Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Chủ trương đúng đắn mở đường cho “bản vẽ” tương lai

PV

Thứ bảy, 02/09/2023 - 23:43

(Thanh tra) - Tiến xa ra biển, làm giàu từ biển, không chỉ tạo ra những động lực phát triển cho các địa phương có biển như Thái Bình mà cao hơn còn tăng cường sức mạnh tổng hợp, thế và lực của quốc gia. Song chủ trương đúng đắn này đang bị cản trở vì những thông tin chưa chính xác.

Một phần bản đồ quy hoạch phân khu Khu kinh tế Thái Bình đoạn ven biển huyện Tiền Hải. Ảnh: PV

Tận dụng thời cơ để biến khát vọng thành hiện thực

Tiến ra biển, làm giàu từ biển đã và đang được cụ thể hóa bằng nhiều nghị quyết của Đảng, tạo động lực cho phát triển của các địa phương.

Đối với Thái Bình thì tiềm năng, lợi thế làm giàu từ biển lại càng được thể hiện rõ. Thái Bình có khoảng 52km bờ biển và 5 cửa sông lớn đổ ra biển tạo ra vùng bãi triều trên 16.000ha, qua đó tạo ra nhiều tiềm năng, thế mạnh để phát triển kinh tế biển.

Đây là khu vực có vị trí thuận lợi cho phát triển kinh tế tổng hợp, đa ngành, đa lĩnh vực; kết nối giao thông đường thủy, đường bộ thuận tiện với các tỉnh, thành phố trong vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ;...

Ngoài ra, còn có lợi thế về bờ biển dài, bãi triều bồi rộng và cảnh quan thiên nhiên ven biển thuần khiết, đa dạng sinh học, thuận lợi cho nuôi trồng, đánh bắt thủy sản và phát triển dịch vụ, du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng.

Chủ tịch UBND tỉnh Thái Bình Nguyễn Khắc Thận cho biết, Quy hoạch tỉnh Thái Bình được xây dựng với mục tiêu phấn đấu cao trên tinh thần quyết tâm và khát vọng vươn lên để sánh ngang với các tỉnh trong khu vực.

Lãnh đạo tỉnh Thái Bình cho biết, là địa phương “đất chật, người đông”, quy mô diện tích khá nhỏ (chiếm 0,48% diện tích cả nước), xếp thứ 54/63 tỉnh, thành phố. Tuy nhiên về dân số, Thái Bình xếp thứ 11/63 tỉnh, thành phố; chiếm 1,9% dân số cả nước và có mật độ dân số gấp 4 lần trung bình cả nước.

Vì vậy, mở ra không gian phát triển mới cho tỉnh Thái Bình thông qua hoạt động “lấn biển” là giải pháp được đơn vị tư vấn đưa ra trong dự thảo Quy hoạch tỉnh Thái Bình thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Hiện tại tỉnh Thái Bình có khoảng 16.637 ha đất mặt nước ven biển. Với đặc điểm địa hình, địa chất vùng ven biển Thái Bình, phần diện tích này rất thuận lợi để có thể khai thác lấn biển, mở rộng không gian phát triển thực hiện các dự án đô thị, du lịch, thương mại, công nghiệp.

Dự kiến trong thời kỳ quy hoạch 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 sẽ khai thác đưa 2.550 ha đất mặt nước ven biển vào sử dụng cho mục đích xây dựng các dự án trong khu kinh tế biển Thái Bình: Khu công nghiệp Thái Thượng, Khu công nghiệp Hoàng Long; Khu du lịch Cồn Đen, Khu du lịch sinh thái Cồn Vành - Cồn Thủ... Đặc biệt, Khu kinh tế ven biển Thái Bình trở thành một trung tâm công nghiệp của vùng với hệ thống khu, cụm công nghiệp được đầu tư hạ tầng hoàn chỉnh và thu hút được một số nhà đầu tư công nghiệp lớn của thế giới. Quy hoạch cũng lưu ý vấn đề môi trường, khi đề ra chỉ tiêu các khu công nghiệp, đô thị phát triển theo hướng sinh thái, xanh, ứng phó hiệu quả với biến đổi khí hậu.

Không để thông tin sai lệch cản trở chủ trương đúng đắn

Hiện nay, thông tin không chính xác về các khu bảo tồn thiên nhiên và những cách hiểu sai về việc “xóa sổ” rừng ngập mặn càng khiến cho dư luận nóng lên. Theo giải thích của cơ quan chức năng ở địa phương, Thái Bình sau khi quy hoạch chung xây dựng Khu kinh tế Thái Bình được Chính phủ phê duyệt năm 2019 bằng Quyết định 1486 do Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng ký thay Thủ tướng, các sở ngành Thái Bình đã phải rà soát, điều chỉnh các quy hoạch liên quan.

