghìn tỷ đồng cho kinh doanh thủy sản, xuất khẩu gỗ…
Các ngân hàng tiếp tục phát hành trái phiếu doanh nghiệp nếu đủ điều kiện, đảm bảo an toàn và tham gia với tư cách nhà đầu tư. Hiện, các ngân hàng đang nắm giữ khoảng 231 nghìn trái phiếu, vừa để gỡ khó khăn về vốn cho doanh nghiệp, vừa tiếp tục hỗ trợ thị trường.
“3 tháng cuối năm, thông lệ tín dụng sẽ tăng nhanh lên. Ngân hàng sẽ thực hiện các biện pháp quyết liệt để tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp”, ông Tú nhấn mạnh.
Nghiên cứu kéo dài giảm thuế VAT đến giữa năm 2024
Giải pháp “kích” sản xuất, kinh doanh, tiêu dùng, Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng nhắc tới đề xuất nghiên cứu, trình cấp có thẩm quyền thực hiện tiếp các chính sách giảm thuế, phí, trong đó kéo dài thời gian giảm thuế giá trị gia tăng (VAT) tới giữa năm 2024 nếu tình hình vẫn còn khó khăn.
Thuế VAT đã giảm 2% từ 1/7 với các hàng hóa, dịch vụ chịu thuế 10%, trừ lĩnh vực bất động sản, ngân hàng, chứng khoán, bảo hiểm và kéo dài hết năm nay, theo nghị quyết của Quốc hội. Thuế VAT giảm, cả doanh nghiệp và người tiêu dùng cùng hưởng lợi.
Do đó, nếu kéo dài thời gian giảm thuế này sẽ giúp người dân tiết kiệm được một khoản chi phí trong chi tiêu, sinh hoạt và mang lại tác động kích cầu, tăng tiêu dùng nội địa.
Vào năm 2022, việc giảm 2% thuế VAT giúp doanh nghiệp, người dân khoảng 44.500 tỷ đồng, góp phần giảm giá thành hàng hóa, dịch vụ, thúc đẩy sản xuất, kinh doanh và tạo thêm công ăn việc làm cho người lao động.
Ý kiến bình luận:
Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!
(Thanh tra) - Từ một doanh nghiệp địa phương, chỉ sau 8 năm, Công ty CP Xây dựng hạ tầng Đại Phong đã phát triển thần tốc thành một trong những nhà thầu lớn trong lĩnh vực xây lắp. Nhưng quá trình phát triển thần tốc của doanh nghiệp này đặt ra không ít câu hỏi về năng lực.
Công Thắng - Thành Nam
07:48 22/11/2024(Thanh tra) - Làm rõ băn khoăn về lo ngại đưa phân bón chịu thuế giá trị gia tăng (GTGT) 5% sẽ khiến tăng giá, ĐBQH và các chuyên gia đã có những phân tích cụ thể.
Bùi Bình
21:53 20/11/2024Hương Giang
20:39 20/11/2024Thành Nam
18:43 20/11/2024Uyên Phương
11:48 20/11/2024Lê Hữu Chính
Thanh Lương
Thái Hải
Công Thắng - Thành Nam
Thái Hải
LA
Phương Anh
Công Thắng - Bạch Vân