(Thanh tra) - Theo số liệu công bố tại buổi họp báo thường kỳ của Bộ Công thương diễn ra chiều ngày 5/5, tính chung 4 tháng đầu năm 2014, chỉ số sản xuất công nghiệp tăng 5,4%, cao hơn so với cùng kỳ năm trước (cùng kỳ năm 2013 so với năm 2012 tăng 4,8%). Trong đó, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 7,4%, sản xuất và phân phối điện tăng 9,6%, cung cấp nước, hoạt động quản lý và xử lý rác thải, nước thải tăng 5,4%.
Tháng 4/2014, chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) tăng 1,2% so với tháng 3/2014 và tăng 6,0% so với cùng kỳ năm 2013. Trong đó, ngành công nghiệp khai khoáng tăng 0,4%, công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 7,5%, ngành sản xuất, phân phối điện tăng 10,6% và ngành cung cấp nước và xử lý nước thải, rác thải tăng 3,3% so với cùng kỳ năm 2013.
Những sản phẩm chủ yếu có tốc độ tăng cao hơn tốc độ tăng của toàn ngành gồm: Điện tăng 10,3%; khí hóa lỏng tăng 9,4%; thép cán tăng 22,4%; động cơ điện các loại tăng 27,5%; biến thế điện tăng 70,8%...
Tuy nhiên, một số sản phẩm giảm so với cùng kỳ năm trước như: Than sạch giảm 5,8%; xăng, dầu các loại giảm 4,6%; sắt thép thô giảm 11,0%; máy công cụ giảm 44,3%; xe máy giảm 7,4%; phân NPK giảm 2,8%, phân DAP giảm 9,3%...
Tháng 3/2014, chỉ số tiêu thụ toàn ngành công nghiệp chế biến chế tạo tăng 14,9% so với tháng trước và tăng 7,1% so với tháng 3/2013. Tính chung 3 tháng đầu năm 2014 chỉ số tiêu thụ toàn ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 5,5% so với cùng kỳ, trong đó tăng chủ yếu ở nhóm hàng chế biến, bảo quản thủy sản và sản phẩm từ thủy sản tăng 22,4%, sản xuất mì ống, mì sợi và sản phẩm tương tự tăng 12,2%, sản xuất vải dệt thoi tăng 19,8%, may trang phục (trừ trang phục từ da lông thú) tăng 10,8%, sản xuất giày, dép tăng 19,8%,;
Chỉ số tồn kho tại thời điểm 01/4/2014 của toàn ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 6,2% so với thời điểm 01/3/2014 và tăng 13,9% so với cùng thời điểm năm trước (cao hơn chút ít so với mức 13,1% tại thời điểm 01/4/2013). Trong đó, một số ngành chỉ số tồn kho cao là: Sản xuất đường tăng 34,0% (nguyên nhân do lượng tiêu thụ đường của các nhà máy giảm vì phải cạnh tranh về giá với đường cát nhập lậu từ Thái Lan); sản xuất mì ống, mì sợi và sản phẩm tương tự tăng 65,1%, sản xuất thức ăn gia súc, gia cầm và thủy sản tăng 39,9%, sản xuất thuốc lá tăng 68,5%, may trang phục (trừ trang phục từ da lông thú) tăng 22,9%, sản xuất giày, dép tăng 58,6%, sản xuất thuốc, hóa dược và dược liệu tăng 62,0%, sản xuất sắt, thép, gang tăng 33,9%,... (các ngành sản xuất mì ống, mì sợi và sản phẩm tương tự, sản xuất thức ăn gia súc, gia cầm và thủy sản, sản xuất thức ăn gia súc, gia cầm và thủy sản... có chỉ số tồn kho cao so với cùng kỳ tháng 4/2013 chủ yếu do tồn kho tháng trước cao so với cùng kỳ năm 2013, trong khi tiêu thụ tăng trưởng ở mức thấp và trung bình).
Tháng 4, kim ngạch xuất khẩu (KNXK) ước đạt 12,2 tỷ USD, giảm 0,6% so với tháng 3 và tăng 23,2% so với tháng 4/2013, trong đó: Xuất khẩu của các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (không kể dầu thô) ước đạt 7,5 tỷ USD, giảm 0,1% so với tháng 3 và tăng 24,2% so với tháng 4/2013.
