Theo dõi Báo Thanh tra trên
Phương Hiếu
Thứ sáu, 15/10/2021 - 07:00
(Thanh tra) - Một trong các điểm nhấn nổi bật mà Tổng Thanh tra Chính phủ Đoàn Hồng Phong nhấn mạnh về kết quả công tác 9 tháng đầu năm 2021 của Thanh tra Chính phủ là việc tổ chức Cuộc thi “Tìm hiểu pháp luật về phòng, chống tham nhũng”.
Toàn cảnh lễ phát động Cuộc thi "Tìm hiểu pháp luật về phòng, chống tham nhũng". Ảnh: LP
Cuộc thi là một trong những điểm nhấn ấn tượng của ngành
Theo Tổng Thanh tra Đoàn Hồng Phong, dù trong điều kiện dịch bệnh Covid - 19 có những diễn biến phức tạp nhưng các đơn vị được giao như Báo Thanh tra và Vụ Pháp chế đã khẩn trương thực hiện các công đoạn tổ chức phát động Cuộc thi tạo không khí sôi nổi, thu hút sự tham gia của rất nhiều cán bộ, công chức, viên chức và người dân trong cả nước.
Có thể nói, việc tổ chức Cuộc thi “Tìm hiểu pháp luật về phòng, chống tham nhũng” là một trong những cách tuyên truyền nhanh nhất và hiệu quả nhất tới đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức và người dân. Thông qua Cuộc thi giúp nhiều người dân hiểu rõ hơn các quy định của pháp luật về phòng, chống tham nhũng; nâng cao nhận thức cho đội ngũ cán bộ công chức, viên chức và người lao động trong thực hiện nhiệm vụ được giao.
“Cuộc thi đã lan tỏa tới nhiều đối tượng, đã thu hút sự tham gia của các cán bộ, công chức, viên chức và người dân trong cả nước được xem là 1 trong các điểm nhấn của Cơ quan Thanh tra Chính phủ trong 9 tháng đầu năm”, Tổng Thanh tra Chính phủ Đoàn Hồng Phong nhấn mạnh.
Tiến sĩ Trần Ngọc Liêm, Phó Tổng Thanh tra Chính phủ, Trưởng ban Tổ chức cho biết, Đề án “Tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về phòng, chống tham nhũng giai đoạn 2019 - 2021” được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt với mục tiêu chung là tạo chuyển biến mạnh mẽ trong nhận thức, ý thức chấp hành, học tập, tìm hiểu pháp luật về phòng, chống tham nhũng và đạo đức liêm chính; xây dựng lối sống liêm chính và tuân thủ pháp luật về phòng, chống tham nhũng trong cán bộ, công chức, viên chức và nhân dân; đưa công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về phòng, chống tham nhũng với nhiều hình thức phong phú, thiết thực, hiệu quả; góp phần tích cực vào công tác phòng, chống tham nhũng hiện nay.
Thực hiện Đề án, Thanh tra Chính phủ được giao chủ trì tổ chức biên soạn, phát hành các cuốn sách có nội dung pháp luật về phòng, chống tham nhũng; hệ thống hóa các văn bản chính sách, pháp luật về phòng, chống tham nhũng; Công ước của Liên hợp quốc về chống tham nhũng và sự tham gia của Việt Nam; kinh nghiệm quốc tế về phòng, chống tham nhũng; giáo dục đạo đức liêm chính cho thanh, thiếu niên; phòng, chống tham nhũng trong khu vực ngoài Nhà nước; vai trò của xã hội trong phòng, chống tham nhũng; bảo vệ người tố cáo tham nhũng; minh bạch, liêm chính và trách nhiệm giải trình trong hoạt động công vụ; hỏi - đáp pháp luật về phòng, chống tham nhũng …
Với mong muốn triển khai thực hiện có hiệu quả các nhiệm vụ đã được Thủ tướng Chính phủ giao, nâng cao nhận thức về phòng, chống tham nhũng của cán bộ, công chức, viên chức và người dân, qua đó nâng cao chất lượng, hiệu quả việc thực hiện nhiệm vụ, công vụ, góp phần phòng, chống tham nhũng; đồng thời, phát huy tính tiên phong, gương mẫu của cán bộ, đảng viên trong thực hiện pháp luật về phòng, chống tham nhũng; cũng như việc quan tâm, phối hợp của các cấp ủy Đảng, chính quyền, đoàn thể trong công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật và tạo sức lan tỏa, hình thành ý thức tự giác thực hiện các quy định của pháp luật về phòng, chống tham nhũng, ngày 4/9/2019, Thanh tra Chính phủ đã ban hành Kế hoạch số 1512/KH-TTCP thực hiện Đề án “Tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về phòng, chống tham nhũng giai đoạn 2019 - 2021”.
