Theo dõi Báo Thanh tra trên
Chủ nhật, 23/06/2019 - 16:21
(Thanh tra) – Đó là yêu cầu của Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh tại hội nghị sơ kết, đánh giá 18 tháng triển khai Đề án xây dựng TP Hồ Chí Minh trở thành đô thị thông minh giai đoạn 2017 - 2020, tầm nhìn đến năm 2025, diễn ra ngày 22/6.
Toàn cảnh hội nghị. Ảnh: TL
Tích hợp hơn 1.000 camera giám sát
Báo cáo tại hội nghị cho thấy, sau 18 tháng triển khai thực hiện Đề án xây dựng TP Hồ Chí Minh trở thành đô thị thông minh giai đoạn 2017 - 2020, tầm nhìn đến năm 2025 đã đạt được một số kết quả bước đầu, là bước chuẩn bị cơ bản, quan trọng để triển khai các nội dung trong các giai đoạn tiếp theo.
Về xây dựng kho dữ liệu dùng chung và phát triển hệ sinh thái dữ liệu mở, TP đã triển khai hệ thống tích hợp và chia sẻ dữ liệu, thực hiện tích hợp một số cơ sở dữ liệu quan trọng như: Văn bản điện tử, một cửa điện tử, khiếu nại, tố cáo, đường dây nóng, đăng ký doanh nghiệp, đầu tư nước ngoài, chứng chỉ hành nghề y…
TP Hồ Chí Minh đã triển khai thí điểm kết nối, tích hợp dữ liệu các hệ thống camera giám sát của Sở Giao thông vận tải, UBND các quận 1, 12, Phú Nhuận, Gò Vấp. Tổng số camera đã được tích hợp về Trung tâm điều hành hơn 1.000 camera, trong đó phân tích nâng cao dữ liệu cùng lúc 50 camera gồm: Nhận diện khuôn mặt, nhận dạng loại phương tiện, phát hiện đám đông, các sự cố về giao thông, an ninh trật tự…
Về xây dựng trung tâm mô phỏng và dự báo kinh tế - xã hội, đã hoàn thành tập tài liệu tổng hợp các phương pháp khoa học dự báo. Từ đó, đã ứng dụng các mô hình dự báo chuỗi thời gian để dự báo một số chỉ tiêu kinh tế - xã hội chủ yếu cho các năm 2019 và 2020. Phát triển mô hình kinh tế lượng, các bộ dữ liệu vĩ mô và vi mô được khai thác trong điều kiện kỹ thuật cho phép để mô hình hóa, nhằm phân tích một số nội dung thuộc về đặc điểm kinh tế - xã hội.
Bên cạnh đó, UBND TP Hồ Chí Minh cũng đã phê duyệt đề án thành lập Công ty Cổ phần Vận hành Trung tâm An toàn thông tin. Trên cơ sở đề án được phê duyệt, sẽ tổ chức thành lập công ty với phần vốn góp của Nhà nước chiếm từ 51% trở lên vốn điều lệ, với sự tham gia góp vốn của các doanh nghiệp Nhà nước, doanh nghiệp tư nhân có kinh nghiệm trong lĩnh vực an ninh thông tin.
Việc triển khai thí điểm đề án tại một số khu vực cũng đạt một số kết quả bước đầu. UBND quận 1 đã triển khai thí điểm Trung tâm điều hành đô thị thông minh đặt tại trụ sở UBND quận, đã tích hợp hệ thống camera tại địa bàn dân cư và trụ sở Công an các phường với trên 750 camera; UBND quận 12 đã triển khai xây dựng Trung tâm chỉ huy hình ảnh và an ninh đặt tại trụ sở Công an quận, trong đó đã tích hợp hơn 600 camera tại các khu dân cư.
Tại hội nghị, ông Ngô Vĩnh Quý, Phó Tổng Giám đốc Tổng Công ty Giải pháp Doanh nghiệp, Tập đoàn Viettel đã đề xuất TP Hồ Chí Minh cần đề ra các chính sách đột phá nhiều hơn cho các doanh nghiệp có cơ hội tham gia đầu tư trước các dự án liên quan đến Đề án đô thị thông minh theo hình thức xã hội hóa…
Gắn quản lý với ứng dụng công nghệ thông tin
Phát biểu chỉ đạo hội nghị, Bí thư Thành ủy Nguyễn Thiện Nhân cho biết: TP Hồ Chí Minh là địa phương duyệt đề án xây dựng đô thị thông minh sớm trong cả nước. Do đây là vấn đề mới, chưa có thực tiễn, nên khi bắt đầu cũng cảm thấy “quá sức”. TP Hồ Chí Minh xác định đổi mới quản lý gắn với ứng dụng công nghệ thông tin là giải pháp khả thi để phát triển.
