Sáng 7/3, Ủy ban Thường vụ Quốc hội tổ chức hội nghị toàn quốc lần thứ 2 triển khai luật, nghị quyết của kỳ họp 6 và kỳ họp bất thường lần thứ 5, Quốc hội khóa 15.

Tại các kỳ họp này, Quốc hội đã thông qua 9 luật và 11 nghị quyết; trong đó có Nghị quyết số 104/2023 về dự toán ngân sách Nhà nước năm 2024.

Trong Nghị quyết 104, Quốc hội đã quy định một số nội dung điều hành ngân sách Nhà nước năm 2023 và về thực hiện chính sách tiền lương.

Đặc biệt, Quốc hội đã quyết định từ ngày 1/7/2024, cả nước thực hiện cải cách tổng thể chính sách tiền lương theo Nghị quyết 27 về cải cách chính sách tiền lương đối với cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang và người lao động trong doanh nghiệp.

Quốc hội cũng quy định về thời hạn áp dụng việc thực hiện cơ chế quản lý tài chính, thu nhập đặc thù với các cơ quan, đơn vị hành chính Nhà nước ở Trung ương.

Theo đó, các cơ quan này sẽ thực hiện áp dụng cơ chế tài chính, thu nhập đặc thù đến hết ngày 30/6/2024. Từ ngày 1/7/2024, thực hiện bãi bỏ tất cả các cơ chế quản lý tài chính, thu nhập đặc thù của các cơ quan, đơn vị hành chính Nhà nước; áp dụng chế độ tiền lương, phụ cấp, thu nhập thống nhất.

Đồng thời, không tiếp tục áp dụng cơ chế đặc thù hiện hành đối với phần kinh phí thường xuyên theo cơ chế quản lý tài chính đặc thù (chi hoạt động, tăng cường năng lực, hiện đại hóa, đảm bảo hoạt động chuyên môn...) của các cơ quan, đơn vị hành chính Nhà nước.

Hơn 134 nghìn cán bộ, công chức đang được hưởng lương đặc thù

Liên quan đến tiền lương, Bộ trưởng Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà cho biết, hiện nay có 36 đơn vị với khoảng 134.284 cán bộ, công chức đang được hưởng lương đặc thù cao hơn mặt bằng chung.

Khi thực hiện cải cách tiền lương, cán bộ, công chức, viên chức ở những đơn vị này sẽ không được hưởng thu nhập đặc thù nhưng vẫn được bảo lưu mức tiền lương như hiện hành, theo bà Trà.

Theo tính toán của Chính phủ khi thực hiện cải cách tiền lương, tổng nhu cầu kinh phí tăng thêm từ ngân sách trong giai đoạn 2024 - 2026 là 499,1 nghìn tỷ đồng.

Trong đó, nguồn dành cho cải cách tiền lương là 470 nghìn tỷ đồng; điều chỉnh lương hưu là 11,1 nghìn tỷ đồng và trợ cấp ưu đãi người có công là 18 nghìn tỷ đồng.

Chính phủ đã chuẩn bị được hơn 560.000 tỷ đồng để thực hiện cải cách tiền lương từ 1/7/2024 đến năm 2026.

Hiện Bộ Nội vụ đã xây dựng xong tờ trình về chế độ tiền lương mới gồm 5 bảng lương mới: Bảng lương chức vụ áp dụng đối với cán bộ, công chức, viên chức giữ chức vụ lãnh đạo; bảng lương chuyên môn, nghiệp vụ theo ngạch công chức và chức danh nghề nghiệp viên chức áp dụng chung đối với công chức, viên chức không giữ chức danh lãnh đạo và 3 bảng lương đối với lực lượng vũ trang.

Bảng lương mới sẽ mở rộng quan hệ tiền lương từ 1 - 2,34 - 10 hiện nay lên 1 - 2,68 - 12.

Nếu tính cả lương cơ bản, phụ cấp và tiền thưởng thì tiền lương trung bình của công chức, viên chức sau khi thực hiện cải cách tiền lương dự kiến tăng hơn 32% so với thu nhập bình quân của lao động làm công hưởng lương (7,5 triệu đồng/tháng).

Những nội dung này đang được các cơ quan có thẩm quyền góp ý trước khi Chính phủ trình xin ý kiến Bộ Chính trị.

Sau khi Bộ Chính trị có ý kiến, đây sẽ là cơ sở cho các cơ quan xây dựng các văn bản tiếp theo để thực hiện cải cách tiền lương từ 1/7/2024.

Hương Giang