Ngày 3/3, Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 2/2023.

Đề cao trách nhiệm người đứng đầu

Theo các ý kiến đánh giá tại phiên họp, tình hình kinh tế - xã hội tháng 2 và 2 tháng đầu năm tiếp tục xu hướng phục hồi, đạt kết quả khả quan trên nhiều lĩnh vực.

Chỉ số nhà quản trị mua hàng (PMI) đã vượt mốc 50 điểm, tăng từ 47,4 trong tháng 1 lên 51,2 điểm trong tháng 2, thể hiện sản xuất phục hồi và mở rộng, đơn đặt hàng mới tăng trở lại.

Giải ngân vốn đầu tư công tăng 4,6 nghìn tỷ đồng, cao hơn 10% so với cùng kỳ. Nhiều khó khăn, vướng mắc được tháo gỡ, thúc đẩy tiến độ xây dựng các công trình, dự án trọng điểm như tuyến đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía đông; các tuyến đường cao tốc Hải Phòng - Thái Bình - Nam Định - Ninh Bình…

Nhất trí với các đánh giá, Thủ tướng cũng lưu ý, ổn định kinh tế vĩ mô chưa thực sự vững chắc, sức ép lạm phát còn cao. Tăng trưởng tín dụng thấp hơn so với cùng kỳ; chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp (IIP) 2 tháng giảm 6,3%.

Các thị trường xuất khẩu lớn, truyền thống bị thu hẹp, đơn hàng, chuỗi cung ứng bị ảnh hưởng. Số doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường còn cao. Trong khi, thị trường bất động sản, trái phiếu doanh nghiệp tiếp tục khó khăn. Tình trạng thiếu thuốc, trang thiết bị y tế chưa được khắc phục triệt để...

Vì vậy, bộ trưởng, trưởng ngành, chủ tịch các tỉnh, thành phải tăng cường kỷ luật, kỷ cương hành chính, phân công, phân cấp rõ ràng đi đôi với phân bổ nguồn lực phù hợp, nâng cao năng lực thực thi và tăng cường kiểm tra, giám sát, đôn đốc.

“Tinh thần là đã nói phải làm, đã cam kết phải thực hiện, đã làm, đã thực hiện phải có kết quả cụ thể”, Thủ tướng nhấn mạnh.

Người đứng đầu Chính phủ nêu rõ các nhiệm vụ trọng tâm. Trong đó, phải đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công; quản lý chặt chẽ, thúc đẩy tiến độ các dự án trọng điểm, nhất là các dự án giao thông.

Cùng với đó, tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy phát triển sản xuất kinh doanh, tạo công ăn việc làm, sinh kế cho người dân. Đẩy mạnh phòng chống tham nhũng, tiêu cực, tăng cường kỷ luật kỷ cương, đề cao trách nhiệm người đứng đầu.

Gỡ khó cho thị trường bất động sản, đẩy mạnh sản xuất kinh doanh

Giao nhiệm vụ cụ thể cho từng bộ, từng ngành, Thủ tướng yêu cầu Ngân hàng Nhà nước thực hiện chính sách tiền tệ chắc chắn, chủ động, linh hoạt, hiệu quả; nghiên cứu, tổ chức thực hiện để giảm mặt bằng lãi suất, tăng khả năng tiếp cận vốn, tăng trưởng tín dụng hướng vào các động lực tăng trưởng (tiêu dùng, đầu tư, xuất khẩu) và các lĩnh vực ưu tiên đã xác định.

Bộ Tài chính khẩn trương trình cấp có thẩm quyền chính sách miễn, giảm, giãn thuế, phí, lệ phí, tiền thuê đất để tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp và người dân.

Với thị trường bất động sản, Thủ tướng giao Bộ Xây dựng chủ trì, hoàn thiện nghị quyết của Chính phủ để tháo gỡ khó khăn.

Tinh thần là tất cả các chủ thể đều phải có trách nhiệm, không ai đổ lỗi cho ai, không một mình ai làm được, điều hành không tạo sự thay đổi đột ngột, giật cục - theo chỉ đạo của người đứng đầu Chính phủ.

Ông cũng yêu cầu Bộ Y tế phối hợp với các cơ quan tập trung xử lý triệt để, tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc trong mua sắm, đấu thầu để giải quyết dứt điểm tình trạng thiếu thuốc, trang thiết bị, vật tư y tế, bảo đảm yêu cầu khám, chữa bệnh cho nhân dân.

Trong đó, Bộ Y tế phải hoàn thiện dự thảo, trình Chính phủ ban hành sửa đổi, bổ sung Nghị định số 98 về quản lý trang thiết bị y tế.

Thủ tướng lưu ý các địa phương tập trung thực hiện tốt 5 công tác: Quy hoạch; giải quyết khó khăn, vướng mắc để đẩy mạnh sản xuất kinh doanh; giải phóng mặt bằng cho các dự án lớn; triển khai các chương trình mục tiêu; xúc tiến đầu tư, thương mại, đa dạng hóa sản phẩm, thị trường, chuỗi cung ứng.

Các tập đoàn, tổng công ty Nhà nước đẩy mạnh đầu tư phát triển, nhất là các dự án đầu tư mới có quy mô lớn, hiệu quả, lan tỏa cao, ứng dụng công nghệ, tập trung vào các ngành chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, kinh tế tuần hoàn, ứng phó biến đổi khí hậu.

Hương Giang