Theo dõi Báo Thanh tra trên
Thu Minh
Thứ bảy, 02/07/2022 - 11:02
(Thanh tra) - Trình độ dân trí không đồng đều, nhận thức, hiểu biết của một bộ phận người dân còn hạn chế nên tiềm ẩn nhiều phức tạp về an ninh trật tự. Công an xã Tân Tiến, huyện Krông Pắc, tỉnh Đắk Lắk đã triển khai nhiều giải pháp, trong đó gây ấn tượng nhất là mô hình “Tiếng kẻng an ninh tự quản”. Ban đầu mô hình này được triển khai ở thôn 5 nhưng sau đó đã được nhân rộng ra nhiều thôn khác, được đồng bào ủng hộ.
Các nghệ nhân buôn Kplang, xã Tân Tiến biểu diễn tiết mục văn nghệ cồng chiêng. Ảnh: Thu Minh
Buôn làng bình yên
Xã Tân Tiến có 2.879 hộ (12.541 khẩu) sinh sống tại 11 thôn, buôn. Trong đó có 754 hộ (3.536 khẩu) là người dân tộc thiểu số: Êđê, Tày, Nùng, Vân Kiều… chiếm gần 30% dân số toàn xã, sinh sống tập trung tại các buôn: Kniêr, Kplang, Ea Drai, Ea Drai A. Điểm chung của các đồng bào nơi đây là trình độ, nhận thức, hiểu biết về pháp luật còn hạn chế do đó tiềm ẩn nhiều nguy cơ về mất an ninh trật tự.
Thôn 5 xã Tân Tiến giáp ranh với xã Dang Kang (huyện Krông Bông) trước đây được biết đến là thôn thường diễn ra tình trạng cờ bạc, hút chích...
Cái khó ở đây là khi thấy Công an xã Tân Tiến tuần tra thì các đối tượng trốn chạy sang xã Dang Kang và ngược lại. Công an hai xã đã nhiều lần phối hợp triệt phá nhưng chưa thành công. Do đó, tình trạng cờ bạc, hút chích mỗi ngày một tăng, đời sống nhiều hộ dân trở nên cùng cực. Tình hình an ninh của Thôn 5 luôn bị xáo trộn bởi những vụ quậy phá, xô xát, mất trộm… Nhiều người dân lo lắng, hoang mang, nhất là vào buổi đêm không dám ra đường.
Ông Mai Tiến Bình, Trưởng Công an xã Tân Tiến cho biết, để hạn chế tình trạng trên, Công an xã Tân Tiến triển khai mô hình điểm “Tiếng kẻng an ninh tự quản” tại thôn. Đều đặn, vào 22 giờ, sau khi tiếng kẻng an ninh vang lên, người dân bắt đầu đi ngủ thì lực lượng Công an xã tiến hành đi tuần tra tại các tụ điểm thường xảy ra tình trạng cờ bạc, hút chích. Đồng thời, phối hợp chặt chẽ với Công an xã Dang Kang để khi phát hiện đối tượng lập tức đánh kẻng thông báo nhằm kịp thời ngăn chặn, vây bắt.
Sau khi thí điểm mô hình “Tiếng kẻng an ninh tự quản” tại thôn 5, đến nay tình trạng cờ bạc, hút chích… giảm hơn 90%. Nhận thấy đây là mô hình có hiệu quả góp phần bảo đảm an ninh trật tự tại địa phương, nên Công an xã Tân Tiến đã nhân rộng ra các thôn 3, 4 và buôn Kplang, dự kiến sẽ tiếp tục nhân rộng tại các thôn, buôn còn lại của địa phương.
Buôn Kplang có 255 hộ với 1.185 khẩu, 100% là người đồng bào dân tộc thiểu số, được chia thành 4 khu dân cư. Đây cũng là buôn có số người nghiện ma túy, chích hút lớn. Số hộ nghèo chiếm phần lớn.
Để bảo đảm tình hình an ninh trật tự trên địa bàn buôn, Đảng ủy xã cũng đã xây dựng mô hình “Tiếng kẻng an ninh tự quản” do cán bộ, hội viên cựu chiến binh (CCB) làm nòng cốt.
