Quốc hội (QH) dành ba ngày thảo luận ở hội trường về tình hình kinh tế - xã hội và ngân sách Nhà nước được bắt đầu từ hôm nay 3/11.

Phụ huynh phải bỏ ra hàng triệu đồng để mua SGK và tài liệu tham khảo

Quan tâm đến vấn đề SKG, đại biểu (ĐB) Nguyễn Thanh Hải (đoàn Tiền Giang) nói, năm học 2020 - 2021 là giai đoạn đầu lộ trình thực hiện chương trình giáo dục phổ thông nhưng đã vấp phải nhiều ý kiến dư luận xã hội khác nhau.

“Đa phần là phản ánh những hạt sạn ngay chính trong SGK, tài liệu để thực hiện giáo dục”, ông Hải nói.

ĐB đoàn Tiền Giang cho rằng, nguyên nhân sâu xa của vấn đề này đến từ việc quá vội vàng trong khâu thẩm định của Hội đồng thẩm định; thiếu kiểm tra, giám sát của chính cơ quan chủ quản giáo dục trong thẩm định hay sự lựa chọn SGK của các địa phương.

Chung mối quan tâm, theo ĐB Đặng Thị Phương Thảo (Phó Hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Khuyến tỉnh Nam Định), SGK cho học sinh lớp 1 có nhiều bất cập “cần phải nhìn nhận lại” như giá thành cao; một số nơi bắt học sinh mua sách tham khảo.

“Cá biệt có những phụ huynh đã phải bỏ ra hàng triệu đồng để mua SGK và sách tham khảo cho con mình”, ĐB Thảo nói.

Ngoài ra, SGK ở một số bộ sách còn có sự thiếu trong sáng về ngôn ngữ, thiếu hệ thống logic, chưa khai thác được kho tàng văn hóa của Việt Nam, dẫn tới giáo viên vừa dạy, vừa phải điều chỉnh.

“Đáng nói, những tồn tại này chỉ đến khi chính thức đưa vào sử dụng mới bộc lộ, mà không được phát hiện sớm hơn trong quá trình biên soạn, thẩm định”, bà Thảo nói và bày tỏ, “là ĐB đang công tác trong ngành Giáo dục, bản nhân tôi cảm thấy rất tiếc về sự cố này”.

Làm rõ bộ sách nào sai, trách nhiệm thuộc về ai

“Quan điểm của tôi thì SGK đã sai thì bắt buộc phải sửa, không thể để thế một hệ học sinh trẻ phải học SGK sai sót như vậy”, bà Thảo, đề nghị Chính phủ, chỉ đạo Bộ Giáo dục và Đào tạo tạm dừng thực hiện các bộ SGK lớp 1 đang lưu hành trên thị trường để khẩn trương rà soát chỉnh sửa.

Với từng môn học cần thành lập một hội đồng thẩm định cấp quốc gia với tất cả các thành viên mới để thẩm định khách quan, minh bạch từng bài học, từng nội dung.

“Chỉ khi nào được xác định chính xác thì mới cho SGK vào sử dụng nhằm tạo sự yên tâm cho toàn xã hội”, ĐB nêu quan điểm và đề nghị, khi thu hồi để chỉnh sửa, cần phải cung cấp sách thay thế và miễn phí cho học sinh, tránh để cho phụ huynh và học sinh thiệt hại kép.

Bà Thảo còn đề nghị, làm rõ mức độ sai sót ở từng khâu để tiến hành xử lý hay kỷ luật các cá nhân khi có dấu hiệu sai phạm. “Để tránh làm bức xúc trong nhân dân, cần có sự vào cuộc của cơ quan điều tra”, bà Thảo nói.

leftcenterrightdel
ĐB Bùi Văn Phương (Ninh Bình) 

Cạnh đó, cũng cần đẩy nhanh tiến độ điều tra, đưa ra xét xử truy cứu trách nhiệm với các hành vi in ấn trái phép, làm giả SGK, sách tham khảo để đảm bảo công bằng về quyền tác giả, quyền xuất bản của từng bộ sách.

Giơ biển tranh luận với ĐB Thảo, ĐB Bùi Văn Phương (Ninh Bình) cho rằng việc biên soạn SGK là vấn đề rất lớn.