Trong kế hoạch này, Thanh tra Chính phủ có kế hoạch đề tổ chức Cuộc thi “Tìm hiểu pháp luật về phòng, chống tham nhũng” gắn việc tổ chức Cuộc thi với việc thực hiện trách nhiệm tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về phòng, chống tham nhũng của các cơ quan thanh tra Nhà nước.
Theo tiến sĩ Trần Ngọc Liêm, việc thực thi pháp luật về phòng, chống tham nhũng đối với đội ngũ cán bộ công chức, đảng viên là bắt buộc, nhưng đối với người dân càng quan trọng hơn trong việc giám sát việc thực thi để làm sao công cuộc phòng, chống tham nhũng càng ngày càng có hiệu quả hơn nên việc tổ chức Cuộc thi là rất cần thiết.
Cuộc thi thu hút số lượng người tham gia
Ngay sau khi phát động, Cuộc thi đã nhận được sự hưởng ứng nhiệt tình của các cán bộ, công chức, viên chức và người dân trong cả nước.
Nhằm hưởng ứng Cuộc thi và đẩy mạnh công tác tuyên truyền hiểu biết pháp luật về phòng, chống tham nhũng, các bộ, ngành, địa phương đã ban hành kế hoạch thực hiện qua nhiều hình thức khác nhau. Một số tỉnh như Bắc Ninh, Ninh Thuận, Thanh Hóa, Nghệ An, Thừa Thiên- Huế … đã lan tỏa tới cấp xã.
Sau gần 2 tháng phát động, đến nay Cuộc thi “Tìm hiểu pháp luật về phòng, chống tham nhũng” đang bước vào những ngày cuối nhận bài. Theo đó, Ban Tổ chức nhận bài thi theo dấu bưu điện (chậm nhất là ngày 15/10). Tuy nhiên, ngoài hình thức chuyển qua đường bưu chính, rất nhiều bộ, ngành, địa phương đã trực tiếp đến Báo Thanh tra và Vụ Pháp chế của Thanh tra Chính phủ để gửi bài dự thi, với số lượng hàng nghìn thậm chí hàng chục nghìn bài/đơn vị, địa phương.
Ông Đỗ Công Định, Phó Tổng Biên tập Báo Thanh tra, Thành viên Ban Tổ chức, Tổ trưởng Tổ Thư kí giúp việc Ban Tổ chức Cuộc thi cho biết, từ khi Ban Tổ chức phát động Cuộc thi đến nay, mỗi ngày ông nhận rất nhiều cuộc điện thoại của các cán bộ, công chức, viên chức thậm chí cả người dân rất quan tâm đến Cuộc thi hỏi về thể lệ cuộc thi, điều kiện được dự thi và địa chỉ gửi bài thi...
Nhiều người còn hỏi bài dự thi viết tay, viết đẹp, có hình ảnh minh họa hay trích dẫn vụ việc cụ thể thì có được điểm cộng cụ thể bao nhiêu? Có trường hợp còn hỏi chèn thêm hình ảnh cho sinh động mà quá số trang thì có được không dù trong thể lệ khi phát động Cuộc thi Ban Tổ chức đã công bố rộng rãi. Thậm chí còn có người hỏi mỗi bài dự thi phải in thành bao nhiêu bản để gửi về Ban Tổ chức. Hay nhiều người còn chia sẻ đây là cơ hội luyện “vở sạch, chữ đẹp”, đã viết đi viết lại rất nhiều lần đến mức thuộc lòng luôn để chọn ra 1 bản sạch đẹp nhất gửi về Ban Tổ chức.
Ông Định nói vui: “Tôi giống như tổng đài viên. Không kể 5- 6h sáng hay 11h đêm mỗi ngày, ngắt cuộc điện thoại này lại đến cuộc khác với rất nhiều câu hỏi thú vị xung quanh việc tham gia Cuộc thi. Qua những cuộc điện thoại đó, tôi thấy được trách nhiệm của các cán bộ, công chức, viên chức và người dân trong công tác tìm hiểu pháp luật về phòng, chống tham nhũng”.
Cũng theo ông Đỗ Công Định, đến thời điểm nay, số lượng bài dự thi được gửi về Báo Thanh tra rất lớn, vượt xa con số dự kiến của Ban Tổ chức. Nhiều bài dự thi được viết tay, trình bày sạch, đẹp có hình ảnh minh họa sinh động.