Ngoài ban chỉ đạo chung gồm 7 thành viên do Chủ tịch Hội CCB xã làm Trưởng ban, buôn đã thành lập 4 tổ “Tiếng kẻng an ninh tự quản” do các CCB, cựu quân nhân có uy tín, tinh thần trách nhiệm cao làm tổ trưởng. Mỗi tổ đều xây dựng quy chế hoạt động, phân công trách nhiệm cho từng thành viên.
Theo anh Y Ruc Niê, Tổ trưởng Tổ 4, bên cạnh công tác tuần tra, kiểm soát, thành viên các tổ “Tiếng kẻng an ninh tự quản” còn tích cực tuyên truyền, vận động nhân dân thực hiện tốt các quy định pháp luật về giữ gìn an ninh trật tự; phổ biến kịp thời âm mưu, thủ đoạn của các thế lực thù địch, các loại tội phạm, tệ nạn xã hội để nhân dân nâng cao cảnh giác, chủ động phòng ngừa, đấu tranh, tố giác tội phạm; vận động nhân dân tích cực áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, xây dựng nếp sống văn minh, gia đình văn hóa, giữ gìn tình làng nghĩa xóm.
Không những vậy, thành viên các tổ tự quản còn gần gũi, nắm bắt hoàn cảnh để tuyên truyền, vận động những thanh thiếu niên chậm tiến, bỏ học, lêu lổng tiếp tục tới trường, ký cam kết bảo đảm an toàn giao thông, không uống rượu bia khi tham gia giao thông...
Một người dân buôn Kplang chia sẻ, từ khi có mô hình “Tiếng kẻng an ninh tự quản” hoạt động, buôn làng bình yên hơn, không còn tình trạng tụ tập, gây rối, trộm cắp vặt, người dân đi lại an toàn hơn.
Ông Nguyễn Thái Học, Chủ tịch Hội CCB xã, Bí thư Chi bộ buôn Kblang, Trưởng ban Chỉ đạo mô hình đánh giá: Thành công lớn nhất của mô hình “Tiếng kẻng an ninh tự quản” là đã góp phần thực hiện tốt chủ trương xã hội hóa nhiệm vụ bảo vệ an ninh trật tự. Mỗi hộ không chỉ tự nguyện đóng góp kinh phí (50.000 đồng/hộ/năm, trừ hộ nghèo) để hỗ trợ hoạt động của mô hình mà còn trở thành những “mắt thần” luôn theo dõi, giám sát những đối tượng ra vào địa bàn và sẵn sàng phối hợp cung cấp thông tin, vây bắt những đối tượng phạm tội.
Linh hoạt cách thức đưa luật về buôn
Buôn Kniêr là một trong những buôn điển hình về công tác gìn giữ an ninh trật tự, phòng chống tệ nạn xã hội tại xã Tân Tiến. Toàn buôn hiện có 371 hộ, 1.989 khẩu là người dân tộc Êđê.
Phó Trưởng buôn Kniêr - bà Rmah Hpin tâm sự, muốn dân hiểu, dân tin thì mỗi cán bộ phải làm gương trong các hoạt động tại địa phương, từ phát triển kinh tế đến gìn giữ an ninh trật tự, phòng chống tệ nạn xã hội. Trong thời điểm dịch bệnh Covid-19, mỗi thành viên ban chỉ đạo chống dịch đã đến từng gia đình tuyên truyền về công tác phòng, chống dịch, vận động người dân chấp hành tốt các quy định của pháp luật, gìn giữ an ninh trật, phòng chống tệ nạn xã hội, xây dựng môi trường sống an toàn, lành mạnh.
Tại buôn Kplang, việc gìn giữ an ninh trật tự và phòng, chống tệ nạn cũng được thực hiện hiệu quả nhờ chú trọng công tác tuyên truyền và nêu gương.