Tính chung 4 tháng đầu năm 2014, KNXK ước đạt 45,74 tỷ USD, tăng 16,9% so với cùng kỳ năm 2013 (tương đương với tăng 6,61 tỷ USD), trong đó KNXK của khu vực doanh nghiệp 100% vốn trong nước ước đạt 15,38 tỷ USD, chiếm 33,6% tổng KNXK của cả nước, tăng 16,2% so với cùng kỳ năm ngoái; KNXK của các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) ước đạt 30,35 tỷ USD, chiếm 66,4% tổng KNXK của cả nước, tăng 17,2%, nếu không kể dầu thô KNXK của các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài ước đạt gần 28,24 tỷ USD tăng 20,1% so với cùng kỳ năm 2013.
4 tháng đầu năm 2014 giá bình quân xuất khẩu của một số mặt hàng tăng như: Nhân điều tăng 1,1%; chè tăng 0,7%; hạt tiêu tăng 3,7%; gạo tăng 2,1%; than đá tăng 6,4%; dầu thô tăng 0,1%; xăng dầu tăng 1,0%; quặng và khoáng sản khác tăng 89,6%; Clanhke và xi măng tăng 1,1%; xơ, sợi dệt các loại tăng 1,7%...
Một số mặt hàng có giá bình quân giảm như: Cà phê giảm 6,9%; sắn và các sản phẩm từ sắn giảm 1,1%; cao su giảm 24,9%; phân bón các loại giảm 0,4%; chất dẻo các loại giảm 5,3%; sắt thép các loại giảm 9,0%...
Do ảnh hưởng của giá xuất khẩu đã làm KNXK của nhóm hàng nông sản giảm khoảng 207 triệu USD; nhóm nhiên liệu, khoáng sản tăng khoảng 97 triệu USD. Tính chung 2 nhóm mặt hàng do giá xuất khẩu giảm đã làm giảm 110 triệu USD KNXK.
Tính chung 4 tháng đầu năm 2014, lượng một số mặt hàng xuất khẩu tăng so với cùng kỳ, cụ thể: Nhân điều tăng 15,3%; cà phê tăng 39,1%; hạt tiêu tăng 36,3%; xăng dầu các loại tăng 5,4%; Clanhke và xi măng tăng 44,2%; chất dẻo nguyên liệu tăng 13,4%; xơ, sợi các loại tăng 22,0%; sắt thép các loại tăng 19,3%...
Một số mặt hàng xuất khẩu giảm như: Chè các loại giảm 11,0%; gạo giảm 3,7%; sắn và các sản phẩm từ sắn giảm 16,1%; cao su giảm 14,8%; than đá giảm 30,4%; dầu thô giảm 11,0%; quặng và khoáng sản khác giảm 61,8%; phân bón các loại giảm 16,0%...
Như vậy, 4 tháng đầu năm 2014, tính chung do tăng, giảm về giá và lượng của nhóm mặt hàng nông sản và khoáng sản là những mặt hàng tính được về giá và lượng làm KNXK tăng khoảng 523 triệu USD so với cùng kỳ.
Tháng 4, kim ngạch nhập khẩu (KNNK) hàng hoá ước đạt 12,6 tỷ USD, tăng 1,0% so với tháng 3 và tăng 16,1% so với tháng 4/2013, trong đó: KNNK của các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài ước 7,4 tỷ USD, tương đương tháng 3 và tăng 22,8% so với tháng 4/2013.
Tính chung 4 tháng đầu năm 2014, KNNK ước đạt gần 45,1 tỷ USD, tăng 13,7% so với cùng kỳ năm 2013. KNNK của các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài đạt gần 26,3 tỷ USD, tăng 18,2%, chiếm tỷ trọng 58,3% tổng KNNK cả nước; KNNK của các doanh nghiệp 100% vốn trong nước ước đạt gần 18,86 tỷ USD, chiếm tỷ trọng 41,7% tổng KNNK cả nước, tăng 8,0% so với cùng kỳ năm 2013.
Nhập siêu tháng 4 ước 400 triệu USD, bằng 3,3% KNXK. Tính chung 4 tháng đầu năm 2014 xuất siêu khoảng 683 triệu USD, bằng 1,5% KNXK. Trong đó, khối các doanh nghiệp trong nước nhập siêu hơn 3,4 tỷ USD, khối các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài xuất siêu gần 4,1 tỷ USD.
Trần Quý