Theo dõi Báo Thanh tra trên
Thứ hai, 19/11/2012 - 19:04
(Thanh tra) - Hôm nay (19/11), Quốc hội đã dành cả ngày để thảo luận về Dự án (D.A) Luật Đất đai sửa đổi. Đây là một D.A luật rất quan trọng liên quan trực tiếp đến toàn dân và được cử tri rất quan tâm.
Đại biểu Dương Hoàng Hương (Phú Thọ) đồng tình với quy định lập quy hoạch theo 3 cấp
Đa số ý kiến tán thành với quy định lập quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất (SDĐ) gồm 3 cấp: Cấp quốc gia, cấp tỉnh và cấp huyện. Theo đó, sẽ khắc phục được tình trạng thiếu tính liên kết, đồng bộ trong quy hoạch giữa các tỉnh, các vùng; góp phần nâng cao chất lượng quy hoạch, đồng thời tiết kiệm được chi phí và rút ngắn thời gian lập quy hoạch SDĐ, nhất là cấp xã.
Đại biểu Dương Hoàng Hương (Phú Thọ) đồng tình với quy định trên, nhưng nhấn mạnh phải bảo đảm cân đối hài hòa lợi ích giữa 3 nhóm chủ thể tham gia quan hệ đất đai - Nhà nước, người có đất và nhà đầu tư. Đại biểu đề nghị bổ sung quy định về việc lấy ý kiến và tiếp thu ý kiến của người dân bao gồm cả người dân có đất và chủ đầu tư trong quá trình xây dựng quy hoạch cả ở 3 cấp quốc gia, tỉnh, huyện với phương thức và mức độ phù hợp tùy theo từng cấp độ quy hoạch, có thể là thông qua việc lấy ý kiến trên các trang mạng; lấy ý kiến hoặc trưng bày công khai lấy ý kiến về quan điểm, mục tiêu, về các phương án quy hoạch tại những nơi công cộng để tạo điều kiện cho người dân tham gia vào quy hoạch ngay trong quá trình xây dựng.
Cũng có ý kiến đề nghị cần tiếp tục lập quy hoạch, kế hoạch SDĐ theo 4 cấp như Luật Đất đai hiện hành. Đại biểu Danh Út (Kiên Giang) đặt vấn đề: Tại sao chỉ có 3 cấp quy hoạch, kế hoạch SDĐ, không có quy hoạch cấp xã, trong khi đó là cấp cơ sở để quy hoạch, kế hoạch chi tiết là cấp quản lý trực tiếp đất đai. Do đó, đại biểu đề nghị giữ quy hoạch cấp xã, vì nếu chỉ có quy hoạch cấp quốc gia, cấp tỉnh, cấp huyện là những tầm quy hoạch rất rộng sẽ có nhiều quy hoạch treo, cản trở sự phát triển gây ra SDĐ đai không hợp lý.
Vấn đề giá đất, đền bù, hỗ trợ tái định cư cũng là một chủ đề “nóng” được các đại biểu quan tâm. Đại biểu Huỳnh Thành (Gia Lai) cho rằng, Nhà nước không cần quy định khung giá đất mà nên giao việc xây dựng bảng giá đất cho chính quyền cấp tỉnh để giá đất được điều chỉnh linh hoạt phù hợp với thực tế ở địa phương.
Đại biểu Lê Trọng Sang (TP Hồ Chí Minh) khẳng định: Trên thực tế, bảng giá đất công bố tại các địa phương chỉ bằng 30 - 60% giá thị trường. Đơn cử, theo bảng giá đất Hà Nội và TP Hồ Chí Minh, mức cao nhất chỉ là 81 triệu đồng/m2, cũng là mức tối đa trong khung giá đất của Chính phủ. Trong khi đó, giá chuyển nhượng trên thị trường lên đến vài trăm triệu đồng/m2. Sự chênh lệch ấy cho thấy, ngân sách Nhà nước đã thất thu và tạo ra cảm nhận cho người bị thu hồi đất là một sự thiệt thòi quá mức. Vì vậy, đại biểu Sang đánh giá đây chính là nguyên nhân chủ yếu khiến hơn 70% tổng số vụ khiếu nại, tố cáo có liên quan đến đất đai.
Đại biểu Lê Thị Công (Bà Rịa - Vũng Tàu) đề nghị trong Dự thảo Luật không nên quy định việc xác định giá đất phải bảo đảm sát với giá thị trường trong điều kiện bình thường mà xây dựng giá đất dựa vào giá đất phổ biến, trong thị trường giá chuyển nhượng bằng các hợp đồng của các bên liên quan và tham khảo của đơn vị tư vấn khảo sát giá độc lập. Bảng giá đất ban hành sẽ áp dụng ổn định từ 3 - 5 năm được công bố vào năm đầu kỳ, trong quá trình đó nếu có biến động thì UBND tỉnh điều chỉnh cho phù hợp.
