Trong các phát biểu và bài viết, nhất là bài “Tiếp tục đổi mới mạnh mẽ phương thức lãnh đạo, cầm quyền của Đảng, yêu cầu cấp bách của giai đoạn cách mạng mới”, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm nhấn mạnh: “Đất nước đang đứng trước thời điểm lịch sử mới, kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc”.

Hiểu thế nào là “thời điểm lịch sử mới, kỷ nguyên mới”? Chia sẻ với phóng viên Báo Thanh tra, PGS.TS Nguyễn Viết Thông, nguyên Tổng Thư ký Hội đồng Lý luận Trung ương nói, từ nay đến năm 2045, Việt Nam có 2 dấu mốc rất quan trọng: Kỷ niệm 100 năm thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam (3/2/1930 - 3/2/2030) và kỷ niệm 100 năm Quốc khánh nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, nay là Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam vào năm 2045.

Giai đoạn này, Đại hội XIII của Đảng xác định mục tiêu cụ thể. Đó là, đến năm 2030, Việt Nam “là nước đang phát triển, có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao”; đến năm 2045, trở thành “nước phát triển, thu nhập cao”.

Theo nguyên Tổng Thư ký Hội đồng Lý luận Trung ương, chuẩn bị cho Đại hội XIV tới đây, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm (Trưởng Tiểu ban Văn kiện) cũng đề cập đến “thời điểm lịch sử mới, kỷ nguyên mới”.

“Tôi được biết, dự thảo các văn kiện Đại hội XIV đang tiếp tục kế thừa mục tiêu Đại hội XIII đã đề ra, đương nhiên là có bổ sung, phát triển mục tiêu nhưng tinh thần cốt lõi vẫn là đến 2045, nước ta trở thành nước phát triển, thu nhập cao. Cho nên nói, kỷ nguyên mới là kỷ nguyên vươn mình mạnh mẽ để Việt Nam phát triển, sánh vai cùng các cường quốc năm châu”, PGS.TS Nguyễn Viết Thông nói.

Trung ương không làm thay, địa phương “quyết, làm và chịu trách nhiệm”

+ Phải chăng để đạt được mục tiêu đưa Việt Nam trở thành nước phát triển, thu nhập cao, cần phải phát huy cao nhất tinh thần “tự chủ, tự tin, tự lực, tự cường, tự hào dân tộc” mà Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm đã nhấn mạnh, thưa ông?

- PGS.TS Nguyễn Viết Thông: Để đạt được mục tiêu, Đại hội XIII của Đảng đã nói đến “tự hào dân tộc”, khơi dậy “khơi dậy khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc”. Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm đã phát triển quan điểm của Đại hội XIII thành 5 “tự” là “tự chủ, tự tin, tự lực, tự cường, tự hào dân tộc”. Phải nói rằng, có “tự hào dân tộc” mà không “tự tin” thì chưa chắc đã thành công.

Tôi thấy có một điểm rất mới trong các phát biểu, bài viết của Tổng Bí thư là “đẩy mạnh phân cấp, phân quyền với phương châm “địa phương quyết, địa phương làm, địa phương chịu trách nhiệm”. Điều này thể hiện phương thức lãnh đạo của Đảng.

leftcenterrightdel
PGS.TS Nguyễn Viết Thông, nguyên Tổng Thư ký Hội đồng Lý luận Trung ương. Ảnh: H.G 

Đảng không bao biện, làm thay Nhà nước; Trung ương không thể “ba đầu, sáu tay” làm thay địa phương; cấp trên không thể làm thay cấp dưới, nên phải phân cấp, phân quyền mạnh mẽ như tinh thần Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm nêu.

+ Theo ông, vì sao Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm cho rằng “yêu cầu đổi mới mạnh mẽ phương thức lãnh đạo, nâng cao năng lực lãnh đạo, năng lực cầm quyền để đưa dân tộc tiếp tục tiến lên đang đặt ra cấp bách”?

