Chọn "đúng" và "trúng" vấn đề quan trọng để giám sát

Đánh giá cao công tác phòng, chống dịch Covid-19 của TP Hà Nội, Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh, Hà Nội đã thực hiện có hiệu quả công tác phòng, chống và kiểm soát được dịch bệnh; nhanh chóng phục hồi các hoạt động kinh tế - xã hội.

Kinh tế của TP trong 6 tháng đầu năm tiếp tục tăng trưởng, tổng sản phẩm ước tăng 3,39%, cao hơn mức 1,81% chung của cả nước; công tác cải cách hành chính được quan tâm, nhất là việc thực hiện ứng dụng công nghệ thông tin để giải quyết các thủ tục hành chính; quy hoạch, quản lý xây dựng và trật tự đô thị đã có những chuyển biến tích cực...

"Những kết quả trên đã minh chứng cho sự nỗ lực, cố gắng của TP, trong đó có sự đóng góp quan trọng của HĐND TP" - Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh và cho biết thêm, thời gian qua, HĐND TP đã bám sát các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước và nghị quyết của cấp ủy, cụ thể hóa thành các nghị quyết, ban hành cơ chế, chính sách, các biện pháp thiết thực, khả thi; chọn “đúng” và “trúng” các vấn đề quan trọng, cấp bách để giám sát; nâng cao chất lượng công tác tiếp xúc cử tri, tiếp công dân, đôn đốc giải quyết kiến nghị, khiếu nại, tố cáo.

Nhận định 6 tháng cuối năm, tình hình dịch bệnh Covid-19 được dự báo tiếp tục diễn biến phức tạp, ảnh hưởng toàn diện, sâu rộng đến tất cả quốc gia trên thế giới, trong đó có Việt Nam, Chủ tịch Quốc hội đề nghị, Hà Nội quan tâm thực hiện nhiều nội dung, trong đó cần thực hiện đồng bộ, hiệu quả các cơ chế, chính sách, nhất là về tài chính, tiền tệ, an sinh xã hội.

Quan tâm làm tốt công tác quy hoạch và quản lý theo quy hoạch trên cơ sở thực hiện nghiêm túc, đầy đủ các quy định của pháp luật về quy hoạch; tăng cường kỷ luật, kỷ cương trong quản lý đô thị, quản lý đất đai. Xử lý nghiêm những vi phạm về trật tự xây dựng, an toàn giao thông, trật tự đô thị, trật tự công cộng.

Đồng thời đẩy mạnh cải cách, đơn giản hoá thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, tập trung giải quyết các điểm nghẽn, bất cập, tạo điều kiện thông thoáng cho nhà đầu tư, doanh nghiệp (DN). TP cần có các giải pháp quyết liệt, thận trọng, nhưng linh hoạt trong chỉ đạo điều hành, phù hợp với tình hình thực tế để phát triển kinh tế - xã hội của Thủ đô. Chuyển đổi phù hợp cơ chế kiểm tra, giám sát từ tiền kiểm sang hậu kiểm, gắn với minh bạch hoá các chế tài xử lý có đủ sức răn đe; giảm số lượng, tránh chồng chéo trong thanh tra, kiểm tra. Kiên quyết xử lý nghiêm, kịp thời những trường hợp vi phạm…

“Hiến kế” thực hiện “mục tiêu kép”

Thông tin tới các đại biểu về tình hình phát triển kinh tế - xã hội của Thủ đô, Phó Chủ tịch UBND TP Nguyễn Doãn Toản cho biết, sau khi giảm sâu nhất vào tháng 4, từ tháng 5, 6, hầu hết các chỉ tiêu đều tăng so với tháng trước; sản xuất, kinh doanh từng bước phục hồi. Tổng sản phẩm trên địa bàn 6 tháng đầu năm tăng 3,39% - mức tăng khá cao so với các tỉnh, TP và mức chung của cả nước…

Để đạt được mức tăng trưởng trên, theo ông Toản, TP đã triển khai đồng bộ nhiều giải pháp, trong đó, đã tích cực tháo gỡ khó khăn cho DN, cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư kinh doanh, tạo môi trường kinh doanh bình đẳng để DN yên tâm đầu tư; khẩn trương rà soát, giãn, hoãn hơn 17.500 tỷ đồng tiền thuế cho các DN…

Nhận định 6 tháng cuối năm sẽ còn nhiều khó khăn, thách thức, TP đã xây dựng 2 kịch bản tăng trưởng. Với 2 kịch bản này Hà Nội đều quyết tâm đưa GRDP cả năm của Hà Nội gấp 1,3 lần cả nước.

