Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Đề án “Nâng cao chất lượng dịch vụ xe buýt”: Liệu có khả thi?

Thanh Uyên

Thứ sáu, 28/05/2021 - 07:00

(Thanh tra) - Tổng Công ty Vận tải Hà Nội (Transerco) vừa trình UBND TP Hà Nội Đề án “Nâng cao chất lượng dịch vụ và phát triển hệ thống vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt Thủ đô giai đoạn 2020 - 2025, định hướng đến năm 2030”.

UBND TP Hà Nội giao Sở Giao thông Vận tải chủ trì, phối hợp cùng Sở Tư pháp và các cơ quan liên quan xem xét Đề án.

Mặc dù được trợ giá khoảng 3.000 tỉ đồng mỗi năm, nhưng hoạt động công cộng  c ủa xe buýt tại Hà Nội vẫn chưa thu hút được người dân.

Transerco dự kiến giai đoạn 2020 - 2025 sẽ tiếp tục thực hiện điều chỉnh lộ trình 52 tuyến xe buýt nhằm hợp lý hóa mạng lưới và mở rộng vùng phục vụ, trong đó có 15 tuyến điều chỉnh nhằm giảm trùng tuyến và tăng kết nối tại các nhà ga khi các tuyến đường sắt đô thị hoạt động; điều chỉnh tần suất dịch vụ cho 23 tuyến buýt hiện có nhằm tăng cường kết nối và hợp lý dịch vụ.

Đề án khẳng định cần tiếp tục tập trung tăng cường phát triển để hoàn thiện mạng lưới tuyến xe buýt, cụ thể: Giai đoạn 2020 - 2025 tỉ lệ vận tải hành khách công cộng đến năm 2025 đạt 30 - 35%, trong đó xe buýt đạt 16 - 18%; đến năm 2030 đạt 35 - 40%, trong đó xe buýt đạt 25% tổng số chuyến đi.

Về luồng tuyến, giai đoạn 2020 - 2025, tổng số tuyến buýt mở mới dự kiến là 90 - 100 tuyến, trong đó có 10 tuyến buýt phục vụ học sinh sinh viên, công nhân… cùng với 126 tuyến buýt năm 2019, nâng tổng số tuyến đến năm 2025 lên 220-230 tuyến. Số tuyến mở mới năm 2020 là 17 tuyến, năm 2021 từ 30 - 35 tuyến; các năm tiếp theo mỗi năm mở mới khoảng 9-10 tuyến/năm.

Về phương tiện, số phương tiện phát triển mới trong giai đoạn này từ 1.600 - 1.800 xe, nâng tổng số phương tiện hoạt động buýt lên 3.400 - 3.800 xe, trong đó tỉ lệ phương tiện sử dụng năng lượng sạch đạt 15-20% đoàn phương tiện.

Về sản lượng hành khách vận chuyển bằng xe buýt (gồm buýt thường và BRT) đạt từ 16%-18% tổng nhu cầu đi lại của toàn thành phố.

Cùng đó, kinh phí trợ giá bình quân hàng năm giai đoạn 2020 - 2025 vào khoảng 2.500 - 3.000 tỉ đồng/năm. Trong giai đoạn 2026 - 2030, tổng số tuyến mở mới dự kiến từ 60 - 70 tuyến (12 - 14 tuyến/năm) nâng tổng số tuyến buýt toàn thành phố lên 280 - 300 tuyến.

Số phương tiện phát triển mới đạt 1.500 - 1.700 xe, tổng số đoàn phương tiện hoạt động buýt đạt từ 5.000 - 5.300 xe, trong đó tỉ lệ phương tiện sử dụng nhiên liệu sạch đến năm 2030 đạt trên 25% đoàn phương tiện. Sản lượng hành khách vận chuyển bằng xe buýt đạt từ 22% - 25% tổng nhu cầu đi lại của toàn thành phố. Kinh phí trợ giá bình quân hàng năm giai đoạn 2026 - 2030 vào khoảng 4.000 - 5.000 tỉ đồng/năm.

Dù kinh phí trợ giá “khủng” nhưng thực tế thì số lượng người đi xe buýt đang có chiều hướng giảm trong nhiều năm trở lại đây.

Sở Giao thông Vận tải cho biết, tính đến hết tháng 8/2020, tổng sản lượng hành khách đạt 221,3 triệu lượt, giảm 26,8% so với cùng kỳ. Cùng với đó, hiện vẫn có tới 85% nhu cầu đi lại của người dân được thực hiện bằng xe phương tiện cá nhân.

Theo chuyên gia giao thông Phan Lê Bình, để có thể lôi kéo được chủ của 5 triệu xe máy và trên 550.000 ô tô sang sử dụng xe buýt, chính quyền Hà Nội cần tính đến việc làm sao giành được quyền ưu tiên lưu thông trên đường cho hệ thống xe buýt, tức là có những làn ưu tiên, làn dành riêng cho xe buýt trong giờ cao điểm. Chỉ khi đó, xe buýt mới thể hiện được lợi thế của mình so với phương tiện cá nhân.

Ông Bình phân tích, không chỉ xe buýt mà tất cả các loại hình giao thông công cộng khác đều chịu một nhược điểm rất lớn, đó là không thể đi từ cửa nhà đến cửa cơ quan như xe máy, xe ô tô được. Chịu hạn chế lớn đó thì ngược lại, phương tiện công cộng cần phải được ưu tiên khi lưu thông trên đường bằng một làn dành riêng. Khi đó, mới có thể cân bằng được trong mối quan hệ cạnh tranh rất khốc liệt với xe ô tô, xe máy.

Để người dân ưu tiên lựa chọn xe buýt, nhiều ý kiến cho rằng, bên cạnh sự đầu tư nâng cao chất lượng phương tiện và dịch vụ thì cũng rất cần sự khuyến khích của nhà nước thông qua các chính sách ưu tiên cụ thể như việc trợ giá đang triển khai và tương lai là làn đường dành riêng. Gỡ được những nút thắt đó thì người dân mới có thể từ bỏ phương tiện cá nhân để sử dụng xe buýt công cộng, góp phần kéo giảm vấn nạn ùn tắc giao thông tại Hà Nội.

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Tin mới nhất

Xem thêm