Ngày 5/12, Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, Ban Kinh tế Trung ương, Viện Hàn lâm khoa học xã hội Việt Nam phối hợp tổ chức Diễn đàn Kinh tế Việt Nam 2021 với chủ đề “phục hồi và phát triển bền vững”.

Khả năng hấp thụ vốn vào nền kinh tế đang khá thấp

Nêu ý kiến về gói hỗ trợ tổng thể phục hồi và phát triển kinh tế, ông Vũ Hồng Thanh, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội cho rằng, phải tập trung “kích” cả phía cung và cầu hiện đang suy yếu vì COVID -19.

Ông cũng cho rằng, liều lượng quy mô gói phục hồi phải đủ lớn, đủ mạnh. Đồng thời phải khả thi, thực thi nhanh; phối hợp hài hoà giữa các chính sách vĩ mô; tập trung vào các ngành, lĩnh vực có khả năng hấp thụ nhanh, an toàn để tạo “cú hích” cho nền kinh tế.

“Các chính sách hỗ trợ cần phân bổ nguồn lực công khai, minh bạch. Chúng ta muốn nhanh, rộng nhưng phải có cơ chế kiểm soát, kiểm toán để chính sách phát huy hiệu quả, tránh tham nhũng lãng phí, lợi ích nhóm”, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh nhấn mạnh.

leftcenterrightdel
 Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh. Ảnh: Đ.X

Đồng ý phải có gói hỗ trợ, đại biểu Quốc hội Hoàng Văn Cường, Phó Hiệu trưởng Đại học Kinh tế quốc dân nêu, vấn đề là làm cách nào để nền kinh tế hấp thụ, nguồn lực đi vào phát triển chứ không để lại hệ quả.

Theo ông Cường, tốc độ chuyển vốn vào các hoạt động đầu tư phát triển, như giải ngân đầu tư công, tăng trưởng tín dụng hiện đều đang chậm.

Tới thời điểm này, giải ngân đầu tư công mới đạt hơn 70%, khả năng về đích giải ngân năm nay khó đạt được. Tăng trưởng tín dụng mới hơn 8%, thấp so với kỳ vọng. “Khả năng hấp thụ vốn vào nền kinh tế đang khá thấp”, ông Cường nhận xét.

Vấn đề nguy hiểm hơn là nguồn vốn vào nền kinh tế nhưng có vào hoạt động sản xuất kinh doanh hay chệnh hướng?

Ông Cường phân tích, nếu đầu tư tốt thì bỏ ra 1 đồng, giá trị sản phẩm tạo ra thu được hơn 1 đồng. Nhưng với Việt Nam, theo đánh giá của giới nghiên cứu, vốn đầu tư bỏ ra 1 đồng, giá trị tạo ra lại chưa được 1 đồng.

“Đầu tư 100 đồng thì giá trị tạo ra chỉ khoảng 79 đồng, hơn 20 đồng còn lại đang đi đâu đó, và thường số tiền thất thoát đầu tư này sẽ vào tiêu dùng, khiến lạm phát tăng. Nguy hiểm hơn tiền này chảy vào các lĩnh vực đầu cơ, rủi ro như bất động sản, chứng khoán”, ông lo lắng.

Gói hỗ trợ cần được giám sát “từ xa, từ sớm”

Từ phía cộng đồng doanh nghiệp, ông Đặng Hồng Anh, Chủ tịch Hội Doanh nghiệp trẻ Việt Nam nhấn mạnh khía cạnh giám sát, phối hợp trong triển khai gói hỗ trợ.

Dẫn ví dụ từ gói kích cầu năm 2009, theo ông Hồng Anh, dù gói kích cầu đã góp phần tăng trưởng nhưng cũng gây ra lạm phát, bất ổn vĩ mô do thực hiện còn thiếu đồng bộ, thiếu cơ chế giám sát nên dòng tiền ít vào sản xuất mà “chảy” vào chứng khoán, bất động sản.

Do đó, đại diện Hội Doanh nghiệp trẻ Việt Nam kiến nghị Quốc hội tăng cường giám sát theo tinh thần “từ xa, từ sớm” ngay từ khâu xây dựng chính sách, đánh giá hiệu quả quá trình triển khai gói hỗ trợ.

Theo ông, cách làm này đặc biệt phù hợp với các chính sách kích cầu kinh tế. Vì cho phép chính sách được cập nhật, điều chỉnh kịp thời khi gặp những vướng mắc, vấn đề phát sinh trong thực tiễn, tránh “sự đã rồi”.

“Đặt hàng” tư nhân giải ngân đầu tư công

Từ đó, ông Cường cho rằng, đi cùng với tăng nguồn đầu tư, phải có giải pháp để tăng giải ngân đầu tư công, tăng vốn tín dụng và kiểm soát dòng tiền đi vào các lĩnh vực cần thiết.

