Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Theo dõi Báo Thanh tra trên

Tiếp tục học tập, làm theo gương Bác

Thứ hai, 03/10/2011 - 11:38

(Thanh tra)- Trong kháng chiến chống thực dân Pháp, đế quốc Mỹ xâm lược không có cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”. Cụm từ “tư tưởng Hồ Chí Minh” đã có từ lâu, có thể từ Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ 2, năm 1951, nhưng chưa có Nghị quyết Trung ương… thừa nhận.

Phải chăng, bấy giờ quân và dân ta không biết học, chưa biết học Bác? Hay là, cơ quan tuyên giáo của Đảng, các cấp tuyên giáo trong Đảng, trong quân đội, trong chính quyền, trong các đoàn thể dân chúng (quân - dân - chính Đảng) không biết để mà “dạy”?

Chắc chắn là không phải!

Trong thời gian kháng chiến kiến quốc ấy, toàn dân ta, các dân tộc, tôn giáo, giai tầng xã hội đều “gian khổ có nhau, sung sướng ngọt bùi sẻ chia”. Tuy có lúc, vì làm sai tư tưởng, đường lối của Hồ Chí Minh, có lúc đề cao quá “giai cấp đấu tranh”, “vô sản chuyên chính”, nhưng những “vết thương” ấy cũng không thể làm cho con người Việt, dân tộc Việt suy sụp.

Trong thời kỳ ấy, sự phân chia giàu nghèo, sang hèn không quá rộng, quá dài. Tổng Bí thư, Chủ tịch nước, Thủ tướng Chính phủ cũng đi bộ, ăn cơm nắm, cơm độn. Từ năm 1945 đến giai đoạn khoảng 1949 -1950, cán bộ đều không có lương ăn, áo mặc - tình nguyện cứu nước, giữ nước, yêu nước thì tự lo lấy cái ăn, xin dân mà ăn, sản xuất mà ăn, tự lo tìm lấy quần áo, tự lo lấy một phần vũ khí mà đánh giặc.

Nói như vậy không phải để “tụng ca” mãi “chủ nghĩa gian khổ”, còn “kháng chiến trường kỳ là còn gian khổ”? Không phải! Muốn nước mạnh, dân phải mạnh, giàu. Ngay trong kháng chiến, nhân dân đã được cải thiện: Cải thiện kinh tế, cải thiện y tế, giáo dục, cải thiện chính trị - mở rộng dân chủ… Và, xã hội cực lực lên án, không chấp nhận kẻ nào đi trái lại đạo đức, lương tâm, nhân cách đương thời. Cho nên, một cục trưởng quân nhu ăn chơi, tham ô, tham nhũng - thiệt hại vật chất tuy không lớn lắm - không lớn như ai đó bây giờ - đã bị hình phạt cao nhất: Xử tử…

Nhân dân lao động, chiến đấu, hi sinh vì họ biết từ Bác Hồ đến ông Thận (Trường Chinh), ông Văn (Võ Nguyên Giáp), ông Tô (Phạm Văn Đồng)… cho tới đại đa số đảng viên, cán bộ đều một lòng như họ; ý chí chung nhất, gian khổ, vui buồn cùng chia sẻ… Họ tin ở nhân cách cán bộ, đảng viên; tin chắc chắn rằng những người này không bỏ rơi người nghèo, người khổ; “không ăn bớt phần cơm” của con cái mình; không làm gì hại Dân, hại Nước. Nhân dân tin ở nhân cách người chỉ đạo, chỉ huy, người lãnh đạo…

Vốn là nông dân, “đặc sệt”, dân ít có điều kiện nghiên cứu, học tập chủ nghĩa Mác “huỷ thể của huỷ thể”… (mà dân coi như - xin mạn phép nói thẳng - nước đổ lá khoai mà thôi)! Nông dân, nhân dân ưa cái có hình hài cụ thể, nắm được, thấy được. Bác Hồ đã dạy: “Một việc làm cụ thể còn giá trị hơn một trăm bài tuyên truyền”. Ví dụ, tuyên truyền nhịn bữa giúp gạo cho dân đang đói, người lãnh đạo tối cao là Chủ tịch nước nhịn thật sự - có các anh em bảo vệ, đảng viên, người ngoài Đảng thấy rõ trăm phần trăm, như ban ngày thanh thiên, bạch nhật, chứ không phải đến bữa không ăn, nhưng khi còn “một mình một cõi riêng ta” thì lại ăn bánh Tây, uống bò sữa!

