Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Theo dõi Báo Thanh tra trên

Cuộc thi góp phần nâng cao nhận thức về phòng, chống tham nhũng của cán bộ, công chức và người dân

Thành Nam Định (Thực hiện)

Thứ bảy, 28/08/2021 - 06:38

(Thanh tra)- Thanh tra Chính phủ vừa phát động thành công Cuộc thi “Tìm hiểu pháp luật về phòng, chống tham nhũng (PCTN)”. Phóng viên Báo Thanh tra đã có cuộc phỏng vấn tiến sĩ Trần Ngọc Liêm, Phó Tổng Thanh tra Chính phủ, Trưởng ban Tổ chức Cuộc thi về nhiều vấn đề liên quan. Xin trân trọng giới thiệu cùng bạn đọc!

Phó Tổng Thanh tra Chính phủ Trần Ngọc Liêm phát biểu chỉ đạo tại lễ phát động. Ảnh: Phương Hiếu

+ PV: Ngày 20/11/2018, kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XIV đã thông qua Luật PCTN. Luật có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7/2019. Để luật sớm đi vào cuộc sống, ngày 11/7/2019, Thủ tướng Chính phủ đã có Quyết định số 861/QĐ-TTg phê duyệt Đề án “Tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về PCTN giai đoạn 2019 - 2021”. Xin Phó Tổng Thanh tra cho biết, Đề án nhằm mục tiêu gì?

- Phó Tổng Thanh tra Chính phủ Trần Ngọc Liêm: Theo Đề án được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, mục tiêu chung là tạo chuyển biến mạnh mẽ trong nhận thức, ý thức chấp hành, học tập, tìm hiểu pháp luật về PCTN và đạo đức liêm chính; xây dựng lối sống liêm chính và tuân thủ pháp luật về PCTN trong cán bộ, công chức, viên chức và nhân dân; đưa công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về PCTN với nhiều hình thức phong phú, thiết thực, hiệu quả; góp phần tích cực vào công tác PCTN hiện nay.

+ PV: Được biết, quyết định phê duyệt Đề án dựa trên cơ sở đề nghị của Tổng Thanh tra Chính phủ. Vậy, trong Đề án này, Thanh tra Chính phủ được giao những nhiệm vụ gì, thưa ông?

- Phó Tổng Thanh tra Chính phủ Trần Ngọc Liêm: Tại quyết định, Thủ tướng giao rất nhiều nhiệm vụ cụ thể cho các bộ, ngành, đơn vị liên quan như: Bộ Tư pháp, Bộ Nội vụ, Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Bộ Công an, Bộ Quốc phòng, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Bộ Thông tin và Truyền thông, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương...

Trong đó, Thanh tra Chính phủ được giao chủ trì tổ chức biên soạn, phát hành các cuốn sách có nội dung pháp luật về PCTN; hệ thống hóa các văn bản chính sách, pháp luật về PCTN; Công ước của Liên hợp quốc về chống tham nhũng và sự tham gia của Việt Nam; kinh nghiệm quốc tế về PCTN; giáo dục đạo đức liêm chính cho thanh, thiếu niên; PCTN trong khu vực ngoài Nhà nước; vai trò của xã hội trong PCTN; bảo vệ người tố cáo tham nhũng; minh bạch, liêm chính và trách nhiệm giải trình trong hoạt động công vụ; hỏi - đáp pháp luật về PCTN.

Biên soạn, phát hành tờ rơi bằng 5 tiếng dân tộc thiểu số chuyển tải kiến thức phổ thông về pháp luật PCTN phục vụ tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về PCTN cho đồng bào dân tộc thiểu số.

Hoàn thiện nội dung, hình thức chuyên trang PCTN trên Cổng Thông tin điện tử của Thanh tra Chính phủ theo hướng cập nhật các văn bản chính sách, pháp luật, các tài liệu tuyên truyền cơ bản; các sự kiện chính trị - pháp lý quan trọng về PCTN; các thông tin chính thức về vụ án, vụ việc tham nhũng.

Tổ chức và chỉ đạo, hướng dẫn thanh tra bộ, ngành, địa phương tham mưu tổ chức các hội nghị tập huấn, bồi dưỡng cập nhật chính sách, pháp luật về PCTN cho cán bộ, công chức, viên chức làm công tác PCTN.

Tổ chức và chỉ đạo, hướng dẫn các đơn vị trực thuộc tổ chức các hội thảo, tọa đàm, diễn đàn, đối thoại, nói chuyện chuyên đề có nội dung, chủ đề về PCTN.

Tổ chức hội nghị toàn quốc biểu dương người tốt, việc tốt trong PCTN.

Hướng dẫn hoạt động tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về PCTN của các bộ, ngành, địa phương; tổ chức các sự kiện tuyên truyền tập trung cấp quốc gia; phát hành, quảng bá trên phạm vi toàn quốc tranh, ảnh, khẩu hiệu cổ động về PCTN trong dịp kỷ niệm Ngày Quốc tế PCTN - 9/12 hằng năm.