Ngoài trích dẫn và phân tích sâu những quan điểm, chủ trương, chính sách, nhận định, đánh giá, quyết tâm chính trị của Đảng về công tác phòng, chống tham nhũng, bài dự thi còn dẫn chứng một số vụ việc tham nhũng đã được các cơ quan chức năng phát hiện, xử lý trong thời gian qua; kiến nghị những giải pháp nhằm đẩy mạnh và nâng cao hơn nữa hiệu lực, hiệu quả công tác phòng, chống tham nhũng trong thời gian tới.
Dù phải đối mặt với đợt bùng phát thứ tư của dịch bệnh Covid-19 có những diễn biến phức tạp với biến thể Delta, nhiều địa phương trong cả nước phải thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 của Chính phủ đã ảnh hưởng không nhỏ tới mọi mặt của đời sống xã hội. Tuy nhiên, với sự quyết tâm của tập thể lãnh đạo Thanh tra Chính phủ và toàn thể đội ngũ cán bộ, viên chức, người lao động Cơ quan Thanh tra Chính phủ, các mặt công tác của Thanh tra Chính phủ đều chuyển biến rõ rệt, trong đó có việc phát động Cuộc thi “Tìm hiểu pháp luật về phòng, chống tham nhũng”.
Ông Nguyễn Trọng Thường, 78 tuổi - cán bộ hưu trí, trú tại thôn 1, Chàng Sơn, Thạch Thất, Hà Nội cho biết, thời gian qua cả nước đang gồng mình chống chọi với dịch bệnh Covid - 19, Hà Nội cũng như nhiều địa phương khác trong cả nước phải thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16. Trong thời gian này, người dân được yêu cầu ở trong nhà và đây sẽ là một khoảng thời gian đầy thử thách. Khi ấy, người trẻ, người trưởng thành phải học tập và làm việc tại nhà, đồng thời tập thích nghi với cách sống mới này để góp phần hạn chế sự lây lan của dịch Covid - 19. Thói quen thường ngày bị gián đoạn, phải hạn chế đáng kể các giao tiếp xã hội thông thường. Điều này có thể gây tác động tiêu cực về mặt thể chất và tinh thần.
“Việc Thanh tra Chính phủ tổ chức Cuộc thi “Tìm hiểu pháp luật về phòng, chống tham nhũng” ở thời điểm này là việc làm rất cần thiết và có ý nghĩa rất quan trọng. Bởi, tham gia Cuộc thi, bản thân ông cũng như nhiều người dân trong cả nước, đặc biệt là những người lớn tuổi có thể tranh thủ thời gian nghiên cứu, nâng cao hiểu biết về pháp luật phòng, chống tham nhũng”, ông Thường nhấn mạnh.
Tin rằng, dù trong bối cảnh “bình thường mới” hay cả khi dịch bệnh Covid-19 có những diễn biến phức tạp, nhưng với sự hưởng ứng nhiệt tình của các cán bộ, công chức, viên chức và người dân trong cả nước, Cuộc thi “tìm hiểu pháp luật về phòng, chống tham nhũng” thực sự đúng mục đích giúp nhiều người dân hiểu rõ hơn các quy định của pháp luật về phòng, chống tham nhũng; nâng cao nhận thức cho đội ngũ cán bộ công chức, viên chức và người lao động trong thực hiện nhiệm vụ được giao. Đặc biệt, giúp người dân lấp đầy khoảng thời gian thực hiện giãn cách ở nhà, hạn chế ra đường khi không thực sự cần thiết.
(Bài tuyên truyền thực hiện Nghị quyết 84/NQ- CP ngày 29/5/2020 của Chính phủ)
Ý kiến bình luận:
Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!
(Thanh tra) - Vượt qua gần 220 nghìn tác giả dự thi, Nguyễn Thị Phương Nhi là 1 trong 35 cái tên được vinh danh trong Lễ Trao giải Cuộc thi Tìm hiểu pháp luật về phòng chống tham nhũng, do Thanh tra Chính phủ tổ chức mới đây.
Ngọc Bích
12:30 28/01/2022(Thanh tra) - Phó Tổng Thanh tra Chính phủ (TTCP) Trần Ngọc Liêm, Trưởng Ban Tổ chức nhấn mạnh như vậy tại lễ trao giải Cuộc thi “Tìm hiểu pháp luật về phòng, chống tham nhũng” tổ chức ngày 24/1, tại Hà Nội.
Phương Hiếu - Nguyễn Nhuần
13:34 24/01/2022Xuân Thống
06:36 22/01/2022Hương Giang
Hương Giang
Hương Giang
Minh Thắng
Văn Thanh
Thu Huyền
Uyên Uyên
Uyên Uyên
Cảnh Nhật
Quang Dân
Hương Giang