Bí thư Thành ủy Nguyễn Thiện Nhân trao đổi với đại biểu tại hội nghị. Ảnh: TL
Theo Bí thư Thành ủy Nguyễn Thiện Nhân, Đề án đô thị thông minh có 5 cấu phần gồm: Chính phủ điện tử, Cơ sở dữ liệu dùng chung, Trung tâm dự báo mô phỏng, Trung tâm điều hành và Trung tâm đảm bảo an ninh mạng. Trong 18 tháng triển khai những công việc liên quan đến Đề án xây dựng TP Hồ Chí Minh trở thành đô thị thông minh đã cho những bài học kinh nghiệm quan trọng.
Ông Nguyễn Thiện Nhân đề nghị UBND TP chỉ đạo khối xây dựng cơ sở dữ liệu của từng ngành và toàn địa bàn cần có hướng dẫn, khẳng định lại các chuẩn dữ liệu từng ngành cũng như có lộ trình thực hiện; đồng thời rà soát, thông qua quy chế sử dụng dữ liệu TP.
Kết luận hội nghị, Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh Nguyễn Thành Phong giao Sở Thông tin và Truyền thông chi tiết kế hoạch thực hiện đề án từng năm cho đến 2025. Cần cụ thể thời gian, sản phẩm hoàn thành cũng như cá nhân, đơn vị phụ trách; đồng thời lập danh mục toàn bộ các công trình, dự án của đề án cần thông qua chủ trương đầu tư theo Luật Đầu tư công, làm cơ sở để bổ sung vào kế hoạch đầu tư công trung hạn 2016 – 2020.
Đồng thời, khảo sát, lựa chọn địa điểm xây dựng, triển khai thử nghiệm các dịch vụ công nghệ viễn thông thế hệ 5 (5G); xây dựng quy chế tích hợp, vận hành kho dữ liệu dùng chung. Trong đó, quy định cụ thể trách nhiệm tích hợp, chia sẻ dữ liệu của các sở, ngành, quận, huyện.
Chủ tịch UBND TP Nguyễn Thành Phong cũng giao Viện Nghiên cứu Phát triển xây dựng quy chế vận hành Trung tâm nghiên cứu mô phỏng dự báo kinh tế - xã hội, trình UBND TP trong tháng 8/2019; giao Sở Nội vụ khảo sát, xây dựng chương trình đào tạo nguồn nhân lực riêng cho đề án, trình UBND TP trong tháng 7/2019.
Ông Nguyễn Thành Phong yêu cầu các sở, ngành, địa phương khi xây dựng các chương trình, kế hoạch, dự án phát triển kinh tế - xã hội phải gắn với ứng dụng công nghệ thông tin, góp phần sớm hoàn thành Đề án đô thị thông minh của TP.
Thiên Lý
Ý kiến bình luận:
Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!
(Thanh tra) - Đồng hành cùng em tới trường tại bản Chiềng Ban (Tú Nang, Yên Châu, Sơn La), Công ty cổ phần ROX Key Holdings đã tài trợ tu sửa lớp học, thư viện, quyên góp sách vở, đồ dùng học tập và trao học bổng cho các em học sinh.
Thu Nga
21:26 11/12/2024(Thanh tra) - Tính đến 10/12/2024, toàn tỉnh có 3.194 hộ nhà tạm, nhà dột nát có nhu cầu cấp thiết cần hỗ trợ xây dựng đảm bảo các tiêu chí; trong đó có 911 nhà sửa chữa, 1.066 nhà cần được hỗ trợ và 1.217 nhà cần xóa.
Trần Kiên
20:41 11/12/2024Trung Hà
15:05 11/12/2024PV
14:44 11/12/2024Bùi Bình
14:37 11/12/2024Văn Thanh
13:59 11/12/2024Hương Giang
Hương Giang
Theo VietinBank
Liên Hương
Thu Nga
Trung Hà
Bùi Bình
Bùi Bình
Trung Hà