Theo dõi Báo Thanh tra trên
Hương Giang
Thứ bảy, 30/09/2023 - 12:04
(Thanh tra)- Trên cơ sở kết quả kinh tế - xã hội 9 tháng, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đưa ra 3 kịch bản tăng GDP năm 2023, thấp nhất 5% và cao nhất khoảng 6%.
Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng báo cáo tại phiên họp. Ảnh: N.Bắc
Ngày 30/9, Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 9, được tổ chức theo hình thức trực tiếp kết hợp trực tuyến đến điểm cầu 63 địa phương.
Mở đầu phiên họp, Thủ tướng thông tin, theo dự báo gần đây, tăng trưởng kinh tế toàn cầu năm 2023 ở mức khoảng 3%. Tuy nhiên, Trung Quốc, Nhật Bản, EU phục hồi yếu hơn, một số nước như Đức tăng trưởng âm.
Rủi ro về tài chính, tiền tệ, nợ công gia tăng, nợ toàn cầu ở mức cao nhất từ trước tới nay. Cùng với đó, nguy cơ mất an ninh năng lượng, an ninh lương thực hiện hữu.
Việt Nam chịu “tác động kép” từ các yếu tố bất lợi bên ngoài và những vấn đề tồn tại kéo dài nhiều năm bộc lộ rõ hơn trong khó khăn.
Trong bối cảnh đó, theo đánh giá của người đứng đầu Chính phủ, kết quả kinh tế - xã hội nhìn chung “tháng sau tốt hơn tháng trước, quý sau cao hơn quý trước”; kinh tế vĩ mô ổn định, lạm phát được kiểm soát, tăng trưởng được thúc đẩy, các cân đối lớn (về thu chi, xuất nhập khẩu, năng lượng, lương thực, lao động) được bảo đảm.
Lưu ý nền kinh tế còn những khó khăn, thách thức không nhỏ, Thủ tướng đề nghị tập trung phân tích, làm rõ thêm những điểm mới, từ đó có phản ứng chính sách kịp thời, chính xác, hiệu quả, thúc đẩy được các động lực tăng trưởng như tiêu dùng, đầu tư, xuất khẩu…
Các cấp, ngành, các địa phương phải nỗ lực thế nào để nâng cao tính chủ động, tích cực, kịp thời, linh hoạt, hiệu quả, tăng cường đổi mới sáng tạo, thực hiện các nhiệm vụ có trọng tâm, trọng điểm, chấm dứt tình trạng đùn đẩy, né tránh, phối hợp nhịp nhàng, hiệu quả hơn, Thủ tướng đặt vấn đề.
Kết quả chưa như kỳ vọng nhưng đã tích cực hơn
Báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư gửi đến Chính phủ cho hay, tháng 9 và 9 tháng, nhiều chỉ tiêu, chỉ số quan trọng “tuy kết quả đạt được chưa như kỳ vọng nhưng đã chuyển biến tính cực hơn qua từng tháng, từng quý”.
Tăng trưởng GDP quý III ước tăng 5,33% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, khu vực nông nghiệp và dịch vụ lần lượt tăng 3,72% và 6,24%, là động lực thúc đẩy tăng trưởng chính của nền kinh tế. Khu vực công nghiệp - xây dựng đã có mức tăng trưởng tích cực khi quý III tăng 5,19%.
Các địa phương đầu tàu có xu hướng phục hồi hoặc tiếp tục duy trì đà tăng khá. Dẫn chứng là GRDP của TP HCM tăng 6,71% so với cùng kỳ; Hà Nội đạt 6,49%, Bình Dương đạt 7,51%; Đồng Nai 6,4%, Hải Phòng đạt 10,48%...
Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 9 tăng 3,66% so với cùng kỳ năm trước, bình quân 9 tháng tăng 3,16%. Thị trường tiền tệ cơ bản ổn định; mặt băng lãi suất tiếp tục giảm, lãi suất tiền gửi và cho vay mới bình quân đã giảm khoảng 1,0% so với cuối năm 2022.
Thu ngân sách 9 tháng ước đạt 75,5% dự toán. Kim ngạch xuất nhập khẩu, xuất khẩu, nhập khẩu tháng 9 lần lượt tăng 3,6%, 4,6% và 2,6% so với cùng kỳ năm trước; 9 tháng ước xuất siêu 21,68 tỷ USD.
Nợ công, nợ Chính phủ, bội chi được kiểm soát. An ninh năng lượng (điện, xăng, dầu), lương thực, thực phẩm được bảo đảm.
“Sức khỏe” doanh nghiệp tiếp tục chuyển biến khi số đăng ký thành lập mới và tái gia nhập thị trường tháng 9 đạt gần 18,5 nghìn doanh nghiệp, tăng 12% so với cùng kỳ năm trước. Tính chung 9 tháng đạt trên 165,2 nghìn doanh nghiệp, tăng 1,2%.
Tăng trưởng phụ thuộc nhiều vào phục hồi sản xuất công nghiệp
Dù vậy theo nhận định của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, nền kinh tế tiếp tục gặp nhiều khó khăn, thách thức. Đáng lưu ý, tăng trưởng kinh tế chưa đạt mục tiêu đề ra, khi tính chung 9 tháng GDP tăng 4,24% so với cùng kỳ, trong khi kịch bản tại Nghị quyết số 01 hồi đầu năm, Chính phủ đặt mục tiêu 6,3%.
Đầu tư của khu vực ngoài Nhà nước tăng thấp, 9 tháng tăng 2,3%. Quy mô vốn đăng ký của doanh nghiệp thành lập mới có xu hướng giảm, bình quân 9 tháng chỉ 9,3 tỷ đồng.