Phó Tổng Thanh tra Chính phủ Trần Ngọc Liêm. Ảnh: ANTĐ

+ PV: Thưa Phó Tổng Thanh tra, việc Thanh tra Chính phủ tổ chức phát động Cuộc thi “Tìm hiểu pháp luật về PCTN” cũng nằm trong lộ trình thực hiện các nhiệm vụ được đặt ra tại Đề án này?

- Phó Tổng Thanh tra Chính phủ Trần Ngọc Liêm: Đúng vậy! Với mong muốn triển khai thực hiện có hiệu quả các nhiệm vụ đã được Thủ tướng Chính phủ giao, nâng cao nhận thức về PCTN của cán bộ, công chức, viên chức và người dân, qua đó nâng cao chất lượng, hiệu quả việc thực hiện nhiệm vụ, công vụ, góp phần PCTN; đồng thời, phát huy tính tiên phong, gương mẫu của cán bộ, đảng viên trong thực hiện pháp luật về PCTN; cũng như việc quan tâm, phối hợp của các cấp ủy Đảng, chính quyền, đoàn thể trong công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật và tạo sức lan tỏa, hình thành ý thức tự giác thực hiện các quy định của pháp luật về PCTN, ngày 4/9/2019, Thanh tra Chính phủ đã ban hành Kế hoạch số 1512/KH-TTCP thực hiện Đề án “Tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về PCTN giai đoạn 2019 - 2021”. Trong kế hoạch này, Thanh tra Chính phủ có đặt vấn đề tổ chức Cuộc thi “Tìm hiểu pháp luật về PCTN”.

+ PV: Có yêu cầu nào được đặt ra đối với Cuộc thi không, thưa ông?

- Phó Tổng Thanh tra Chính phủ Trần Ngọc Liêm: Cuộc thi nào cũng có những yêu cầu, mang tính đặc thù. Với Cuộc thi “Tìm hiểu pháp luật về PCTN”, chúng tôi đặt ra 3 yêu cầu là:

Bám sát các chỉ đạo, định hướng của Đảng, Nhà nước về PCTN; các quan điểm, mục tiêu, nội dung truyền thông, phổ biến, giáo dục pháp luật về PCTN.

Nội dung, hình thức, đối tượng và thời gian thi phù hợp với các yêu cầu của Đề án và bảo đảm công tác phòng, chống dịch bệnh Covid-19; việc tổ chức Cuộc thi được tiến hành nghiêm túc, đồng bộ từ Trung ương đến địa phương thông qua các bài dự thi hợp lệ được gửi về Ban Tổ chức; tạo không khí sôi nổi, thu hút sự tham gia của các cán bộ, công chức, viên chức và người dân trong cả nước.

Gắn việc tổ chức Cuộc thi với việc thực hiện trách nhiệm tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về PCTN của các cơ quan thanh tra Nhà nước.

+ PV: Thông tin về Cuộc thi “Tìm hiểu pháp luật về PCTN” đã và đang được các cơ quan báo chí, truyền thông đăng tải, thu hút được sự quan tâm của dư luận. Tuy nhiên, thời gian từ khi phát động đến thu bài không dài, xin Phó Tổng Thanh tra cho biết, Ban Tổ chức đã đề ra biện pháp gì để có thể đạt hiệu quả cao?

- Phó Tổng Thanh tra Chính phủ Trần Ngọc Liêm: Đây là vấn đề Ban Tổ chức rất quan tâm khi chuẩn bị Cuộc thi. Thời gian không dài, nhiều địa phương lại đang thực hiện giãn cách nên ít, nhiều sẽ ảnh hưởng đến số lượng bài dự thi gửi về. Tuy nhiên, điều này không vì thế mà làm khó chúng tôi. Bởi vì, vấn đề PCTN và hệ thống pháp luật về PCTN ở Việt Nam, xưa nay rất được người dân quan tâm. Thuận lợi nữa là, hiện nay các bộ, ngành, địa phương cũng đã và đang tổ chức những cuộc thi tương tự, cho nên, nguồn thông tin rất nhiều, chỉ cần biết xử lý là sẽ có bài để dự thi. Ngoài ra, để chủ động, Ban Tổ chức cũng có công văn gửi thanh tra các bộ, cơ quan ngang bộ; thanh tra các tỉnh, thành phố đề nghị quan tâm dự thi, coi đó như nhiệm vụ chính trị. Bên cạnh đó là sự phối hợp với các cơ quan thông tấn, báo chí để Cuộc thi đạt kết quả tốt nhất.

+ PV: Xin trân trọng cám ơn ông, chúc Cuộc thi thành công tốt đẹp!

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Tự hào là đại diện duy nhất của Hà Tĩnh đạt giải

Tự hào là đại diện duy nhất của Hà Tĩnh đạt giải

(Thanh tra) - Vượt qua gần 220 nghìn tác giả dự thi, Nguyễn Thị Phương Nhi là 1 trong 35 cái tên được vinh danh trong Lễ Trao giải Cuộc thi Tìm hiểu pháp luật về phòng chống tham nhũng, do Thanh tra Chính phủ tổ chức mới đây.

Ngọc Bích

12:30 28/01/2022

Tin mới nhất

Xem thêm