Thảo luận về giải pháp thúc đẩy phát triển kinh tế sau đại dịch Covid-19, nhiều đại biểu đã có những đóng góp tâm huyết để thực hiện “mục tiêu kép”.

Đại biểu Phạm Đình Đoàn (quận Hoàng Mai) cho rằng, TP cần đánh giá lại quỹ đất để lựa chọn nhà đầu tư phù hợp, theo hướng mang lại giá trị cao, phù hợp với môi trường đô thị. Bên cạnh đó, TP nên thành lập các cơ quan giám sát tiến trình cắt giảm các rào cản kinh doanh. Cơ quan này của TP đóng vai trò độc lập, có tiếng nói quyết định, không tham gia quản lý, không có DN “sau lưng”, không thực hiện cấp phép mà chỉ thực hiện rà soát chất lượng các văn bản và phải là những nhà chuyên môn giỏi và thực sự công tâm.

Cho rằng, Hà Nội là trái tim của cả nước, đại biểu Đỗ Thùy Dương (Cầu Giấy) đưa ra đề xuất, TP cần tập trung vào công tác giáo dục, y tế, dịch vụ, thương mại… Theo đại biểu, hiện TP đã cung cấp dịch vụ cho hơn 5.000 học sinh nước ngoài, trong tương lai với tình hình dịch bệnh và niềm tin vào sự an toàn của Việt Nam, nhiều người sẽ chọn sinh sống ở Việt Nam, là cơ hội rất lớn cho Hà Nội.

Về thu hút du lịch nội địa, đại biểu Đỗ Thùy Dương cho rằng, cần đầu tư xây dựng những mô hình du lịch sáng tạo hay du lịch trải nghiệm, đầu tư biến mảng văn hóa xã hội thành động lực dẫn dắt nền kinh tế phát triển.

Chung quan điểm, đại biểu Nguyễn Minh Chung (huyện Thanh Oai) chia sẻ, đại dịch Covid-19 cùng các chính sách bảo hộ nội địa của các quốc gia lớn đã làm nổi lên vấn đề bảo toàn, phát huy nội lực của các nước, nên du lịch nội địa cần được coi trọng.

“TP đã có nhiều chương trình quảng bá du lịch Hà Nội, song cần phát triển mạnh hơn các chương trình để 6 tháng tới có thay đổi mạnh mẽ. Trong mùa thu tới có dịp 2/9, 10/10, Đại hội Đảng bộ TP, nên có thể thực hiện tour Hà Nội mùa thu; khai thác thế mạnh từ các sản vật, ẩm thực, làng nghề của TP… để kêu gọi đầu tư, nên cần có chính sách cụ thể” - đại biểu Chung nói.

Ngày làm việc thứ 2 (ngày 7/7), các đại biểu tiếp tục xem xét, thông qua 1 nghị quyết thường kỳ, 11 nghị quyết chuyên đề và 2 nghị quyết về nhân sự. Trong đó, nhiều nghị quyết liên quan đến dân sinh như: Quy định mức thu học phí đối với giáo dục mầm non, phổ thông công lập; mức hỗ trợ đối với cán bộ, công chức, người hoạt động không chuyên trách cấp xã, người hoạt động không chuyên trách ở thôn, tổ dân phố nghỉ việc do sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã và sắp xếp thôn, tổ dân phố; thành lập mới thôn, tổ dân phố tại các quận, huyện, thị xã; ban hành một số quy định thu phí, lệ phí...

Hải Hà