Nhân dân tin vào nhân cách người lãnh đạo nên họ tin, họ theo. Người gần thì quây quần xung quanh, người xa thì quy tụ về. Nhân cách của người lãnh đạo đã thuyết phục, đã thu phục và cuối cùng đã chinh phục được con tim, khối óc, hành động và niềm tin của nhân dân…

Ở đâu không biết chứ ở Việt Nam này những kẻ “ăn có nói không”, “ăn (tham ô) như rồng cuốn, nói như rồng leo, làm như mèo mửa”, thì dù trăm, ngàn bài tuyên truyền, vận động, “dù hiệp thương, cơ chế” mà vẫn được “ngồi vào ghế” thì cũng là “giá áo, túi cơm”, “ma - nơ - canh” mà thôi!

Không phải cụm từ “đảng viên đi trước, làng nước theo sau” là lý luận, lý thuyết suông đâu! Mưa to, ngập lụt, nhân dân “bơi trong nước”, nhưng các vị “công bộc của dân” còn êm ấm giường đệm, chăn gối… thì làm sao dân không “chửi “ cho… Một đoàn thể, một cơ quan - chính trị, quân sự, kinh tế, văn hoá… không vì dân, mà còn làm hại túi tiền của dân, công sức của dân, tổn thất cho nước… thì như Bác Hồ đã nói trong bài “Tổng cương” Đảng Lao động Việt Nam năm 1951 “dân có quyền đá đít” (nguyên văn).

Đảng viên, cán bộ cũng vậy. Ai không coi dân là chủ - mình là đầy tớ - nông bộc - mà coi dân là kẻ ta điều hành, chỉ huy, “chăn dắt”, “bắt phong trần phải phong trần”, “cho phong lưu mới được phần phong lưu” - hại dân, hại nước - như bọn ngoại xâm, nội xâm thì dân cũng “đá đít” thôi!

Vì sao vậy? Vì những con sâu bọ, sâu mọt ấy tự xoá đi niềm tin trong dân, trong đời sống xã hội, tâm linh của dân… trước hết là nhân cách của mình.

Trở lại cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” đã làm nhiều năm qua, nhưng vẫn mang “tính hình thức”, chưa có hiệu quả rõ rệt… Tiếp tục là điều nên. Nhưng, tiếp tục như thế nào? Đột phá vào đâu? Hay là tiếp tục thi kể chuyện, nói viết - chi tiêu hàng tỷ đồng mà chưa hoặc ít thành công? Đột phá vào cấp nào? Vào ai? Hay chỉ đột phá học tập vào các em học sinh?...

Hướng đột phá là đảng viên, cán bộ. Rất đúng. Và, xin nói theo, rất trúng!

Thường dân, bạch đinh, chân trắng quyền chức gì mà tham ô? Chỉ có cán bộ, dù là “cán bộ trông xe, bảo vệ cổng sắt”… đến cán bộ cấp cao mới có quyền, có điều kiện tham ô. Mà cán bộ, phần lớn là đảng viên. Vậy chống tham ô, học tập tấm gương đạo đức không tham ô của Bác là chống ngay trong Đảng, trong mỗi đảng viên.

Trước hết các cơ sở, tổ chức Đảng, “các tế bào” của Đảng hãy đi trước, hãy làm gương! Nếu không làm được, nhờ người ngoài Đảng, nhờ dân giúp cho. Dân có hàng triệu tai, mắt, ai xấu, tốt, giàu, nghèo,”nói mồm” ra sao, “thực tế” thế nào, dân biết hết!

Số đảng viên, cán bộ chưa bị “nhúng chàm”, tay, óc cần “xem vết xe đổ trước mà tự răn mình”, mà có lòng khiếp sợ!