Nhiều tháng nay, chị H’Đia Byã, Bí thư Chi đoàn buôn Kplang luôn sát cánh cùng các đoàn viên thanh niên và chi bộ, ban tự quản, tổ Covid-19 cộng đồng của buôn “đi từng ngõ, gõ từng nhà”, kịp thời nhắc nhở người dân thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch và tham gia gìn giữ an ninh trật tự… Qua trải nghiệm hoạt động tình nguyện vì cộng đồng, đoàn viên thanh niên có cơ hội trau dồi kiến thức, kỹ năng sống, trở thành những công dân gương mẫu trong phong trào gìn giữ an ninh trật tự, tích cực đẩy lùi các tệ nạn xã hội trên địa bàn.
Buôn Kplang có đông đồng bào dân tộc Êđê nên việc tuyên truyền lồng ghép các chính sách pháp luật bằng cả tiếng phổ thông và tiếng Êđê mang lại hiệu quả rõ rệt, giúp người dân, nhất là với người cao tuổi và người không biết tiếng phổ thông kịp thời nắm bắt tình hình địa phương, việc gìn giữ an ninh trật tự, phòng chống tệ nạn xã hội trong tình hình mới…
Bí thư Đảng ủy xã Tân Tiến cho biết, thông qua đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến chính sách pháp luật, vận dụng linh hoạt cách thức tuyên truyền phù hợp đặc điểm tình hình địa bàn, dân cư vùng đồng bào dân tộc thiểu số, người dân đã hiểu và chấp hành tốt chính sách pháp luật của Nhà nước, nhiều người trở thành những hạt nhân tiêu biểu trong các phong trào gìn giữ an ninh trật tự, phòng chống tệ nạn xã hội tại địa phương. Nhờ đó, tình hình an ninh trật tự trên địa bàn được giữ vững, tệ nạn xã hội được đẩy lùi, người dân yên tâm sản xuất.
Công tác phòng chống tệ nạn xã hội, gìn giữ an ninh trật tự được xem là tiền đề để đồng bào dân tộc thiểu số xã Tân Tiến phát triển kinh tế, ổn định và nâng cao đời sống. Được biết, thời gian tới, xã tiếp tục chú trọng công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật thông qua hệ thống truyền thanh cơ sở, truyền thông lưu động bằng tiếng phổ thông và tiếng Êđê… để người dân tiếp cận và thực hiện. Đây cũng chính là điều mong muốn của đồng bào nơi đây. Bởi người dân bắt đầu hiểu được giá trị của bình yên. Chỉ có khi cuộc sống bình yên thì họ mới có thể yên tâm sản xuất, phát triển kinh tế, thoát nghèo và nâng cao chất lượng cuộc sống.
Ý kiến bình luận:
Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!
(Thanh tra) - Ngày 23/11, tại thị xã Cửa Lò, Uỷ ban Dân tộc Chính phủ phối hợp tỉnh Nghệ An tổ chức Hội thảo, toạ đàm triển khai Quyết định 1220/QĐ-TTg của Chính phủ về đề án “Nâng cao năng lực thanh tra, kiểm tra thực hiện chính sách dân tộc cho công chức trong các cơ quan quản lý Nhà nước về công tác dân tộc, giai đoạn 2025 – 2030”.
Lợi Châu
19:47 23/11/2024(Thanh tra) - Ở các huyện miền Tây của tỉnh Nghệ An và các tỉnh miền núi phía Bắc, nhiều người biết đến ông Sầm Văn Bình, trú tại bản Yên Luốm, xã Châu Quang, huyện Quỳ Hợp, Nghệ An là bởi lâu nay ông được mệnh danh là “nhà Thái học” với rất nhiều thành công trong lĩnh vực nghiên cứu, biên soạn, tổ chức dạy và học chữ Thái Lai Tay. Không những thế, ông còn sưu tầm, nghiên cứu về văn hóa, văn học dân tộc Thái và có gần hai chục đầu sách có giá trị.
Thảo Nguyên - Anh Mạnh
19:52 23/10/2024Minh Tân - Vũ Linh
08:00 30/07/2024Nam Dũng
21:12 09/12/2023Nam Dũng
11:57 16/11/2023Nam Dũng
22:09 08/11/2023Đông Hà
Thanh Giang
Kim Thành
Đông Hà
Trần Quý
Ngọc Giàu
Trần Kiên
Nhật Minh
TC
TC
Thu Huyền