Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Theo dõi Báo Thanh tra trên

Đầu tư cho thương mại điện tử để bứt phá trên “sân nhà”

Thứ hai, 03/04/2017 - 16:35

(Thanh tra) - Theo thống kê của các cơ quan chức năng, trung bình mỗi người sử dụng Internet tại Việt Nam chi 160 USD/năm cho việc mua sắm trực tuyến. Tuy nhiên đa phần các chỉ tiêu này qua kênh bán hàng nước ngoài, các doanh nghiệp nội chưa khai thác được nhiều do giới hạn về đầu tư, công nghệ, nhân lực cũng như chiến lược cạnh tranh.

Dự kiến trong 5 năm tới, thương mại điện tử Việt Nam ước đạt 10 tỷ USD/năm. Ảnh: Internet

Chỉ tính riêng doanh số thương mại điện tử bán lẻ giữa các công ty và người tiêu dùng (B2C) của Việt Nam trong năm 2016 ước đạt 5 tỷ USD, tăng 25% so với năm 2015, tăng kỷ lục so với mức doanh thu chưa đầy 1 tỷ USD của năm 2012. Dự báo, trong 5 năm tới, thị trường thương mại điện tử B2C Việt Nam dự báo sẽ đạt mức tăng trưởng liên tục ở khoảng 2 con số. Đây thực sự là thị trường đầy hứa hẹn cũng như nhiều thách thức đối với các doanh nghiệp Việt.

Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam khẳng định, bán lẻ trực tuyến sẽ tiếp tục gia tăng trong thời gian tới, bởi các doanh nghiệp bán lẻ nước ngoài cũng như các doanh nghiệp trong nước giờ đây đều hướng đến mô hình bán lẻ đa kênh, với khoản đầu tư không nhỏ vào kênh bán lẻ trực tuyến.

Sự phát triển của Internet, sự thâm nhập của trào lưu mua sắm trực tuyến cũng như mức chi tiêu ngày càng tăng của người tiêu dùng chính là lý do giúp doanh thu ngành bán lẻ trực tuyến tại Việt Nam tăng trong những năm qua.

Bà Đinh Thị Mỹ Loan, Chủ tịch Hiệp hội Các nhà bán lẻ Việt Nam cho biết, bán lẻ qua thương mại điện tử sẽ còn chứng kiến sự tăng trưởng ngoạn mục trong những năm tới, khi mà tỷ lệ người sử dụng điện thoại thông minh tăng lên. Điện thoại thông minh sẽ đóng vai trò lớn hơn trong việc quyết định mua sắm theo kiểu “nhấp chuột và thu nhận hàng hóa”.

Thực tế cho thấy, những năm gần đây, các doanh nghiệp nước ngoài đầu tư rất mạnh vào thị trường thương mại điện tử Việt Nam dưới hình thức nội địa hóa sản phẩm cũng như mua lại doanh nghiệp có sẵn. Điển hình là Tập đoàn Alibaba chi khoảng 1 tỷ USD để thâu tóm Lazada (doanh nghiệp đứng ở top 5 lớn nhất thương mại điện tử tại Việt Nam), nhà bán lẻ trực tuyến lớn nhất khu vực Đông Nam Á, tạo cơn dư chấn cho thị trường thương mại điện tử không chỉ tại Việt Nam mà còn cả khu vực Đông Nam Á. Như vậy, chỉ trong thời gian ngắn, thương mại điện tử Việt Nam thu hút hàng loạt tên tuổi lớn châu Á và trên thế giới.

Theo các chuyên gia, doanh nghiệp thương mại điện tử Việt chưa khai thác được hết tiềm năng vốn có của thị trường, thị phần thương mại điện tử đang rơi dần vào tay các doanh nghiệp ngoại. 

Ông Trần Văn Trọng, Chánh Văn phòng Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam cho biết: “Nhóm các doanh nghiệp vừa và nhỏ ở trong nước vẫn có việc ứng dụng thương mại điện tử chưa được tốt so với những doanh nghiệp lớn. Đây là điều hoàn toàn dễ hiểu, bản thân các doanh nghiệp vừa và nhỏ trong nước vẫn chưa chú trọng và phát triển tốt việc ứng dụng công nghệ trong hoạt động kinh doanh thương mại điện tử hay họ chưa có định hướng chiến lược phù hợp so với doanh nghiệp lớn. Đứng về khách quan, doanh nghiệp muốn ứng dụng thương mại điện tử chúng ta không cần quá cầu kỳ, đặt quá trọng tâm cần nhiều vốn hay cần nhiều nguồn nhân lực mà hiện nay đối với các doanh nghiệp vừa và nhỏ chúng ta ứng dụng thương mại điện tử có nhiều hình thức khác nhau”.

Trước xu thế phát triển mạnh mẽ của thương mại điện tử, Chính phủ cũng đã phê duyệt Chương trình phát triển thương mại điện tử quốc gia giai đoạn 2014 - 2020. Đây sẽ là cơ hội cho cả doanh nghiệp nội cũng như doanh nghiệp ngoại, doanh nghiệp cung ứng dịch vụ thương mại cũng như doanh nghiệp bán lẻ hàng hóa trong nước, đồng thời tạo tiền đề cho các doanh nghiệp Việt có cơ hội để bứt phá ngay trên “sân nhà”.

Bình Yên

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Tin mới nhất

Xem thêm