Đảng viên chỉ có 4 triệu, mà nhân dân ta có 87 triệu. Làm trong sạch đảng viên là điều quan trọng, có thể là quyết định. Nhưng, bên cạnh “điểm” phải chú ý “mặt bằng” khác là toàn dân. Học tập Bác đâu chỉ dành cho đảng viên, cán bộ mà là trách nhiệm, nghĩa vụ, hạnh phúc hôm nay, mai sau của toàn dân tộc, nhân dân.

Có thể đề nghị với 87 triệu đồng bào, cô, bác, anh, chị, em, các cháu, anh bộ đội… nên làm theo “5 tấm gương”, “2 thực hiện” sau đây:

Năm gương nhân cách là:

- Cha mẹ làm gương nhân cách cho con; ông bà làm gương nhân cách cho cháu. Vì “con hư tại mẹ, cháu hư tại bà”.

- Cô, thầy giáo từ mầm non, mẫu giáo đến đại học, sau đại học, đều phải làm gương cho học trò. Không dối trá, giấu dốt, không “ăn quà điểm”, không nhận tiền đút lót luận văn, không ăn cắp bằng cấp, không nêu gương sinh hư hỏng.

- Người lớn trong cộng đồng lấy nhân cách mà làm gương cho toàn xã hội từ việc nhỏ như ném rác ngoài đường, giao thông đúng luật, không ham của rơi… đến không nói tục, chửi bới… Bác sĩ không “tiền trước, khám sau”. Công an không “tiền đâu đưa đây cho chạy”…

- Đảng viên, cán bộ biết giữ nhân cách trước, rèn tài năng sau, mà lãnh đạo dân, tức là lấy đạo làm gốc, làm cái đầu tiên trước hết. Không khai man lý lịch, không “đi cửa trước, rước ra cửa sau”, đàn áp dân, đe nẹt dân, “không bốn nhà, ba vợ, hai tình nhân”; không có những thói xấu mà bộ phim “Chủ tịch tỉnh” phơi bày (trên VTV1)…

- Cơ quan của Nhà nước, chính quyền, quân đội, đoàn thể… từ thấp đến cao lấy “nhân cách của cơ quan” mà làm gương cho dân, cho xã hội, yêu mến dân, tôn trọng dân, bảo vệ dân, đừng coi mình là “cấp trên”, “ban ơn”, “cho phép” coi dân là “thứ” phải chăn dắt… muốn trói là trói, muốn giam là giam, bắn là bắn…

Còn hai thực hiện là gì?

Là chỉ gồm 2 chữ “Trung”, “Hiếu” mà Bác Hồ đã dạy toàn dân ta từ năm 1946 qua học sinh Trường Võ bị Sơn Tây, qua tấm gương nhân cách của Bác từ thời thanh niên đến khi đi theo các vị Mác, Lê-nin…

Như một nhà nghiên cứu về Bác có ý kiến là bao gồm 2, 4, 6, 8 chữ mà thôi:

Trung, Hiếu

Đại Trung, Đại Hiếu

Trung với Nước, Hiếu với Dân

Đại Trung với nước, Đại Hiếu với Dân

Trung với Nước là đừng làm gì, việc gì, dù nhỏ nhất, mà có hại cho Nước, dù “đi một mình, ngủ một chiếu”. Hiếu với Dân là đừng làm gì hại cho dân, dù là việc cỏn con đến việc to lớn, coi dân là Cha là Mẹ, không phải là tôi đòi.

Đó chính là nhân cách con người, trước khi là đảng viên, cán bộ; nhân cách con người Việt, để học tập và thực hành theo tư tưởng, đạo đức Bác Hồ.


Đại tá, tiến sĩ Nguyễn Văn Khoan

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Việt Nam công bố tái ứng cử Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc nhiệm kỳ 2026-2028

Việt Nam công bố tái ứng cử Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc nhiệm kỳ 2026-2028

(Thanh tra) - “Nếu trúng cử vào Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc nhiệm kỳ 2026-2028, Việt Nam sẽ thúc đẩy thực hiện các mục tiêu chung của Hội đồng Nhân quyền là bảo đảm ngày càng tốt hơn việc thụ hưởng quyền con người của mọi người dân trên toàn thế giới”, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Đỗ Hùng Việt khẳng định.

T.Thanh

12:17 13/12/2024

Tin mới nhất

Xem thêm