Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Theo dõi Báo Thanh tra trên

Vụ ông Phạm Phú Quốc có quốc tịch Síp: “Không quốc gia nào chấp nhận ĐBQH có 2 quốc tịch”

Hương Giang

Thứ tư, 26/08/2020 - 14:37

(Thanh tra) - Theo ông Nguyễn Công Khanh, Cục trưởng Cục Hộ tịch, Quốc tịch và Chứng thực (Bộ Tư pháp), không một quốc gia nào chấp nhận ĐBQH, đại biểu HĐND, cán bộ, công chức Nhà nước có 2 quốc tịch.

ĐBQH Phạm Phú Quốc. Ảnh: TN

Hôm qua (25/8), trao đổi với báo chí, ĐBQH Phạm Phú Quốc thừa nhận ông có quốc tịch Cộng hoà Síp (Cyprus).

Ông Phạm Phú Quốc cho biết ông đã có quốc tịch Cộng hoà Síp từ giữa năm 2018, nhưng là do gia đình bảo lãnh. ĐBQH này phủ nhận thông tin “mua” quốc tịch thứ 2.

Trao đổi với PV Báo Thanh tra chiều ngày 26/8, ông Nguyễn Công Khanh, Cục trưởng Cục Hộ tịch, Quốc tịch và Chứng thực (Bộ Tư pháp) cho biết, về nguyên tắc, công dân Việt Nam chỉ được mang 1 quốc tịch. Nhưng trong một số trường hợp ngoại lệ, Việt Nam vẫn cho phép công dân được mang 2 quốc tịch.

Cụ thể, các trường hợp ngoại lệ gồm: Người được Chủ tịch nước cho phép; trường hợp xin trở lại quốc tịch Việt Nam; người Việt Nam định cư ở nước ngoài và đã nhập quốc tịch nước ngoài nhưng vẫn muốn nhập quốc tịch Việt Nam; trẻ em là con nuôi.

Ngoài ra, người có vợ chồng, cha mẹ đẻ, con đẻ là công dân Việt Nam thì được nhập quốc tịch Việt Nam và giữ lại quốc tịch của họ.

Tuy nhiên theo ông Khanh, những trường này chỉ áp dụng với công dân bình thường, không áp dụng cán bộ, công chức, đảng viên.

"Cán bộ, công chức Nhà nước, ĐBQH, đại biểu HĐND đừng bao giờ nghĩ mang quốc tịch thứ 2. Ngay Đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam mang 2 quốc tịch cũng là không chấp nhận được huống chi ĐBQH", ông Khanh nêu quan điểm.

Theo ông Khanh, không một quốc gia nào chấp nhận ĐBQH, đại biểu HĐND, cán bộ, công chức Nhà nước có 2 quốc tịch.

“Tất cả các nước đều quy định đối với cán bộ công chức, ĐBQH, nghị sĩ, công an, quân đội chỉ có một quốc tịch duy nhất của quốc gia đó”, Cục trưởng Cục Hộ tịch, Quốc tịch và Chứng thực nhấn mạnh.

Ông Khanh nói thêm, rất tiếc Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Quốc hội quy định ĐBQH “có một quốc tịch là quốc tịch Việt Nam” chưa có hiệu lực. Tuy nhiên, đã là ĐBQH thì phải tự giác kê khai vấn đề quốc tịch.

Đang tiến hành xác minh

Cũng liên quan đến vụ ông Phạm Phú Quốc có quốc tịch Síp, Trưởng Ban Công tác đại biểu Trần Văn Túy cho biết, ông mới nắm được thông tin ĐBQH Phạm Phú Quốc trả lời trên báo thừa nhận có quốc tịch Síp.

Theo ông Túy, đến thời điểm này, cá nhân ông cũng như Ban Công tác đại biểu chưa nhận được báo cáo nào nói về việc ĐBQH Phạm Phú Quốc có 2 quốc tịch.

“Về mặt thủ tục chúng tôi vẫn tiến hành xác minh đầy đủ theo quy trình. Sẽ yêu cầu ĐBQH báo cáo, Đoàn ĐBQH báo cáo và cơ quan chức năng xác minh. Sau khi có thông tin đầy đủ chúng tôi sẽ báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội để cơ quan này quyết định", ông Tuý cho biết.

Trưởng Ban Công tác đại biểu nói rõ, liên quan đến hộ chiếu, hộ tịch, trước hết phải chờ sự xác minh của các cơ quan quản lý hộ chiếu, hộ tịch xem đại biểu Phạm Phú Quốc có hai hộ chiếu, hộ tịch hay không.

Sau đó, Ban Công tác đại biểu mới tập hợp toàn bộ hồ sơ trình lên Uỷ ban Thường vụ Quốc hội xem xét. Và chỉ có Uỷ ban Thường vụ Quốc hội mới có thẩm quyền đưa ra quyết định cuối cùng về trường hợp của ông Phạm Phú Quốc.

Trả lời về việc một ĐBQH có 2 quốc tịch có đúng luật không? Trưởng Ban Công tác đại biểu cho hay, Luật Tổ chức Quốc hội hiện hành không quy định cụ thể nhưng tinh thần đã là ĐBQH thì không có 2 quốc tịch. Thông lệ quốc tế cũng vậy, ĐBQH không có 2 quốc tịch.

Ông Phạm Phú Quốc 52 tuổi, quê Quảng Trị; từng giữ các chức vụ Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu và Phát triển TP Hồ Chí Minh, Tổng Giám đốc Công ty Đầu tư tài chính Nhà nước TP Hồ Chí Minh, Chủ tịch Hội đồng Thành viên Tổng Công ty Bến Thành TNHH MTV.

Hiện, ông Phạm Phú Quốc là Tổng Giám đốc Công ty TNHH MTV Phát triển công nghiệp Tân Thuận.

Luật Tổ chức Quốc hội hiện hành khi quy định tiêu chuẩn ĐBQH tại Điều 22 chỉ yêu cầu ĐBQH đáp ứng 5 tiêu chuẩn (không có tiêu chuẩn về quốc tịch), bao gồm:

1. Trung thành với Tổ quốc, nhân dân và Hiến pháp, phấn đấu thực hiện công cuộc đổi mới, vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh.

2. Có phẩm chất đạo đức tốt, cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư, gương mẫu chấp hành pháp luật; có bản lĩnh, kiên quyết đấu tranh chống tham nhũng, lãng phí, mọi biểu hiện quan liêu, hách dịch, cửa quyền và các hành vi vi phạm pháp luật khác.

3. Có trình độ văn hóa, chuyên môn, có đủ năng lực, sức khỏe, kinh nghiệm công tác và uy tín để thực hiện nhiệm vụ ĐBQH.

4. Liên hệ chặt chẽ với nhân dân, lắng nghe ý kiến của nhân dân, được nhân dân tín nhiệm.

5. Có điều kiện tham gia các hoạt động của Quốc hội.

Tại kỳ họp hồi tháng 6 vừa qua, Quốc hội đã thông qua Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Quốc hội, theo đó bổ sung khoản 1a vào sau khoản 1 Điều 22, theo đó ĐBQH phải đáp ứng tiêu chuẩn “có một quốc tịch là quốc tịch Việt Nam”. Luật này sẽ có hiệu lực từ 1/1/2021. 

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Tin mới nhất

Xem thêm