“Ngành Giáo dục đã hết sức cố gắng nhưng có một số thiếu sót không tránh khỏi, nhưng không phải sai sót quá nghiêm trọng mà chỉ là một số ngữ liệu ở dạng học âm, học vần chưa thật phù hợp. Không phải sai sót đến mức như ĐB nói phải chuyển cơ quan điều tra hoặc hình sự hoá việc sai sót này”, ông Phương nói.

ĐBQH tỉnh Ninh Bình cũng đề nghị “phải hết sức cẩn trọng”, nếu không sẽ gây tâm lý hoài nghi, hoang mang trong nhân dân, cử tri.

Bộ trưởng xin “tiếp tục lắng nghe để hoàn thiện tốt hơn SGK”

Giải trình sau đó, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ cho biết, thực hiện Nghị quyết 88 của Quốc hội với chủ trương một chương trình, nhiều SGK, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã thẩm định, phê duyệt 46 bộ SGK thuộc 5 bộ sách của ba nhà xuất bản, trong đó, sách Tiếng Việt lớp 1 thuộc Bộ sách Cánh Diều thời gian qua được cử tri và nhân dân góp ý.

leftcenterrightdel
 Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ. Ảnh: CTV

Bộ Giáo dục và Đào tạo đã kiểm tra nghiên cứu ý kiến góp ý của nhân dân, nhà khoa học… thấy nội dung sách Tiếng Việt lớp 1 (một trong 46 sách) có dữ liệu chưa được phù hợp. Từ đó, Bộ đã chỉ đạo tất cả các nhà xuất bản phải rà soát các bộ sách khác.

“Chúng tôi yêu cầu tất cả đều rà soát lại. Theo Nghị quyết 122 là sau 1 năm, Bộ Giáo dục và Đào tạo cho tổng kết, rút kinh nghiệm hoàn thiện SGK. Chúng tôi tiếp thu ý kiến của ĐBQH, nhân dân, cùng với đội ngũ giáo viên trực tiếp giảng dạy tiếp tục rà soát để SGK hoàn thiện hơn”, ông Nhạ nói.

Cũng theo Bộ trưởng, một chủ trương lớn là đổi mới chương trình, đặc biệt là SGK phải có lộ trình. Theo Nghị quyết 51, việc thực hiện đổi mới SGK trong lộ trình 5 năm, năm nay là năm đầu tiên thực hiện, khối lượng nhiều (46 cuốn).

“Cả ngành Giáo dục đã cố gắng nhưng khó tránh khỏi những thiếu sót, chúng tôi tiếp tục lắng nghe để hoàn thiện tốt hơn”, Bộ trưởng Giáo dục và Đào tạo nói thêm.

Theo ông Nhạ, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã ban hành Thông tư 21 trong đó nói rõ không được ép học sinh mua sách tham khảo dưới bất kỳ hình thức nào.

“Rất tiếc là thời gian qua, cá biệt có một số nhà trường chưa thực hiện tốt quy định này. Bộ đã chỉ đạo các địa phương và trực tiếp thanh tra, chấn chỉnh. Tới đây, chúng tôi sửa Thông tư 21 theo hướng tăng chế tài để quản lý chặt sách tham khảo…”, ông Nhạ cho biết.

Về ý kiến ĐBQH cho rằng giá SGK lớp 1 mới giá cao, ông Nhạ cho biết, Bộ tính toán là gấp khoảng 2 lần. Lý do là sách SGK mới có số trang dài hơn, chất liệu, màu tốt hơn và không được hỗ trợ vì thực hiện theo chủ trương xã hội hóa.

Bộ đã đề nghị giảm chi phí giá thành, nhà xuất bản cũng đã giảm 2-3 lần. Đồng thời phối hợp với Bộ Tài chính tham mưu cho Chính phủ trình Uỷ ban Thường vụ QH đưa SGK vào vào mặt hàng Nhà nước định giá. QH đã chỉ đạo phải sửa Luật Giá, Chính phủ giao Bộ Tài chính sửa Luật Giá để đưa mặt hàng SGK vào danh mục mặt hàng Nhà nước định giá.

Hương Giang