- PGS.TS Nguyễn Viết Thông: Đổi mới phương thức lãnh đạo, nâng cao năng lực cầm quyền của Đảng là vấn đề hệ trọng mà Đảng ta đã đề ra từ lâu. Trong các văn kiện của Đảng từ Đại hội VI đến nay và một số nghị quyết chuyên đề đều đề cập đến “đổi mới phương thức lãnh đạo, năng lực cầm quyền của Đảng”.

Cơ chế “Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, Nhân dân làm chủ” qua gần 40 năm đổi mới ngày càng rõ hơn và có bước tiến bộ.

Ví dụ, Cương lĩnh 1991 đã đề ra phương thức lãnh đạo của Đảng. Đến Cương lĩnh bổ sung, phát triển năm 2011, Đảng ta làm rõ hơn các phương thức lãnh đạo của Đảng.

Đầu tiên, Đảng lãnh đạo bằng những quan điểm, chủ trương, đường lối và những chính sách lớn. So với Cương lĩnh 1991, chính sách ở đây có thêm chữ “lớn”. Điều đó cho thấy, Đảng chỉ cho chủ trương về những chính sách lớn, còn những chính sách bình thường thì Nhà nước làm.

Thứ hai, Đảng lãnh đạo thông qua tổ chức đảng và đảng viên.

Thứ ba, Đảng lãnh đạo thông qua công tác tuyên truyền, vận động, thuyết phục và công tác kiểm tra, giám sát của Đảng.

Ngoài ra, các đại hội như Đại hội VI, VIII, IX, X, XII , XIII và một số nghị quyết chuyên đề như khóa XIII thì Hội nghị Trung ương 6 có thảo luận và ban hành chính Nghị quyết số 28 về tiếp tục đổi mới phương thức lãnh đạo, cầm quyền của Đảng đối với hệ thống chính trị trong giai đoạn mới.

Bên cạnh những thành tựu đạt được, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm đã chỉ rõ, đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng vẫn còn nhiều tồn tại, hạn chế. Như, một số chủ trương, định hướng lớn của Đảng chưa được thể chế kịp thời, đầy đủ hoặc đã thể chế nhưng tính khả thi không cao. Mô hình tổ chức của Đảng và hệ thống chính trị vẫn còn những bất cập, làm cho ranh giới giữa lãnh đạo và quản lý khó phân định, dễ dẫn đến bao biện, làm thay hoặc buông lỏng vai trò lãnh đạo của Đảng. Cải cách hành chính, đổi mới phong cách, lề lối làm việc trong Đảng còn chậm…

Vì vậy, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước nhấn mạnh “yêu cầu đổi mới mạnh mẽ phương thức lãnh đạo, nâng cao năng lực lãnh đạo, năng lực cầm quyền để đưa dân tộc tiếp tục tiến lên đang đặt ra cấp bách”.

Tham mưu ở tầm chiến lược, chứ không chỉ tham mưu vụ việc

+ Để tiếp tục đổi mới mạnh mẽ phương thức lãnh đạo, nâng cao năng lực lãnh đạo, năng lực cầm quyền của Đảng như Tổng Bí thư, Chủ tịch nước yêu cầu, theo ông cần phải làm gì?

- PGS.TS Nguyễn Viết Thông: Trong bài viết của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm đã nhấn mạnh vào 4 vấn đề lớn.

Đầu tiên, phải thống nhất nhận thức và thực hiện cho nghiêm phương thức lãnh đạo, cầm quyền của Đảng, tuyệt đối không để xảy ra bao biện, làm thay hoặc buông lỏng sự lãnh đạo của Đảng.

Vấn đề thứ hai, tập trung tinh gọn bộ máy, tổ chức các cơ quan của đảng, thực sự là hạt nhân trí tuệ, là “bộ tổng tham mưu”, đội tiên phong lãnh đạo cơ quan nhà nước.

leftcenterrightdel
 Phát biểu khai mạc Hội nghị Trung ương 10, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm nói, Đại hội XIV là đại hội đánh dấu thời điểm đất nước bước vào kỷ nguyên mới - kỷ nguyên vươn mình của dân tộc, đòi hỏi ngay từ quá trình xây dựng văn kiện, mỗi Uỷ viên Trung ương Đảng, Uỷ viên Ban Bí thư, Uỷ viên Bộ Chính trị cần phát huy cao nhất trí tuệ, trách nhiệm của mình. Ảnh: N.Bắc