“Điều này phản ánh những khó khăn của nền kinh tế trong ngắn hạn, đồng thời đặt ra thách thức trong việc thúc đẩy sản lượng, gia tăng năng lực sản xuất mới, tạo đà cho tăng trưởng kinh tế nhanh, mạnh hơn trong trung và dài hạn”, báo cáo Bộ Kế hoạch và Đầu tư nêu.
Trong khi, 9 tháng, xuất khẩu giảm 8,2%; nhập khẩu giảm 13,8%; tiêu dùng phục hồi chậm, tồn kho ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tiếp tục ở mức cao.
Doanh nghiệp, người dân tiếp cận vốn tín dụng vẫn còn hạn chế, khó khăn; dư nợ tín dụng đến ngày 21/9 chỉ tăng 5,91% (cùng kỳ tăng 10,83%); khối lượng phát hành trái phiếu doanh nghiệp đến 15/9 vẫn giảm 60,4% so với cùng kỳ năm trước.
“Những khó khăn của doanh nghiệp, nền kinh tế đã tác động trực tiếp, làm gia tăng áp lực điều hành kinh tế vĩ mô”, theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư.
Trên cơ sở kết quả 9 tháng, dự báo tình hình thế giới, trong nước, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đưa ra 3 kịch bản tăng GDP quý IV và cả năm 2023.
Kịch bản 1: Tăng trưởng kinh tế cả năm khoảng 5%, quý IV cần tăng 7% (quý IV năm 2022 tăng 5,92%).
Kịch bản 2: Tăng trưởng kinh tế cả năm khoảng 5,5%, quý IV cần tăng 8,8%.
Kịch bản 3: Tăng trưởng kinh tế cả năm khoảng 6%, quý IV cần tăng 10,6%.
Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, tăng trưởng quý IV phụ thuộc nhiều vào tốc độ phục hồi sản xuất công nghiệp, nhất là công nghiệp chế biến, chế tạo; sự gia tăng nhu cầu tại các thị trường xuất khẩu lớn, chủ lực của Việt Nam; hoạt động du lịch, tiêu dùng dịp cuối năm và cận kề Tết Nguyên đán 2024, là cơ sở để xuất khẩu, thị trường trong nước tăng trưởng nhanh hơn.
“Các kịch bản đặt ra đều rất khó khăn, thách thức”, Bộ Kế hoạch và Đầu tư nhấn mạnh yêu cầu sự chủ động, nỗ lực, quyết tâm cao của các cấp, ngành, địa phương triển khai các giải pháp, chính sách thúc đẩy mạnh tăng trưởng.
Hỗ trợ doanh nghiệp, thúc đẩy các động lực tăng trưởng mới
Nhiều nhiều vụ, giải pháp được bộ này kiến nghị. Trong đó, Bộ Kế hoạch và Đầu tư lưu ý, cần hỗ trợ doanh nghiệp khai thác hiệu quả thị trường nội địa; thúc đẩy phát triển du lịch bền vững; tranh thủ tối đa cơ hội, xu hướng phục hồi của các thị trường để đẩy mạnh xuất khẩu.
Cạnh đó, tăng cường xúc tiến, thu hút dự án FDI có quy mô lớn, công nghệ cao, nhất là các ngành công nghiệp chế biến, chế tạo, điện tử, bán dẫn.
Đáng chú ý, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đề nghị thúc đẩy các động lực tăng trưởng mới của nền kinh tế, tranh thủ các cơ hội mới từ quan hệ đối tác chiến lược toàn diện với Mỹ để thu hút các tập đoàn đa quốc gia: đầu tư, hợp tác hình thành hệ sinh thái chip, bán dẫn, sản xuất linh kiện, đẩy mạnh đổi mới sáng tạo, đào tạo nhân lực công nghệ cao…
Theo dõi chặt chẽ thị trường bất động sản, trái phiếu doanh nghiệp, chủ động ứng phó với các diễn biến, yếu tố rủi ro có thể phát sinh; phát huy hiệu quả sàn giao dịch trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ, nghiên cứu thành lập sàn giao dịch bất động sản... cũng là giải pháp được Bộ Kế hoạch và Đầu tư đề xuất.
Bộ này còn kiến nghị, siết chặt kỷ luật, kỷ cương; rà soát, sửa đổi các quy định, điều kiện kinh doanh không cần thiết, không phù hợp với thực tiễn, khả năng áp dụng của doanh nghiệp.
Ý kiến bình luận:
Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!
(Thanh tra) - Từ 1/12/2024, tỉnh Bắc Ninh giảm 5 đơn vị hành chính cấp xã, Chủ tịch UBND tỉnh này yêu cầu, phải có phương án sử dụng hiệu quả, tránh lãng phí và không để tham ô, tham nhũng, trục lợi cá nhân đối với trụ sở công, tài sản công dôi dư.
(Thanh tra) - Sáng 22/11, ông Hồ Văn Mười, Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Nông đã chủ trì Lễ công bố quyết định về công tác cán bộ.
Vũ Linh
14:58 22/11/2024Hương Giang
11:45 22/11/2024Hương Giang
10:49 22/11/2024Hương Giang
09:25 22/11/2024Hương Giang
17:00 21/11/2024T.Thanh
Vũ Linh
Bài và ảnh: Nguyễn Nhị
PV
Chu Tuấn - Quang Dân
Nhật Minh
N. Phê - L. Bình
Trần Quý
Thái Hải
Văn Thanh