Một trong những kết quả rà soát là Quyết định 731/2023, xác định rõ vị trí, quy mô ranh giới cho khu rừng đặc dụng Tiền Hải, với quy mô 1.320ha, chứ không phải là 12.500 ha mà Quyết định 2159 năm 2014 có phần chưa đúng do kế thừa từ Quyết định 666 năm 1995 của Bộ Lâm nghiệp. Nếu hiểu sai, vận dụng cứng nhắc các thông tin cũ thì có lẽ toàn bộ mặt biển kéo dài từ huyện Thái Thuỵ sang Tiền Hải đều là khu bảo tồn thiên nhiên, đều là rừng phòng hộ, hoàn toàn không đúng với thực tế.

Khu bảo tồn thiên nhiên đất ngập nước Tiền Hải” thực chất chỉ là tên gọi của rừng ngập mặn ở ven biển Tiền Hải theo Quyết định số 2159. Đến nay tại Thái Bình mới chỉ có duy nhất Khu bảo tồn thiên nhiên đất ngập nước Thái Thụy. Ảnh: PV

Trên thực tế các địa phương có phát triển bứt phá nhờ hướng ra biển thời gian qua, hầu như địa phương nào cũng vấp phải những thông tin trái chiều về câu chuyện bảo vệ môi trường, đa dạng sinh học.

Đảng, Nhà nước ta luôn nhất quán quan điểm không đánh đổi môi trường lấy phát triển; bảo vệ môi trường phải theo phương châm ứng xử hài hòa với thiên nhiên, theo quy luật tự nhiên, phòng ngừa là chính; kết hợp kiểm soát, khắc phục ô nhiễm, cải thiện môi trường, bảo tồn thiên nhiên và đa dạng sinh học; lấy bảo vệ sức khỏe nhân dân làm mục tiêu hàng đầu; kiên quyết loại bỏ những dự án gây ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng đến sức khỏe cộng đồng. Đầu tư cho bảo vệ môi trường là đầu tư cho phát triển bền vững.

Song cũng phải luôn có quan điểm và tầm nhìn phát triển, không nên cực đoan, cứng nhắc đến mức cái gì cũng phải bảo vệ, bảo tồn, bất chấp quy hoạch, kế hoạch và các quy chuẩn quốc gia, quốc tế, chỉ chạy theo dư luận thiếu căn cứ.

Thái Bình là địa phương có truyền thống lấn biển, hướng ra biển hàng trăm năm nay. Nhưng giờ là lúc không thể hướng ra biển với đôi chân trần hay những dụng cụ thô sơ như cái cày, cái cuốc, mái chèo…được nữa.

Đối với Thái Bình, tư duy vươn xa, dám nghĩ, dám ước mơ, mang tư tưởng chinh phục ấy đang được hiện thực hóa bằng những quyết định mang tính đột phá dựa trên sự đồng thuận, thống nhất cao từ chủ trương đến hành động trong cấp ủy, chinh quyền. Điều đó phần nào được minh chứng như lời Chủ tịch UBND tỉnh Thái Bình Nguyễn Khắc Thận khi trao đổi về bản “quy hoạch” cho tương lai tại khu vực ven biển huyện Tiền Hải: “Không tiến ra biển, chẳng lẽ Thái Bình cứ mãi thế này!”.

Và những “giấc mơ” tưởng chừng như dang dở của gần 10 năm trước, khi Thái Bình lấn biển, sử dụng hơn 300 ha ven biển làm các khu công nghiệp, cụm công nghiệp ven biển Thái Thuỵ từng có những lo ngại tương tự như hiện nay. Và rồi cùng với thời gian, thực tiễn đã chứng minh đó là lựa chọn đúng. Đơn cử như khu công nghiệp Liên Hà Thái đã trở đầu tàu về thu hút vốn FDI của tỉnh và trở thành khu công nghiệp xanh về cảnh quan và sạch về công nghệ.

Tương lai làm giàu từ biển, vươn xa ra biển đã được Thái Bình định hình bằng những quy hoạch chi tiết, định hình cho tương lai. Song trên “hành trình tư duy mở lối” của Thái Bình cũng không tránh khỏi những “cơn gió ngược”, trong đó có cả những thông tin sai lệch.

Chủ trương nhất quán là không đánh đổi môi trường để phát triển kinh tế nhưng cũng không vì những cách hiểu, những thông tin chưa đầy đủ mà không làm gì để bỏ lỡ cơ hội phát triển, để rồi cứ mãi “đứng trước biển”, chưa thực sự “tiến ra biển lớn”.

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Tin mới nhất

Xem thêm