Theo tinh thần bài viết của Tổng Bí thư là phải tinh gọn tổ chức bộ máy để các ban Đảng ở Trung ương thật sự là “bộ tổng tham mưu chiến lược”. Không chỉ cấp Trung ương mà kể cả cấp địa phương, các ban Đảng cũng cần phải tinh gọn, nâng cao chất lượng của đội ngũ tham mưu để chúng ta có những người tham mưu ở tầm chiến lược, chứ không chỉ tham mưu vụ việc.

Vấn đề thứ 3 mà Tổng Bí thư nhấn mạnh là đổi mới mạnh mẽ việc ban hành và quán triệt, thực hiện nghị quyết của Đảng. Lâu nay tất cả các văn kiện Đại hội Đảng đều nói vẫn còn tình trạng ban hành nghị quyết nhiều, dàn trải, chồng chéo và tổ chức thực hiện vẫn là khâu yếu.

Ngay khâu tổ chức quán triệt nghị quyết, trước đây gây cảm giác “quanh năm học nghị quyết”, nhưng những năm gần đây, đặc biệt là nhiệm kỳ khóa XIII áp dụng công nghệ thông tin tổ chức học trực tuyến thì gọn hơn. Dù vậy, vẫn có những bất cập khi các cấp ủy Đảng sau khi học trực tuyến coi như xong. Việc đưa nghị quyết vào cuộc sống còn hạn chế.

Vấn đề thứ tư được Tổng Bí thư, Chủ tịch nước nêu rõ là tiếp tục đổi mới công tác kiểm tra, giám sát. Đây là vấn đề rất lớn.

Thực tế công tác kiểm tra, giám sát đã có những bước tiến. Qua, kiểm sát, giám sát tốt chúng ta đã phát hiện và xử lý nghiêm nhiều cán bộ vi phạm. Nhưng, công tác kiểm tra, giám sát vẫn còn hạn chế.  

Hiện, kiểm tra vụ việc nhiều hơn kiểm tra việc thực hiện đường lối, chủ trương của Đảng. Trong khi, nói đến kiểm tra, vấn đề đầu tiên là phải kiểm tra xem việc ban hành đường lối, chủ trương có đúng không; để phát hiện những điều cần phải sửa đổi, bổ sung trong nghị quyết, từ đó, công việc được thực hiện tốt hơn, nghị quyết được thực hiện hiệu quả.

+ Là nhà nghiên cứu, ông thấy còn vấn đề gì cần quan tâm trong “thời điểm lịch sử mới, kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc” để đổi mới mạnh mẽ phương thức lãnh đạo của Đảng, Nhà nước?

- PGS.TS Nguyễn Viết Thông: Theo tôi, còn nhiều vấn đề đang đặt cần phải tập trung để giải quyết, trong đó có vấn đề thể chế. Đảng cầm quyền thông qua Nhà nước. Chức năng, nhiệm vụ của Nhà nước là lập hiến, lập pháp thì Đảng lãnh đạo Nhà nước thể chế hóa quan điểm, chủ trương của Đảng thành luật và những chính sách cụ thể.

Qua 40 năm đổi mới việc thể chế hóa các chủ trương, đường lối của Đảng ngày càng tiến bộ hơn. Như Tổng Bí thư đánh giá, một số chủ trương, định hướng lớn của Đảng chưa được thể chế kịp thời, đầy đủ hoặc đã thể chế nhưng tính khả thi không cao. Bất cập này, còn chưa kể vấn đề tiêu cực trong công tác lập pháp.

Cho nên, Bộ Chính trị đã ban hành Quy định 178 về kiểm soát quyền lực, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong xây dựng pháp luật. Thêm nữa, trong dự thảo văn kiện Đại hội XIV của Đảng, tiếp tục nêu rõ đột phá chiến lược đầu tiên vẫn là thể chế.

Hương Giang (Thực hiện)