Điều 71 Dự thảo Luật đưa ra 6 nguyên tắc bồi thường, hỗ trợ khi Nhà nước thu hồi. Đại biểu Hà Sỹ Đồng (Quảng Trị) đề nghị tách bạch các nguyên tắc bồi thường và các nguyên tắc hỗ trợ, không quy định lẫn lộn vào nhau như Dự thảo. Đối với bồi thường phần bổ sung, các nguyên tắc ngang giá đối với hỗ trợ thì phải theo nguyên tắc bảo đảm tái tạo những thiệt hại mà người bị thu hồi đất phải gánh chịu.
Phải công khai, minh bạch trong quản lý đất
Theo thống kê, có đến 70% các vụ khiếu kiện liên quan đến đất đai, trong đó 52% là có đúng, có sai. Nguyên nhân chủ yếu là việc thu hồi đất, định giá đất, giá trị bồi thường như hỗ trợ, bố trí nơi tái định cư không tương xứng, phù hợp hoặc chưa bảo đảm đầy đủ những điều kiện sống và sinh hoạt. Đây là những vấn đề mà các ý kiến đại biểu đề nghị Ban Soạn thảo cần nghiên cứu cụ thể hóa vào D.A Luật nhằm đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý Nhà nước, quản lý chặt chẽ về đất đai bảo đảm dân chủ, công khai minh bạch, thuận tiện cho người sử dụng vào mục đích.
Đại biểu Lù Thị Lừu (Lào Cai) kiến nghị bổ sung một điều tại Chương VIII quy định về kiểm tra, giám sát, thẩm tra số liệu thống kê trước khi người có thẩm quyền ký quyết định đền bù.
Đại biểu Trần Ngọc Vinh (TP Hải Phòng) đề nghị Dự thảo Luật sửa đổi lần này nên quy định “Nhà nước chỉ thu hồi đất trong trường hợp thật cần thiết vì mục đích quốc phòng an ninh và phục vụ các D.A vì lợi ích công cộng. Trường hợp SDĐ vào mục đích phát triển kinh tế xã hội như xây dựng cơ sở hạ tầng cho các khu kinh tế, khu công nghệ cao, khu công nghiệp, dịch vụ, các D.A 100% vốn nước ngoài, các D.A đầu tư bằng nguồn vốn hỗ trợ phát triển chính thức ODA thì sử dụng cơ chế trưng mua, trưng dụng. Có như vậy mới bảo đảm hài hòa lợi ích của Nhà nước, doanh nghiệp và người dân có đất".
Để khắc phục tình trạng khiếu kiện phải bảo đảm công bằng xã hội - đại biểu Đỗ Văn Vẻ (Thái Bình) - đề nghị bỏ cơ chế thỏa thuận giữa nhà đầu tư với người có đất đang sử dụng.
Đối với những trường hợp thu hồi đất, đại biểu Thân Đức Nam (TP Đà Nẵng) cho rằng, Nhà nước nên công bố, công khai quy hoạch các khoản thuế và phí Nhà nước sẽ thu và Nhà nước chỉ quản lý về quy hoạch và không can thiệp sâu vào quá trình của người SDĐ và chủ đầu tư…
Nhiều đại biểu cho rằng, Dự thảo Luật chưa đề cập đến vấn đề điều kiện mua bán đất đai trong đồng bào dân tộc thiểu số, về nhiệm vụ, quyền hạn đối với đất cộng đồng… Do đó, đề xuất cần có cơ chế hỗ trợ đất cho đồng bào dân tộc thiểu số và quy định cụ thể trong luật miễn tiền SDĐ, tiền thuê đất nông nghiệp cho đồng bào dân tộc thiểu số nghèo và cộng đồng dân tộc thiểu số vùng có điều kiện kinh tế đặc biệt khó khăn, vùng biên giới và hải đảo...
Ý kiến bình luận:
Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!
(Thanh tra) - Thủ tướng nêu rõ tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho các dự án điện tái tạo phải minh bạch, không gây sách nhiễu, nghiêm cấm “chạy chọt”, tiêu cực, tham nhũng.
Hương Giang
20:49 12/12/2024(Thanh tra) - Chiều ngày 12/12, Tỉnh ủy Hậu Giang tổ chức Hội nghị công bố Quyết định của Bộ Chính trị chuẩn y ông Đồng Văn Thanh giữ chức Bí thư Tỉnh ủy Hậu Giang, nhiệm kỳ 2020 - 2025.
Thu Huyền
20:30 12/12/2024Trọng Tài
20:27 12/12/2024Trần Kiên
19:26 12/12/2024Trọng Tài
19:20 12/12/2024Văn Thanh
18:47 12/12/2024Hương Giang
TC
Thái Hải
Thu Huyền
Trọng Tài
Thu Huyền
Cảnh Nhật
Lâm Ánh
Trần Kiên
Lâm Ánh
Trọng Tài
Thái Hải