Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Cây sâm làm giàu trên vùng căn cứ cách mạng anh hùng

Ngọc Phó

Thứ tư, 30/08/2023 - 06:36

(Thanh tra)- Nam Trà My là mảnh đất cách mạng - nơi hình thành “Mật khu Đỗ Xá”, tiền thân của cơ quan lãnh đạo kháng chiến chống Mỹ ở Khu 5. Người dân nơi đây một lòng theo Đảng, dốc hết sức người, sức của trong lịch sử đấu tranh giành độc lập, bảo vệ và xây dựng Tổ quốc, viết lên những trang sử hào hùng của dân tộc...

Cây sâm Ngọc Linh mang lại giá trị kinh tế cao cho người dân Nam Trà My. Ảnh: N.P

Qua 7 lần thành lập, chia tách, sáp nhập, Nam Trà My được tái lập huyện vào năm 2003. Là huyện miền núi, vùng cao của tỉnh Quảng Nam, Nam Trà My gặp không ít khó khăn bởi kinh tế chậm phát triển; hệ thống hạ tầng kinh tế - xã hội lạc hậu, yếu kém; thu nhập bình quân đầu người và thu ngân sách đạt rất thấp; tỷ lệ hộ nghèo gần 90%, tình trạng đói cơm, lạt muối vẫn diễn ra quanh năm; thiên tai, dịch bệnh thường xuyên xảy ra...

Từ một huyện xuất phát điểm kinh tế thấp, đến nay đã có một nền tảng kinh tế - xã hội phát triển khá toàn diện, luôn duy trì tốc độ tăng trưởng bình quân hàng năm trên 10%. Thu nhập bình quân đầu người gần 35 triệu đồng/năm, tăng gần 11 lần so với năm 2003.

Cây sâm Ngọc Linh (sâm Việt Nam) được thiên nhiên ưu đãi bao đời nay đã hiện diện tại vùng núi Ngọc Linh, là loài dược liệu đặc biệt quý hiếm, có giá trị đặc hữu, với những đặc tính riêng có mà các loài sâm khác trên thế giới không có được; được ví là sản phẩm của quốc gia, là vàng xanh của đất nước song chưa khai thác tiềm năng thế mạnh kinh tế này.

Tháng 6/2023, Thủ tướng Chính phủ đã quyết định phê duyệt Chương trình Phát triển Sâm Việt Nam đến năm 2030, định hướng đến năm 2045. Quảng Nam đã ban hành nhiều chủ trương, chính sách thực hiện công tác bảo tồn, phát triển cây sâm Ngọc Linh với mục tiêu thành ngành hàng có giá trị kinh tế cao, là sản phẩm chủ lực trong lĩnh vực y - dược và chăm sóc sức khoẻ, mang thương hiệu sản phẩm quốc gia; góp phần tạo việc làm, thu nhập cho người dân vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi.

Những năm qua, đồng bào các dân tộc thiểu số ở Nam Trà My đã tập trung phát triển sâm Ngọc Linh trở thành cây trồng chủ lực để thoát nghèo, vươn lên làm giàu. Các tổ chức, doanh nghiệp, hộ, nhóm hộ đã tham gia trồng sâm Ngọc Linh với tổng diện tích gần 810ha, bao gồm hơn 3 triệu cây. Giá cả cây sâm Ngọc Linh dần ổn định, người trồng sâm đã ý thức được việc trồng sâm gắn với bảo vệ và phát triển rừng.

Huyện đã 5 lần tổ chức lễ hội sâm Ngọc Linh, nhằm giới thiệu, quảng bá về cây sâm, các loại dược liệu khác và tiềm năng du lịch trên địa bàn huyện đến đông đảo du khách, các nhà đầu tư trong và ngoài nước.

Tại Lễ hội Sâm Ngọc Linh lần thứ 5 tổ chức vào đầu tháng 8 vừa qua, đã có trên 5.500 lượt người đến tham quan, mua sắm với doanh thu khoảng 10 tỷ đồng; trong đó, riêng mặt hàng sâm củ Ngọc Linh tiêu thụ được khoảng 65kg, thu về gần 9,5 tỷ đồng.

Phiên chợ sâm Ngọc Linh thu hút nhiều khách thăm quan, mua sắm. Ảnh: N.P

Phát huy lợi thế cây sâm Ngọc Linh, quế Trà My và dược liệu miền núi được xác định là sản phẩm chủ lực, là đầu tàu dẫn dắt các sản phẩm của địa phương thâm nhập vào các thị trường, tạo nên chuỗi gia tăng giá trị kinh tế nông, lâm nghiệp. Nam Trà My có 16 sản phẩm OCOP được UBND tỉnh công nhận đạt hạng 3, 4 sao và thường xuyên tham gia các chương trình xúc tiến thương mại trong và ngoài tỉnh.

Thu nhập khá lên, đời sống ổn định nhờ cây sâm; đã tác động đến mục tiêu quan trọng của toàn huyện trong công tác xây dựng nông thôn mới, ổn định và sắp xếp dân cư được tập trung chỉ đạo. Đến nay, đã có 1 xã về đích nông thôn mới, 57 khu dân cư với gần 2.600 hộ được sắp xếp ổn định.

Tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn đa chiều giảm còn dưới 45%. Công tác đào tạo nghề, giải quyết việc làm, đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng đạt kết quả tốt.

Ông Phan Việt Cường, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Quảng Nam nhận xét, cơ cấu kinh tế của huyện chuyển dịch theo hướng tích cực, tốc độ tăng trưởng bình quân hằng năm đạt trên 10%; quy mô kinh tế huyện phát triển vượt bật so với năm 2003, tổng giá trị sản xuất năm 2022 đạt trên 1.167 tỷ đồng.

Huyện đã hình thành vùng sâm Ngọc Linh khoảng 15 ngàn ha tại 7/10 xã của huyện; sản lượng thu hoạch hằng năm đạt khoảng 10 tấn, giá trị khoảng 420 đến 600 tỷ đồng/năm.

Với ý nghĩa và giá trị đặc biệt quan trọng của sâm Ngọc Linh, Nam Trà My phát huy tốt tiềm năng, lợi thế sẵn có để triển khai hiệu quả các chủ trương về phát triển cây sâm Ngọc Linh ngang hàng với các loại sâm đặc biệt quý hiếm trên thế giới, góp phần thúc đẩy kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi phát triển, bảo đảm quốc phòng, an ninh của địa phương.

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Tin mới nhất

Xem thêm