Để tăng hấp thụ vốn tín dụng, theo Phó Hiệu trưởng Đại học Kinh tế quốc dân, cần thay đổi phương thức tiếp cận vốn cho các doanh nghiệp. Ngân hàng không nên tập trung vào tài sản thế chấp, tài sản bảo đảm… mà phải đồng hành cùng doanh nghiệp, giải ngân vay theo các hợp đồng sản xuất.

Với đầu tư công, ông Cường nhấn mạnh bối cảnh đặc biệt cần giả pháp đặc biệt và đề xuất, “đặt hàng” tư nhân giải ngân đầu tư công, chứ không chỉ các cơ quan Nhà nước như quy trình truyền thống.

Cạnh đó, hướng dòng tiền vào các lĩnh vực tạo ra cơ hội phát triển như nhà ở xã hội.

“Các chính sách hiện nay chủ yếu về phục hồi, còn về phát triển bền vững, đột phá chưa được nói nhiều. Đây là giai đoạn Chính phủ cần dùng vốn đặt hàng để phát triển những ngành trụ cột như nhà ở, đường sắt đô thị, dịch vụ hậu cần tàu biển…”, GS.TS Hoàng Văn Cường đề xuất và nhấn mạnh, chương trình phục hồi phải gắn chặt chẽ với tái cấu trúc nền kinh tế, để nền kinh tế không chỉ phục hồi mà gắn với phát triển bền vững.

leftcenterrightdel
Ông Đặng Hồng Anh, Chủ tịch Hội Doanh nghiệp trẻ Việt Nam 

Nêu hàm ý chính sách với Việt Nam, Kinh tế trưởng Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB) tại Việt Nam Nguyễn Minh Cường nói rằng, đầu tư công tiếp tục là trụ đỡ của phát triển kinh tế trong giai đoạn tiếp theo.

“Đầu tư vào cơ sở hạ tầng bền vững sẽ hỗ trợ quá trình tái cơ cấu nền kinh tế giai đoạn hậu COVID -19”, Kinh tế trưởng ADB phát biểu.

Cần tiếp tục đầu tư vào cơ sở hạ tầng hỗ trợ cho xuất khẩu; hạ tầng số; hạ tầng xanh thích ứng với biến đổi khí hậu; chú trọng ưu tiên đẩy mạnh giải ngân các dự án lớn, dự án quan trọng quốc gia, có sức lan tỏa lớn đang trong quá trình thực hiện…

Có thể nâng gói ngân sách hỗ trợ lên khoảng 5-7%

Ông Nguyễn Minh Cường cũng nhấn mạnh, để vượt qua khủng hoảng do COVID -19, sớm hồi phục và phát triển thì giải pháp y tế vẫn mang tính chất “quyết định và chủ yếu”. Còn chính sách kinh tế vĩ mô là công cụ “mang tính hỗ trợ”, trong đó, chính sách tài khóa đóng vai trò chủ đạo song vẫn cần kết hợp hài hòa với chính sách tiền tệ.

 “Trong ngắn hạn Việt Nam có thể chấp nhận mức bội chi cao hơn và nợ công tăng trong giai đoạn 2021-2023 để hỗ trợ nền kinh tế”, chuyên gia này nêu.

Sau 2 năm, khi nền kinh tế đã dần phục hồi thì có các biện pháp mở rộng cơ sở thu, tăng cường quản lý thu và cải thiện hiệu quả chi ngân sách nhà nước để thiết lập lại kỷ luật tài khóa trong vòng 3-5 năm sau, đảm bảo các chỉ tiêu an toàn tài chính quốc gia trong giai đoạn 2021-2025.

leftcenterrightdel
 Kinh tế trưởng ADB tại Việt Nam Nguyễn Minh Cường

Chuyên gia ADB nhận định, gói ngân sách hỗ trợ cho nền kinh tế ở Việt Nam hiện chưa đến 3% GDP nên có thể nâng lên khoảng 5% - 7% GDP đáp ứng các tiêu chí kịp thời, đúng đối tượng, đủ dài, đủ bao trùm để mang lại hiệu quả như mong đợi.

Thực tế, để đối phó với đại dịch COVID -19, Chính phủ các nước đã sử dụng chính sách tài khóa nghịch chu kỳ nhằm chống lại suy thoái kinh tế, an sinh xã hội và tạo việc làm cho người dân.

Nhật Bản, Singapore, Hàn Quốc, Thái Lan có các gói kích thích tương đối lớn, chiếm trên 15% GDP, các nước còn lại quy mô các gói kích thích khiêm tốn hơn.

Đi cùng với các thực hiện các gói kích thích kinh tế, bội chi và ngân sách cũng tăng cao, một số nước đã áp dụng nới lỏng trần nợ công. “Gần đây nhất là Thái Lan đã nâng trần nợ công từ 60% lên 70% GDP”, Kinh tế trưởng ADB tại Việt Nam thông tin.

Hương Giang